Quyết định 1494/QĐ-UBND

Quyết định số 1494/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025

Nội dung toàn văn Quyết định số 1494/QĐ-UBND Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn Hồ Chí Minh


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1494/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 3 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

Căn cứ Quyết định 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

Căn cứ Quyết định số 2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

Căn cứ Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020”;

Căn cứ Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về Phê duyệt Chương trình mục tiêu, phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2231/SNN-QSEAP ngày 21 tháng 12 năm 2012, Công văn số 179/SNN-QSEAP ngày 30 tháng 01 năm 2013; Công văn số 406/SNN-QSEAP ngày 20 tháng 3 năm 2013 về việc phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; ý kiến đề xuất của Sở Tài chính tại Công văn số 1529/STC-ĐTSC ngày 20 tháng 02 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Căn cứ nội dung Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được phê duyệt, các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, Thủ trưởng các sở - ngành và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Trí

 

QUY HOẠCH

VÙNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1494/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

I. THỰC TRẠNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ NĂM 2006 - 2011

1. Về diện tích, năng suất, sản lượng rau giai đoạn 2006 - 2011:

Đến cuối năm 2011, thành phố có 102 xã, phường sản xuất rau với diện tích canh tác 3.024 ha, diện tích gieo trồng rau các loại là 13.915 ha, sản lượng đạt 307.811 tấn/năm; diện tích canh tác rau đủ điều kiện an toàn 2.892 ha và diện tích gieo trồng rau an toàn là 13.637 ha.

So với năm 2006: Diện tích canh tác tăng 999 ha tương đương 49,33%, diện tích gieo trồng tăng 4.680 ha tương đương 50,68%, sản lượng rau tăng 131.423 tấn/năm tương đương 74,51%; Diện tích canh tác rau an toàn tăng 1.180 ha tương đương 68,93%, diện tích gieo trồng rau an toàn tăng 4.864 ha tương đương 55,44%;

So với năm 2010: Diện tích canh tác tăng 150 ha tương đương 5,2%, diện tích gieo trồng tăng 915 ha tương đương 7%, sản lượng rau tăng 23.475 tấn/năm tương đương 8,25%; Diện tích canh tác rau an toàn tăng 157 ha tương đương 5,7%; Diện tích gieo trồng rau an toàn tăng 897 ha tương đương 7%;

Tính đến thời điểm tháng 9 năm 2012, tổng số đơn vị sản xuất rau trên địa bàn thành phố đã được chứng nhận VietGAP là 182 tổ chức sản xuất, cá nhân (bao gồm xã viên của 4 Hợp tác xã: Hợp tác xã Phước An, Hợp tác xã Nhuận Đức, Hợp tác xã Ngã 3 Giồng, Hợp tác xã Thỏ Việt; Liên tổ rau Tân Phú Trung; 4 công ty và các nông hộ) với tổng diện tích 90,16 ha, sản lượng rau khoảng 11.450 tấn/năm.

2. Về cơ cấu chủng loại rau:

Kết quả điều tra tại các hộ sản xuất rau vùng rau tập trung của các quận, huyện cho thấy:

- Nhóm rau ăn lá ngắn ngày bao gồm các cây rau có thời gian sinh trưởng dưới 60 ngày như cải xanh, cải ngọt, cải trắng cải thìa, xà lách…, rau dền, mồng tơi, tần ô, rau đay, rau muống (hạt), … chiếm tỷ lệ 24,73%.

- Nhóm rau ăn củ quả ngắn ngày bao gồm những cây có thời gian sinh trưởng khoảng 4 tháng như đậu côve, đậu đũa, dưa leo, khổ qua, mướp, cải củ… chiếm tỷ lệ 25,55%.

- Nhóm rau ăn củ quả dài ngày bao gồm những cây rau có thời gian sinh trưởng trên 4 tháng như bầu, bí, cà các loại, ớt… chiếm tỷ lệ 12%.

- Rau muống nước chiếm 37,72%.

- Rau mầm: tiếp tục phát triển trên địa bàn các quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn với trên 40 hộ dân, cung cấp 200 - 300 kg/ngày.

3. Về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật:

Nhiều hoạt động nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật sản xuất rau an toàn đã được ngành nông nghiệp triển khai và ứng dụng trong sản xuất có hiệu quả như: sử dụng giống lai F1 (rau ăn lá và ăn quả), chế phẩm BIMA chứa nấm đối kháng Trichoderma, phân bón vi sinh Azotobacterin, nghiên cứu nhân nuôi và sử dụng ong ký sinh trong phòng trị sâu hại, phòng trừ tuyến trùng hại rau; mô hình sử dụng giống lai F1, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học… Năm 2011, diện tích sản xuất rau có sử dụng giống F1 đạt 75,3% diện tích, tỷ lệ hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học trong sản xuất rau đạt 43,2%; tỷ lệ hộ nông dân vi phạm các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn 0,23%.

4. Về phát triển kinh tế tập thể và xúc tiến thương mại:

Hiện nay toàn thành phố có 9 Hợp tác xã và 33 Tổ hợp tác sản xuất Rau an toàn, một số Hợp tác xã, Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả cao như Hợp tác xã Phước An, Hợp tác xã Ngã Ba Giồng và Hợp tác xã Thỏ Việt, Liên tổ Rau an toàn Tân Phú Trung. Bình quân mỗi Hợp tác xã có 68 xã viên và 412 triệu đồng vốn điều lệ.

Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh rau an toàn tham gia hội chợ, triển lãm và ký kết các hợp đồng tiêu thụ rau, quả an toàn. Ngoài ra, còn thiết kế logo và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các Hợp tác xã rau an toàn; thiết kế được 33 website cho các Hợp tác xã và tổ chức sản xuất, kinh doanh rau an toàn.

5. Đánh giá chung:

a) Mặt tích cực:

Diện tích gieo trồng rau năm 2006 là 9.235 ha đến năm 2011 là 13.915 ha đã tăng 4.680 ha tương đương 50,68 % là kết quả của việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Đã có nhiều mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng khoa học kỹ thuật như mô hình giống mới góp phần đa dạng hóa chủng loại rau của thành phố, mô hình cơ giới hóa góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động tại địa phương.

Hầu hết nông dân trồng rau trên địa bàn thành phố đã được tập huấn về tổ chức sản xuất rau an toàn theo quy định VietGAP. Công tác xúc tiến thương mại được thực hiện có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.

Tổ chức sản xuất rau an toàn theo quy định VietGAP đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành đặc biệt là sự tham gia tích cực của chính quyền các cơ sở và các hộ trồng rau trên địa bàn thành phố.

b) Mặt hạn chế:

Chưa xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn tập trung, sản xuất rau chưa ổn định do chịu ảnh hưởng của thời tiết bất thường, giá cả vật tư đầu vào biến động, giá thị trường không ổn định, thiếu lao động ở nông thôn. Hoạt động của một số hợp tác xã, tổ hợp tác chưa có hiệu quả cao.

Vẫn còn một số nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng quy định của Nhà nước. Một số nông dân chưa thực hiện đầy đủ quy định sản xuất rau an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa theo đúng quy định của Nhà nước.

II. QUY HOẠCH VÙNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

1. Quy hoạch diện tích phát triển rau an toàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025:

a) Diện tích quy hoạch sản xuất rau an toàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025:

- Năm 2015 diện tích canh tác rau an toàn thành phố là 3.467 ha. Diện tích gieo trồng 15.801 ha; năng suất 25 tấn/ha, sản lượng 390.760 tấn/năm;

- Năm 2020: diện tích canh tác rau an toàn thành phố là 3.677 ha. Diện tích gieo trồng 16.319 ha; năng suất 27 tấn/ha, sản lượng 437.612 tấn/năm;

- Năm 2025: diện tích canh tác rau an toàn thành phố là 3.817 ha, diện tích gieo trồng 17.103 ha; năng suất 28 tấn/ha, sản lượng 471.580 tấn/năm.

b) Địa bàn quy hoạch:

- Huyện Củ Chi: Năm 2015 diện tích canh tác rau an toàn là 2.602 ha; năm 2020 diện tích canh tác rau an toàn là 2.602 ha và định hướng đến năm 2025 diện tích canh tác rau an toàn là 2.602 ha. Cụ thể tại các xã Nhuận Đức, Bình Mỹ, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, Phước Thạnh, Thái Mỹ, Tân Thông Hội, Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An, Tân Thạnh Đông;

- Huyện Bình Chánh: Năm 2015 diện tích canh tác rau an toàn là 685 ha; năm 2020 diện tích canh tác rau an toàn là 875 ha; định hướng năm 2025 diện tích canh tác rau an toàn là 1.000 ha. Cụ thể tại các xã Tân Nhựt, Hưng Long, Bình Lợi, Tân Quý Tây, Quy Đức;

- Huyện Hóc Môn: Năm 2015 diện tích canh tác rau an toàn là 180 ha; năm 2020 diện tích canh tác rau an toàn là 200 ha; định hướng năm 2025 diện tích canh tác rau an toàn là 215 ha. Cụ thể tại các xã Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn, Nhị Bình;

(Đính kèm Phụ biểu số 01 về diện tích vùng sản xuất rau an toàn theo huyện, xã).

c) Cơ cấu chủng loại rau đến năm 2020, định hướng đến năm 2025:

- Chủng loại rau ăn lá ngắn ngày: bao gồm những cây rau có thời gian sinh trưởng dưới 60 ngày như cải xanh, cải ngọt, cải trắng, cải thìa, xà lách, rau dền, mồng tơi, tần ô, rau đay… năm 2020 bố trí 2.495 ha chiếm khoảng 15% diện tích rau toàn thành phố.

- Chủng loại rau ăn củ, quả ngắn ngày: bao gồm những cây rau có thời gian sinh trưởng khoảng 4 tháng như đậu co ve, đậu đũa, dưa leo, khổ qua, mướp, cải củ… bố trí diện tích 6.652 ha chiếm khoảng 40% diện tích rau toàn thành phố.

- Chủng loại rau ăn củ, quả dài ngày bao gồm những cây rau có thời gian sinh trưởng trên 4 tháng như bầu bí, các loại ớt… bố trí 4.156 ha chiếm khoảng 25% diện tích rau toàn thành phố.

- Chủng loại rau thủy sinh (rau muống nước) bố trí 1.663 ha chiếm khoảng 10% diện tích).

- Nhóm rau khác bố trí 1.663 ha chiếm khoảng 10% diện tích rau toàn thành phố.

2. Quy hoạch hệ thống dịch vụ sản xuất rau an toàn:

a) Dịch vụ giống:

- Tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo và cung ứng giống rau mới có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và phù hợp với thị trường. Hàng năm chuyển giao 4 - 5 giống rau mới chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị của thành phố. Phục tráng các giống rau địa phương có giá trị cao. Khuyến khích đầu tư mới và nâng cấp những cơ sở giống hiện có để đáp ứng nhu cầu cung cấp giống trên địa bàn thành phố, khu vực và xuất khẩu.

- Duy trì và mở rộng diện tích sản xuất giống hiện hữu, ưu tiên áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới vào sản xuất.

- Phát triển vùng sản xuất giống chất lượng cao, xây dựng các trang trại, cơ sở sản xuất giống tập trung để đáp ứng cho nhu cầu giống của thành phố và các tỉnh.

b) Dịch vụ về thuốc bảo vệ thực vật:

- Đảm bảo các điểm cung ứng có thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại, có hiệu quả phòng trừ cao nằm trong danh mục được phép sử dụng trên cây rau, nhất là các loại thuốc có nguồn gốc sinh học ở các vùng sản xuất rau tập trung.

- Điểm cung ứng: 1 xã có 1-2 điểm cung ứng, có chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, địa điểm kinh doanh phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định.

- Công tác thanh tra, kiểm tra: Thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra các địa điểm kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật về điều kiện hành nghề, danh mục thuốc, số lượng, chất lượng thuốc.

c) Dịch vụ về phân bón và các vật tư nông nghiệp khác:

Kết hợp bố trí cùng với các điểm cung ứng dịch vụ cùng với các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật.

3. Quy hoạch cơ sở hạ tầng:

a) Hệ thống thủy lợi:

Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020, đến năm 2015 có 100% hệ thống tưới tiêu cung cấp đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp (trong đó có diện tích rau). Đối với vùng sản xuất Rau an toàn tập trung cần đầu tư thêm hệ thống bể lắng lọc và đường ống dẫn khép kín thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ sản xuất, mở rộng diện tích sản xuất rau có hệ thống tưới tự động theo kiểu phun mù hay phun sương, phù hợp đối với các diện tích rau ăn lá và diện tích ươm cây giống.

b) Hệ thống giao thông:

Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020, đến năm 2015 hoàn thiện mạng lưới giao thông liên suốt nối liền huyện, xã, ấp; có 100% đường giao thông từ trung tâm xã về đến các ấp được tráng nhựa hay bê tông nhựa nóng; đường giao thông trục ấp được cứng hóa; hệ thống giao thông nội đồng được nâng cấp đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đối với hệ thống giao thông trên vùng rau tập trung cần bổ sung các chỉ tiêu để phù hợp với Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 02 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải về ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 như sau:

- Đường giao thông nối từ trục giao thông chính tới vùng sản xuất: có mặt đường rộng tối thiểu 3,5m là đường cấp phối trở lên;

- Đường trục chính của vùng có mặt đường rộng 2,5m, đường nhánh có mặt đường rộng 1,5m;

c) Nhà sơ chế và bể chứa chất thải vật tư nông nghiệp:

- Xây dựng nhà sơ chế ở các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, bố trí mỗi vùng rau an toàn có 01 nhà sơ chế. Trước mắt xây dựng tại 6 mô hình sản xuất chế biến, tiêu thụ rau an toàn.

- Bể chứa chất thải vật tư nông nghiệp: Số lượng bể cần thiết 2-3 cái/ha tại vùng sản xuất rau an toàn tập trung.

4. Các dự án ưu tiên:

a) Các dự án, đề án đã được bố trí theo Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Phê duyệt Chương trình mục tiêu, phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015 gồm:

- Dự án phục tráng một số giống rau địa phương; thử nghiệm và chuyển giao các giống rau có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất;

- Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất Rau an toàn phù hợp sản xuất nông nghiệp đô thị;

- Dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến rau nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch;

- Đề án phát triển sản xuất rau an toàn tại các xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố;

- Chương trình tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng rau, quả trên địa bàn thành phố;

- Chương trình sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất Rau an toàn;

- Đề án xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu Rau an toàn Thành phố Hồ Chí Minh.

b) Các tiểu dự án nằm trong Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học” sử dụng nguồn vốn vay ODA do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ:

- Mô hình Rau an toàn xã Nhuận Đức - huyện Củ Chi (quy mô 31 ha);

- Mô hình Rau an toàn ấp Lào Táo Trung xã Trung Lập Hạ - huyện Củ Chi (quy mô 20 ha);

- Mô hình Rau an toàn ấp Bàu Điều Thượng xã Phước Thạnh - huyện Củ Chi (quy mô 20 ha);

- Mô hình Rau an toàn xã Bình Mỹ - huyện Củ Chi (quy mô 20 ha);

- Mô hình Rau an toàn ấp Phước Hưng xã Phước Thạnh - huyện Củ Chi (quy mô 45 ha);

- Mô hình Rau an toàn Hợp tác xã Phước An (quy mô 20 ha)

5. Giải pháp phát triển rau an toàn:

a) Chính sách về hỗ trợ đầu tư và khuyến khích sản xuất:

- Triển khai thực hiện theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông lâm nghiệp và thủy sản;

- Áp dụng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;

- Áp dụng chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn theo Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông;

- Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất rau an toàn theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

b) Tổ chức sản xuất:

- Thành lập và củng cố các liên kết, hợp tác sản xuất - tiêu thụ rau an toàn giữa các cá nhân, tổ chức trồng rau với các doanh nghiệp: Đa dạng hóa các hình thức hợp tác trong sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã và phân phối tiêu thụ rau an toàn như các thương nhân, chủ vựa rau, chợ đầu mối; Kiện toàn cơ chế sản xuất theo hình thức ký kết hợp đồng nhằm tạo hành lang pháp lý cho liên kết giữa doanh nghiệp phân phối và tiêu thụ rau với người trồng rau an toàn; Tăng cường liên kết giữa người trồng rau với các doanh nghiệp, công ty chuyên ngành cung ứng vật tư nông nghiệp.

- Tăng cường hợp tác giữa cá nhân, tổ chức trồng rau an toàn với các nhà khoa học về giống rau và kỹ thuật canh tác nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng các giống rau mới, kỹ thuật, khoa học công nghệ mới vào trong sản xuất rau trên địa bàn thành phố.

- Hỗ trợ, hướng dẫn hệ thống thương nhân thu mua rau về điều kiện kinh doanh rau an toàn, tạo điều kiện để liên kết thương nhân với các hợp tác xã sản xuất rau an toàn.

- Vận động tuyên truyền tạo ý thức sử dụng rau an toàn cho người tiêu dùng vì sức khỏe cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông.

c) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ:

- Giống rau: Chọn tạo giống rau mới có năng suất cao, phẩm chất tốt, kháng sâu bệnh, sưu tập, bảo tồn, phục tráng các giống địa phương, cung ứng đủ giống rau có chất lượng, giá trị kinh tế cao cho nhu cầu phát triển diện tích rau của thành phố.

- Chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ: Ứng dụng cơ giới hóa phù hợp với sản xuất rau của thành phố, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật hiệu quả cao: nhà lưới, phủ bạt, chà cắm, khay gieo hạt, ứng dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất rau như phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

d) Giải pháp về xúc tiến thương mại:

- Tập trung các giải pháp để cải thiện nâng cao hiệu quả các kênh phân phối đã hình thành, tăng sản lượng rau quả của các hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ tại các siêu thị.

- Tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh rau an toàn tham gia hội chợ, triển lãm và ký kết các hợp đồng tiêu thụ rau, quả an toàn. Ngoài ra, còn thiết kế logo và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các Hợp tác xã rau an toàn; thiết kế được 33 website cho các Hợp tác xã và tổ chức sản xuất, kinh doanh rau an toàn.

6. Vốn đầu tư:

Căn cứ Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông lâm nghiệp và thủy sản. Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 như sau:

a) Tổng vốn đầu tư dự kiến: 447.659 triệu đồng,

Bao gồm các nội dung đầu tư như sau:

- Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung (quy hoạch vùng rau an toàn): 1.500 triệu đồng;

- Đầu tư xây dựng, cải tạo: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước, nhà lưới... của vùng sản xuất tập trung để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật VietGAP: 346.650 triệu đồng;

- Đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông các cấp; dạy nghề cho lao động nông thôn áp dụng VietGAP: 14.020 triệu đồng;

- Tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm rau được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP): 8.989 triệu đồng;

- Áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sử dụng giống kháng sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM): 37.000 triệu đồng;

- Ứng dụng công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến sau thu hoạch: 8.000 triệu đồng;

- Kiểm tra, giám sát chất lượng rau trên địa bàn thành phố: 13.500 triệu đồng;

- Sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất rau an toàn: 4.000 triệu đồng

- Hoạt động xúc tiến thương mại: 14.000 triệu đồng

b) Cơ cấu nguồn vốn đầu tư:

Tổng mức đầu tư dự kiến 447.659 triệu đồng trong đó:

- Nguồn vốn ngân sách Nhà nước: 269.584 triệu đồng, gồm:

+ Đã bố trí theo Quyết định số 3331/QĐ-UBND: 32.500 triệu đồng,

+ Đã bố trí trong dự án QSEAP-BPD: 69.820 triệu đồng,

+ Vốn ngân sách cấp bổ sung: 167.264 triệu đồng.

- Nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư sản xuất: 178.075 triệu đồng.

c) Phân kỳ vốn đầu tư:

- Giai đoạn 2012 - 2015 dự kiến: 102.320 triệu đồng

- Giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến: 345.339 triệu đồng

(Đính kèm các Phụ biểu 02 về Tổng vốn đầu tư cho Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện “Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” và xác định các vùng trồng rau tập trung đồng thời xác định các hạng mục đầu tư.

- Phối hợp cùng các sở ngành hướng dẫn các huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn triển khai biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn huyện.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành có liên quan và các huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành hoặc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rau an toàn.

- Phối hợp với các sở ngành và các huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học” (QSEAP-BPD) và tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành sớm 6 mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau an toàn tại các huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh.

- Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố tiến độ thực hiện quy hoạch.

2. Trách nhiệm các Sở, ban ngành thành phố:

- Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn các huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn gắn quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp khi lập quy hoạch các xã nông thôn mới.

- Sở Tài nguyên và Môi trường theo chức năng được Ủy ban nhân dân Thành phố giao, quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất ở các vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thủ tục đầu tư và thẩm định các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sản xuất rau an toàn tập trung, các cơ sở sơ chế, chế biến, chợ đầu mối rau an toàn; cân đối, bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện hàng năm trình Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Sở Tài chính căn cứ vào các chương trình, dự án cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt để cân đối, bố trí kinh phí trình Ủy ban nhân dân Thành phố phân bổ thực hiện hàng năm.

3. Trách nhiệm của các quận, huyện:

- Các huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn: Tổ chức phổ biến, công khai các quy hoạch được phê duyệt, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ sản xuất rau an toàn; Hướng dẫn các xã gắn quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp trong quá trình lập quy hoạch xã nông thôn mới; Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn và tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn huyện; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định cụ thể vùng sản xuất rau an toàn tập trung đồng thời đề xuất các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ vùng sản xuất rau an toàn tập trung và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng 6 mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau an toàn theo dự án QSEAP-BPD;

- Các quận huyện có kế hoạch chuyển đổi các diện tích đất không đảm bảo điều kiện sản xuất rau an toàn sang các loại cây trồng vật nuôi khác đồng thời xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý sản xuất kinh doanh tiêu thụ rau an toàn./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1494/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu1494/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành28/03/2013
Ngày hiệu lực28/03/2013
Ngày công báo15/04/2013
Số công báoSố 18
Lĩnh vựcLĩnh vực khác
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật11 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1494/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định số 1494/QĐ-UBND Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn Hồ Chí Minh


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định số 1494/QĐ-UBND Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn Hồ Chí Minh
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu1494/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhThành phố Hồ Chí Minh
                Người kýLê Minh Trí
                Ngày ban hành28/03/2013
                Ngày hiệu lực28/03/2013
                Ngày công báo15/04/2013
                Số công báoSố 18
                Lĩnh vựcLĩnh vực khác
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật11 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định số 1494/QĐ-UBND Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn Hồ Chí Minh

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định số 1494/QĐ-UBND Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn Hồ Chí Minh

                  • 28/03/2013

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 15/04/2013

                    Văn bản được đăng công báo

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 28/03/2013

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực