Quyết định 2362/QĐ-UBND

Quyết định 2362/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch Sản xuất và Chế biến muối đến năm 2020 do tỉnh Bình Thuận ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định số 2362/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt quy hoạch sản xuất muối Bình Thuận


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2362/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 26 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH SẢN XUẤT VÀ CHẾ BIẾN MUỐI TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch Phát triển sản xuất muối đến năm 2010 và năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-NKHĐT ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 40/2012/QĐ-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 105/TTr-SNN ngày 12 tháng 10 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Sản xuất và Chế biến muối tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Về quan điểm phát triển:

- Về quy hoạch sản xuất muối đảm bảo quy hoạch vùng sản xuất tập trung; cơ bản ổn định diện tích trên cơ sở phát huy lợi thế và điều kiện tự nhiên của địa phương; duy trì, củng cố các đồng muối thủ công nhằm đáp ứng nhu cầu cho thị trường muối thực phẩm, chế biến nước mắm, thủy hải sản; hạ tầng đồng muối phải đảm bảo phục vụ cho sản xuất muối đạt hiệu quả, giải quyết việc làm ổn định cho diêm dân và người lao động trong ngành muối; đảm bảo không ô nhiễm môi trường; những khu vực đồng muối hiện đang sản xuất, nếu không đảm bảo về môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đời sống, sản xuất của nhân dân quanh khu vực đồng muối thì thu hẹp hoặc đưa ra ngoài quy hoạch, chuyển sang sử dụng vào mục đích khác;

- Quy hoạch chế biến phải phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; tăng tỷ lệ chế biến muối tinh, muối công nghiệp và các sản phẩm sau muối, giải quyết việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người làm muối;

- Chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến; công nghệ sản xuất muối sạch, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh; nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác;

- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư thực hiện quy hoạch sản xuất và chế biến muối; bằng các chính sách bảo đảm đầu tư về đất đai, thuế đã được Ủy ban nhân dân tỉnh và Nhà nước ban hành.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

- Xác định nhiệm vụ sản xuất, chế biến và lưu thông muối của tỉnh Bình Thuận nằm trong kế hoạch tổng thể chung của toàn quốc từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn 2020; đảm bảo đủ muối đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong sinh hoạt của nhân dân, làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, từng bước thay thế nhập khẩu và xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh;

- Phát huy lợi thế tự nhiên ở các khu quy hoạch muối hiện có, đầu tư nâng cấp, cải tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích và năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để đạt được giá cạnh tranh, đồng thời phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Công nghệ sản xuất cần cải tiến, thay đổi theo hướng công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu cho ngành công nghiệp hóa chất và ngành công nghiệp chế biến;

- Phát triển sản xuất, chế biến muối đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Đối với 2 đồng muối Thông Thuận, Vĩnh Hảo và các cơ sở chế biến muối đã được phê duyệt tại quy hoạch này, nếu quy trình sản xuất, vận hành không đáp ứng các yêu cầu về môi trường (thấm lậu, không có hệ thống công trình xử lý nước thải,...) thì kiên quyết điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch, chuyển sang mục đích sản xuất khác thay đổi công nghệ ít bị gây ô nhiễm môi trường, hoặc thu hẹp quy mô diện tích, đảm bảo sản xuất, chế biến muối bền vững, hiệu quả;

- Đối với các đồng muối sản xuất thủ công, truyền thống tập trung đầu tư về hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đồng thời gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống của diêm dân. Áp dụng các biện pháp, chính sách hỗ trợ để đảm bảo sản xuất muối có hiệu quả kinh tế và bền vững, giải quyết việc làm ổn định cho diêm dân và những người lao động làm trong ngành muối, nâng mức sống của người làm muối đạt mức sống trung bình của người dân nông thôn trong vùng, tiến tới có mức sống cao hơn;

- Phấn đấu đến năm 2015 nâng tỷ lệ chế biến muối công nghiệp sang muối tinh đạt 100%, không còn sản phẩm muối thô.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Ổn định diện tích sản xuất muối công nghiệp và đồng muối hiện có của diêm dân; quy hoạch mở rộng đồng muối phần diện tích 18,5 ha thuộc khu vực xã Chí Công. Đưa tổng diện tích quy hoạch đến năm 2015 và 2020 là 975 ha, trong đó: Tuy Phong 865 ha, Hàm Thuận Nam 110 ha.

Chỉ tiêu

ĐVT

Năm 2015

Năm 2020

1. Diện tích SX muối toàn tỉnh

ha

975.0

975.0

- Muối thủ công của diêm dân

ha

130.5

80.5

- DT SX muối công nghiệp

ha

717.0

717

- Diện tích SX muối sạch

ha

127.5

177.5

- Tăng năng suất sản xuất muối thủ công bình quân từ 70 - 80 tấn/ha (2010) lên 90 tấn/ha (đến 2015) và 100 tấn/ha (đến 2020). Đối với ruộng có ứng dụng vật liệu mới năng suất bình quân từ 150 tấn/ha lên 170 tấn/ha vào năm 2015; và 180 tấn/ha vào năm 2020;

Chỉ tiêu

ĐVT

Năm 2015

Năm 2020

2. Năng suất muối

 

 

 

- Muối SX thủ công

Tấn/ha

90

100

- Muối công nghiệp

Tấn/ha

120

140

- Muối sạch

Tấn/ha

170

180

- Tổng sản lượng muối toàn tỉnh đến năm 2015 là 119.460 tấn. Đến năm 2020 sản lượng muối đạt 140.380 tấn. Kết hợp sản xuất muối với nuôi trồng thủy sản như actemia, cá kèo… để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích;

Chỉ tiêu

ĐVT

Năm 2015

Năm 2020

3. Sản lượng muối toàn tỉnh

Tấn

119,460

140,380

- Sản lượng muối SX thủ công

"

11,745

8,050

- Sản lượng muối SX công nghiệp

"

86,040

100,380

- Sản lượng muối SX sạch

"

21,675

31,950

- Sản lượng muối chế biến đến năm 2020 là 122.824 tấn, trong đó chế biến muối xay tinh 122.824 tấn, từ đó chế biến muối tinh sấy + trộn Iôt: 89.544 tấn.

Chỉ tiêu

ĐVT

Năm 2020

Chế biến muối

Tấn

122.824

+ Sản lượng muối xay tinh

Tấn

122.824

+ Sản lượng muối tinh sấy + trộn iốt

Tấn

89.544

3. Mục tiêu xã hội:

Giải quyết việc làm ổn định cho diêm dân và người lao động làm trong ngành muối, nâng mức sống của người làm muối đạt mức sống trung bình của người dân nông thôn trong vùng, tiến tới có mức sống cao hơn.

4. Mục tiêu bảo vệ môi trường:

Khắc phục tồn tại về môi trường tại đồng muối công nghiệp và cơ sở chế biến muối nằm xen kẽ trong khu dân cư. Hướng tới việc sản xuất và chế biến phải đảm bảo môi trường bền vững. Trước mắt, trong giai đoạn (2013-2015) đầu tư chiều sâu 2 đồng muối công nghiệp hiện có gồm Vĩnh Hảo, Thông Thuận khắc phục tồn tại về môi trường của đồng muối Thông Thuận, ưu tiên đầu tư chống thấm và ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến (kết tinh dài ngày, phủ bạt che mưa.v.v.).

Về xử lý chống thấm đồng muối Thông Thuận: phải có biện pháp chống thấm toàn bộ đồng muối, chống thấm kênh, kiên cố hóa kênh mương, trồng cây xanh, để tạo cảnh quan môi trường và phần đệm phân cách giữa đồng muối và khu dân cư, bố trí dãy cây xoan chịu hạn có chiều cao trung bình từ 4m đến 6m trên bờ mương phía tiếp giáp với khu dân cư. Về ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, thực hiện công nghệ phân đoạn kết tinh, quy trình kết tinh dài ngày để nâng cao hàm lượng NaCl và giảm các tạp chất tan và không tan. Áp dụng công nghệ phủ bạt che mưa công đoạn kết tinh đồng muối, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường.

* Trong giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư thiết bị cơ giới hóa nhằm đáp ứng yêu cầu tự động hóa trong sản xuất, thu hoạch và bảo quản sản phẩm muối.

Về lâu dài, ngăn chặn triệt để tình trạng ô nhiễm của các đồng muối và cơ sở chế biến muối nằm lân cận hoặc xen kẽ trong khu dân cư, hướng tới việc sản xuất và chế biến đảm bảo môi trường bền vững.

5. Quy hoạch phát triển sản xuất và chế biến muối:

a) Quy hoạch sản xuất:

- Đến năm 2015: mở rộng thêm diện tích sản xuất muối 18,5 ha tại Chí Công (đang nuôi trồng thủy sản không hiệu quả nằm xen kẽ trong đồng muối), nâng tổng diện tích sản xuất muối toàn tỉnh lên 975 ha; tổng sản lượng muối toàn tỉnh đến năm 2015 là 119.460 tấn, trong đó muối công nghiệp 86.040 tấn, muối thủ công của diêm dân 11.745 tấn, muối sạch 21.675 tấn (công nghiệp và thủ công);

- Đến năm 2020: ổn định diện tích sản xuất muối 975 ha. Tổng sản lượng muối đạt là 140.380 tấn, trong đó muối công nghiệp 100.380 tấn; muối thủ công của diêm dân 8.050 tấn; muối sạch 31.950 tấn (công nghiệp và thủ công).

Chỉ tiêu

ĐVT

Năm 2015

Năm 2020

1. Diện tích SX muối toàn tỉnh

Ha

975.0

975.0

- Muối thủ công của diêm dân

"

130.5

80.5

+ Đồng muối Chí Công

 

60.5

40.5

+ Đồng muối Tân Thuận

 

70.0

40

- DT SX muối công nghiệp

Ha

717.0

717

+ Đồng muối Vĩnh Hảo

 

560.0

560

+ Đồng muối Thông Thuận

 

157.0

157

- Diện tích SX muối sạch

Ha

127.5

177.5

+ Đồng muối Vĩnh Hảo

 

7.5

7.5

+ Đồng muối Thông Thuận

 

60

60

+ Đồng muối Chí Công

 

20

40

+ Đồng muối Tân Thuận

 

40

70

2. Năng suất muối

Tấn/ha

 

 

- Muối SX thủ công

 

90

100

- Muối công nghiệp

 

120

140

- Muối sạch

 

170

180

3. Sản lượng muối toàn tỉnh

Tấn

119,460

140,380

- Sản lượng muối SX thủ công

"

11,745

8,050

- SL muối SX công nghiệp

"

86,040

100,380

- Sản lượng muối SX sạch

"

21,675

31,950

b) Chế biến:

- Tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo các dây chuyền chế biến muối hiện có để đạt công suất thiết kế;

- Di dời cơ sở chế biến muối Công ty Trách nhiệm hữu hạn Muối và Gia vị Đồng Lợi nhằm đáp ứng yêu cầu môi trường đồng thời nâng cấp, cải tiến, đầu tư thêm máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất công suất 15 tấn/giờ;

- Đầu tư thêm dây chuyền muối tại Công ty Cổ phần muối Vĩnh Hảo với dây chuyền thiết bị đồng bộ, công nghệ tiên tiến nhằm tiêu thụ hết sản lượng muối thô do Công ty sản xuất. Dự kiến quy mô 15 tấn/giờ;

- Đưa tổng công suất máy xay ướt của các cơ sở chế biến đạt 56 tấn/giờ; tổng công suất máy sấy khô đạt 41 tấn/giờ. Đạt sản lượng muối chế biến đến năm 2020 là 122.824 tấn, trong đó chế biến muối xay tinh 122.824 tấn, muối tinh sấy + trộn iôt: 89.544 tấn.

Chỉ tiêu

Cty Vĩnh Hảo

Công ty Th.Mại

Cty Đồng Lợi

Cty Gia Thịnh

Tổng cộng

Công suất chế biến (tấn)

71,635

7,500

32,760

10,920

122,824

Công suất máy xay ướt (T/giờ)

32.8

3.4

15

5

56,2

Sản lượng muối xay tinh

71,635

7,500

32,760

10,920

122,824

Công suất máy sấy khô (T/giờ)

22

2

12

5

41

Muối tinh sấy + muối Iốt

48,048

4,368

26,208

10,920

89,544

6. Nhóm các giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu quy hoạch:

6.1. Nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất và chế biến:

a) Các dự án ưu tiên đầu tư:

- Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất muối, cải tạo, nâng cấp các đồng muối Thanh Phong - Hàm Thuận Nam;

- Dự án chống thấm gây ô nhiễm môi trường của đồng muối công nghiệp Thông Thuận;

- Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất muối, cải tạo, nâng cấp các đồng muối Chí Công - Tuy Phong;

- Dự án nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa các đồng muối công nghiệp;

- Dự án đầu tư chiều sâu và mở rộng quy mô công suất các cơ sở chế biến muối tinh và muối ăn: Công ty TNHH muối và gia vị Đồng lợi, Công ty CP muối Vĩnh Hảo, Công ty CP muối và Thương mại Bình Thuận, Công ty TNHH và TM Gia Thịnh, bằng nguồn vốn tín dụng và tự có của doanh nghiệp.

b) Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất muối và các cơ sở chế biến muối:

- Bố trí đủ vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đồng muối sản xuất truyền thống của diêm dân (đồng muối Tân Thuận, Chí Công);

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đồng muối công nghiệp (Thông Thuận, Vĩnh Hảo) đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và nâng cao năng suất, chất lượng; thực hiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư phù hợp.

c) Về quản lý Nhà nước:

- Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành muối trên địa bàn tỉnh; trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan tham mưu giúp việc cho Ủy ban nhân dân tỉnh. Các Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ liên quan đến quản lý Nhà nước trong sản xuất và chế biến muối;

- Ở cấp huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về sản xuất và chế biến muối. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động, môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất và chế biến muối và xử lý những vi phạm theo quy định của pháp luật trên địa bàn. Tổ chức thực hiện và tuyên truyền phổ biến về quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến và kinh doanh muối của địa phương cho người sản xuất, chế biến và kinh doanh muối.

d) Về quản lý sản xuất kinh doanh:

- Đối với các dự án mới về sản xuất, chế biến muối, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia và thành lập công ty cổ phần ngay từ đầu. Kiện toàn bộ máy tổ chức sản xuất kinh doanh muối theo hướng khép kín, gắn sản xuất với chế biến, phát triển dịch vụ,…;

- Khuyến khích và hỗ trợ kinh phí để diêm dân đầu tư các loại máy móc thiết bị chuyên dùng, cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch và vận chuyển muối ở các đồng muối công nghiệp. Ngân sách Nhà nước tập trung vào một số hạng mục chủ yếu là đường giao thông, đường điện, hệ thống cấp thoát nước, thu gom và xử lý chất thải bảo vệ môi trường;

- Củng cố các hợp tác xã đã có, mở rộng, bổ sung ngành nghề kinh doanh; vận động thành lập mới các hợp tác xã sản xuất muối đối với diện tích sản xuất muối phân tán trong dân; tạo điều kiện hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.

đ) Về hợp tác xã, tổ hợp tác:

- Tổng kết những hợp tác xã, tổ hợp tác làm ăn giỏi để phổ biến kinh nghiệm cho toàn ngành;

- Rà soát, phân loại các hợp tác xã, tổ hợp tác diêm nghiệp đã thành lập. Những nơi chưa có hợp tác xã, tổ hợp tác thì xây dựng mới để làm dịch vụ cho diêm dân về các mặt: thủy lợi, điện, cung cấp vật tư, thu mua sản phẩm…

e) Tổ chức Hiệp hội nghề muối:

Để gắn bó những người làm nghề muối với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau phát triển và cùng bảo vệ quyền lợi chung, trong năm 2013 giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động tổ chức thành lập Hiệp hội Nghề muối.

g) Phát triển nguồn nhân lực:

- Để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án sản xuất, chế biến, nghiên cứu… các doanh nghiệp ngành muối phải có kế hoạch đào tạo lao động hàng năm và ngay từ khi chuẩn bị dự án;

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở các lớp tập huấn ngắn ngày và các hình thức đào tạo bồi dưỡng để nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý ngành muối và cho bà con diêm dân. Đồng thời, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nghề muối có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp;

- Tranh thủ và hợp tác với các Viện khoa học, các trường đại học để nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chế biến muối, đặc biệt là công nghệ sạch và kỹ thuật thâm canh tăng vụ (01 vụ muối 01 vụ nuôi tôm).

h) Giải pháp về bảo vệ môi trường:

- Chủ động ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường trong sản xuất và chế biến muối;

- Đối với các cơ sở chế biến cần đưa ra khỏi khu vực khu dân cư, khi đầu tư mới cần xây dựng hệ thống xử lý chất thải tránh tình trạng thải nước ra môi trường chưa qua xử lý và hệ thống xử lý phải đảm bảo nước thải ra môi trường đạt chuẩn. Các thiết bị cơ khí đảm bảo độ ồn cho phép. Dự án đầu tư mới phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường;

- Trong giai đoạn (2013-2015), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thông Thuận cùng với các ngành hữu quan trong tỉnh khẩn trương xử lý triệt để việc chống thấm cho đồng muối Thông Thuận, tạo sự an tâm, đảm bảo cuộc sống dân cư vùng lân cận, đồng thời nhanh chóng đưa đồng muối vào sản xuất. Về lâu dài, chủ đầu tư các đồng muối sản xuất nằm gần khu dân cư, khu sản xuất nông nghiệp hoặc hệ thống cấp nước... thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình nhiễm mặn làm ảnh hưởng nguồn nước ngầm, tăng lượng muối trong đất.... Mặt khác, kiên cố và xây dựng hệ thống thoát nước ngoại lai đảm bảo yêu cầu, tránh tình trạng nước lũ làm vỡ công trình ảnh hưởng đến vùng hạ lưu; lượng nước thải sau công nghệ rửa muối cần có biện pháp công trình tận dụng và loại thải một số chất làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trước mắt, cùng với các ngành liên quan trong tỉnh nghiên cứu xử lý chống thấm cho đồng muối Thông Thuận nhằm nhanh chóng đưa công trình vào sản xuất;

- Các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường cấp tỉnh, huyện tăng cường công tác tuyền truyền, kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất, chế biến muối; xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm môi trường và ngăn chặn phát sinh các điểm mới.

i) Giải pháp thị trường:

- Khuyến khích các tổ chức hoặc nhóm hộ diêm dân bố trí dây chuyền khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến;

- Khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu giữa muối thực phẩm và muối công nghiệp trong điều kiện diện tích sản xuất muối không tăng cao. Vì vậy, việc thành lập hợp tác xã hoặc các tổ chức tương tự nhằm thay đổi phương thức canh tác và đầu tư công nghệ theo hướng tăng diện tích và năng suất sản xuất muối sạch, nâng năng suất muối công nghiệp để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường;

- Các tổ chức hợp tác xã hoặc hiệp hội, tổ đầu tư.... tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm, đồng thời liên doanh với các cơ sở chế biến ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, nhằm đảm bảo giá cả đầu ra ổn định và đầu tư hỗ trợ cho diêm dân an tâm sản xuất.

6.2. Nhóm giải pháp về khoa học - công nghệ:

- Tổng kết những mô hình sản xuất, chế biến muối có hiệu quả ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phổ biến ra diện rộng:

+ Đối với sản xuất muối công nghiệp tập trung: trước mắt, tổng kết mô hình ứng dụng thiết bị phủ bạt che mưa và công nghệ kết tinh dài ngày, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất muối công nghiệp…;

+ Đối với sản xuất muối phân tán: tổng kết công nghệ sản xuất muối sạch, muối dinh dưỡng.

- Trong chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn 2013 - 2020 ưu tiên đầu tư kinh phí cho các đề tài về khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngành muối, gồm: các lĩnh vực sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông, quản lý (nghiên cứu trang thiết bị hệ thống tự động hóa cao độ và phù hợp cho các đồng muối công nghiệp; nghiên cứu việc sử dụng năng lượng tái tạo trong hệ thống cấp nước biển cho đồng muối; nghiên cứu các công nghệ mới tiên tiến trong chế biến muối; ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý, sản xuất muối …);

- Xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhiều thành phần kinh tế, tham gia nghiên cứu và đầu tư cho khoa học công nghệ. Mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều hình thức như trao đổi thông tin, tham quan học hỏi các nước sản xuất muối tiên tiến;

- Ưu tiên triển khai công tác khuyến diêm trong chương trình khuyến nông của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, cung cấp thông tin và tập huấn nâng cao trình độ cho diêm dân;

- Đầu tư nâng cao chất lượng, hiện đại hóa dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị chuyên dùng hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vừa đủ số lượng vừa đủ chất lượng đáp ứng được nhu cầu sản xuất thực tế;

- Áp dụng phương pháp sản xuất muối thạch cao và nước ót vào đồng muối công nghiệp. Áp dụng công nghệ mới để sản xuất hóa chất từ nước ót; công nghệ nghiền rửa muối nhiều lần để nâng cao chất lượng muối;

- Nghiên cứu áp dụng công nghệ kết tinh phủ bạt che mưa của Trung Quốc để khắc phục thiệt hại do mưa trong vụ sản xuất gây ra;

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến muối theo chiều sâu với quy mô phù hợp gắn với vùng nguyên liệu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, trước hết tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến muối công nghiệp, bột nêm và các sản phẩm gia vị khác;

- Thực hiện phân bố và phát triển lực lượng sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh theo hướng giảm lao động trong lĩnh vực sản xuất muối. Thông qua phát triển công nghiệp để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đưa lĩnh vực diêm nghiệp thoát ra khỏi tình trạng sản xuất thủ công, tiêu thụ sản phẩm chưa qua công nghiệp chế biến.

6.3. Nhóm giải pháp về chính sách:

a) Chính sách khuyến khích phát triển muối:

Ngoài việc thực hiện chính sách theo Quyết định số 153/1999/QĐ/TTg ngày 15 tháng 7 năm 1999 Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển muối; cần thực hiện và bổ sung thêm các chính sách sau:

* Về chính sách giá và tiêu thụ muối:

Tổng công ty Muối tổ chức mua muối của diêm dân thông qua các hợp tác xã diêm nghiệp, hoặc một nhóm hộ (đối với những nơi chưa có hợp tác xã), trên cơ sở ký hợp đồng kinh tế hàng năm hoặc dài hạn theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhà nước sẽ tăng cường lực lượng dự trữ quốc gia. Khi cần thiết có thể dùng lực lượng này để điều hòa giá:

- Trường hợp giá muối xuống quá thấp (ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống diêm dân), Nhà nước sẽ tăng lượng dự trữ quốc gia;

- Trường hợp giá muối tăng cao quá mức do mất mùa muối, có tình trạng đầu cơ tích trữ làm thị trường bất ổn, Nhà nước sẽ xuất kho dự trữ để bán ra;

- Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh muối tìm thị trường đầu ra trong và ngoài nước;

- Xây dựng chính sách hỗ trợ giá bán, hỗ trợ diêm dân khi thị trường muối có sự biến động lớn, ảnh hưởng đến đời sống người sản xuất, chế biến muối;

- Về tiêu thụ sản phẩm: các doanh nghiệp tiêu thụ muối cho diêm dân với mức tối thiểu cao hơn giá sàn của Bộ Tài chính và của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định hàng năm;

- Tăng cường năng lực quản lý chất lượng muối giai đoạn 2011 - 2015 theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2011.

* Về chính sách đầu tư:

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình nội đồng đồng muối cho diêm dân;

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân trình Bộ, ngành Trung ương sớm có quy định cụ thể về xây dựng, vận hành, khai thác và quản lý công trình để khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư kinh doanh các công trình của đồng muối;

- Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ.

* Chính sách đất đai:

- Rà soát lại quy hoạch, cấp Giấy quyền sử dụng đất cho diêm dân theo quy định hiện hành và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất làm muối sang đất khác;

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu thuê đất làm mặt bằng đầu tư mới, di dời cơ sở chế biến muối ra khỏi khu dân cư; Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét bố trí hợp lý về vị trí, diện tích sử dụng cho các dự án được duyệt đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy hoạch;

- Nghiêm cấm việc chuyển đổi các đồng muối đã quy hoạch, tránh tình trạng làm ảnh hưởng đến quy mô đồng muối và khó khăn cho việc thực hiện quy trình sản xuất chung.

* Chính sách tài chính và tín dụng:

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài chính nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân trình Bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho hộ diêm dân vay vốn khi mở rộng diện tích sản xuất muối, hỗ trợ khi thất mùa, giảm giá…; đồng thời quan tâm đầu tư về hạ tầng đồng muối như thủy lợi, đê bao, giao thông nội đồng…để tránh thiệt hại khi mưa lũ và thuận tiện khi vận chuyển sản phẩm;

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Thuận tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ, Thông tư số 41/2010/NĐ-CP chính sách tín dụng">14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 (bổ sung Quyết định 63/2010/QĐ-TTg);

- Triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ - thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh theo Quyết định số 43/2006/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.

b) Chính sách thuế:

Tiếp tục triển khai và áp dụng có hiệu quả các chính sách Nhà nước đã ban hành về phát triển muối, sản xuất và cung ứng muối iôt cho người ăn; hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp mới thành lập, mở rộng sản xuất...

7. Vốn đầu tư:

a) Nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch đến năm 2020 là 175 tỷ đồng; trong đó:

* Giai đoạn 2013-2015 là 128,5 tỷ đồng, gồm:

- Nâng cấp, cải tạo đồng muối Chí Công, Tân Thuận: 15,0 tỷ đồng;

- Trải bạt đồng muối Chí Công, Tân Thuận: 12,5 tỷ đồng;

- Xử lý thấm, phủ bạt nền ô đồng muối Thông Thuận: 35,0 tỷ đồng;

- Phủ bạt đồng muối Vĩnh Hảo: 26,0 tỷ đồng;

- Đầu tư mới, nâng cấp thiết bị công nghệ chế biến 40,0 tỷ đồng.

* Giai đoạn 2016-2020 là 46,5 tỷ đồng, gồm:

- Nâng cấp, cải tạo đồng muối Chí Công, Tân Thuận: 9,0 tỷ đồng;

- Trải bạt đồng muối Chí Công, Tân Thuận: 12,5 tỷ đồng;

- Cơ giới hóa, nâng cấp thiết bị đồng muối doanh nghiệp: 25,0 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn đầu tư:

* Giai đoạn 2013-2015 là 128,5 tỷ đồng.

- Ngân sách Nhà nước: 15,0 tỷ đồng;

- Vốn tín dụng: 70,6 tỷ đồng;

- Vốn tự có: 42,9 tỷ đồng.

* Giai đoạn 2016-2020 là 46,5 tỷ đồng.

- Ngân sách Nhà nước: 9,0 tỷ đồng;

- Vốn tín dụng: 30,0 tỷ đồng;

- Vốn tự có: 7,5 tỷ đồng.

Điều 2. Căn cứ nội dung Quy hoạch Sản xuất và Chế biến muối tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 được phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này, thủ trưởng các sở, ban ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các công việc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ yếu các vấn đề trọng tâm như sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Công bố công khai Quy hoạch Sản xuất và Chế biến muối tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 theo đúng quy định của pháp luật. Xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện hàng năm; theo dõi, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung kịp thời các vấn đề có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất và chế biến muối;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện có sản xuất muối tổ chức chỉ đạo thực hiện, quản lý sản xuất, chế biến và kinh doanh muối theo quy hoạch. Thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất muối trong việc chấp hành quy hoạch sản xuất; phối hợp với Sở Y tế và Sở Công thương kiểm tra về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thanh, kiểm tra về môi trường. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các vi phạm khác trong sản xuất, chế biến, kinh doanh muối;

- Hàng năm phối hợp với Sở kế hoạch - Đầu tư đề xuất UBND tỉnh xem xét bố trí ngân sách đầu tư hạ tầng đồng muối của diêm dân; phối hợp với Sở Tài chính đề xuất kinh phí khuyến diêm để xây dựng mô hình trình diễn trong chế biến, bảo quản muối;

- Giao Chi cục Phát triển Nông thôn tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập các dự án đầu tư và triển khai xây dựng các dự án đầu tư phát triển hạ tầng sản xuất theo quy hoạch thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Hướng dẫn triển khai các mô hình nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và ứng dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản muối.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện cấp huyện:

- Chủ trì công bố, phổ biến Quy hoạch sản xuất và chế biến muối trên địa bàn huyện cho nhân dân ở địa phương biết; chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện theo Quy hoạch được duyệt; Kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường vùng sản xuất muối, nghiên cứu, đề xuất các vấn đề phát sinh. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cập nhật diện tích sử dụng đất sản xuất và chế biến muối trên địa bàn vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương;

- Căn cứ vào quy hoạch, chủ động hướng dẫn và tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế và nhân dân địa phương đầu tư sản xuất và chế biến muối; không khuyến khích việc sản xuất muối nằm ngoài quy hoạch;

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét đề xuất kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đồng muối tại khu vực quy hoạch, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất muối, thuận lợi trong bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ muối;

- Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong, Liên minh Hợp tác xã Bình Thuận hướng dẫn, hỗ trợ xã Chí Công, Tân Thuận thực hiện các bước thành lập Hợp tác xã, Tổ hợp tác theo quy định.

3. Trách nhiệm các sở, ngành liên quan:

3.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tổng hợp ý kiến đề xuất của các cơ quan liên quan, trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng đồng muối. Kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các phụ phẩm thu được trong quá trình sản xuất muối như thạch cao, nước ót. Thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định.

3.2. Sở Công thương:

Sở Công thương chịu trách nhiệm theo dõi, kiến nghị điều tiết lưu thông muối đảm bảo tiêu thụ một cách ổn định, đáp ứng nhu cầu về muối cho tiêu dùng của nhân dân, cho công nghiệp và các mục đích khác; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở chế biến muối đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm lưu thông trên thị trường.

3.3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Hướng dẫn các huyện thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm muối theo quy định hiện hành;

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện hướng dẫn các chủ đầu tư quản lý nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường. Thực hiện công tác tổ chức thanh, kiểm tra thường xuyên, định kỳ về môi trường, từ sản xuất, chế biến muối theo đề án đầu tư mới, cam kết môi trường được duyệt không gây ô nhiễm môi trường, gây nhiễm mặn, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, đời sống, nhà dân các khu vực sản xuất và chế biến muối đã được quy hoạch;

- Chịu trách nhiệm tổ chức, xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá tình hình nhiễm mặn, mức độ ô nhiễm môi trường do sản xuất, chế biến gây ra hàng năm để đề xuất, yêu cầu các biện pháp phòng chống, khắc phục và dự báo. Yêu cầu các cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến muối thực hiện đúng các qui định của Nhà nước về ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất;

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất hoặc cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để sử dụng ổn định vào mục đích sản xuất muối theo quy định của pháp luật về đất đai.

4. Trách nhiệm của các doanh nghiệp, các cơ sở, tổ chức kinh tế sản xuất và chế biến muối:

- Các doanh nghiệp đang quản lý, sản xuất tại các đồng muối công nghiệp tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong: Công ty TNHH Thông Thuận, Công ty cổ phần muối Vĩnh Hảo, căn cứ quy hoạch này yêu cầu phải tiến hành rà soát, đánh giá lại cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường cả trước mắt và lâu dài đối với các khu vực lân cận; từ đó từng chủ đầu tư phải lập dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa, đầu tư chiều sâu theo hướng sản xuất công nghiệp, chống thấm gây ô nhiễm môi trường từ khâu cấp nước, xử lý nền ô, sử dụng vật liệu chống thấm đạt tiêu chuẩn môi trường theo mục tiêu, tiến độ, giải pháp đã phê duyệt tại Quy hoạch này;

- Trong kế hoạch và phương án sản xuất hàng năm, các doanh nghiệp phải gắn việc sản xuất với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Chủ động ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường;

- Có trách nhiệm đầu tư các hệ thống trang thiết bị quan trắc thấm, bốc hơi, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn giám sát môi trường, kiểm soát hoạt động đánh giá ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất và chế biến biến muối theo qui định của Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài nguyên Môi trường quy định;

- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất và chế biến muối, đẩy mạnh tiêu thụ. Nghiên cứu chế biến đa dạng hóa sản phẩm sau muối, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và nâng cao giá trị sử dụng đất, giá trị gia tăng và thu nhập trên đơn vị diện tích.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng Cục Thống kê, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Bình Thuận, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Bình Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 2362/QĐ-UBND

Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 2362/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 26/11/2012
Ngày hiệu lực 26/11/2012
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Thương mại
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 12 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 2362/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định số 2362/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt quy hoạch sản xuất muối Bình Thuận


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Quyết định số 2362/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt quy hoạch sản xuất muối Bình Thuận
Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 2362/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Lê Tiến Phương
Ngày ban hành 26/11/2012
Ngày hiệu lực 26/11/2012
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Thương mại
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 12 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản gốc Quyết định số 2362/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt quy hoạch sản xuất muối Bình Thuận

Lịch sử hiệu lực Quyết định số 2362/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt quy hoạch sản xuất muối Bình Thuận

  • 26/11/2012

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 26/11/2012

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực