Nghị quyết 129/NQ-CP

Resolution No. 129/NQ-CP dated September 11, 2020 on Government’s regular meeting of August 2020

Nội dung toàn văn Resolution 129/NQ-CP 2020 on Government’s regular meeting of August


CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/NQ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 8 NĂM 2020

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2020, tổ chức vào ngày 04 tháng 9 năm 2020,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP , Chỉ thị số 11/CT-TTg ; tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020

Chính phủ thống nhất đánh giá: Với quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19; đồng thời thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh mùng 2 tháng 9 được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng chỉ còn 3,96% (chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%). Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng. Thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, xuất khẩu 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ; xuất siêu gần 12 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng, tăng 15,3%. Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng, đạt trên 47% kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 đạt 37,9%). Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (FDI) 8 tháng đạt gần 20 tỷ USD. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 tăng 1,6%, vốn đăng ký tăng 20,7%; tính chung 8 tháng cả nước có 88,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 32,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%. Sản xuất nông nghiệp, nông thôn phát triển ổn định, được mùa; khối lượng và giá gạo xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ. Đời sống của người dân được cải thiện; số lượt hộ thiếu đói giảm 75,3% so với cùng kỳ. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội được tiếp tục chú trọng. Tổ chức an toàn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học trong bối cảnh dịch Covid-19. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Việt Nam đứng đầu nhóm 29 nền kinh tế cùng mức thu nhập và thuộc tốp 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. An toàn giao thông có bước chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh; trong bối cảnh dịch bệnh đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch AIPA 41; tiếp tục tăng cường phối hợp, hỗ trợ các nước trong phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng bởi những rủi ro, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài. Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Căng thẳng thương mại vẫn leo thang; cạnh tranh địa chính trị phức tạp. Dự báo khả năng phục hồi của kinh tế thế giới chậm, có thể có những bất ổn về tài chính, tiền tệ toàn cầu. Trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là những lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, lưu trú, dịch vụ ăn uống. Nguy cơ người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập gia tăng mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng thấp; một số ngành giảm sâu do chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa phục hồi hoàn toàn và cầu thế giới giảm mạnh. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng chững lại. Thu ngân sách đạt thấp, trong khi nhiều nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước phát sinh cho phòng chống dịch bệnh, thiên tai và bảo đảm an sinh xã hội...

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng dập dịch; tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh; trong đó chú trọng một số nội dung sau:

- Các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là các bộ, cơ quan tổng hợp điều phối quản lý kinh tế vĩ mô, tiếp tục nhất quán quan điểm chỉ đạo điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, tranh thủ và tận dụng tốt các cơ hội để phục hồi nhanh và phát triển bền vững các hoạt động kinh tế, xã hội. Thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển. Đồng thời, khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại, đổi mới cách thức quản trị để thích ứng với tình hình mới; tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương để phát triển kinh tế số, tạo bứt phá. Chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn là trụ đỡ của kinh tế trong khó khăn; nâng cao nội lực của thị trường nội địa, đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, hỗ trợ, phát triển các loại hình doanh nghiệp, trong đó quan tâm đến các doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa hỗ trợ kích thích nền kinh tế, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN trước ngày 30 tháng 9 năm 2020 và các quy định liên quan theo hướng mở rộng phạm vi thời gian các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 và tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ, hàng hóa có giá trị nhỏ (mobile money); hoàn thiện, trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng trong tháng 10 năm 2020.

- Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đề xuất các chính sách thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nộp thuế; cùng các bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, rà soát thu hồi nợ đọng thuế. Khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; có ý kiến thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN để ban hành kịp thời, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người vay vốn bị tác động bởi dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, quyết liệt chỉ đạo triển khai có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra; tích cực đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, không để xảy ra tình trạng báo cáo không trung thực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát vốn đầu tư, tài sản của Nhà nước. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển vốn từ bộ, ngành, địa phương không sử dụng hiệu quả sang cho các bộ, ngành, địa phương có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư với nước ngoài các giải pháp mạnh mẽ để xúc tiến đầu tư, tranh thủ cơ hội thu hút có sàng lọc dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, điều chỉnh phù hợp, khả thi chỉ tiêu sử dụng đất các khu công nghiệp trên toàn quốc.

- Bộ Công Thương cùng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng; đồng thời kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển mạnh thị trường trong nước với các giải pháp, chính sách cụ thể về du lịch nội địa, bán lẻ, vận tải, lưu trú, dịch vụ ăn uống, nông sản...; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dưới mọi hình thức, góp phần bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước.

- Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế giữa Việt Nam với một số nước. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không Nội Bài; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động tham mưu, chỉ đạo ứng phó trước các tình huống thiên tai nguy hiểm, không để bị động, bất ngờ, nhất là mưa lũ lớn dài ngày, bão mạnh, siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, kiểm tra và xử lý các vị trí đê điều, hồ đập trọng điểm, xung yếu, những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét cao. Tiếp tục đẩy nhanh tái đàn lợn, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và giá thịt lợn, chủ động có giải pháp xử lý kịp thời. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, các địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới 2020-2021 gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm môi trường giảng dạy và học tập an toàn cho giáo viên và học sinh. Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, nhất là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

- Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, hiệu quả, bảo đảm an toàn với dịch bệnh; đề xuất phương án phòng, chống dịch Covid-19 để phối hợp với Bộ Giao thông vận tải từng bước mở lại các đường bay thương mại quốc tế, bảo đảm an toàn và phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; trong đó chú trọng nâng cao năng lực xét nghiệm nhanh Covid-19 tại các sân bay, khu du lịch... Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai công tác kiểm soát, xử lý triệt ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng và kéo dài.

- Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về những nỗ lực của toàn xã hội trong việc thực hiện "mục tiêu kép”; kịp thời phản bác lại các thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc xây dựng nền tảng hạ tầng số chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các công việc, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử.

- Bộ Ngoại giao tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19, nhất là Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị, diễn đàn cấp cao liên quan. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19.

- Bộ Quốc phòng nắm chắc diễn biến, phân tích, dự báo kịp thời, chính xác các tình huống, nhất là trên biển Đông để có biện pháp ứng phó phù hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

- Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tăng cường quản lý địa bàn, nơi cư trú; tiếp tục mở các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự, tội phạm công nghệ cao, bảo đảm an ninh trật tự. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia.

- Các bộ, cơ quan theo phân công chuẩn bị kịp thời, đầy đủ hồ sơ, báo cáo, tài liệu phục vụ Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV theo đúng quy định.

2. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành đến cuối năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp và ý kiến tham gia bằng văn bản của các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trong đó dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6 - 6,5%. Trên cơ sở đó, Ban Cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Ban Cán sự đảng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương để hoàn thiện Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ duyệt; trên cơ sở đó giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định.

3. Một số nội dung liên quan đến thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020

a) Về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương:

Chính phủ thống nhất giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp phương án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Riêng số vốn năm 2020 do các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề nghị chuyển trả kế hoạch như báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 5808/BC-BKHĐT ngày 03 tháng 9 năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 25 tháng 9 năm 2020 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020.

b) Về thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn các năm 2018, 2019 đã được kéo dài sang năm 2020:

Chính phủ thống nhất cho phép các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được giải ngân toàn bộ số kế hoạch đầu tư vốn các năm 2018, 2019 đã được kéo dài sang năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.

c) Về thời gian phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 còn lại chưa được giao chi tiết cho từng dự án:

Chính phủ thống nhất thời hạn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các dự án đến ngày 30 tháng 9 năm 2020. Sau thời hạn này, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát số kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 chưa giao chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, tổng hợp chung trong phương án cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thu hồi, điều chuyển cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn và giải ngân tốt.

4. Về việc xử lý ưu đãi thuế nhập khẩu đối với dự án của Công ty Formosa Hà Tĩnh

Chính phủ thống nhất đồng ý tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi miễn thuế nhập khẩu đối với dự án Formosa nêu tại các văn bản số 1602/TTg-QHQT ngày 31 tháng 8 năm 2010; số 7820/VPCP-KTTH ngày 01 tháng 11 năm 2010; số 219/TB-VPCP ngày 02 tháng 6 năm 2014 và số 248/TB-VPCP ngày 29 tháng 6 năm 2014 như báo cáo của Bộ Tài chính tại văn bản số 109/BC-BTC ngày 03 tháng 9 năm 2020. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn cơ quan hải quan thực hiện.

5. Về chính sách thuế đối với hàng viện trợ nhân đạo đối với 2.000 máy thở Eliciae MV20

Chính phủ thống nhất đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với 2000 máy thở Eliciae MV20 do Công ty TNHH Văn Lang Healthcare nhập khẩu tặng Chính phủ và Bộ Y tế nhu đối với hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập khẩu để viện trợ cho cơ quan, tổ chức cá nhân trong nước nêu tại Báo cáo số 108/BC-BTC ngày 03 tháng 9 năm 2020. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn cơ quan hải quan thực hiện; đồng thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách thuế đối với hàng viện trợ của tổ chức, cá nhân trong nước cho phù hợp.

6. Về điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động năm 2020 của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan

Chính phủ thống nhất đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính nêu tại Tờ trình số 120/TTr-BTC ngày 29 tháng 6 năm 2020.

- Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký báo cáo, giải trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh từ dự toán chi thường xuyên (kinh phí bảo đảm hoạt động được giao năm 2020) của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan sang dự toán chi đầu tư phát triển (chi đầu tư xây dựng cơ bản). Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu gửi đến các cơ quan của Quốc hội đúng thời hạn quy định.

- Sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh vốn từ chi thường xuyên sang chi đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kéo dài thời gian bố trí vốn, thời hạn thực hiện giải ngân theo quy định.

7. Về đề nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng phù hợp với quy hoạch được duyệt

Căn cứ Báo cáo số 249/BC-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về đề xuất cho phép Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thực hiện điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài với quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Báo cáo số 5833/BC-KHĐT ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Báo cáo số 7324/BC-VPCP ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ (Mục IV); ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sau khi làm việc với các bộ, cơ quan liên quan ngày 11 tháng 9 năm 2020 về đề nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Chính phủ thống nhất nguyên tắc:

Theo thẩm quyền đã được pháp luật quy định, cơ quan nào quyết định chủ trương đầu tư thì cơ quan đó quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trước tình trạng bất cập của Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực thi hành đến hết năm 2020) về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư (Khoản 9 Điều 31 và Điều 35), Chính phủ thống nhất giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án quy định tại Khoản 9 Điều 31 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2014, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, chặt chẽ.

8. Về Đề nghị xây dựng Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo

Chính phủ thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định trình Chính phủ trong tháng 12 năm 2020.

9. Về việc mở rộng phạm vi và đối tượng của dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm

Chính phủ thống nhất thông qua nội dung dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm sau khi Bộ giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ về việc mở rộng phạm vi hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội; mở rộng đối tượng áp dụng cho sinh viên học liên thông chính quy và sinh viên học văn bằng thứ 2 theo hình thức đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ 1 đạt loại giỏi.

Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định này.

10. Về việc thẩm định cho vay lại Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất” sử dụng vốn vay Nhật Bản

Chính phủ thống nhất:

a) Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 33 Luật Quản lý nợ công năm 2017 quy định đơn vị sự nghiệp công lập là đối tượng được vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi; Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2020 về cơ chế tài chính trong nước đối với nguồn vốn vay nước ngoài của Dự án Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản; Khoản 4 Điều 16 Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, cơ quan vay lại vốn vay ODA Nhật Bản là Trung tâm vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; không yêu cầu bảo đảm tiền vay đối với khoản vay lại của Dự án này.

b) Phương án cho vay lại của Dự án:

- Thời điểm nhận nợ của Trung tâm vũ trụ Việt Nam là thời điểm Chính phủ nhận nợ với JICA đối với các khoản rút vốn cho quả vệ tinh.

- Thời gian trả nợ là 05 năm tương ứng với thời gian vệ tinh vận hành trên quỹ đạo (dự kiến từ năm 2024-2028).

- Đối với toàn bộ các nghĩa vụ nợ phát sinh trong giai đoạn trước khi phóng vệ tinh (bao gồm nợ gốc, lãi và phí của Thỏa thuận vay đã ký ngày 02 tháng 11 năm 2011; nợ lãi và phí của Thỏa thuận vay sẽ ký cho giai đoạn tiếp theo), cho phép chậm trả nợ và không áp dụng lãi phạt chậm trả; Trung tâm vũ trụ Việt Nam có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ các nghĩa vụ nợ chia đều trong giai đoạn 05 năm vệ tinh vận hành cùng với các nghĩa vụ nợ khác phát sinh trong kỳ.

- Các điều kiện vay lại khác (lãi suất vay lại, phí cho vay lại, phí dự phòng rủi ro) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP .

c) Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chịu trách nhiệm;

- Chỉ đạo, giám sát Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thực hiện hiệu quả Dự án.

- Bố trí đủ nguồn vốn đối ứng để chi trả toàn bộ các loại phí liên quan đến thỏa thuận vay nước ngoài (phí cam kết đối với Thỏa thuận vay đã ký ngày 02 tháng 11 năm 2011, phí thu xếp vốn đối với Thỏa thuận vay sẽ ký cho giai đoạn tiếp theo). Trường hợp có khó khăn vướng mắc, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

- Báo cáo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt việc đưa phần chi phí vận hành vệ tinh trị giá 240 tỷ đồng vào kinh phí hoạt động thường xuyên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong giai đoạn 05 năm vận hành vệ tinh;

- Điều chỉnh các quyết định đầu tư của Dự án để đảm bảo phù hợp với phương án cho vay lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

11. Phê duyệt phương án phân bổ vốn năm tài khóa 2019 (thực hiện năm 2020) và đăng ký bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài, bổ sung dự toán NSNN năm 2020; danh sách xã và danh mục công trình đầu tư từ nguồn vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Ai Len cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135

Chính phủ thống nhất phương án phân bổ, danh mục các công trình và danh sách các xã đặc biệt khó khăn nhận viện trợ bổ sung từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len thuộc năm tài khóa 2019 cho 05 tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh để thực hiện Dự án với 76.296 triệu đồng (Bảy mươi sáu tỷ hai trăm chín mươi sáu triệu đồng) như đề xuất của Ủy ban Dân tộc (văn bản số 1100/TTr-UBDT ngày 28 tháng 8 năm 2020).

- Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký báo cáo giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len giai đoạn 2017 - 2020 cho Ủy ban Dân tộc để thực hiện Dự án Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 như đề nghị của Ủy ban Dân tộc (Tờ trình số 1100/TTr-UBDT ngày 28 tháng 8 năm 2020). Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu gửi đến Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đúng thời hạn quy định.

- Giao Ủy ban Dân tộc chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo, phương án phân bổ và danh sách các xã, các công trình nhận nguồn vốn viện trợ này. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và nhà tài trợ tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện, đánh giá tiến độ, hiệu quả thực hiện nguồn vốn tại các địa phương theo Thỏa thuận tài trợ đã ký giữa đại diện hai Chính phủ Việt Nam và Ai Len, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

12. Về dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước

Chính phủ thống nhất thông qua dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước. Giao Bộ Tư pháp rà soát, hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ bảo đảm chất lượng và tiến độ; trong đó chỉ đưa vào dự thảo Báo cáo của Chính phủ những kết quả rà soát các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, những vướng mắc, bất cập lớn, không phù hợp thực tiễn đã được xác định rõ căn cứ pháp lý.

- Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội ngay sau Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2020.

- Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Chính phủ giao Bộ Tư pháp nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giải pháp chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước các lĩnh vực được giao.

13. Tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thú tướng Chính phủ giao

Chính phủ yêu cầu: Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương trình hoặc phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản quy định chi tiết theo phân công còn nợ đọng trước ngày 15 tháng 9 năm 2020; đồng thời tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt việc soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành 49 văn bản quy định chi tiết các luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình trước ngày 15 tháng 9 năm 2020 các đề án trong chương trình công tác còn chậm tiến độ và trình đúng tiến độ 41 đề án trong chương trình công tác tháng 9 năm 2020.

14. Về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện một số quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Báo cáo số 4729/BTNMT-TCMT ngày 03 tháng 9 năm 2020) và Văn phòng Chính phủ (Báo cáo số 7333/BC-VPCP ngày 04 tháng 9 năm 2020; Biên bản làm việc và ý kiến thống nhất của các Bộ, cơ quan liên quan tại cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 28 tháng 8 năm 2020) và quyết nghị:

- Cho phép gia hạn thời gian hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục quy định tại Khoản 20 và Khoản 23 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 (thay vì ngày 31 tháng 12 năm 2020)

- Cho phép gia hạn đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với Giấy phép xử lý chất thải nguy hại (đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho doanh nghiệp) thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đồng thời không phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt nếu không thay đổi địa điểm, tăng quy mô công suất theo quy định tại Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

- Cho phép gia hạn đến hết ngày ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đồng thời không phải lập lại ĐTM đã được phê duyệt nếu không thay đổi địa điểm, tăng quy mô công suất theo quy định tại Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

- Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc, chủ động thông tin, hướng dẫn công khai, minh bạch trên phương tiện thông tin đại chúng cho doanh nghiệp và không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính trong quá trình triển khai. Đồng thời tiếp tục rà soát, phát hiện bất cập, tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị định số 40/2019/NĐ-CP , đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, chống tiêu cực, tham nhũng; phòng, chống ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.

15. Về tình hình xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương:

- Tập trung triển khai các công việc, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử ngày 26 tháng 8 năm 2020.

- Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương mình, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ trong quý IV năm 2020.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa, điện tử hóa các thủ tục hành chính và xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ giải pháp miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến và các chi phí liên quan (bưu chính, tài khoản), hoàn thành trong tháng 10 năm 2020.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất giải pháp giảm giá thành duy trì, vận hành chữ ký số công cộng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2020.

- Ban Cơ yếu Chính phủ đẩy nhanh tiến độ triển khai phân cấp, ủy quyền một số dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại văn bản số 3402/VPCP-KSTT ngày 29 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ.

- Trong tháng 9 năm 2020, các địa phương hoàn thành triển khai việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thực hiện ghi nhận tính pháp lý của hồ sơ điện tử theo thẩm quyền./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý, Thư ký TTg, PTTg; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo, TGĐ Cổng TTĐT CP;
- Lưu: Văn thư, TH (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG





Nguyễn Xuân Phúc

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 129/NQ-CP

Loại văn bảnNghị quyết
Số hiệu129/NQ-CP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành11/09/2020
Ngày hiệu lực11/09/2020
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài chính nhà nước, Giáo dục, Thể thao - Y tế
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật4 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 129/NQ-CP

Lược đồ Resolution 129/NQ-CP 2020 on Government’s regular meeting of August


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Resolution 129/NQ-CP 2020 on Government’s regular meeting of August
                Loại văn bảnNghị quyết
                Số hiệu129/NQ-CP
                Cơ quan ban hànhChính phủ
                Người kýNguyễn Xuân Phúc
                Ngày ban hành11/09/2020
                Ngày hiệu lực11/09/2020
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài chính nhà nước, Giáo dục, Thể thao - Y tế
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật4 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Resolution 129/NQ-CP 2020 on Government’s regular meeting of August

                            Lịch sử hiệu lực Resolution 129/NQ-CP 2020 on Government’s regular meeting of August

                            • 11/09/2020

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 11/09/2020

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực