Nội dung toàn văn Sắc lệnh 10/SL quy định chế độ khai thác mỏ
SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 10/SL NGÀY 22 THÁNG 1 NĂM 1950
CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ HỒ CHÍ MINH
Chiểu Sắc lệnh số 9-SL ngày 20 tháng 11 năm 1950 quy định chế độ hầm mỏ;
Chiểu đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kinh tế;
Xét nhu cầu hiện thời;
Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ và sau khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận,
RA SẮC LỆNH:
Điều 1: Nay quy định chế độ khai thác mỏ như sau:
Điều 2: Không ai được hưởng khoáng quyền về mỏ (tìm kiếm, khai thác, chuyển nhượng...) nếu không được Chính phủ cho phép theo các điều kiện ấn định trong Việt Nam khoáng luật.
Điều 3: Quyền khai một khu mỏ chỉ được hưởng trong một thời gian hạn định tuỳ theo trường hợp. Hết hạn, khu mỏ trả lại Nhà nước.
Điều 4: Muốn được quyền tìm kiếm và khai thác mỏ trước hết phải được Chính phủ cấp giấy phép nhận cho tư cách có thể được hưởng khoáng quyền về mỏ.
Giấy phép này có giá trị trong ba năm.
Điều 5: Muốn tìm kiếm mỏ, tư nhân phải có giấy phép tìm kiếm, trong đó ghi rõ khu vực tìm kiếm. Khu vực tìm kiếm là một hình vuông, cạnh hướng theo Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi cạnh dài ba kilômét. Giấy phép này có giá trị trong ba năm.
Không ai được hưởng quá năm giấy phép tìm kiếm không kể các nhượng khu đã xin được nói ở Điều 6.
Điều 6: Muốn được hưởng quyền khai thác trong một nhượng khu, tư nhân phải nộp đơn và chứng minh những điều kiện dưới đây:
1- Là người có quốc tịch Việt Nam hay là một công ty thành lập chính thức theo đúng luật lệ Việt Nam về việc thành lập các công ty kinh doanh;
2- Có giấy phép tìm kiếm mỏ trong khu mỏ xin lập thành nhượng khu;
3- Đã làm công việc thăm thử trong khu mỏ đó và chứng minh rằng khu đó có một số lượng khoáng chất đáng khai thác;
4- Có phương tiện về tài chính và chuyên môn để thực hiện việc khai thác ấy.
Điều 7: Chính phủ giữ toàn quyền định đoạt khi xét đơn. Trong trường hợp được chấp nhận, sẽ có một sắc lệnh cấp nhượng khu, kèm theo một quyển điều lệ ghi các điều kiện về việc cấp nhượng khu.
Trong trường hợp đơn bị bác, vì xét thiếu phương tiện tài chính và chuyên môn nói ở điều 6 và nếu xét có công trong việc tìm kiếm thì tư nhân có thể được hưởng một số tiền thưởng.
Điều 8: Quyền khai thác trong một nhượng khu chỉ được hưởng trong một thời gian hạn định tuỳ theo trường hợp, do sắc lệnh cấp nhượng khu ấn định.
Nhượng khu hình chữ nhật, các cạnh hướng theo Đông, Tây, Nam, Bắc và diện tích tối đa là 400 héc-ta.
Điều 9: Không ai được hưởng quá năm nhượng khu hay chung quyền lợi trong quá mười nhượng khu.
Điều 10: Trước khi hết hạn khai khoáng nhượng khu Chính phủ có quyền, vì lợi ích chung của Nhà nước, lấy lại một phần hay toàn thể nhượng khu đã cấp. Chính phủ có thể bồi thường hay không tuỳ theo trường hợp.
Điều 11: Mọi sự chuyển nhượng khoáng quyền phải được Chính phủ cho phép trước.
Điều 12: Tư nhân được hưởng khoáng quyền phải hoạt động một cách đầy đủ, nếu không, giấy phép có thể bị thu hồi.
Điều 13: Ngoài các thứ thuế khác, các nhượng khu phải chịu thuế diện tích và thuế sản xuất.
Điều 14: Việc khai khoáng phải chịu sự kiểm soát về phương diện chuyên môn để bảo vệ mỏ và công nhân, cũng như về phương diện kinh tế để phù hợp với kế hoạch kinh tế của Chính phủ.
Điều 15: Những chủ khoáng quyền không theo đúng các điều khoản của sắc lệnh này cùng các thể lệ ấn định trong Việt Nam khoáng luật sẽ bị truất quyền và có thể bị truy tố trước Toà án.
Điều 16: Chi tiết chế độ khai thác mỏ sẽ được quy định trong Việt Nam khoáng luật. Trong khi Việt Nam khoáng luật chưa ban bố, mọi thể lệ trái với sắc lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 17: Tất cả các kháng quyền đã có từ trước đều phải xét lại theo thể lệ mới.
Trong khi xét lại, có thể có những trường hợp đặc biệt.
Mỗi trường hợp đặc biệt sẽ do một sắc lệnh quyết định.
Điều 18: Các ông Bộ trưởng Bộ kinh tế, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp chiểu Sắc lệnh thi hành.
| Hồ Chí Minh (Đã ký)
|