Sắc lệnh 150/SL thành lập Toà án nhân dân Đặc biệt nơi phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất đã được thay thế bởi Sắc lệnh 284/SL bãi bỏ Toà án nhân dân đặc biệt và được áp dụng kể từ ngày 06/01/1957.
Nội dung toàn văn Sắc lệnh 150/SL thành lập Toà án nhân dân Đặc biệt nơi phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất
SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 150-SL NGÀY 12 THÁNG 4 NĂM 1953
CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Xét nhu cầu hiện thời,
Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ sau khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận,
RA SẮC LỆNH:
Điều 1
Mục đích: Để đảm bảo việc thi hành chính sách ruộng đất, giữ gìn trật tự xã hội, củng cố chính quyền nhân dân, đẩy kháng chiến đến thắng lợi, nay thành lập Toà án nhân dân đặc biệt ở những nơi phát động quần chúng.
Điều 2
Nhiệm vụ: Toà án nhân dân đặc biệt có nhiệm vụ:
1- Trừng trị những kẻ phản cách mạng, những cường hào gian ác, những kẻ chống lại hoặc phá hoại chính sách ruộng đất.
2- Xét xử những vụ tranh chấp về tài sản, ruộng đất liên quan đến các vụ án trên.
3- Xét xử những vụ tranh cãi về phân định thành phần giai cấp.
Toà án nhân dân đặc biệt chỉ có nhiệm vụ xét xử trong lúc và ở những nơi phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất. Khi làm xong nhiệm vụ, Toà án nhân dân đặc biệt sẽ giải tán.
Toà án nhân dân đặc biệt không xử những vụ hình và hộ thuộc Toà án nhân dân thường.
Những vụ án phản cách mạng phức tạp và phải xét xử lâu dài thì do Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu quyết định chuyển sang Toà án nhân dân thường xét xử.
Điều 3
Tổ chức: Thành lập Toà án nhân dân đặc biệt huyện hoặc liên huyện đặt dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh và đi lưu động ở các xã có phát động quần chúng.
Việc thành lập Toà án nhân dân đặc biệt ở huyện hay liên huyện do Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh quyết định và Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu duyệt y.
Điều 4
Thành phần: Toà án nhân dân đặc biệt gồm một Chánh án và từ 6 đến 10 thẩm phán, đa số trung bần cố nông, bần cố nông nhiều hơn trung nông.
Chánh án và một nửa số thẩm phán do Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh chọn lựa và Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu duyệt y. Một nửa số thẩm phán do Nông hội hoặc Hội nghị đại biểu nông dân ở huyện hay liên huyện cử ra. Khi đến xã nào xử thì lấy thêm đại biểu nông dân ở xã đó, nhưng số đại biểu lấy vào không được quá 1/3 tổng số thẩm phán.
Điều 5
Cách làm việc: Toà án nhân dân đặc biệt phải mật thiết liên hệ với nhân dân và phối hợp chặt chẽ với Nông hội, Công an và cơ quan tư pháp trong việc điều tra, xét xử.
Khi làm việc, Toà án nhân dân đặc biệt phải dựa vào quần chúng nhân dân địa phương mà điều tra, thu thập chứng cớ xác thực và phải xét xử nhanh chóng.
Điều 6
Khi xét hỏi, tuyệt đối không được đánh đập, tra tấn.
Điều 7
Nhân dân đến dự phiên toà được phát biểu ý kiến, nhưng phải giữ trật tự.
Điều 8
Người bị cáo có thể tự bào chữa hoặc mượn người khác bào chữa. Nhưng người bào chữa này phải được toà án cho phép.
Điều 9
Khi xử một việc có liên quan đến bản thân hoặc thân thích một uỷ viên nào của toà án thì uỷ viên ấy không được tham gia phiên toà xét xử việc đó.
Điều 10
Uỷ viên của Toà án nhân dân đặc biệt phạm lỗi trong khi làm nhiệm vụ bị nhân dân tố cáo thì do Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh xét và nếu cần thì truy tố.
Điều 11
Quyền hạn: Toà án nhân dân đặc biệt có quyền tuyên án:
- Tha bổng,
- Cảnh cáo,
- Bồi thường,
- Tịch thu tài sản,
- Tước quyền công dân,
- Quản chế ở địa phương,
- Phạt tù có thời hạn,
- Phạt tù chung thân,
- Xử tử hình.
Điều 12
Duyệt án: án tù dưới 5 năm do Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh duyệt và do Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh ký vào bản án. án từ 5 năm tù trở lên chung thân và án tử hình thì do Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu duyệt và do Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu ký vào bản án.
Chống án: Trong 10 ngày sau khi tuyên án, người bị án có quyền chống án.
Đối với những án do Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh duyệt thì đơn chống án do Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh xét. Đối với những án do Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu duyệt thì do Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu xét.
Nếu đơn chống án được chấp nhận thì Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh hoặc liên khu giao Toà án nhân dân đặc biệt xử lại lần cuối cùng.
Điều 13
Một nghị định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành.
Điều 14
Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Thứ Bộ Công an chiểu sắc lệnh thi hành.
| Hồ Chí Minh (Đã ký)
|