Nội dung toàn văn Sắc lệnh 182 tổ chức Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt nam
SẮC LỆNH
TỔ CHỨC LẠI ỦY BAN KHÁNG CHIẾN MIỀN NAM VIỆT NAM CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 182 NGÀY 13 THÁNG 9 NĂM 1946
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu theo Quyết nghị của Chính phủ thành lập Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam và Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Trung bộ;
Xét cần phải thống nhất Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam và Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Trung bộ trong tình trạng hiện thời;
Xét nhu cầu của công cuộc kháng chiến ở miền Nam Việt Nam;
Chiểu theo lời đề nghị của Chủ tịch Quân sự Uỷ Viên hội và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp;
RA SẮC LỆNH:
Điều thứ nhất
Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam nay cải tổ lại mục đích để thống nhất hành động và chỉ huy trong công cuộc kháng chiến tại miền Nam Việt Nam.
Điều thứ hai
Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam gồm có từ bảy đến chín uỷ viên, trong số đó có một uỷ viên đại biểu Uỷ ban Hành chính Nam bộ và một uỷ viên đại biểu Uỷ ban Hành chính Trung bộ.
Uỷ ban do một Chủ tịch và hai Phó chủ tịch điều khiển.
Điều thứ ba
Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam trực thuộc vào Bộ Quốc phòng về phương diện quản trị, và vào Quân sự Uỷ viên hội về phương diện điều động.
Điều thứ tư
Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam có nhiệm vụ tổ chức công cuộc kháng chiến tại nam phần Trung bộ (từ tỉnh Quảng Nam trở vào) và Nam bộ.
Về phương diện quân sự, Uỷ ban kháng chiến miền Nam tổ chức công cuộc kháng chiến toàn dân, điều khiển và chỉ huy bộ đội trong những miền thuộc phạm vi của Uỷ ban.
Về phương diện hành chính và chuyên môn, Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam:
a) Trong những trường hợp khẩn cấp và nghiêm trọng đặc biệt, có uỷ quyền để tuyên bố và thi hành việc thiết quân luật ở những địa phương nào xét ra cần, theo những cách thức đã quy định trong Sắc lệnh số 77 ngày 29 tháng 5 năm 1946;
b) Trái lại, trong lúc bình thường, các cơ quan Hành chính và chuyên môn ở địa phương vẫn làm việc theo quy tắc chung. Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam chỉ có quyền liên lạc với các cơ quan đó để thảo luận và giải quyết nhưng vẫn có liên quan đến công cuộc kháng chiến.
Điều thứ năm
Các ông Chủ tịch Quân sự Uỷ viên hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chiểu Sắc lệnh thi hành.
| Huỳnh Thúc Kháng (Đã ký)
|