Nội dung toàn văn Sắc lệnh 3/SL đặt quỹ công lương
SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 3/SL NGÀY 15 THÁNG 1 NĂM 1950 ĐẶT QUỸ CÔNG LƯƠNG
CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
- Chiểu các luật lệ hiện hành về thuế trực thu, nhất là Sắc lệnh số 36-SL ngày 6 tháng 5 năm 1949 đặt ra Quỹ tham gia Kháng chiến;
- Chiểu tình thế đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến;
- Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
- Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ, sau khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận;
RA SẮC LỆNH:
Điều 1: Nay đặt quỹ Công lương để thay thế quỹ Tham gia Kháng chiến.
Điều 2: Những người phải góp vào quỹ Công lương là nam nữ công dân từ 18 đến 55 tuổi, trừ những người ở vào các trường hợp được miễn ghi ở Điều 3.
Điều 3: Không phải góp vào quỹ Công lương:
a) Những binh sĩ tại ngũ trong quân đội quốc gia Việt Nam bất cứ ở cấp nào;
b) Những công dân ở trong hàng ngũ bộ đội địa phương;
c) Những quân nhân ở vào trường hợp được hưởng hưu bổng thương tật do Sắc lệnh số 20-SL ngày 16-2-1947 quy định;
d) Thân nhân những tử sĩ ở vào trường hợp được hưởng tiền tuất do Sắc lệnh số 20-SL ngày 16-2-1947 quy định;
e) Những sinh viên và học sinh không có tài sản và phải sống dựa vào người khác;
f) Những người tàn tật, không kế sinh nhai và phải sống dựa vào người khác.
Điều 4: Quỹ Công lương được tính bằng thóc và ấn định mỗi suất là 10 ki-lô.
Điều 5: Trong những trường hợp tuyệt đối không có thóc để nộp, có thể nộp tiền thay thóc. Những trường hợp này do nghị định liên Bộ nói ở Điều 7 quy định.
Điều 6: Cách trừng phạt những người định tâm trốn tránh không góp quỹ ghi trong Điều 6 sắc lệnh số 36-SL ngày 6-5-1949 vẫn áp dụng vào quỹ Công lương.
Điều 7: Một nghị định liên Bộ Nội vụ, Quốc phòng, Kinh tế, Tài chính sẽ định rõ thể thức thu thóc, dự trữ, sử dụng và kế toán số thóc thu được cùng những điều kiện và thủ tục thi hành Điều 6 nói trên.
Điều 8: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quốc phòng, Kinh tế và Tài chính chiểu Sắc lệnh thi hành.
| Hồ Chí Minh (Đã ký)
|