Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO 14010:1997 (ISO 14010:1996) về hướng dẫn đánh giá môi trường - Nguyên tắc chung do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN ISO 14010: 1997
HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG - NGUYÊN TẮC CHUNG
Guidelines for environmental auditing - General principles
1. Phạm vi
Tiêu chuẩn này quy định các nguyên tắc chung về đánh giá môi trường, các nguyên tắc này áp dụng cho mọi loại đánh giá môi trường. Mọi hoạt động đánh giá môi trường được coi là phù hợp với tiêu chuẩn này nếu chúng đáp ứng các yêu cầu nêu trong tiêu chuẩn.
2. Định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này, áp dụng các định nghĩa sau đây.
2.1. Kết luận đánh giá
Quan điểm hoặc sự phán xét chuyên môn của chuyên gia đánh giá về đối tượng đánh giá dựa trên và giới hạn ở việc suy luận từ các phát hiện khi đánh giá.
2.2. Chuẩn cứ đánh giá
Các chính sách, thủ tục, phương pháp thực hành hoặc các yêu cầu mà chuyên gia đánh giá căn cứ vào đó để so sánh các bằng chứng đánh giá đã thu thập được về đối tượng.
Chú thích - Các yêu cầu có thể bao gồm (nhưng không chỉ giới hạn ở) các tiêu chuẩn, hướng dẫn, các yêu cầu về tổ chức và các yêu cầu về pháp chế đã quy định.
2.3. Chứng cứ đánh giá
Thông tin, hồ sơ hoặc công bố có thể kiểm tra xác nhận được về một sự kiện.
Chú thích -
1) Chứng cứ đánh giá, có thể là định tính hoặc định lượng, được chuyên gia đánh giá sử dụng để xác định xem các chuẩn cứ đánh giá được thoả mãn hay không.
2) Chứng cứ đánh giá thường dựa trên các cuộc phỏng vấn, xem xét tài liệu, quan sát các hoạt động và điều kiện, các kết quả hiện có từ các phép đo và thử nghiệm, hoặc các công cụ khác trong lĩnh vực đánh giá.
2.4. Phát hiện khi đánh giá
Kết quả của việc so sánh và đánh giá các bằng chứng thu được với các chuẩn cứ đánh giá đã định.
Chú thích - Các phát hiện đánh giá là cơ sở của báo cáo đánh giá.
2.5. Đoàn đánh giá
Là nhóm các chuyên gia đánh giá, hoặc một chuyên gia đánh giá, được chỉ định thực hiện một cuộc đánh giá nhất định; đoàn đánh giá cũng có thể gồm cả các chuyên viên kỹ thuật và các chuyên gia tập sự.
Chú thích - Một trong những chuyên gia của đoàn đánh giá thực hiện chức năng chuyên gia đánh giá trưởng.
2.6. Bên được đánh giá
Tổ chức được đánh giá.
2.7. Chuyên gia đánh giá môi trường
Người đủ trình độ để thực hiện các cuộc đánh giá môi trường.
Chú thích - Các chuẩn cứ trình độ đối với chuyên gia đánh giá môi trường được nêu ở TCVN ISO 14012: 1997
2.8. Khách hàng
Tổ chức đặt hàng đánh giá.
Chú thích - Khách hàng có thể là bên được đánh giá, hoặc bất kỳ tổ chức nào có quyền về mặt pháp lý hoặc hợp đồng để đặt hàng đánh giá.
2.9. Đánh giá môi trường
Quá trình thu thập và đánh giá khách quan các chứng cứ để xác định xem các hoạt động, sự kiện, điều kiện, hệ thống quản lý môi trường cụ thể, hoặc thông tin về các vấn đề này, có phù hợp với chuẩn cứ đánh giá không và thông báo các kết quả của quá trình này cho khách hàng. Quá trình này phải được kiểm tra xác lập một cách có hệ thống và lập thành văn bản.
2.10. Chuyên gia đánh giá trưởng về môi trường
Người đủ trình độ để quản lý và thực hiện các cuộc đánh giá môi trường.
Chú thích - Các chuẩn cứ trình độ đối với chuyên gia đánh giá trưởng được nêu trong TCVN ISO 14012: 1997 .
2.11. Tổ chức
Công ty, liên hiệp công ty, hãng, xí nghiệp, cơ quan, hoặc một bộ phận của nó, dù là tổ hợp hay không, thuộc công ích hoặc tư nhân, có các bộ phận chức năng và sự quản trị riêng.
Chú thích - Dựa theo ISO 14001: 1996.
2.12. Đối tượng
Các hoạt động, sự kiện, điều kiện, hệ thống quản lý môi trường cụ thể và/ hoặc thông tin về các vấn đề trên.
2.13. Chuyên viên kỹ thuật
Người đóng góp hiểu biết hoặc kiến thức cụ thể cho đoàn đánh giá, nhưng không tham gia như một chuyên gia đánh giá.
3. Yêu cầu đối với đánh giá môi trường
Đánh giá môi trường phải tập trung vào đối tượng đã được xác định rõ ràng và lập thành văn bản. Bên (hoặc các bên) chịu trách nhiệm về đối tượng cũng được phân định rõ và lập thành văn bản.
Việc đánh giá chỉ được tiến hành nếu, sau khi thảo luận với khách hàng, chuyên gia đánh giá trưởng cho rằng:
- có đủ các thông tin thích hợp về đối tượng cần đánh giá.
- có nguồn lực thích hợp giúp cho quá trình đánh giá.
- có sự hợp tác thích đáng của bên được đánh giá.
4. Các nguyên tắc chung
4.1. Mục đích và phạm vi
Việc đánh giá phải dựa trên những mục đích do khách hàng đề ra. Phạm vi đánh giá do chuyên gia đánh giá trưởng xác định, có tham khảo ý kiến với khách hàng để đạt được các mục đích trên. Phạm vi phải mô tả mức độ và ranh giới đánh giá.
Cần phải thông báo mục đích và phạm vi đánh giá cho bên được đánh giá trước khi đánh giá.
4.2. Tính khách quan, độc lập và năng lực
Để đảm bảo tính khách quan của quá trình đánh giá, của các phát hiện và kết luận đánh giá, các thành viên của đoàn đánh giá phải là người độc lập với các hoạt động do họ đánh giá. Họ phải khách quan, không thành kiến và không mâu thuẫn về lợi ích trong suốt quá trình đánh giá.
Việc dùng các thành viên đoàn đánh giá từ nội bộ hay bên ngoài phải do khách hàng xem xét quyết định. Thành viên đoàn đánh giá được chọn từ nội bộ tổ chức phải không có liên quan trách nhiệm trực tiếp với đối tượng sẽ được đánh giá.
Thành viên của đoàn đánh giá phải kết hợp được sự hiểu biết, kỹ năng với kinh nghiệm để đảm đương các trách nhiệm đánh giá.
4.3. Sự cẩn trọng nghề nghiệp cần có
Để tổ chức một cuộc đánh giá môi trường, các chuyên gia đánh giá phải có đủ sự cẩn trọng, chuyên cần, kỹ năng và khả năng phán xét mà người ta mong đợi ở bất kỳ một chuyên gia đánh giá nào trong những tình huống tương tự.
Mối quan hệ giữa các thành viên đoàn đánh giá và khách hàng phải là một mối quan hệ tin cẩn và cẩn trọng. Trừ khi luật định yêu cầu các thành viên đoàn đánh giá không được tiết lộ các thông tin hoặc tài liệu và báo cáo cuối cùng có được trong quá trình đánh giá cho bất kỳ bên thứ ba nào thì không được khách hàng cho phép và khi cần phải được bên đánh giá cho phép.
4.4. Các thủ tục có hệ thống
Việc đánh giá môi trường phải được tiến hành theo các nguyên tắc chung này và mọi hướng dẫn liên quan đến các loại đánh giá môi trường tương ứng.
Chú thích - Hướng dẫn tiến hành đánh giá hệ thống quản lý môi trường nêu trong TCVN ISO 14011: 1997 .
Để nâng cao độ chắc chắn và tin cậy, việc đánh giá môi trường phải được tổ chức theo nghiệp vụ đã được xác định rõ và lập thành văn bản và theo các thủ tục có hệ thống. Nghiệp vụ và thủ tục cần được tuân thủ thận trọng đối với mọi cuộc đánh giá. Các thủ tục của một loại đánh giá này khác với loại đánh giá khác chỉ ở những đặc điểm được cho là đặc thù đối với loại đánh giá môi trường đó.
4.5. Chuẩn cứ, chứng cứ và các phát hiện đánh giá
Một trong các bước đầu tiên và quan trọng trong đánh giá môi trường là xác định chuẩn cứ đánh giá. Mức độ chi tiết các chuẩn cứ phải được thống nhất giữa chuyên gia trưởng và khách hàng, và phải được thông báo cho bên được đánh giá.
Các thông tin tương ứng phải được thu thập, phân tích, xử lý và lập thành hồ sơ để sử dụng làm chứng cứ đánh giá và kiểm tra để xác định xem các chuẩn cứ có được thoả mãn không.
Chứng cứ đánh giá phải có chất lượng và đủ về số lượng để sao cho khi so sánh các chứng cứ đánh giá với chuẩn cứ đánh giá, các chuyên gia đánh giá làm việc độc lập với nhau mà vẫn đạt được kết quả tương tự.
4.6. Độ tin cậy của các phát hiện và kết luận đánh giá
Quá trình đánh giá môi trường phải được thiết kế sao cho khách hàng và chuyên gia đánh giá có được sự tin tưởng cần thiết vào độ tin cậy của các phát hiện và kết luận đánh giá.
Chứng cứ đánh giá thu thập được trong quá trình đánh giá môi trường thường là các thông tin có sẵn, và một phần phụ thuộc vào chỗ cuộc đánh giá được tổ chức trong thời gian giới hạn và với nguồn lực giới hạn. Do đó sẽ có yếu tố không chắc chắn trong tất cả các cuộc đánh giá môi trường, và người sử dụng các kết quả đánh giá môi trường phải biết sự không chắc chắn này.
Chuyên gia đánh giá môi trường phải cân nhắc những hạn chế liên quan tới các chứng cứ thu thập khi đánh giá, và chấp nhận sự không chắc chắn trong các phát hiện và kết luận đánh giá, và phải tính đến các dữ kiện này khi lập kế hoạch và tổ chức đánh giá.
Chuyên gia đánh giá môi trường phải cố gắng để có đủ chứng cứ đánh giá sao cho các phát hiện khi đánh giá cá nhân quan trọng và toàn bộ các kết quả đánh giá/ ít quan trọng hơn có thể ảnh hưởng đến các kết luận đánh giá, đều được xem xét cân nhắc.
4.7. Báo cáo đánh giá
Các phát hiện đánh giá và/ hoặc tóm tắt phát hiện đánh giá phải được thông báo cho khách hàng trong bản báo cáo. Bên được đánh giá phải được nhận một bản báo cáo trừ trường hợp đặc biệt do khách hàng không cho phép. Báo cáo đánh giá bao gồm, và không chỉ giới hạn ở các thông tin liên quan đến đánh giá sau đây:
a) đặc điểm nhận dạng tổ chức được đánh giá và khách hàng;
b) các mục đích và phạm vi đánh giá đã được thoả thuận;
c) các chuẩn cứ đã thống nhất làm căn cứ để tổ chức đánh giá;
d) thời gian và thời hạn tiến hành đánh giá;
e) các thành viên đoàn đánh giá;
f) các đại diện bên được đánh giá tham gia vào đánh giá;
g) thông báo về tính chất bảo mật của nội dung;
h) danh sách các nơi gửi báo cáo đánh giá;
i) tóm tắt quá trình đánh giá, bao gồm mọi trở ngại đã gặp;
j) các kết luận đánh giá.
Khi thảo luận với khách hàng, chuyên gia đánh giá trưởng cần thống nhất những vấn đề trong các điểm nêu trên và những vấn đề bổ sung khác cần nêu trong báo cáo.
Chú thích - Thông thường, trách nhiệm của khách hàng hoặc bên được đánh giá là cần xác định các hoạt động khắc phục cần thiết theo các phát hiện khi đánh giá. Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá có thể đưa các kiến nghị nếu đã có thoả thuận với khách hàng.
PHỤ LỤC A
Tài liệu tham khảo
[1] ISO 14001: 1996, Hệ thống quản lý môi trường - Quy định và hướng dẫn sử dụng.
[2] ISO 14011: 1996, Hướng dẫn đánh giá môi trường - Thủ tục đánh giá - Đánh giá hệ thống quản lý môi trường.
[3] ISO 14012: 1996, Hướng dẫn đánh giá môi trường - Chuẩn cứ trình độ đối với chuyên gia đánh giá môi trường.
[4] ISO 14050: Quản lý môi trường - Thuật ngữ và định nghĩa.