Nội dung toàn văn Thỏa thuận hành chính công nhận văn bằng nhằm tạo điều kiện học chuyển tiếp bậc đại học tại nước đối tác giữa Việt Nam Pháp
BỘ NGOẠI GIAO****** Số: 98/2004/LPQT |
Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2004 |
Thỏa thuận hành chính giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục quốc gia, Đào tạo đại học và nghiên cứu Pháp về việc công nhận các quá trình đào tạo và văn bằng nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên học chuyển tiếp ở bậc đại học tại nước đối tác có hiệu lực từ ngày 06 tháng 10 năm 2004./.
| TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO |
THỎA THUẬN
HÀNH CHÍNH GIỮA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VIỆT NAM VÀ BỘ GIÁO DỤC QUỐC GIA, ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC VÀ NGHIÊN CỨU PHÁP VỀ VIỆC CÔNG NHẬN CÁC QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO VÀ VĂN BẰNG NHẰM TẠO ĐIỀU KIỆN CHO HỌC SINH, SINH VIÊN HỌC CHUYỂN TIẾP Ở BẬC ĐẠI HỌC TẠI NƯỚC ĐỐI TÁC
Căn cứ Luật Giáo dục của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tháng 12/1998;
Căn cứ Nghị quyết của Hội nghị Chủ tịch các trường đại học ngày 01/07/2004 và của Hội nghị Hiệu trưởng các trường học và đào tạo kỹ sư của nước Cộng hòa Pháp ngày 02/07/2004;
Căn cứ Bộ Luật Giáo dục của nước Cộng hòa Pháp;
Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Quốc gia, Đào tạo đại học và Nghiên cứu Pháp (sau đây gọi tắt là "hai Bên"), với mong muốn thúc đẩy và củng cố quan hệ trong lĩnh vực đào tạo đại học giữa hai nước, tạo thuận lợi cho sinh viên vào đại học và cho phép sinh viên học tập tại các trường đại học thuộc nước đối tác trong các điều kiện thỏa đáng, đã thống nhất như sau:
Điều kiện tổng quát
Điều 1. Mục đích của Thỏa thuận này là xác định những trường hợp có thể được chấp thuận miễn văn bằng hoặc miễn thời gian học tập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học đại học tại nước đối tác:
- đối với những sinh viên được cấp bằng từ trước tại mỗi nước;
- đối với những sinh viên đã có các giai đoạn học tập tại mỗi nước, nhưng chưa hoàn thành toàn bộ quá trình để được cấp bằng, tuy nhiên những giai đoạn này được xác nhận bằng một kỳ thi hay một bản chứng nhận trong đó các cơ quan có thẩm quyền xác nhận đã đạt yêu cầu; những giai đoạn này có thể sẽ được hợp thức tại trường tiếp nhận và dẫn đến việc miễn các học phần tương đương về nội dung và thời gian đào tạo trong quá trình học tập tại trường tiếp nhận.
Trong cả hai trường hợp, sau khi xem xét hồ sơ, các cơ quan giáo dục có thẩm quyền xác định những loại hình đào tạo sinh viên có thể theo học. Việc miễn thời gian học tập và miễn văn bằng nêu dưới đây được chấp nhận trong cùng phạm vi môn học hoặc cùng chuyên ngành đào tạo.
Thỏa thuận liên quan đến các cơ sở đào tạo đại học công lập, các trường đại học có thẩm quyền cấp bằng kỹ sư của Pháp và các trường đại học công lập của Việt Nam.
Thỏa thuận không liên quan đến việc cấp một văn bằng tại nước tiếp nhận và những ảnh hưởng dân sự đi kèm. Thỏa thuận không đưa ra quyền cấp văn bằng tương đương, nhưng tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận kèm theo miễn văn bằng với một số điều kiện, đặc biệt là khả năng tiếp nhận của cơ sở đào tạo và trình độ ngoại ngữ của sinh viên. Trong một số trường hợp, các cơ sở có thể đồng ý tiếp nhận một sinh viên với điều kiện sinh viên này theo học những khóa đào tạo bổ sung, nhất là nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ.
Giới thiệu cơ cấu văn bằng, trình độ đào tạo và tổ chức các quá trình đào tạo
Điều 2. Ở Pháp
2.1. Cơ cấu văn bằng và trình độ đào tạo:
Hai loại văn bằng (grades, titres) xác nhận những cấp đào tạo khác nhau của bậc đại học chung cho tất cả các lĩnh vực đào tạo. Loại văn bằng thứ nhất (grades) bao gồm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng licence (bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 3 năm), bằng thạc sỹ, bằng tiến sỹ, quy định các cấp đối chiếu chính của Không gian liên minh Châu Âu trong đào tạo đại học. Loại văn bằng thứ hai (titres) quy định các cấp trung gian (xem Nghị định số 2002-481 ngày 08/04/2002).
Việc áp dụng hệ thống đào tạo đại học của Không gian liên minh Châu Âu vào hệ thống đào tạo đại học của Pháp (xem Nghị định số 2002-482 ngày 08/04/2002) được thể hiện bởi điều kiện sau: các lộ trình đào tạo để đạt được văn bằng quốc gia. Những lộ trình này gồm một số lượng nhất định những đơn vị học trình, trong đó mỗi đơn vị học trình được tính bằng tín chỉ Châu Âu: 180 tín chỉ cho bằng licence (bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 3 năm), 300 tín chỉ cho bằng thạc sỹ (master), tức là thêm 120 tín chỉ Châu Âu sau khi đạt được bằng licence (bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 3 năm).
Các văn bằng (grades, titres) được cấp cho những người có bằng đại học quốc gia dưới sự cho phép của Nhà nước, theo quy định riêng đối với từng trường hợp.
Loại văn bằng thứ nhất (grades) được công nhận tương ứng với những văn bằng quốc gia sau:
- Để vào đại học: bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (baccalauréat);
- Trình độ đào tạo "bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 3 năm" (180 tín chỉ Châu Âu): bằng licence (bằng licence thông thường, bằng licence đào tạo nghề; bằng hướng dẫn – phiên dịch quốc gia);
- Trình độ đào tạo "bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 5 năm" (300 tín chỉ Châu Âu): bằng thạc sỹ (master), bằng thạc sỹ được đương nhiên công nhận cho những người có các văn bằng sau (xem Nghị định sửa đổi số 99-747 ngày 30/08/1999):
- Bằng kỹ sư được cấp bởi một cơ sở đào tạo có thẩm quyền do Nhà nước công nhận, sau quá trình đánh giá định kỳ của Ủy ban bằng kỹ sư;
- Bằng thạc sỹ quốc gia;
- Bằng cao học chuyên sâu (DEA);
- Bằng cao học chuyên ngành (DESS);
- Các văn bằng tương đương được cấp với danh nghĩa Nhà nước, nằm trong danh mục do Bộ trưởng phụ trách đào tạo đại học của Pháp ấn định;
- Trình độ đào tạo "bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 8 năm": bằng tiến sỹ.
Loại văn bằng thứ hai (titres) được công nhận tương ứng với những văn bằng quốc gia sau:
- Trình độ đào tạo "bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 2 năm" (120 tín chỉ Châu Âu): bằng kỹ thuật viên cao cấp (BTS); bằng cao đẳng công nghệ (DUT); bằng cao đẳng khoa học và kỹ thuật (DEUST); bằng đại học đại cương (DEUG);
- Trình độ đào tạo "bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 4 năm" (240 tín chỉ Châu Âu): bằng tốt nghiệp đại học (maitrise) bao gồm bằng tốt nghiệp đại học thông thường, bằng tốt nghiệp đại học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đại học khoa học và kỹ thuật, bằng tốt nghiệp đại học khoa học quản lý, bằng tốt nghiệp đại học về tin học ứng dụng trong quản lý doanh nghiệp;
- Trình độ đào tạo "bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 5 năm" (300 tín chỉ Châu Âu); bằng nghiên cứu công nghệ (DRT);
- Và những người được quyền hướng dẫn các nghiên cứu.
2.2. Tổ chức các quá trình đào tạo:
* Năm thứ nhất của chương trình đại học: tiếp nhận tất cả những học sinh có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hay bằng tương đương, đặc biệt chứng chỉ luật học và bằng tiếp nhận vào đại học. Quá trình này, được tổ chức thành những lộ trình đào tạo, dẫn đến cấp bằng licence (bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 3 năm) thuộc các chuyên ngành khác nhau (tức 180 tín chỉ Châu Âu) sau 6 học kỳ. Ở cấp trung gian, nó cho phép nhận được các loại văn bằng quốc gia xác nhận trình độ tương đương 120 tín chỉ Châu Âu.
* Các chương trình đào tạo chuyên ngành ngắn hạn:
- Các chương trình đào tạo kỹ thuật viên cao cấp (STS) được tổ chức tại các trường trung học phổ thông, cấp bằng kỹ thuật viên cao cấp (BTS) sau 2 năm đào tạo.
Việc tiếp nhận vào các chương trình đào tạo kỹ thuật viên cao cấp (STS) dựa trên cơ sở xét duyệt hồ sơ của những thí sinh có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Những thí sinh từng học tập ở nước ngoài, nếu có ý kiến của đội ngũ giáo viên và quyết định của Hiệu trưởng, cũng có thể được tiếp nhận.
- Các viện đại học công nghệ (IUT), nằm trong các trường đại học, cấp bằng cao đẳng công nghệ (DUT) sau 2 năm đào tạo.
Việc tiếp nhận vào các viện đại học công nghệ (IUT) dựa trên cơ sở xét duyệt hồ sơ của những thí sinh có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tương đương hoặc được miễn bằng.
Bằng kỹ thuật viên cao cấp (BTS) và bằng cao đẳng công nghệ (DUT) là những văn bằng xác nhận trình độ đại cương và chuyên ngành. Nó chứng nhận trình độ chuyên môn trong một lĩnh vực hay một ngành nghề nhất định sau một quá trình đào tạo trong đó nội dung đào tạo được soạn thảo với sự hợp tác chặt chẽ của giới chuyên môn.
* Các lớp dự bị vào các trường đại học lớn:
Các lớp dự bị vào các trường đại học lớn (CPGE) được tổ chức trong 2 năm và phân thành 3 loại: các lớp dự bị kinh tế và thương mại, các lớp dự bị văn học, các lớp dự bị khoa học. Các lớp này luyện thi vào các trường đại học lớn như trường đào tạo kỹ sư, trường thương mại và các trường đại học sư phạm (ENS).
Việc tiếp nhận vào các lớp dự bị vào các trường đại học lớn (CPGE) dựa trên cơ sở xét duyệt hồ sơ của các thí sinh có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tương đương.
* Các chương trình đào tạo kỹ sư:
Các chương trình đào tạo kỹ sư tương ứng chương trình đào tạo trình độ "bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 5 năm" và cấp bằng kỹ sư. Văn bằng này mặc nhiên được công nhận tương đương bằng thạc sỹ (master). "Bằng kỹ sư" chỉ được cấp bởi một cơ sở đào tạo được Nhà nước công nhận, sau đánh giá định kỳ của Ủy ban bằng kỹ sư (giáo dục và chuyên nghiệp) và cho phép được toàn quyền hành nghề.
Các chương trình đào tạo kỹ sư rất đa dạng và có thể tiếp nhận các thí sinh hoặc thông qua thi tuyển hoặc xét duyệt hồ sơ và phỏng vấn ở các trình độ khác nhau.
* Các chương trình đào tạo sau đại học (thạc sỹ - master):
- Bằng thạc sỹ quốc gia (master) xác nhận một trình độ tương ứng 120 tín chỉ Châu Âu sau bằng licence (bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 3 năm). Để được đăng ký vào những chương trình đào tạo thạc sỹ dẫn đến bằng thạc sỹ quốc gia, sinh viên phải chứng minh có một văn bằng quốc gia tương đương bằng licence (bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 3 năm) trong một lĩnh vực phù hợp.
Những chương trình đào tạo dẫn đến việc cấp văn bằng này, ở cấp độ trung gian, có thể được xác nhận bởi bằng tốt nghiệp đại học quốc gia (maitrise) trong lĩnh vực đào tạo liên quan, tương ứng 60 tín chỉ Châu Âu đầu tiên sau bằng licence (bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 3 năm).
Theo quy định chung, sau khi đạt 60 tín chỉ Châu Âu đầu tiên và có bằng tốt nghiệp đại học (maitrise), các chương trình đào tạo này được tổ chức dưới dạng các lộ trình đào tạo khác nhau để dẫn đến bằng thạc sỹ chuyên ngành (hướng tới mục đích chuyên môn) hoặc bằng thạc sỹ nghiên cứu (hướng tới mục đích nghiên cứu được tổ chức tại các trường đào tạo tiến sỹ). Bằng thạc sỹ nghiên cứu tương ứng giai đoạn đầu tiên của chương trình đào tạo tiến sỹ.
- Đối với các trường đại học chưa có thẩm quyền cấp bằng thạc sỹ quốc gia (master), sau năm học thứ tư được công nhận bởi bằng tốt nghiệp đại học quốc gia (60 tín chỉ Châu Âu sau khi đạt bằng licence), hai hướng được đề ra như sau:
+ Hướng phát triển ứng dụng chuyên ngành dẫn đến bằng cao học chuyên ngành (DESS) với thời gian đào tạo 1 năm; việc ghi danh vào bằng cao học chuyên ngành (DESS) do hiệu trưởng cơ sở đào tạo quyết định, theo đề nghị của phụ trách bằng cao học chuyên ngành.
+ Hướng phát triển nghiên cứu dẫn đến bằng cao học chuyên sâu (DEA) với thời gian đào tạo 1 năm; đây là giai đoạn đầu tiên của chương trình đào tạo tiến sỹ được tổ chức tại các trường đào tạo tiến sỹ; việc ghi danh vào bằng cao học chuyên sâu (DEA) do hiệu trưởng cơ sở đào tạo quyết định theo đề nghị của hiệu trưởng trường đào tạo tiến sỹ, sau khi có ý kiến của phụ trách bằng cao học chuyên sâu.
Bằng cao học chuyên ngành (DESS) và bằng cao học chuyên sâu (DEA) lần lượt dần được thay thế bởi bằng thạc sỹ chuyên ngành và bằng thạc sỹ nghiên cứu.
* Tiến sỹ:
Giai đoạn làm nghiên cứu sinh tương ứng giai đoạn hai của chương trình đào tạo tiến sỹ, thường được thực hiện trong ba năm và dẫn tới bảo vệ luận án.
Những chương trình đào tạo cấp bằng tiến sỹ được tổ chức tại các trường đào tạo tiến sỹ.
Để ghi danh vào chương trình tiến sỹ, sinh viên phải có bằng cao học chuyên sâu (DEA) hoặc bằng thạc sỹ nghiên cứu. Tuy nhiên, hiệu trưởng nhà trường có thể xem xét và ghi danh cho một thí sinh không có điều kiện trên đây vào chương trình này. Việc cho phép ghi danh để làm tiến sỹ và giải quyết các trường hợp ngoại lệ do hiệu trưởng cơ sở đào tạo quyết định theo đề nghị của hiệu trưởng trường đào tạo tiến sỹ, sau khi nhận được ý kiến của giảng viên hướng dẫn luận án.
Điều 3. Ở Việt Nam:
3.1. Các trình độ đào tạo và văn bằng:
* Các trình độ đào tạo:
- Cao đẳng: 3 năm;
- Đại học: 4 năm, một số ngành là 5 hay 6 năm;
- Thạc sỹ: 2 năm sau đại học;
- Tiến sỹ: 2 – 3 năm sau thạc sỹ;
Các trình độ đào tạo do các trường đại học hay các cơ sở đào tạo có thẩm quyền quy định với sự cho phép của Nhà nước.
* Các văn bằng quốc gia:
Bằng tốt nghiệp cao đẳng (Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 3 năm);
Bằng tốt nghiệp đại học (Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 4 năm);
Bằng thạc sỹ - trình độ thạc sỹ (Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 6 năm0;
Bằng tiến sỹ - trình độ tiến sỹ (Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 8 hay 9 năm);
3.2. Tổ chức các chương trình đào tạo đại học:
Những thí sinh có bằng trung học phổ thông hoặc bằng tương đương có thể tham gia kỳ thi tuyển sinh:
+ Hoặc vào chương tình đào tạo dài hạn – chương trình đại học;
+ Hoặc vào chương trình đào tạo ngắn hạn – chương trình cao đẳng.
Chương trình đào tạo ngắn hạn:
Sinh viên đỗ kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng và hoàn thành toàn bộ các môn học và kỳ thi tốt nghiệp sẽ được nhận Bằng tốt nghiệp cao đẳng sau 3 năm học.
Trong một số trường hợp1, các sinh viên có Bằng cao đẳng có thể thi tuyển vào đại học và học tiếp 1 – 2 năm để được nhận Bằng đại học.
Chương trình đào tạo dài hạn:
* Sinh viên đỗ kỳ thi tuyển sinh vào Đại học và hoàn thành toàn bộ các môn học, kỳ thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ đề án sẽ được nhận Bằng tốt nghiệp đại học sau 4 năm học (một số trường hợp là 5 năm như đối với ngành kỹ sư, kiến trúc sư hoặc 6 năm đối với ngành Y, Nha). Bằng tốt nghiệp đại học của ngành kỹ thuật gọi là "Bằng kỹ sư", ngành kiến trúc là "Bằng kiến trúc sư", ngành Y là "Bằng bác sỹ".
* Trong một số trường hợp, những sinh viên tốt nghiệp đại học loại "xuất sắc" có thể được chuyển thẳng, không qua thi tuyển, vào chương trình đào tạo Thạc sỹ, với sự đồng ý của Hội đồng Giáo dục nhà trường và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
- Những sinh viên tốt nghiệp đại học loại "khá", "giỏi" có thể tham dự kỳ thi tuyển sinh sau đại học cấp quốc gia vào chương trình đào tạo Thạc sỹ theo đúng ngành học của mình và được cấp bằng thạc sỹ sau 2 năm đào tạo.
- Những sinh viên tốt nghiệp đại học loại "trung bình" chỉ được tham dự kỳ thi tuyển sinh sau đại học vào chương trình đào tạo thạc sỹ theo ngành học của mình sau ít nhất 2 năm công tác.
* Chương trình đào tạo kỹ sư ở Việt Nam kéo dài 5 năm, được tổ chức trong một số trường đại học và các trường đại học bách khoa.
Chương trình đào tạo này không tách biệt giai đoạn đào tạo dự bị với giai đoạn đào tào kỹ sư như hệ thống giáo dục của Pháp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, mô hình này – giai đoạn dự bị hai năm/giai đoạn kỹ sư ba năm - được áp dụng trong "Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao ở Việt Nam", và triển khai tại bốn trường đại học và trường đại học bách khoa của Việt Nam với sự hỗ trợ của nhóm các trường đào tạo kỹ sư Pháp.
* Các sinh viên có bằng thạc sỹ (master) có thể tham dự kỳ thi tuyển sinh vào chương trình tiến sỹ theo ngành học của mình và được nhận bằng tiến sỹ (doctorat) sau thời gian đào tạo thông thường từ 2 – 3 năm2.
Các sinh viên có bằng thạc sỹ (master) có thể được chuyển thẳng lên học tiến sỹ (doctorat) theo quyết định của Hội đồng Giáo dục nhà trường và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
* Các sinh viên có bằng tốt nghiệp đại học (maitrise) loại "khá", "giỏi" có thể tham dự kỳ thi tuyển sinh vào chương trình đào tạo tiến sỹ và được nhận bằng tiến sỹ với thời gian đào tạo dài hơn là 4 năm.
Phương thức tiếp nhận vào hệ thống đào tạo đại học ở mỗi nước
Điều 4. Ở Pháp:
4.1. Ghi danh lần đầu vào năm thứ nhất đại học
* Một học sinh Việt Nam ghi danh lần đầu vào năm thứ nhất đại học dẫn đến bằng đại học quốc gia có thể làm trước một đơn xin nhập học nếu học sinh đó thỏa mãn các điều kiện tiếp nhận vào đại học tại Việt Nam.
4.2. Việc tiếp nhận vào các chương trình đào tạo dẫn đến bằng kỹ thuật viên cao cấp (BTS) và bằng cao đẳng công nghệ (DUT).
* Một học sinh Việt Nam thỏa mãn các điều kiện tiếp nhận vào đại học tại Việt Nam có thể được ghi danh vào năm thứ nhất trường đào tạo kỹ thuật viên cao cấp (STS) sau quá trình xét duyệt hồ sơ do Ban tuyển sinh thực hiện dưới quyền Hiệu trưởng.
* Một học sinh Việt Nam thỏa mãn các điều kiện tiếp nhận vào đại học tại Việt Nam có thể được tiếp nhận vào năm thứ nhất viện đại học công nghệ (IUT) sau quá trình xét duyệt hồ sơ.
4.3. Việc tiếp nhận vào các lớp dự bị vào các trường đại học lớn (CPGE) tổ chức trong các trường trung học phổ thông
* Một học sinh Việt Nam thỏa mãn các điều kiện tiếp nhận vào đại học tại Việt Nam có thể nộp hồ sơ dự tuyển để được tiếp nhận vào năm thứ nhất của lớp dự bị vào các trường đại học lớn (CPGE).
4.4. Ghi danh lần đầu vào năm thứ hai đại học và năm học cấp bằng licence
* Một sinh viên Việt Nam sau quá trình xét duyệt hồ sơ có thể được ghi danh vào năm thứ hai đại học, trong cùng ngành đào tạo3, nếu sinh viên này có giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp xác nhận đã hoàn thành năm thứ nhất đại học tại Việt Nam (tức tương đương 60 tín chỉ Châu Âu).
* Một sinh viên Việt Nam sau quá trình xét duyệt hồ sơ có thể được ghi danh vào năm học cấp bằng licence, trong cùng ngành đào tạo, nếu sinh viên này có giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp xác nhận đã hoàn thành hai năm đầu đại học tại Việt Nam (tức tương đương 120 tín chỉ Châu Âu).
4.5. Việc tiếp nhận vào các chương trình đào tạo kỹ sư
* Một học sinh Việt Nam thỏa mãn các điều kiện tiếp nhận vào đại học tại Việt Nam, sau quá trình xét duyệt hồ sơ, có thể vào học năm thứ nhất giai đoạn dự bị của một trường đào tạo kỹ sư.
* Một sinh viên Việt Nam có bằng tốt nghiệp đại học (maitrise) loại "khá", "giỏi" hoặc có giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp xác nhận đã hoàn thành bốn năm đầu đại học, sau quá trình xét duyệt hồ sơ, có thể vào học năm thứ hai giai đoạn đào tạo kỹ sư của một trường đào tạo kỹ sư.
Xin lưu ý rằng bằng kỹ sư được cấp bởi một cơ sở đào tạo có thẩm quyền được Nhà nước Pháp công nhận, sau đánh giá định kỳ của Ủy ban bằng kỹ sư. Văn bằng này chỉ được cấp vào cuối quá trình học của giai đoạn đào tạo kỹ sư, với thời gian đào tạo tối thiểu 4 học kỳ, thực tập tại doanh nghiệp (hay luận văn cuối khóa) với thời gian 1 học kỳ có thể thực hiện tại một doanh nghiệp ở Việt Nam.
* Hồ sơ xin học của một sinh viên Việt Nam đã hoàn thành các chương trình đào tạo tương ứng một số năm học giữa kỳ thi tuyển sinh đại học và thời điểm cấp bằng đại học, sẽ có thể được tiếp nhận vào giai đoạn đào tạo kỹ sư tại trường đào tạo kỹ sư. Việc tiếp nhận này sẽ được thực hiện vào năm học được xét là phù hợp nhất, sau khi các năm học trước được hợp thức bởi hội đồng xét tuyển của trường. Hội đồng xét tuyển có thể yêu cầu sinh viên học thêm các chương trình đào tạo bổ sung nhằm đảm bảo sự thích ứng tốt của sinh viên với chương trình đào tạo kỹ sư.
4.6. Việc tiếp nhận vào chương trình đào tạo sau đại học (thạc sỹ - master)
Phía Pháp coi bằng tốt nghiệp đại học (maitrise) loại "khá", "giỏi" ở Việt Nam tương đương 60 tín chỉ Châu Âu đầu tiên sau bằng licence (bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 3 năm). Một sinh viên Việt Nam có bằng tốt nghiệp đại học loại "khá", "giỏi", sau quá trình xét duyệt hồ sơ, có thể được ghi danh vào học bằng cao học chuyên ngành (DESS) hoặc bằng cao học chuyên sâu (DEA) theo đúng ngành học của mình, trong cùng các điều kiện đặt ra đối với một sinh viên Pháp; hay vào năm thứ hai thạc sỹ (chuyên nghiệp hay nghiên cứu).
4.7. Việc tiếp nhận vào chương trình đào tạo tiến sỹ (doctorat)
* Phía Pháp coi bằng thạc sỹ Việt Nam (master) tương đương 300 tín chỉ Châu Âu. Một sinh viên Việt Nam có bằng thạc sỹ Việt Nam, sau quá trình xét duyệt hồ sơ, có thể được ghi danh vào chương trình đào tạo tiến sỹ theo ngành học của mình.
Tùy theo chương trình đào tạo trước đó và những đặc thù của chương trình tiến sỹ hay chủ đề luận án dự kiến, song song với công trình nghiên cứu luận án, sinh viên có thể bắt buộc phải theo học một số kiến thức đào tạo bổ sung theo quyết định của giảng viên hướng dẫn luận án hay Hiệu trưởng trường đào tạo tiến sỹ.
Điều 5. Ở Việt Nam:
5.1. Ghi danh lần đầu vào năm thứ nhất đại học
* Một học sinh Pháp có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (baccalauréat) hay bằng tương đương có thể ghi danh vào năm thứ nhất đại học tại Việt Nam.
5.2. Việc tiếp nhận vào chương trình đào tạo đại học (maitrise)
* Một sinh viên Pháp đạt 120 tín chỉ, có bằng cao đẳng khoa học và kỹ thuật (DEUST), bằng kỹ thuật viên cao cấp (BTS) hoặc bằng cao đẳng công nghệ (DUT) có thể ghi danh vào năm thứ ba đại học tại Việt Nam, theo ngành học của mình.
* Một sinh viên Pháp có bằng licence (bằng tốt nghiệp trung học phổ thông + 3 năm) có thể ghi danh vào năm thứ tư đại học tại Việt Nam, theo ngành học của mình.
5.3. Việc tiếp nhận vào chương trình đào tạo kỹ sư:
* Một sinh viên Pháp có thể nộp hồ sơ xin học năm thứ ba chương trình đào tạo kỹ sư 5 năm tại Việt Nam với điều kiện đã hoàn thành hai năm đầu của chương trình đào tạo kỹ sư 5 năm tại Pháp.
5.4. Việc tiếp nhận vào chương trình đào tạo thạc sỹ (master):
* Một sinh viên Pháp có bằng tốt nghiệp đại học (maitrise) hay đạt 240 tín chỉ Châu Âu (chương trình đào tạo thạc sỹ năm thứ nhất), sau quá trình xét duyệt hồ sơ, có thể được ghi danh vào năm thứ nhất chương trình đào tạo thạc sỹ tại Việt Nam, theo ngành học của mình.
5.5. Việc tiếp nhận vào chương trình đào tạo tiến sỹ (doctorat)
* Một sinh viên Pháp có bằng cao học chuyên sâu hay bằng thạc sỹ nghiên cứu, sau quá trình xét duyệt hồ sơ, có thể ghi danh vào chương trình đào tạo tiến sỹ tại Việt Nam, theo ngành học của mình.
* Một sinh viên Pháp tốt nghiệp tại một trường đào tạo kỹ sư có thẩm quyền được Nhà nước công nhận, sau đánh giá định kỳ bởi Ủy ban bằng kỹ sư, có thể ghi danh vào chương trình đào tạo tiến sỹ nếu sinh viên đó chứng tỏ đã nắm được những kỹ năng nghiên cứu cơ bản; nếu những kỹ năng nghiên cứu này được đánh giá là chưa đủ thì sinh viên này, song song với công trình nghiên cứu luận án, bắt buộc học thêm kiến thức bổ sung theo quyết định của giảng viên hướng dẫn luận án.
Điều 6. Ghi danh làm luận án tiến sỹ đồng hướng dẫn
Những quy định liên quan đến việc đồng hướng dẫn luận án tiến sỹ nêu ở phụ lục 2
Thể thức áp dụng
Điều 7. Hai Bên cam kết sẽ cung cấp cho nhau những thông tin về hoạt động và các thay đổi trong hệ thống đào tạo đại học của mỗi nước.
Điều 8. Thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký và có giá trị trong 4 năm. thỏa thuận này có thể được gia hạn và sửa đổi khi có sự nhất trí giữa hai Bên. Hết thời hạn 4 năm, việc áp dụng thỏa thuận sẽ do Ủy ban giáo dục hỗn hợp Pháp - Việt đánh giá.
Các Bên có thể chấm dứt thỏa thuận bất cứ lúc nào, việc chấm dứt sẽ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ khi Bên này gửi thông báo cho Bên kia.
Thỏa thuận này được làm tại Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2004 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, các văn bản có giá trị như nhau./.
THAY MẶT BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | THAY MẶT BỘ GIÁO DỤC QUỐC GIA, ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC VÀ NGHIÊN CỨU NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP |
PHỤ LỤC 1
CHÚ THÍCH
(1) Đặc biệt trường hợp áp dụng đối với các cơ sở đào tạo có cả hai dạng chương trình đào tạo: ngắn hạn và dài hạn.
(2) Thời gian thực hiện luận án tiến sỹ là 2 năm đối với hình thức tập trung, 3 năm đối với hình thức không tập trung.
(3) Chuyên ngành đào tạo chính quy hay chuyên ngành liên quan.
PHỤ LỤC 2
ĐỒNG HƯỚNG DẪN LUẬN ÁN TIẾN SỸ
Quá trình này được thể hiện bởi bốn quy định chính sau:
- Nghiên cứu sinh thực hiện quá trình học tập và các công trình nghiên cứu với sự đảm trách của một giáo viên hướng dẫn luận án tại Pháp và một giáo viên tại Việt Nam, hai giáo viên cùng thực hiện các thẩm quyền được quy định đối với một giáo viên hướng dẫn luận án hay công trình nghiên cứu tại Pháp và tại Việt Nam;
- Luận án tiến sỹ được bảo vệ một lần duy nhất, tại Pháp hoặc Việt Nam và được hai cơ sở đào tạo công nhận;
- Hội đồng thông qua luận án gồm các nhà khoa học do hai cơ sở đối tác chỉ định với số lượng đồng đều và bao gồm ít nhất 4 thành viên trong đó bắt buộc có hai giáo viên hướng dẫn luận án và một thành viên không thuộc hai cơ sở đào tạo;
- Cơ sở đào tạo Pháp và Việt Nam cam kết cấp bằng tiến sỹ; việc soạn thảo văn bằng cho thấy sự phối hợp giữa hai cơ sở đào tạo cũng như việc đồng hướng dẫn;
Các quy định trên kèm theo các thể thức sau:
- Nghiên cứu sinh bắt buộc phải ghi danh tại một cơ sở đào tạo đại học của Pháp và một cơ sở đào tạo đại học của Việt Nam (nghiên cứu sinh chỉ phải trả phí ghi danh tại một trong hai cơ sở đào tạo đối tác).
- Nghiên cứu sinh thực hiện quá trình học tập và công trình nghiên cứu theo hình thức luân phiên giữa Pháp và Việt Nam, theo các giai đoạn được quy định bởi hai giáo viên hướng dẫn luận án thông qua một thỏa thuận chung.
- Đối với mỗi nghiên cứu sinh làm luận án tiến sỹ theo thể thức đồng hướng dẫn, một hợp đồng sẽ được ký kết giữa hai cơ sở đào tạo Pháp và Việt Nam; hợp đồng này sẽ nêu rõ một số điểm nhằm đảm bảo tốt cho tiến trình đồng hướng dẫn, đặc biệt các phương thức bảo hiểm xã hội.
Với mong muốn bảo vệ lợi ích của các bên đối tác và sinh viên, hai Bên thống nhất rằng việc bảo vệ chủ đề luận án cũng như việc xuất bản khai thác và bảo vệ những kết quả nghiên cứu trong công trình nghiên cứu của nghiên cứu sinh tại hai cơ sở đào tạo sẽ phải tuân theo quy chế hiện hành và bảo đảm phù hợp với những thủ tục đặc thù ở mỗi nước áp dụng cho việc đồng hướng dẫn; những quy định liên quan tới bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ được nêu trong một phụ lục của hợp đồng này.
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, các vấn đề nêu trên sẽ được giải quyết phù hợp với quy định và thông lệ của cơ sở đào tạo liên quan./.