Nội dung toàn văn Thỏa thuận thành lập Uỷ ban hỗn hợp tác kinh tế khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam Ma-lai-xi-a 1995
BẢN THOẢ THUẬN
VỀ VIỆC THÀNH LẬP UỶ BAN HỖN HỢP VỀ HỢP TÁC KINH TẾ, KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ MA-LAI-XI-A (1995).
Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ma-lai-xi-a (dưới đây gọi là "các Bên ký kết"),
Căn cứ Hiệp định về Hợp tác kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật ký ngày 20/4/1992 giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ma-lai-xi-a,
Mong muốn mở rộng và tăng cường quan hệ và hợp tác song phương trên cơ sở bền vững và lâu dài,
Tin tưởng vào sự cần thiết của sự hợp tác lâu bền và có hiệu quả vì lợi ích của hai nước,
Khẳng định lợi ích của hai bên trong việc tăng cường hợp tác song phương giữa hai nước,
Đã thoả thuận như sau:
Điều 1. Các bên ký kết sẽ thành lập một Uỷ ban hỗn hợp (sau đây gọi là "Uỷ ban") để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật giữa Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Ma-lai-xi-a và mở rộng hơn nữa việc hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật giữa hai nước trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm và cùng có lợi, có tính đến những khả năng và lợi thế so sánh của mỗi Bên ký kết.
Điều 2. Uỷ ban sẽ xem xét các cách thức và biện pháp nhằm thúc đẩy các mục tiêu nêu trên và đảm bảo việc phối hợp và thực hiện đúng các quyết định và/hoặc các khuyến nghị của Uỷ ban. Uỷ ban cũng sẽ xem xét tiến độ thực hiện của tất cả các hiệp định đã ký kết giữa hai nước, và thi hành các biện pháp để đảm bảo việc thực hiện tích cực và nhanh chóng các hiệp định này.
Điều 3. Uỷ ban sẽ do Bộ trưởng Ngoại giao của các Bên ký kết làm Chủ tịch. Thành phần của Uỷ ban sẽ do các Bên ký kết quyết định. Điều lệ của Uỷ ban được ghi trong phụ lục kèm theo và là một phần của Bản Thoả thuận.
Điều 4. Uỷ ban sẽ quyết định các điều lệ và thủ tục của Uỷ ban. Uỷ ban có thể lập ra các ban, tiểu ban và các nhóm làm việc để giải quyết các vấn đề cụ thể được đặt ra trước Uỷ ban.
Điều 5. Uỷ ban sẽ họp khi một trong hai Bên ký kết đề nghị và được hai bên thỏa thuận luân phiên tại Việt Nam và Ma-lai-xi-a. Trước khi họp Uỷ ban, sẽ tiến hành cuộc họp các quan chức cao cấp của hai bên.
Điều 6. Bản Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký. Thời hạn hiệu lực là 5 năm và sẽ tiếp tục có hiệu lực từng năm một, trừ phi một Bên ký kết, thông qua đường ngoại giao, thông báo cho bên kia bằng văn bản ý định chấm dứt hiệu lực của Bản Thoả thuận, 6 tháng trước khi kết thúc thời hạn có hiệu lực hiện tại. Trong trường hợp chấm dứt hiệu lực, các điều khoản của Bản Thỏa thuận này tiếp tục áp dụng đối với các chương trình đang thực hiện cho đến khi hoàn tất, trừ khi các Bên ký kết có thỏa thuận khác.
Mỗi Bên ký kết có thể yêu cầu bằng văn bản, thông qua đường ngoại giao, sửa đổi hoặc bổ sung toàn bộ hay từng phần của Bản Thỏa thuận. Bất kỳ sửa đổi hay bổ sung nào được các Bên ký kết chấp nhận và thông qua sẽ có hiệu lực kể từ ngày do hai Bên cùng thỏa thuận
Để làm bằng, những đại diện có tên dưới đây, thừa uỷ quyền của hai Chính phủ, đã ký vào Bản Thỏa thuận này.
Làm tại Kuala Lumpur ngày 7 tháng 9 năm 1995 thành 6 bản gốc, 2 bản tiếng Việt, 2 bản tiếng Ma-lai-xi-a và 2 bản tiếng Anh, tất cả các văn bản đều có giá trị ngang nhau. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa các văn bản thì lấy bản tiếng Anh làm căn cứ.
ĐIỀU LỆ
CỦA UỶ BAN HỖN HỢP CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM- MA-LAI-XIA
MỤC TIÊU
1. Mục tiêu của uỷ ban sẽ là:
i) Thúc đẩy quan hệ và hợp tác song phương, đặc biệt là hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Những mục tiêu này sẽ đạt được thông qua việc hai nước thực hiện, riêng rẽ hoặc phối hợp, các dự án hoặc các biện pháp đã thỏa thuận
ii) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật và các hiệp định khác có liên quan giữa hai nước
iii) Phối hợp các hoạt động của các diễn đàn hiện có giữa các Bộ/Cơ quan của hai nước nhằm thực hiện các mục tiêu rộng lớn nêu trong mục (i)
iv) Giải quyết các vấn đề tồn tại song phương thuộc phạm vi của mình
v) Xử lý các vấn đề song phương để không trở thành các vấn đề rắc rối
PHẠM VI HOẠT ĐỘNG
2. Uỷ ban sẽ phụ trách theo dõi các lĩnh vực sau:
a) Thương mại;
b) Hàng hóa;
c) Đầu tư;
d) Công nghiệp;
e) Giao thông vận tải và liên lạc;
f) Ngân hàng và tài chính;
g) Khoa học và kỹ thuật;
h) Nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp;
i) Dịch vụ;
j) Du lịch;
k) Thông tin; và
l) Những lĩnh vực khác mà các Bên ký kết có thể thoả thuận.
3. Uỷ ban có thể thành lập các ban, tiểu ban hay các nhóm làm việc để giải quyết các vấn đề cụ thể phù hợp với Điều IV của Bản Thỏa thuận về thành lập Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Ma-lai-xi-a. Khi thấy cần thiết, Uỷ ban sẽ đưa ra các khuyến nghị cho các ban, tiểu ban hay nhóm làm việc nói trên để tạo thuận lợi cho công việc.
4. Uỷ ban cần được thông tin thường xuyên về kết quả các cuộc họp của các ban và tiểu ban này.
THỜI GIAN HỌP
5. Uỷ ban sẽ triệu tập họp nếu một trong hai bên yêu cầu và có sự thoả thuận chung.
CUỘC HỌP CÁC QUAN CHỨC CAO CẤP
6. Cuộc họp các quan chức cao cấp của hai nước sẽ tiến hành các công việc chuẩn bị cho cuộc họp của uỷ ban. Cuộc họp này do Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Ma-lai-xi-a đồng chủ trì. Cuộc họp này cũng sẽ bảo đảm việc thực hiện mọi quyết định và khuyến nghị của Uỷ ban.
THÀNH PHẦN
7. Uỷ ban sẽ do Bộ trưởng Ngoại giao của hai nước làm Chủ tịch và bao gồm các vị Bộ trưởng có liên quan trong Chính phủ và các quan chức cao cấp của các Bộ, các cơ quan hữu quan của Chính phủ do các Bên ký kết quy định.
CHỨC CHỦ TỊCH
8.Chức Chủ tịch cuộc họp của Uỷ ban sẽ do các Trưởng đoàn cùng đảm nhiệm.
ĐỊA ĐIỂM
9. Địa điểm họp hàng năm của Uỷ ban sẽ luân phiên giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Ma-lai-xi-a.
CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ
10. Chương trình nghị sự tạm thời cho cuộc họp hàng năm của Uỷ ban sẽ do nước chủ nhà đề nghị ít nhất là 1 tháng trước ngày dự định họp.
BIÊN BẢN
11. Nước chủ nhà sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị các biên bản thoả thuận.
KÊNH LIÊN LẠC
12. Mọi liên lạc sẽ thông qua Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ma-lai-xi-a, hai Bộ này sẽ hoạt động như Ban thư ký của Uỷ ban.
THÔNG BÁO BÁO CHÍ
13. Mọi biên bản của Uỷ ban sẽ được giữ bí mật. Tuy nhiên, Uỷ ban có thể ra các tuyên bố cho báo chí khi thấy thích hợp./.