Nội dung toàn văn Thông báo 102/TB-UBND 2013 kết luận thiết kế đô thị quanh hồ Xuân Hương vườn hoa Đà Lạt Lâm Đồng
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 102/TB-UBND | Lâm Đồng, ngày 05 tháng 09 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN XUÂN TIẾN - CHỦ TỊCH UBND TỈNH TẠI BUỔI HỌP NGHE BÁO CÁO VỀ THIẾT KẾ ĐÔ THỊ QUANH HỒ XUÂN HƯƠNG VÀ QUY HOẠCH VƯỜN HOA THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT (GIAI ĐOẠN 3)
Ngày 27 tháng 8 năm 2013, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp nghe báo cáo về thiết kế đô thị quanh hồ Xuân Hương và quy hoạch vườn hoa thành phố Đà Lạt (giai đoạn 3).
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở: Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa Thể thao và Du lịch; Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt và đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ quy hoạch.
Sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo về thiết kế đô thị quanh hồ Xuân Hương và Vườn hoa thành phố Đà Lạt (giai đoạn 3) và ý kiến thảo luận của các thành viên tham dự họp, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến kết luận như sau:
UBND tỉnh hoan nghênh UBND thành phố Đà Lạt và đơn vị tư vấn đã có những cố gắng trong nghiên cứu, đề xuất giải pháp thiết kế đô thị quanh hồ Xuân Hương và quy hoạch vườn hoa thành phố Đà Lạt, các ý kiến góp ý của các ngành, đơn vị tham dự tại cuộc họp là chuyên sâu; đề nghị UBND thành phố Đà Lạt, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn nghiên cứu tiếp thu hoàn chỉnh đồ án. Cụ thể như sau:
I. Đối với đồ án thiết kế đô thị quanh hồ Xuân Hương:
Hồ Xuân Hương là khu di tích thắng cảnh cấp quốc gia, việc quy hoạch và thiết kế đô thị để nhằm mục đích tôn tạo, giữ gìn và phát huy di tích danh lam thắng cảnh, hình thành khu vực đi bộ hấp dẫn và thu hút du khách. UBND tỉnh thống nhất một số giải pháp đề xuất về thiết kế đô thị khu vực quanh hồ Xuân Hương như sau:
1. Phương án thiết kế chiếu sáng đường phố, nghệ thuật dọc tuyến đi bộ, chiếu sáng mặt hồ và các công trình biểu tượng, điểm nhấn kiến trúc; các cột điện, cột đèn chiếu sáng không đặt vấn đề treo giỏ hoa (thay vào đó nghiên cứu một phần dành cho quảng cáo).
2. Thống nhất bố trí hệ thống cây xanh, vườn hoa và thảm cỏ nhằm tạo sự thông thoáng và tôn vẻ đẹp quanh hồ kể cả ban ngày và ban đêm. Rà soát, sắp xếp lại các loại cây xanh, thiết kế cắt tỉa tạo dáng hình khối đối với các cây tùng thích hợp, trồng mới các cây xanh đặc hữu của địa phương như cây thông, phượng tím, hoa anh đào...
3. Thảm cỏ, bồn hoa được tổ chức hài hòa với hệ thống đường đi dạo bộ và cây xanh tầm trung, tầm cao, trong đó sử dụng các loài hoa như cẩm tú cầu, bồ công anh, hồng dại và một số loài hoa đặc hữu khác của địa phương.
4. Hàng rào dọc khu vực sân golf: thiết kế các hàng rào hoa hoặc dây leo có hoa kết hợp hàng rào sắt hoặc các loại vật liệu xây dựng (nhưng phải mềm hóa vật liệu và kiểu dáng kiến trúc); xác định các khu vực có các trục, góc nhìn đẹp, có giá trị về mặt cảnh quan, không xây dựng hàng rào che chắn, chỉ được phép làm hàng rào thấp và thoáng.
Tại khu vực Nhà nghỉ công đoàn và Chùa Quan thế âm cần nghiên cứu trồng hoa kết hợp hàng rào hiện có;
5. Khu vực công viên Bà Huyện Thanh Quan (theo tên đồ án trước đây, nay là công viên Trần Quốc Toản) tiếp tục thực hiện phương án trồng cây xanh (cây thông, phượng tím và hoa anh đào) ở khu vực trên cao, các khu vực giáp đường Trần Quốc Toản trồng cỏ xen hoa Bồ Công Anh. Riêng khu A tổ chức dạng công trình văn hóa kết hợp công viên chuyên đề vườn di sản Unessco (có biểu tượng của các nước Asean).
6. Công viên mở hồ Xuân Hương (số 2, 4 đường Trần Quốc Toản): thiết kế, trồng bổ sung thêm hoa Cẩm Tú Cầu, nghiên cứu chuyển bờ taluy dọc đường Trần Quốc Toản thành thảm cỏ, có các biện pháp thích hợp để tôn tạo các cây Hoa Anh Đào lâu niên;
7. Vườn Bích Câu: phải được nghiên cứu thiết kế đô thị trong tổng thể hồ Xuân Hương.
8. Các nội dung cụ thể khác:
- Đề xuất cung đường đi bộ (một phần quanh hồ Xuân Hương) từ Quảng trường Lâm Viên qua nhà nghỉ Công đoàn, cầu sắt, đến Đinh Tiên Hoàng gắn liền với các đầu mối tiếp cận và hệ thống bãi đậu xe, các tiện ích dành cho người đi bộ, các điểm dừng chân...
- Đề xuất quy định về quản lý cảnh quan quanh hồ Xuân Hương, quy định cụ thể về tầng cao tối đa, khoảng lùi tối thiểu của các công trình kiến trúc quanh hồ; xác định các trục nhìn và tầm nhìn đẹp cần bảo tồn.
- Đối với giao thông khu vực trước Quảng trường Lâm Viên: áp dụng biện pháp kẻ vạch sơn nhằm giảm tốc độ lưu thông của xe cơ giới trên đường Trần Quốc Toản đoạn qua khu vực quảng trường kết hợp biện pháp phân luồng giao thông hợp lý;
- Các cây xanh phải di dời, thay thế phải có lộ trình và biện pháp thay thế thích hợp;
Ngoài ra, đồ án quy hoạch cần bổ sung và đề xuất đầy đủ các nội dung quy định đối với đồ án thiết kế đô thị được quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 của Bộ Xây dựng.
II. Về quy hoạch phân khu Vườn hoa thành phố Đà Lạt (giai đoạn 3) và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết giai đoạn 1, 2:
Giao các sở, ngành và UBND thành phố Đà Lạt tiếp tục nghiên cứu đồ án quy hoạch, có ý kiến đóng góp bằng văn bản gửi Sở Xây dựng xem xét, thẩm định.
Dự án Vườn hoa thành phố Đà Lạt với quy mô khoảng 38,87 ha là dự án công viên hoa lớn, có vị trí quan trọng;
Giải pháp quy hoạch cần lưu ý các nội dung sau:
- Nghiên cứu hoàn chỉnh hệ thống giao thông, các tuyến đường dạo bộ và hệ thống các điểm dừng chân có gắn với các trục, tầm nhìn đẹp; các phân khu chức năng và các vườn hoa chuyên đề phải được chuyển tiếp cho phù hợp.
- Đề xuất biểu tượng, công trình kiến trúc đặc trưng ấn tượng cho công viên hoa.
- Sản phẩm quy hoạch của công viên đáp ứng được nhu cầu đa thành phần, lứa tuổi của du khách.
- Đề xuất cơ cấu cây xanh, hoa dài ngày, ngắn ngày và phù hợp các mùa trong năm.
- Quy hoạch hệ thống hồ cảnh quan phải nghiên cứu cùng giải pháp thủy lợi và giải pháp xử lý, thoát nước vào hồ Xuân Hương.
- Các nội dung cụ thể khác: không chấp thuận hạng mục khách sạn trong công viên; bổ sung hệ thống công trình vệ sinh tại các vị trí phù hợp.
Các Sở, ngành góp ý bằng văn bản gửi Sở Xây dựng trước ngày 10/9/2013;
UBND thành phố Đà Lạt mời Hội Kiến trúc sư và Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng tham gia phản biện đồ án làm cơ sở xem xét thẩm định và phê duyệt; trong tháng 11/2013 hoàn tất việc trình thẩm định và phê duyệt, để trưng bày triển lãm nhân dịp 120 năm hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt.
UBND tỉnh trân trọng thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh để UBND thành phố Đà Lạt, Hội Kiến trúc sư, các sở ngành liên quan, chủ đầu tư và và đơn vị tư vấn biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. CHỦ TỊCH |