Nội dung toàn văn Thông báo 1079/TB-BNN-VP kết quả kiểm tra công tác bảo vệ phát triển rừng tỉnh Tây Nguyên từ ngày 22/01 đến 28/01/2008
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1079/TB-BNN-VP | Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT QUẢ KIỂM TRA CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TẠI CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN TỪ NGÀY 22/01 ĐẾN 28/01/2008
Thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về những vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (sau đây viết tắt là Ban chỉ đạo Trung ương), trong các ngày từ 22/01 đến 28/01/2008, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị, Phó Ban chỉ đạo Trung ương làm Trưởng đoàn và một số thành viên đại diện các Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp); Quốc phòng (Cục Tác Chiến); Tài nguyên và Môi trường (Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) và Đài truyền hình Việt Nam (Ban Thời tiết) đã tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng và tình hình thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để trồng Cao su; việc thực hiện Quyết định 304/2005/QĐ-TTg ngày 23/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Đoàn đã làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh, một số cơ quan, đơn vị chức năng của địa phương và kiểm tra một số hiện trường tại khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao và điểm nóng về phá rừng như vùng nguyên liệu giấy của Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam – trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Vườn quốc gia YokDon, huyện Buôn Đôn – Đắk Lắk; khu vực huyện Đắk R’Lấp, Đắk Song – Đắk Nông và một số chủ rừng. Kết quả kiểm tra như sau:
1. Đánh giá tình hình chung
Trong thời gian qua, các cấp, ngành của địa phương đã chủ động và tích cực triển khai các hoạt động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, như củng cố, kiện toàn lại các Ban chỉ huy về những vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức hội nghị các cấp (tỉnh – huyện- xã) tổng kết công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, rà soát, hoàn chỉnh/xây dựng các phương án/kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2007 – 2008, triển khai các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và chống chặt phá rừng, như giải pháp đốt trước vật liệu cháy, giảm nguy cơ cháy rừng trong mùa khô tại Công ty nguyên liệu Giấy Miền Nam và Vườn quốc gia YokDon; tăng cường các chốt trạm ngăn chặn phá rừng tại Đắk Nông trong dịp tết Nguyên Đán … Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn còn một số hạn chế, như:
- Việc rà soát, xác định quỹ đất để trồng Cao su tại các địa phương triển khai còn chậm và lúng túng.
- Việc triển khai thực hiện Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ các tỉnh Tây Nguyên ở hầu hết các địa phương đều không bảo đảm theo kế hoạch và tiến độ đề ra;
- Tình hình vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn xảy ra và trong thời gian tới tình hình diễn biến có thể nghiêm trọng hơn, nguy cơ tiềm ẩn về phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác nông nghiệp, buôn bán đất bất hợp pháp; khai thác, vận chuyển gỗ trái phép diễn biến phức tạp. Đặc biệt, rất cần quan tâm ở tỉnh Đắk Nông và Vườn quốc gia YokDon, huyện Buôn Đôn – Đắk Lắk.
2. Một số công việc cần triển khai thực hiện trong thời gian tới
Từ những tồn tại nêu trên và cùng với mùa khô năm nay, theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu toàn cầu, nguy cơ xảy ra khô hạn trên diện rộng vẫn tiềm ẩn, nhất là các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên, do vậy nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Thay mặt Đoàn công tác Thứ trưởng Hứa Đức Nhị, Phó ban chỉ đạo Trung ương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung vào một số công việc sau đây:
1) Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng và phóng cháy, chữa cháy rừng, bao gồm:
- Rà soát lại các phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cụ thể cho từng khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao và các điểm nóng khai thác rừng, phá rừng trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, để có phương án chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và các biện pháp về điều động lực lượng; phương tiện, trang thiết bị và bố trí các chốt, trạm phù hợp, sẵn sàng tham gia xử lý trong mọi tình huống;
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người đối với công tác bảo vệ rừng và sự nguy hiểm của các hoạt động phá rừng, đốt nương làm rẫy dẫn đến nguy cơ cháy rừng và suy thoái môi trường;
- Tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các huyện, xã và chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm túc phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Triển khai các giải pháp đồng bộ, quản lý bảo vệ rừng chặt chẽ tại cơ sở (gốc) và kiểm soát chặt chẽ trong khâu lưu thông và cơ sở chế biến.
Tổ chức kiểm tra, truy quét ở những địa bàn trọng điểm về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép; phân loại các tổ chức, cá nhân phá rừng, các cơ sở chế biến, thu gom, vận chuyển lâm sản trái phép để có phương án đấu tranh, xử lý phù hợp. Kiên quyết xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của mọi đối tượng, để nâng cao tính giáo dục, răn đe phòng ngừa chung;
- Tăng cường xây dựng và củng cố lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó cần quan tâm đến các tổ đội bảo vệ rừng ở cơ sở và của các chủ rừng và Kiểm lâm phải là lực lượng nòng cốt gắn kết với chính quyền cơ sở để quản lý bảo vệ rừng tận gốc;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm giai đoạn 2007 – 2010” theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 02/01/2007, của Thủ tướng Chính phủ.
2) Về việc triển khai thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng và giao đất lâm nghiệp và thực hiện Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tại các tỉnh Tây Nguyên.
Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp giữa bảo vệ rừng với phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, vì vậy Ủy ban nhân dân các tỉnh cần tập trung một số công việc sau:
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các đề án, dự án giao rừng, cho thuê rừng, giao đất lâm nghiệp ở địa phương, đúng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo từng khu rừng phải có chủ quản lý thực sự theo đúng quy định của Nhà nước;
- Tiếp tục rà soát quỹ rừng, quỹ đất của các lâm trường, công ty lâm nghiệp, ban quản lý các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, kiên quyết thu hồi diện tích đất, rừng các đơn vị quản lý, sử dụng kém hiệu quả, để giao cho các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên giao rừng, đất lâm nghiệp này cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn;
- Trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành ở địa phương tổ chức bàn giao ngoài thực địa, đồng thời lập quy hoạch chi tiết về quản lý bảo vệ và phát triển rừng gắn với các chủ quản lý cụ thể;
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho người dân về chủ trương giao rừng, cho thuê rừng và các chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng;
3) Về việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây Cao su ở Tây Nguyên, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh cần khẩn trương tổ chức thực hiện, trong đó tập trung vào một số công việc sau:
- Chỉ đạo các cấp ngành tổ chức rà soát chi tiết diện tích đất, diện tích rừng hiện có, tiến hành rà soát xác định đủ diện tích đất đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ trồng Cao su;
- Tổng hợp phương án toàn tỉnh về nhu cầu chuyển rừng sang trồng Cao su và báo cáo về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (trước ngày 29/02/2008), để Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4) Các kiến nghị và phản ánh của địa phương xung quanh công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, giao Cục Kiểm lâm và Cục lâm nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ để xử lý; hoặc tham mưu cho Bộ giải quyết.
Văn phòng xin thông báo để các thành viên Ban chỉ đạo và Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên biết và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG – TRƯỞNG BAN BCĐTW |