Nội dung toàn văn Thông báo 10916/TB-BNN-VP Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường Hội nghị Tổng kết sản xuất tiêu thụ cá Tra 2016
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10916/TB-BNN-VP | Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2016 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG NGUYỄN XUÂN CƯỜNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT SẢN XUẤT, TIÊU THỤ CÁ TRA NĂM 2016 VÀ BÀN GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Ngày 14 tháng 12 năm 2016 tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh An Giang, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị Tổng kết sản xuất, tiêu thụ cá Tra năm 2016 và Bàn giải pháp phát triển bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh và Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Trung Hiếu đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự có đại diện: Bộ Công Thương; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hiệp hội cá Tra Việt Nam (VPA); Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP); lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); một số doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia sản xuất giống, thức ăn, nuôi, chế biến, xuất khẩu cá Tra và các cơ quan truyền thông.
Sau khi nghe báo cáo và tham luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận:
Cá Tra là sản phẩm có lợi thế nhất trong nhóm 10 loại nông sản xuất khẩu hàng đầu của ngành nông nghiệp, có năng suất và giá trị lớn, có mức độ tập trung cao tại ĐBSCL. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, ngành hàng chưa phát triển ổn định, người sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2016 ngành hàng cá Tra phải gánh chịu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài, các rào cản thương mại, kỹ thuật của nhiều thị trường nhập khẩu. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành, sự tham gia tích cực của các Hiệp hội, sự nỗ lực lao động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi nên tình hình sản xuất, tiêu thụ cá Tra vẫn có tăng trưởng so với năm 2015. Đây là tín hiệu tốt, tạo tiền đề phát triển trong năm 2017.
Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, xu thế hội nhập với các chính sách bảo hộ tinh vi, chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận trong cách thức quản lý, tổ chức sản xuất để có sản phẩm sạch nhất, tốt nhất, đa dạng nhất, giá thành thấp nhất để cạnh tranh và phát triển bền vững. Trước mắt, cần tập trung thực hiện một số định hướng và giải pháp trọng tâm sau:
- Về cơ chế chính sách: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý, cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của bộ máy quản lý cho phù hợp. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ để phát triển sản xuất và tiêu thụ cá Tra.
- Về Khoa học công nghệ: tập trung nghiên cứu công nghệ chọn tạo con giống chất lượng cao, cải tiến quy trình sản xuất giống, quy trình nuôi thương phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, trong đó có tính đến các tác động của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; nghiên cứu nâng cao chất lượng thức ăn để giảm giá thành sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Về tổ chức sản xuất: tiếp tục đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường, hạ giá thành, nâng cao lợi ích của người sản xuất.
- Về phát triển thị trường: giữ vững, phát triển thị trường truyền thống như Mỹ, EU v.v.. và tăng cường phát triển thị trường mới. Cần chú trọng phát triển thị trường nội địa thông qua cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của mỗi nhóm người tiêu dùng.
Để thực hiện các định hướng và giải pháp trên, các cơ quan, đơn vị cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Giao Tổng cục Thủy sản
- Tiếp thu ý kiến của đại biểu và có ý kiến giải trình
- Khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành, chủ trì tham mưu đề xuất phê duyệt lại và triển khai hiệu quả Đề án khung sản phẩm quốc gia “Sản phẩm cá da trơn chất lượng cao và sản phẩm chế biến từ cá da trơn”.
- Rà soát, tham mưu điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý thuộc Bộ có liên quan đến sản xuất, tiêu thụ cá Tra để tránh chồng chéo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
- Chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II và các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học đối với ngành hàng cá Tra; đánh giá chất lượng, nhu cầu giống và đề xuất kế hoạch, giải pháp khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng giống, cải tiến kỹ thuật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất.
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quản lý, cơ chế chính sách để tăng cường quản lý và tạo động lực phát triển ngành hàng, trong đó lưu ý công tác quản lý chất lượng giống, thu hút đầu tư sản xuất con giống chất lượng cao; các chính sách về ưu đãi tín dụng cho người sản xuất; khuyến khích phát triển liên kết chuỗi; phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng; phát triển thị trường nội địa.
- Đề nghị Thứ trưởng Vũ Văn Tám trực tiếp chỉ đạo mở Hội chợ giới thiệu sản phẩm cá Tra trong năm 2017 và xây dựng chương trình truyền thông quảng bá phát triển thị trường nội địa, giới thiệu các sản phẩm cá Tra với các doanh nghiệp có kênh phân phối lớn.
2. Giao Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II
- Khẩn trương rà soát, đánh giá các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đã và đang triển khai thực hiện đối với ngành hàng cá Tra; đề xuất kế hoạch, nhu cầu kinh phí để đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng giống cá Tra và báo cáo Bộ trưởng.
3. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh ĐBSCL có nuôi cá tra
- Phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các đơn vị thuộc Bộ để quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, tiêu thụ cá Tra tại địa phương, đặc biệt là quản lý chất lượng vật tư đầu vào, quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
- Trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn Hùng Vương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tại hội nghị, đề nghị Sở tham mưu để UBND tỉnh An Giang đề xuất Bộ mô hình liên kết sản xuất và vùng sản xuất giống cá tra tập trung.
4. Đối với các Hiệp hội
- Đề nghị VPA và VASEP phát huy vai trò của Hiệp hội ngành nghề trong việc bảo vệ quyền lợi của thành viên, làm cầu nối với cơ quan quản lý nhà nước; Hiệp hội cần nâng cao năng lực, tập hợp sức mạnh và chủ động hội nhập; phấn đấu trở thành bên chủ động phân phối sản phẩm, là thành tố có thể can thiệp vào thị trường thế giới.
5. Đối với các Doanh nghiệp, người sản xuất
- Đề nghị các Doanh nghiệp phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết, tích cực hội nhập và cạnh tranh lành mạnh; mở rộng liên kết, chia sẻ lợi ích với người sản xuất và phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để bảo vệ chất lượng và uy tín sản phẩm.
- Các hộ gia đình, người nuôi cá Tra cần tích cực tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất, nâng cao trách nhiệm, kỷ cương và minh bạch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các đơn vị biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |