Nội dung toàn văn Thông báo 11/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về ATGT
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2009 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ AN TOÀN GIAO THÔNG TOÀN QUỐC NĂM 2008
Ngày 27 tháng 12 năm 2008, tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị an toàn giao thông toàn quốc, đánh giá công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2008 và nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2009. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, đại diện các cơ quan báo chí và Chủ tịch Ủy ban nhân dân, kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông, Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính), kiêm Phó Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Công an, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia báo cáo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2008, phương hướng nhiệm vụ năm 2009, ý kiến tham gia hội nghị của lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2008
Năm 2008, trong bối cảnh có nhiều khó khăn như thiên tai, lạm phát tăng cao, nhưng với sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự chỉ đạo và điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân nên đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt kinh tế - xã hội, trong đó có công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Các Bộ, ngành và địa phương đã có những cố gắng trong việc thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2008 và đã đạt được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Tai nạn giao thông Tết Mậu Tý giảm đáng kể cả ba tiêu chí so với Tết Đinh Hợi; năm 2008 là năm đầu tiên sau 5 năm liên tục có 55 địa phương giảm số người chết số với năm 2007, trong đó có 44 địa phương giảm cả 3 tiêu chí, 29 địa phương giảm người chết trong cả 2 năm; việc thực hiện thành công quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy đã góp phần giảm người chết vì tai nạn giao thông; ý thức người tham gia giao thông được nâng lên một bước; công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm được duy trì thường xuyên, tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông giảm và xuất hiện nhiều gương tốt; giai đoạn I kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông theo Quyết định 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tốt, tạo thuận lợi cho thực hiện giai đoạn II.
Tuy nhiên, kết quả kiềm chế tai nạn chưa thực sự vững chắc. Tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, số vụ, số người bị chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông vẫn còn cao; tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
II. VỀ NHIỆM VỤ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2009
Để phấn đấu năm 2009 đạt mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên cả 3 mặt: số vụ, số người bị chết và số người bị thương, yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ, thực hiện tốt 10 giải pháp đã nêu trong báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong đó lưu ý một số vấn đề sau:
1. Các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu theo các nội dung trong Kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Nguyên đán Kỷ Sửu và Lễ hội mùa xuân năm 2009 (văn bản số 407/UBATGTQG ngày 22 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia).
2. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
3. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông cả chiều rộng và chiều sâu, tuyên truyền phải đến được từng gia đình, từng người tham gia giao thông. Trong đó, cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến các nhóm đối tượng gây nhiều tai nạn giao thông.
4. Tiếp tục kiên trì thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, có biện pháp tuyên truyền, vận động để mọi người đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi mô tô, xe máy.
5. Bộ Công an chỉ đạo cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia hướng dẫn, các địa phương mở rộng thí điểm việc sử dụng camera để theo dõi, xử lý vi phạm; xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm theo các chuyên đề, tập trung xử lý nghiêm những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp làm tăng tai nạn giao thông, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; nghiên cứu, đề xuất tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
6. Bộ Giao thông vận tải tập trung rà soát, xử lý kịp thời các "điểm đen" về tai nạn giao thông, ưu tiên vốn và chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc chủ động hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khi có vốn là thực hiện được ngay.
Tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng việc kêu gọi đầu tư từ mọi thành phần kinh tế theo các hình thức BOT, BT. Phối hợp với các địa phương làm tốt công tác quy hoạch giao thông, phát triển giao thông công cộng, khắc phục các bất cập của hệ thống giao thông tại các đô thị lớn hiện nay.
7. Bộ Tài chính xem xét việc cho phép các địa phương được sử dụng tiền xử phạt các vi phạm trật tự an toàn giao thông để đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (như trang bị hệ thống camera để theo dõi, xử lý vi phạm).
8. Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý phương tiện, xây dựng hệ thống các tiêu chí về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cơ sở dữ liệu để có thể theo dõi, quản lý chặt chẽ các phương tiện và người điều khiển phương tiện. Thực hiện nghiêm túc việc đình chỉ hoạt động đối với xe tự chế. Các địa phương chủ động đề ra lộ trình và các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Quan tâm giải quyết chế độ, chính sách, trang thiết bị cho lực lượng Công an, Thanh tra giao thông nhằm tạo điều kiện cho các lực lượng này hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng đội ngũ trong sạch, chống tiêu cực.
9. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng tiêu chí "văn hóa giao thông" để tuyên truyền, phổ biến cho người dân thực hiện ngay trong năm 2009.
10. Các cấp, các ngành và các địa phương cần xác định công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ thường xuyên; kiện toàn cơ quan tham mưu về trật tự an toàn giao thông theo hướng tăng cường trách nhiệm và tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động; thực hiện tốt Chỉ thị 22/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) và kết luận số 90/KL-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X) để huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trên địa bàn thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT.BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |