Nội dung toàn văn Thông báo 133/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng cuộc họp về tình hình nhập khẩu ô tô 2017
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 133/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH NHẬP KHẨU Ô TÔ
Ngày 28 tháng 02 năm 2017, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về tình hình nhập khẩu ô tô. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ và Văn phòng Chính phủ; đại diện Bộ Tài chính và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:
Thời gian vừa qua, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã tiếp tục phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đã có thêm nhiều sản phẩm ô tô, mẫu mã ngày càng đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đã sản xuất được những sản phẩm có tiêu chuẩn quốc tế. Ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô đã đạt được những kết quả phát triển bước đầu quan trọng, cung cấp được một số phụ tùng, linh kiện, thiết bị đáp ứng một phần nhu cầu cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và đã có một số sản phẩm xuất khẩu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục hỗ trợ cho phát triển ngành công nghiệp ô tô; đã có những nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển tốt, có hiệu quả.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: tỷ lệ nội địa hóa còn thấp chưa đạt như mong muốn, mục tiêu đã đề ra; giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô còn cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực...
Dự báo Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ô tô hóa trong thời gian tới, đây là cơ hội cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô của nước ta, góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của người dân nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với hệ thống hạ tầng giao thông và môi trường của Việt Nam.
Yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp, cơ chế, chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam (các Quyết định: số 68/QĐ-TTg 2014 phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2025 tầm nhìn 2035">1168/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2014, số 1211/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2014 và số 229/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016); đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô, tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là đối với các nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp đầu tàu; đồng thời tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau:
1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan:
a) Thành lập Tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới, tập trung vào các vấn đề sau:
- Đánh giá cơ hội và khó khăn, thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô Việt Nam từ thời điểm năm 2018 trở đi (đặc biệt là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA giảm về 0% đối với xe ô tô nguyên chiếc); dự báo cung cầu ô tô trong nước và khu vực;
- Đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong nước với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt khi Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường và thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc theo các cam kết quốc tế.
- Làm việc cụ thể với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để xác định rõ kế hoạch phát triển sản xuất của từng doanh nghiệp trong giai đoạn 2018 - 2020. Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; đề xuất giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung trên trước ngày 01 tháng 5 năm 2017.
b) Khẩn trương soạn thảo Nghị định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô; trình Chính phủ theo quy định tại Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước.
d) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, triển khai có hiệu quả các nội dung Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị đinh số 11/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan:
a) Tăng cường quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế, xuất xứ xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (nhất là việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN) nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, chống gian lận thương mại và cam kết quốc tế.
b) Nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải (pick-up) để đề xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế và mục đích sử dụng của loại xe này.
c) Rà soát và nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ về khuyến khích phát triển sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô quan trọng mà trong nước có thể sản xuất được, có tính đến mối tương quan với việc giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo cam kết quốc tế.
d) Rà soát các chính sách thuế đối với xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, không để lợi dụng, gian lận thương mại.
3. Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao:
a) Nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp quy định của pháp luật và cam kết quốc tế để tăng cường quản lý đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, bảo đảm không để xe ô tô có chất lượng kém được nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
b) Đơn giản hóa các thủ tục kiểm định xe ô tô đưa vào lưu thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô, đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |