Nội dung toàn văn Thông báo 20/TB-VPCP kết luận Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng buổi làm việc lãnh đạo thành phố Hải Phòng
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Ngày 23 tháng 01 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng. Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng các Bộ: Xây dựng và Công Thương. Sau khi nghe đồng chí Bí thư Thành ủy thành phố Hải Phòng báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và kết quả thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 05/8/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Năm 2007, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn trở ngại, đạt được kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt cao nhất trong 10 năm qua (tăng 12,82%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó công nghiệp-xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng chủ yếu; kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, huy động vốn cho đầu tư phát triển... đều có mức tăng khá cao; lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xã hội hóa y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao có tiến bộ; công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả tốt, công tác cải cách hành chính có tiến bộ; an ninh quốc phòng được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội của Thành phố vẫn còn một số tồn tại, yếu kém cần được khắc phục là:
- Kinh tế có tốc độ phát triển khá, nhưng chất lượng, hiệu quả chưa cao; cơ cấu đô thị chuyển dịch còn chậm; công nghiệp là thế mạnh của Thành phố nhưng tốc độ phát triển còn chậm, chưa phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của Thành phố.
- Hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt là giao thông, tiến độ đầu tư xây dựng còn chậm.
- Nguồn nhân lực, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật cao chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập.
- Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, đô thị còn nhiều bất cập và có tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU TRONG THỜI GIAN TỚI:
Năm 2008 là năm bản lề có tầm quan trọng đặc biệt của việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010 của cả nước, với mục tiêu là phấn đấu năm 2008 hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của kế hoạch 5 năm để năm 2009 hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, tạo đà cho việc trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Với tinh thần này, Hải Phòng cần quyết tâm cao hơn để đạt được tốc độ tăng trưởng từ 13-13,5% trở lên; phấn đấu cơ bản trở thành Thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015. Để thực hiện được mục tiêu trên, trong quá trình thực hiện các giải pháp đã đề ra, Thành phố cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Về phát triển kinh tế:
- Đẩy mạnh hơn nữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng các ngành công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, phấn đấu đến năm 2010 Thành phố hình thành và phát triển các sàn giao dịch để phát triển các loại thị trường chứng khoán, thị trường sản phẩm khoa học và công nghệ, thị trường lao động...
- Tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm (2006-2010); đối với những chỉ tiêu đạt thấp tìm nguyên nhân để có giải pháp khắc phục sát thực, cụ thể, phấn đấu cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2008.
2. Về xã hội và chăm lo đời sống nhân dân: Thành phố cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh xã hội hóa các hình thức văn hóa, y tế, giáo dục, thể theo và dạy nghề. Đặc biệt quan tâm đến đời sống người lao động, nhất là trong các Khu công nghiệp tập trung, giải quyết tốt tình trạng đình công, tuyên truyền việc chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời, đúng luật nhằm đảm bảo trật tự xã hội.
3. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhanh nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào Thành phố; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án, công trình trọng điểm để sớm đưa vào khai thác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho riêng Hải Phòng mà cả vùng Đông Bắc. Trước mắt, cần tập trung xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đã được phê duyệt để đảm bảo đúng tiến độ thực hiện.
4. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, coi đây là khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư, khơi dậy các nguồn lực, tận dụng tối đa những cơ hội thuận lợi đang đến với Hải Phòng; chủ động đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương phân cấp cho Thành phố thực hiện những công việc phù hợp với tính chất đặc thù và khả năng, điều kiện của Thành phố.
5. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là ở các cơ quan quản lý, cấp phép về xây dựng đất đai và đầu tư xây dựng. Phải có giải pháp quản lý chặt chẽ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tài sản công.
6. Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân thành phố Hải Phòng đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng xây dựng Hải Phòng trở thành Thành phố cảng cửa ngõ chủ yếu-Trung tâm của Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |