Thông báo 223/TB-VPCP

Thông báo số 223/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, tại hội nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc do Văn phòng Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn Thông báo 223/TB-VPCP kết luận Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng hội nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc


VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 223/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG, TẠI HỘI NGHỊ BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC

Ngày 19 tháng 8 năm 2008, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo đánh giá tình hình công tác những tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2008 và thời gian tiếp theo. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong Vùng là Thành viên Ban Chỉ đạo.

Sau khi nghe báo cáo của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo và ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Tình hình chung các tỉnh trong Vùng

Trong những tháng đầu năm, ngoài khó khăn chung về lạm phát, giá nhiều mặt hàng tăng cao, các địa phương trong Vùng còn chịu đợt rét đậm, rét hại kéo dài, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp; mấy ngày gần đây, các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Sơn La, Bắc Kạn còn chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, mưa lũ lớn gây ngập lụt, sạt lở đất, làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản, để lại hậu quả lâu dài ở nhiều địa phương trong Vùng. Song với tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong Vùng đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn thử thách, bằng nhiều biện pháp sáng tạo, chủ động, tiếp tục giành được những kết quả quan trọng. Kinh tế cơ bản ổn định và có mức tăng trưởng khá. Hoạt động văn hóa – xã hội được duy trì. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Hệ thống chính trị các cấp tiếp tục được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số mặt tồn tại, đó là:

- Tăng trưởng kinh tế vùng chưa đạt mục tiêu đề ra (12%). Sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng chậm; sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng bị thiên tai, dịch bệnh; tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp ở vùng cao còn khó khăn do điều kiện giao thông và biến động thị trường;

- Tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng và giải ngân một số chương trình, dự án đầu tư, cải tạo các tuyến quốc lộ huyết mạch còn chậm;

- Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng cao nên đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn; đói giáp hạt đến sớm và nhiều hơn so với cùng kỳ, nhất là ở vùng bị thiên tai, dịch bệnh;

- Tình hình an ninh chính trị vẫn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Di cư tự do và di cư trái phép sang Lào vẫn diễn ra, số lượng cao hơn cùng kỳ năm trước. Tình hình an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội, phạm pháp hình sự, tội phạm ma túy, buôn lậu và gian lận thương mại diễn biến phức tạp;

- Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ở một số địa phương, công tác lãnh đạo, điều hành chưa sâu sát đến cơ sở; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa kịp thời.

2. Về hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc

Triển khai thực hiện Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 03 tháng 10 năm 2007 của Bộ Chính trị, hoạt động của Ban Chỉ đạo tiếp tục có bước chuyển biến mới tích cực. Ban Chỉ đạo thường xuyên gắn bó cùng các ngành, các địa phương tháo gỡ khó khăn; tham mưu, đề xuất nhiều vấn đề thiết thực, góp phần vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết 37 và các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo vẫn còn những hạn chế: việc nắm bắt thông tin chưa được nhiều, có lúc chưa kịp thời. Báo cáo chuyên đề còn ít, một số báo cáo chất lượng chưa cao. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các Chương trình, Dự án đối với các Bộ, ngành, địa phương chưa được thường xuyên, quyết liệt. Ban Chỉ đạo ở một số tỉnh hoạt động chưa thường xuyên. Một số tỉnh, bộ, ngành chưa thực hiện thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời như Quy định 89-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

II. VỀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

Cơ bản nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong báo cáo của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh một số nội dung sau:

1. Đối với các tỉnh trong Vùng

- Tập turng khắc phục hậu quả mưa, lũ, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân vùng bị thiên tai. Tiếp tục vận động, quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không để xảy ra thất thoát các nguồn cứu trợ; phân phối tiền, hàng cứu trợ công bằng, công khai, minh bạch. Giúp đỡ vật  chất, tinh thần cho các gia đình bị nạn sớm ổn định cuộc sống; hỗ trợ lương thực cho dân, không để người dân nào bị đói do thiếu lương thực; bố trí chỗ ở cho gia đình bị mất nhà, giúp sửa chữa nhà ở cho các gia đình có nhà bị hư hỏng. Tổ chức chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh vùng bị ngập lụt. Tập trung khôi phục cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông và các công trình thủy lợi. Khẩn trương hỗ trợ giống và các điều kiện khác để nhân dân vùng bị thiên tai khôi phục sản xuất.

Từng địa phương cần rà soát, có phương án phòng, chống lũ quét, sạt lở đất ở những địa bàn có nguy cơ cao; chủ động phòng, chống mưa, lũ tiếp theo.

- Tiếp tục thực hiện các biện pháp điều chỉnh, quản lý chi tiêu để kiềm chế lạm phát; tăng cường quản lý giá cả, thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tăng giá, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tập trung tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Mở rộng hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức hợp lý.

Tích cực triển khai các chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, có thị trường; mạnh dạn đưa vào sản xuất những cây, con đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm để tạo nguồn thu nhập cho họ nông dân. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các loại rừng, chú trọng phát triển rừng kinh tế gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Dự án 5 triệu ha rừng, đảm bảo cho người trồng rừng có thể sống ổn định và làm giàu bằng nghề rừng.

Tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả các dự án khai thác và chế biến sâu khoáng sản; phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản; tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, huy động mạnh mẽ nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tập trung phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Tăng cường đầu tư, phát huy lợi thế về kinh tế cửa khẩu, du lịch; xây dựng các trung tâm thương mại, chợ nông thôn và tổ chức tốt việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Tập trung chỉ đạo để hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp quốc lộ 70, quốc lộ 6, 279 (đoạn Sơn La – Điện Biên) trước Tết Nguyên đán 2009. Hỗ trợ nhân dân nâng cấp đường giao thông nông thôn, phấn đấu đảm bảo giao thông thông suốt 4 mùa tới các thôn, bản. Tiếp tục phấn đấu để sớm thực hiện mục tiêu đưa điện lưới, điện thoại đến các thôn, bản; hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường, lớp học. Nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, trung tâm y tế vùng.

- Tập trung các nguồn lực, giải pháp để thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số; giảm rõ rệt tỷ lệ hộ nghèo vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, nhất là tại các huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Đẩy mạnh và tạo sự chuyển biến rõ nét về công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, trước mắt tập trung chỉ đạo tu sửa trường lớp, đảm bảo các điều kiện khai giảng năm học mới 2008 – 2009. Nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh; thực hiện tốt công tác di dân, tái định cư các công tác thủy điện lớn trong vùng; khắc phục tình trạng di cư tự do.

- Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là ở vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Làm tốt công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, gây tâm lý bất an trong xã hội.

- Thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện. Nắm chắc tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đảm bao an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu “diễn biến hòa bình”, việc tuyên truyền thành lập “Vương quốc Mông” của các thế lực thù địch. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 32/CP của Chính phủ về an toàn giao thông; tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy và tái trồng cây thuốc phiện. Tích cực triển khai và hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên biên giới đất liền Việt – Trung theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành, tăng cường quản lý các hoạt động tôn giáo theo đúng pháp luật, kiên quyết đấu tranh với các âm mưu lợi dụng tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật.

- Tiếp tục quan tâm xây dựng, hệ thống chính trị cơ sở; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số; phát huy tốt vai trò của các cơ quan đoàn thể chính trị, xã hội trong các hoạt động.

2. Đối với Ban Chỉ đạo Tây Bắc

- Tập trung kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm: Tình hình thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; tiến độ đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm; công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La; công tác quản lý khai thác khoáng sản, bảo vệ tài nguyên, môi trường; công tác phòng, chống bão, lũ, giảm nhẹ thiên tai. Tình hình di cư tự do; đấu tranh chống các hoạt động tuyên truyền thành lập “Vương quốc Mông”; công tác phân giới, cắm mốc tại các tỉnh biên giới.

- Tiếp tục chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai, xây dựng và sớm hoàn thiện các Đề án, Dự án đặc thù trong vùng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:

+ Chính sách hỗ trợ đặc biệt và kinh tế nhằm thực hiện xóa đói giảm nghèo, tiến tới xóa bỏ tình trạng du canh, di cư tự do của người Mông;

+ Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đến năm 2020;

+ Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang giai đoạn 2008 – 2015;

+ Phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở các huyện vùng Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%;

+ Phòng tránh lũ quét và sạt lở đất vùng Tây Bắc;

+ Tăng cường công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn Tây Bắc và vùng phụ cận;

+ Chống “diễn biến hòa bình” trên địa bàn vùng Tây Bắc;

+ Phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền “Vương quốc Mông” ở vùng Tây Bắc và phụ cận;

+ Cơ chế, chính sách thí điểm phát triển cây cao su trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc.

- Yêu cầu các Bộ, ngành liên quan sớm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phân công tại Văn bản số 586/VPCP-TH ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, và các địa phương trong Vùng miền núi phía Bắc biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- TU, HĐND, UBND các tỉnh vùng Tây Bắc;
- VPCP: BTCN, các PCN, TTĐT các Vụ: TH, KTTH, KTN, KGVX, NC, QHQT, TKBT,
- Lưu: VT, ĐP (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 223/TB-VPCP

Loại văn bảnThông báo
Số hiệu223/TB-VPCP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành22/08/2008
Ngày hiệu lực22/08/2008
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 223/TB-VPCP

Lược đồ Thông báo 223/TB-VPCP kết luận Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng hội nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Thông báo 223/TB-VPCP kết luận Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng hội nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc
                Loại văn bảnThông báo
                Số hiệu223/TB-VPCP
                Cơ quan ban hànhVăn phòng Chính phủ
                Người kýVăn Trọng Lý
                Ngày ban hành22/08/2008
                Ngày hiệu lực22/08/2008
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật17 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Thông báo 223/TB-VPCP kết luận Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng hội nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc

                      Lịch sử hiệu lực Thông báo 223/TB-VPCP kết luận Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng hội nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc

                      • 22/08/2008

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 22/08/2008

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực