Nội dung toàn văn Thông báo 2394/TB-BNN-VP năm 2014 kết luận Hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm thủy sản
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2394/TB-BNN-VP | Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG VŨ VĂN TÁM TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN
Ngày 06/5/2014, tại Hà Nội (đối với các tỉnh phía Bắc) và ngày 09/5/2014 tại thành phố Hồ Chí Minh (đối với các tỉnh phía Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức "Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản", đồng thời lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh cúm ở gia cầm và Dự thảo Luật Thú y. Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã tham dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại biểu của các Bộ, ngành liên quan, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản, Chi cục Nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội Thú y Việt Nam và các phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí.
Sau khi Cục Thú y báo cáo đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2014; đại diện các tỉnh, thành phố báo cáo, đánh giá thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tại địa phương, Thứ trưởng Vũ Văn Tám kết luận như sau:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trong thời gian qua: đã chủ động giám sát các tác nhân gây bệnh để dự báo và khống chế dịch, đã quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành và phối hợp liên ngành chặt chẽ, đã xuất hiện nhiều kinh nghiệm và bài học hay trong công tác phòng chống dịch tại các địa phương, đã khống chế được một số bệnh dịch nguy hiểm ở động vật và thủy sản.
Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện trong những tháng cuối năm 2014 là rất cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các ban, ngành liên quan ở trung ương và địa phương quan tâm hơn nữa trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt đối với một số bệnh truyền lây giữa động vật và người, chú trọng áp dụng các biện pháp phòng bệnh chủ động để giảm thiểu thiệt hại, tập trung một số giải pháp chính như sau:
1. Giải pháp phòng chống dịch bệnh:
a) Các địa phương xác định phòng dịch là chính; chủ động rà soát, điều chỉnh hoặc khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với công tác thú y thủy sản để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; bố trí lượng kinh phí phù hợp để chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh;
b) Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là những người chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ sở thu gom, điểm giết mổ động vật; nuôi trồng thủy sản cần tuân thủ lịch thả theo mùa vụ, kiểm soát chặt con giống thủy sản, xử lý ao nuôi trước khi thả giống và khi có dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y, hóa chất theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn;
c) Tăng cường công tác giám sát và quan trắc cảnh báo môi trường; chủ động triển khai lấy mẫu ở các vùng có nguy cơ cao để xét nghiệm và đánh giá lưu hành mầm bệnh; giải trình tự để theo dõi biến đổi gien nhằm có giải pháp tương ứng; lập bản đồ dịch tễ, cảnh báo sớm nguy cơ dịch bệnh;
d) Chấn chỉnh công tác báo cáo số liệu dịch bệnh; công tác tiếp nhận, quản lý và sử dụng vắc xin, hóa chất trong phòng chống dịch bệnh; tập trung triển khai công tác tiêm phòng tạo miễn dịch chủ động theo kế hoạch đã phê duyệt. Các địa phương chủ động dự phòng kinh phí, mua vắc xin, hóa chất khử trùng để sử dụng khi có dịch theo đề nghị của chuyên môn thú y;
đ) Tiếp tục kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y đến tận tuyến cơ sở nhằm giúp chính quyền các cấp tổ chức công tác phòng, chống dịch hiệu quả; sử dụng tối đa các nguồn lực của ngành thú y cho công tác thú y thủy sản, nhất là tại tuyến cơ sở; thực hiện tốt công tác kiểm dịch giống thủy sản, vận chuyển và giết mổ động vật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đôn đốc, hướng dẫn xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.
2. Phân công trách nhiệm thực hiện:
a) Ủy ban nhân dân các cấp quan tâm, chỉ đạo rà soát và ban hành các chính sách hỗ trợ; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách; công khai chính sách và hướng dẫn các thủ tục nhận hỗ trợ để người dân thông báo dịch, không xả thải nước từ ao nuôi bị bệnh ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; Giao trách nhiệm giám sát phát hiện ổ dịch cho trưởng thôn và thú y cơ sở để thông báo ổ dịch kịp thời. Khi phát hiện ổ dịch hoặc dịch ở phạm vi hẹp cần thông báo ngay cho cộng đồng và xử lý ổ dịch như trong trường hợp công bố dịch. Khi dịch bệnh có dấu hiệu lây lan rộng phải công bố dịch ngay để huy động nguồn lực chống dịch và triển khai các biện pháp đồng bộ theo quy định; đặc biệt tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật.
b) Giao Cục Thú y tham mưu để Bộ hướng dẫn các địa phương thống nhất triển khai định kỳ 2 - 3 đợt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong năm; tiếp tục hỗ trợ, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh động vật cho các địa phương; chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Thanh tra Bộ, Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản và các địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý việc sử dụng thuốc thú y, hóa chất không tuân thủ theo quy định, đặc biệt là sử dụng oxytetracycline vượt quá giới hạn và các loại thuốc thú y, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
c) Giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Bộ phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu tôm nuôi;
d) Giao Cục Chăn nuôi và Tổng cục Thủy sản tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, quy hoạch nuôi trồng thủy sản làm cơ sở xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
đ) Các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh;
Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các đơn vị liên quan biết và phối hợp triển khai thực hiện./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |