Nội dung toàn văn Thông báo 245/TB-VPCP 2014 quản lý phân bón phát triển nông nghiệp bền vững
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 245/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI THẢO QUỐC GIA THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 202/2013/NĐ-CP VỀ QUẢN LÝ PHÂN BÓN VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG
Ngày 18 tháng 6 năm 2014, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội thảo quốc gia thực hiện Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón và Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững do Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đồng tổ chức. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Phân bón Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Phân bón Việt Nam và một số nông dân. Sau khi nghe báo cáo tổng quan về vai trò quan trọng của phân bón của đại diện lãnh đạo Hiệp hội phân bón Việt Nam, về các dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 về quản lý phân bón của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến kết luận:
1. Đánh giá cao sáng kiến của Hiệp hội phân bón Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo quốc gia thực hiện Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón và chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Nội dung Hội thảo phù hợp với chủ trương tập trung chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Kết luận số 97/KL-TW ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Phân bón có vai trò quan trọng đối với ngành nông nghiệp, góp phần tăng nhanh năng suất cây trồng. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón không bảo đảm chất lượng, phân bón giả và việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng phân bón từ phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ để đạt hiệu quả cao đang đặt ra nhiều thách thức đối với nông dân. Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị các giải pháp quản lý phân bón để thực hiện Nghị định của Chính phủ. Hiệp hội phân bón Việt Nam cần tổng hợp ý kiến tại Hội thảo và ý kiến gửi lại bằng văn bản của các tổ chức, cá nhân để gửi Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu, đề xuất việc sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách hoặc các quy định chưa phù hợp.
2. Trong những năm vừa qua, Chính phủ đã quan tâm, ưu tiên đầu tư cho sản xuất phân bón nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu phân bón cho ngành nông nghiệp; đồng thời ngành phân bón đã khắc phục nhiều khó khăn tồn tại và có bước phát triển nhanh chóng. Từ chỗ hàng năm nước ta phải nhập khẩu tới 60% lượng phân bón, đến nay sản xuất đã đáp ứng gần 80% nhu cầu phân bón các loại, trong đó đã chủ động nguồn cung phân ure và đang có định hướng xuất khẩu, đồng thời phát triển nhiều loại phân bón mới phù hợp yêu cầu sử dụng. Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư sản xuất phân bón Kali, phân bón DAP nhằm chủ động đáp ứng cơ bản nguồn phân bón để phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thực hiện chuyển dịch tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
3. Công tác quản lý nhà nước về phân bón đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các Bộ, ngành trong việc xây dựng ban hành văn bản, thống nhất quan điểm quy định sản xuất kinh doanh phân bón phải có điều kiện nhằm bảo đảm cung cấp phân bón có chất lượng, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân; phối hợp trong việc xử phạt vi phạm hành chính về phân bón theo quy định tại Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013.
Công tác quản lý thị trường, quản lý chất lượng, giá phân bón, công tác tuyên truyền cũng đã được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn, hạn chế các hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Năm 2013, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 4.689 vụ, xử lý 1.483 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 14,5 tỷ đồng, tịch thu hơn 813 tấn phân bón các loại. Lực lượng thanh tra chuyên ngành nông nghiệp kiểm tra 264 mẫu phân bón sản xuất, kinh doanh, phát hiện có 30,3% số mẫu không đạt chất lượng một hoặc một số chỉ tiêu so với công bố của doanh nghiệp.
4. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành phân bón vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như sau:
- Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tràn lan ở một số địa phương, nhiều doanh nghiệp, cá nhân vì chạy theo lợi nhuận mà sản xuất, kinh doanh các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, gây thiệt hại cho người nông dân và gây bức xúc cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
- Nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết vẫn tồn tại và tham gia sản xuất, kinh doanh phân bón.
- Vẫn còn các hành vi gian lận thương mại, nhập lậu, kinh doanh phân bón không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đúng giá niêm yết.
- Hiện tượng nhập lậu qua biên giới vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.
- Hệ thống kinh doanh phân bón với nhiều tầng nấc trung gian khiến giá phân bón khi đến tay bà con nông dân bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với giá xuất xưởng.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến để người nông dân biết sử dụng phân bón đúng loại, đúng cách, đúng thời điểm, đúng liều lượng chưa thực sự được quan tâm nên lãng phí phân bón khi sử dụng (có nơi hiệu suất sử dụng thấp, chỉ đạt 40%-50% đối với phân đạm, 10-20% đối với phân lân), tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến chất lượng đất canh tác.
- Phối hợp giữa các cơ quan chưa nhịp nhàng, nhiều đầu mối, hiệu quả thấp, Nghị định số 202/2013/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2014, nhưng các văn bản hướng dẫn chậm ban hành đã gây khó khăn nhất định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như công tác quản lý.
5. Về giải pháp trong thời gian tới
- Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón của các Bộ trong tháng 7 năm 2014 và khẩn trương xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón; phối hợp với các địa phương kiện toàn tổ chức quản lý nhà nước về phân bón theo quy định để thực hiện Nghị định có hiệu quả.
- Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón tại Nghị định số 163/2013/NĐ-CP cho phù hợp với các quy định về sản xuất, kinh doanh phân bón theo quy định tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP; phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ bổ sung quy định thẩm quyền của lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng, quá thời hạn sử dụng.
- Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, các địa phương xây dựng Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020 để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, đồng thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
- Lực lượng quản lý thị trường cả nước cần tăng cường công tác quản lý địa bàn, tiến hành rà soát và đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế phối hợp, chế tài xử phạt; phải coi việc chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm của mình.
- Các doanh nghiệp kinh doanh phân bón tổ chức lại hệ thống phân phối, giảm tầng nấc trung gian, quy định rõ trách nhiệm của các tổng đại lý, các đại lý và chịu trách nhiệm quản lý chất lượng phân bón của doanh nghiệp đến tận người sử dụng.
- Về quản lý quy hoạch, kế hoạch sản xuất: Các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy hoạch phát triển ngành phân bón, không đầu tư tràn lan, dàn trải; sản xuất phải căn cứ nhu cầu thị trường, bảo đảm hiệu quả kinh doanh, tránh giảm chất lượng bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng và chỉ đạo làm rõ trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn lậu phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên địa bàn.
- Các nhà khoa học tăng cường, chủ động nghiên cứu phát triển, chuyển giao, hướng dẫn nông dân áp dụng các loại phân bón mới nhằm phát huy hiệu quả đối với cây trồng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
- Công tác tuyên truyền: Ngoài các hoạt động tuyên truyền của các doanh nghiệp, Hiệp hội phân bón Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương cần thông tin công khai trên phạm vi cả nước đến tận cơ sở về chủng loại phân bón được phép sử dụng để nông dân biết sử dụng, kiểm tra, giám sát phát hiện các tổ chức, cá nhân sai phạm.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |