Nội dung toàn văn Thông báo 278/TB-BGTVT kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tại cuộc họp
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 278/TB-BGTVT | Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN CÔNG TẠI CUỘC HỌP VỀ VIỆC ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN SƠN KÉT NƯỚC DẰN CỦA IMO CHO TÀU BIỂN VIỆT NAM ĐÓNG MỚI TRONG NƯỚC BỊ BÀN GIAO CHẬM
Ngày 30 tháng 5 năm 2012 tại Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã chủ trì cuộc họp về việc áp dụng tiêu chuẩn sơn két nước dằn (PSPC) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cho tàu biển Việt Nam đóng mới trong nước bị bàn giao chậm. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo và chuyên viên của Văn phòng Bộ; các Vụ: Khoa học công nghệ, Pháp chế, Vận tải; Cục Hàng hải Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam; Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; một số nhà máy đóng tàu và công ty vận tải biển.
Sau khi nghe báo cáo và đề xuất của các cơ quan, đơn vị tham dự cuộc họp liên quan đến việc áp dụng tiêu chuẩn PSPC cho tàu biển Việt Nam đóng mới trong nước bị bàn giao chậm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công kết luận như sau:
1. Việc áp dụng tiêu chuẩn PSPC cho các két chứa nước dằn của tàu biển có tổng dung tích từ 500 trở lên và không gian mạn kép của tàu chở hàng rời có chiều dài 150 m trở lên hoạt động tuyến quốc tế, theo quy định II-1/3-2 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết MSC.216(82) của IMO, là nhằm tăng cường tính an toàn của tàu biển. Các tàu bàn giao sau ngày 01 tháng 7 năm 2012 phải đáp ứng thỏa mãn tiêu chuẩn PSPC. Là quốc gia thành viên IMO, Việt Nam có nghĩa vụ chấp hành đầy đủ quy định này.
2. Hoan nghênh Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số nhà máy đóng tàu, công ty vận tải biển đã tích cực và chủ động trong việc triển khai thực hiện tiêu chuẩn PSPC theo đúng quy định.
3. Do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên hiện tại trong cả nước còn khoảng 70 tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam đang đóng không áp dụng tiêu chuẩn PSPC, mặc dù các nhà máy đóng tàu và chủ tàu đã hết sức cố gắng, nhưng không thể hoàn thiện tàu để bàn giao trước ngày 01 tháng 7 năm 2012. Đây thực sự là thách thức lớn đối với cả ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải biển Việt Nam, và nếu không có giải pháp tháo gỡ có thể sẽ gây ra những tổn thất nặng nề cho các doanh nghiệp liên quan và nền kinh tế đất nước.
4. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và làm giảm nhẹ các tổn thất liên quan đến việc áp dụng tiêu chuẩn PSPC cho các tàu nêu trên, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu:
4.1. Đối với các tàu đã hoàn thành thử đường dài và về cơ bản đã hoàn thiện việc đóng mới theo quy định của quy phạm đóng tàu biển và các công ước quốc tế liên quan, trên cơ sở đánh giá tổng thể tình trạng từng tàu, Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét cấp tạm thời giấy chứng nhận phân cấp và giấy chứng nhận dung tích để Cục Hàng hải Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời cho tàu trước ngày 01 tháng 7 năm 2012. Các hạng mục còn lại của tàu phải được hoàn thiện không muộn hơn ngày 01 tháng 9 năm 2012 để tàu được cấp giấy chứng nhận đăng ký và đăng kiểm chính thức.
4.2. Đối với các tàu đang đóng khác, cho phép việc áp dụng Thông tư MSC.1/Circ.1247 của IMO như sau:
a. Chỉ áp dụng thông tư cho các tàu có hợp đồng đóng mới trước ngày 01 tháng 7 năm 2008; hoặc trong trường hợp không có hợp đồng đóng mới, tàu được đặt sống chính hoặc ở giai đoạn đóng mới tương đương trước ngày 01 tháng 01 năm 2009. Việc áp dụng này chỉ thực hiện đối với các tàu được bàn giao trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 năm 2012. Các tàu không đáp ứng thỏa mãn tiêu chuẩn PSPC được bàn giao sau ngày 31 tháng 12 năm 2012 không được phép hoạt động tuyến quốc tế.
b. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm thông báo cho IMO các tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam áp dụng thông tư theo đúng quy định.
5. Các nhà máy đóng tàu và các chủ tàu liên quan phải hết sức cố gắng để hoàn thiện việc đóng mới và bàn giao tàu sớm; đồng thời, cần phải lưu ý trong trường hợp tàu áp dụng Thông tư MSC.1/Circ.1247 sẽ gặp phải một số khó khăn như: cước vận tải thấp, phí bảo hiểm cao, chi phí bảo dưỡng sửa chữa tàu tăng, giá bán tàu giảm, một số nước có thể không chấp nhận cho tàu đến … để lập kế hoạch quản lý, khai thác, kinh doanh tàu cho phù hợp.
6. Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam hỗ trợ tối đa cho các nhà máy đóng tàu và các chủ tàu liên quan trong việc đăng ký, đăng kiểm tàu theo quy định.
7. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo Bộ những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp xử lý thỏa đáng.
Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ thông báo tới các cơ quan, đơn vị liên quan biết để thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |