Nội dung toàn văn Thông báo 328/TB-VPCP 2021 kết luận tại cuộc họp Đề án thành lập Chi nhánh Phát điện Dầu khí
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 328/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2021 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÊ MINH KHÁI TẠI CUỘC HỌP VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP CHI NHÁNH PHÁT ĐIỆN DẦU KHÍ THUỘC TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM
Ngày 22 tháng 11 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về việc Phê duyệt Đề án thành lập Chi nhánh Phát điện Dầu khí trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và PVN. Sau khi nghe Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
1. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu dự họp, hoàn thiện Tờ trình và Đề án thành lập Chi nhánh Phát điện Dầu khí trực thuộc PVN, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; trong đó lưu ý các nội dung sau:
- Nêu rõ cơ sở pháp lý của các nội dung thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ, các nội dung thuộc thẩm quyền Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; theo đó, chỉ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
- Phân tích, làm rõ về ưu điểm, hạn chế của mô hình đơn vị hạch toán phụ thuộc và mô hình đơn vị hạch toán độc lập; việc lựa chọn mô hình một đơn vị quản lý cả 3 Nhà máy hay mỗi Nhà máy một đơn vị quản lý; đề xuất phương án tối ưu, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, khả thi và đúng quy định của pháp luật.
- Việc phân cấp cho đơn vị, phân quyền cho giám đốc đơn vị cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa vào Đề án để bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Sau khi hoàn thiện Tờ trình và Đề án như mục 1 nêu trên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp lấy ý kiến các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội; tiếp thu, giải trình ý kiến các Bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |