Nội dung toàn văn Thông báo 33/TB-VPCP kết luận Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lộ trình số hoá truyền hình quản lý tần số phát thanh, truyền hình
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2010 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI CUỘC HỌP VỀ LỘ TRÌNH SỐ HOÁ TRUYỀN HÌNH VÀ QUẢN LÝ TẦN SỐ PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH
Ngày 19 tháng 01 năm 2010, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp để nghe và cho ý kiến về lộ trình số hoá truyền hình và công tác quản lý tần số phát thanh, truyền hình. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông. Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo; ý kiến của đại diện các Bộ, cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
1. Trong những năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đẩy nhanh việc ứng dụng, triển khai công nghệ tiên tiến về công nghệ thông tin - truyền thông nói chung, phát thanh, truyền hình nói riêng, từng bước đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, đa phương tiện của các đối tượng trong xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
2. Việc xây dựng Đề án số hoá truyền hình mặt đất được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện một cách tích cực và đồng bộ, nhằm tạo ra bước phát triển mới cho hoạt động truyền hình và công tác quản lý nhà nước về phát thanh, truyền hình theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, từng bước đáp ứng xu thế hội tụ công nghệ và hội tụ dịch vụ, tách bạch giữa quản lý nội dung chương trình với quản lý hạ tầng truyền dẫn, phát sóng...
Giao Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan để hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Trong đó, cần quan tâm, làm rõ một số nhóm giải pháp sau:
a) Nhóm giải pháp hỗ trợ, tạo động lực cho người sử dụng:
- Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cần đặc biệt quan tâm đến cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ cả gói cho các địa phương chủ động đăng ký triển khai truyền hình số trước thời gian ấn định theo lộ trình;
- Bên cạnh chính sách hỗ trợ thiết bị đầu cuối với giá hợp lý cho người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, cần có chính sách khuyến khích đầu tư nâng cao chất lượng chương trình truyền hình số, nhằm thu hút người dân tự nguyện sử dụng dịch vụ truyền hình số.
b) Nhóm giải pháp hỗ trợ, tạo động lực cho các đơn vị, doanh nghiệp thiết lập mạng truyền dẫn, phát sóng và sản xuất, cung cấp thiết bị đầu cuối:
- Căn cứ pháp luật và quy định hiện hành, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sớm khẳng định công nghệ phát thanh, truyền hình số có thuộc danh mục các lĩnh vực công nghệ cao hay không, để từ đó có chính sách ưu đãi đầu tư theo lộ trình và thời hạn cụ thể;
- Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các doanh nghiệp đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ phát thanh, truyền hình số; các đơn vị, doanh nghiệp sớm triển khai thiết lập hạ tầng mạng dùng chung và cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng số trên phạm vi cả nước với công nghệ đơn tần.
- Việc chia nhóm và ấn định thời gian thực hiện số hoá cho từng nhóm cần căn cứ vào tình hình thực tế Việt Nam và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các nước; đồng thời, sớm công bố công khai lộ trình số hoá truyền hình để các doanh nghiệp thiết lập mạng truyền dẫn phát sóng, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị phát sóng, thiết bị đầu cuối chủ động kế hoạch thực hiện, đảm bảo hiệu quả và theo đúng lộ trình số hoá.
- Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính xác định chính sách ưu đãi về thuế đối với việc sản xuất, nhập khẩu các thiết bị phát sóng số, thiết bị đầu cuối số, đảm bảo cụ thể, rõ ràng, phù hợp với pháp luật và các quy định hiện hành;
3. Về đề nghị của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC):
a) Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hoá truyền hình mặt đất, Bộ Thông tin và Truyền thông cần làm việc với Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) để khẳng định vị trí, vai trò của Tổng công ty trong việc tiên phong đi đầu triển khai ứng dụng công nghệ truyền hình số tại Việt Nam; làm rõ những khó khăn, vướng mức, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tổng công ty tiếp tục phát triển.
b) Trước mắt, trong quá trình đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ truyền hình số (digital), đồng ý về nguyên tắc cho phép Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) được thực hiện song song phát sóng truyền hình tương tự (analog) một số kênh chương trình tại một số địa bàn trong thời gian quá độ, nhằm hỗ trợ Tổng công ty VTC thực hiện nhiệm vụ tiên phong ứng dụng công nghệ số một cách bền vững.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Cục tần số vô tuyến điện, trên cơ sở rà soát việc sử dụng tần số hiện nay để phân bổ, ấn định cho Tổng Công ty VTC một số kênh tần số để phát sóng truyền hình tương tự (analog), đảm bảo không can nhiễu và ảnh hưởng đến hoạt động của các đài phát thanh, truyền hình, các đơn vị truyền dẫn, phát sóng khác.
Trên nguyên tắc đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản cho phép Tổng công ty VTC phát sóng truyền hình tương tự (analog) song song với truyền hình số (digital) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |