Nội dung toàn văn Thông báo 3396/TB-BNN-ĐMDN kết luận của Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3396/TB-BNN-ĐMDN | Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG DIỆP KỈNH TẦN TẠI CUỘC HỌP THẨM ĐỊNH PHƯƠNG ÁN TÁI CƠ CẤU TỔNG CÔNG TY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM
Ngày 03/7/2012, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Phương án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Hội đồng thẩm định), chủ trì cuộc họp thẩm định Phương án Tái cơ cấu của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Tổng công ty).
Tham gia thẩm định có đại diện các đơn vị thuộc Bộ là thành viên Hội đồng thẩm định: Ban đổi mới và Quản lý DNNN, Vụ Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Chế biến Thương mại NLS và nghề muối, Công đoàn Ngành Nông nghiệp và PTNT.
Sau khi nghe Tổng công ty báo cáo tóm tắt Phương án Tái cơ cấu, ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định;Báo cáo thẩm định của Ban Đổi mới và Quản lý DNNN, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần kết luận như sau:
1. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam là đơn vị có lợi thế về tài chính nhưng chưa khẳng định được vị thế của mình. Tổng công ty cần đầu tư công sức, trí tuệ, nghiên cứu sâu hơn khi xây dựng Phương án tái cơ cấu doanh nghiệp. Phương án tái cơ cấu phải trở thành cẩm nang phát triển của doanh nghiệp với mục tiêu đến 2015 phải nâng cao được vị thế của Tổng công ty.
2. Tổng công ty tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định để hoàn chỉnh Phương án. Trong đó, cần lưu ý một số nội dung sau:
- Phần hiện trạng cần viết ngắn gọn, đề cập đến những nội dung cơ bản, chủ yếu là nội dung tái cơ cấu và các giải pháp;
- Các chỉ tiêu, số liệu trong Phương án phải xây dựng trên cơ sở kế hoạch 5 năm được phê duyệt. Nếu Tổng công ty có sự điều chỉnh số liệu khác với kế hoạch Bộ giao thì cần phải có giải trình, thuyết minh rõ.
- Ngành nghề kinh doanh: Tổng công ty rà soát ngành nghề kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan và ngành nghề phụ trợ, ngành nghề không cần thiết thì loại bỏ cho phù hợp.
- Việc thoái vốn: Tổng công ty cần rà soát thật kỹ các công ty con, công ty liên kết; những công ty nào hoạt động có hiệu quả thì giữ lại; những công ty hoạt động không có hiệu quả thì cần xem xét nguyên nhân, phân tích đánh giá để từ đó có biện pháp xử lý cụ thể. Đây là một trong những nội dung quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp do đó không được chủ quan và không để xảy ra những sai sót.
- Tái cơ cấu đầu tư: từ việc xác định các nhóm ngành nghề trên, Tổng công ty xác định lại các lĩnh vực, dự án cần đầu tư. Các dự án đầu tư nếu không liên quan đến ngành nghề chính thì thực hiện thoái vốn. Những dự án đầu tư vào lĩnh vực khác ngoài ngành nghề chính trên cơ sở lợi thế sẵn có về tài sản, đất đai của Tổng công ty thì cân nhắc kỹ khi tiếp tục thực hiện. Mặc khác, Tổng công ty cũng cần chú ý đến việc mở rộng, đầu tư phát triển trồng rừng và chế biến các sản phẩm từ rừng trồng.
- Về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước:
+ Cần khẳng định tiếp tục duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đến 2015;
+ Tổng công ty cần rà soát các công ty con hiện đang là công ty TNHH một thành viên, có cần giữ nguyên 100% vốn nhà nước không hay nên thực hiện thí điểm cổ phần hóa.
- Tổng công ty cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với các khu rừng giống (giữ hộ nhà nước) tại các công ty giống thuộc Tổng công ty. Đồng thời cần đưa ra giải pháp cụ thể để xử lý những tồn tại, vướng mắc khi thực hiện tái cơ cấu.
3. Giao Ban Đổi mới và Quản lý DNNN hướng dẫn Tổng công ty tiếp thu chỉnh sửa, hoàn thiện Phương án trình Bộ phê duyệt.
Bộ Nông nghiệp và PTNT thông báo để Tổng công ty biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |