Nội dung toàn văn Thông báo 35/TB-VPCP 2020 kết luận của Phó Thủ tướng và Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2020 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ NGÀY 31 THÁNG 01 NĂM 2020
Ngày 31 tháng 01 năm 2020, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để bàn về tình hình giá cả dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 và điều hành giá Quý I năm 2020. Sau khi nghe Bộ Tài chính báo cáo và ý kiến thảo luận của thành viên Ban chỉ đạo, đại diện các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, Hội các nhà bán lẻ Việt Nam và 02 doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm: Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam và Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá kết luận:
1. Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, mặt bằng giá cả thị trường được bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá và biến động giá bất thường, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, lưu thông thông suốt từ đó đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trước, trong và sau Tết của doanh nghiệp, người dân cả nước. Để đạt được kết quả bình ổn giá cả thị trường, đón Tết vui tươi, lành mạnh, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai tốt các giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.
Tuy nhiên, tình hình mặt bằng giá ngay từ đầu năm đã có những diễn biến mới, chỉ số giá tiêu dùng tháng 01 năm 2020 tăng khá cao ở mức 1,23% so với tháng 12 năm 2019; tăng 6,43% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 01 trong 7 năm gần đây. Nguyên nhân do Tết dương lịch và âm lịch năm nay diễn ra gần nhau trong cùng tháng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng cao; đặc biệt là do những tác động từ nhóm mặt hàng ăn uống ngoài gia đình, giao thông và giá thịt lợn, trong đó riêng giá thịt lợn tăng 8,29% so với tháng 12 năm 2019 và vẫn đứng ở mức rất cao so với cùng kỳ năm 2019 đã tác động nhiều vào CPI tháng 01. Ngoài ra, trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virút Corona (sau đây gọi là dịch nCoV) nên giá của một số mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn tay...trên thị trường hiện đang có diễn biến phức tạp. Với nền CPI tháng 01 đã tăng cao và tác động diễn biến của dịch nCoV đang gây áp lực lớn lên công tác điều hành giá của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
2. Nhất trí với Báo cáo tổng hợp và các ý kiến phát biểu đều cho rằng nếu không triển khai ngay và quyết liệt hơn các biện pháp đã được đưa ra trong các kịch bản điều hành giá để mặt bằng giá giảm ngay trong các tháng còn lại của quý I năm 2020 theo các chỉ tiêu đề ra thì việc kiểm soát lạm phát cả năm sẽ rất khó khăn. Trước những khó khăn thách thức trong công tác điều hành giá ngay từ tháng đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo vẫn quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội. Để đạt mục tiêu này, Ban Chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành địa phương cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện các kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 03/TB-VPCP ngày 04 tháng 01 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ; đồng thời cần quyết liệt triển khai ngay các nhiệm vụ sau:
(1) Đối với mặt hàng thịt lợn: Kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý và dần xuống mức bình thường như trước khi có dịch trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, công khai, minh bạch chi phí, giá thành, giá bán; đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp thao túng giá, đầu cơ, trục lợi.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: (i) Chủ trì báo cáo đầy đủ về kết quả công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, tình hình đảm bảo nguồn cung cho quý I, 6 tháng đầu năm và cả năm 2020, kế hoạch và khả năng tái đàn, tình hình nhập khẩu thịt lợn, tình hình thiệt hại và hỗ trợ kinh phí do dịch tả lợn Châu phi đối với các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi... trong đó tập trung làm rõ đối với những đối tượng bị thiệt hại nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá trước ngày 06 tháng 02 năm 2020, đồng thời gửi Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá để theo dõi, tổng hợp chung; (ii) Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan và doanh nghiệp thực hiện chủ trương nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn mặt hàng thịt lợn thành phẩm trong quý I năm 2020 để góp phần ổn định nguồn cung ngay trong những tháng sau tết.
- Bộ Công Thương chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp chăn nuôi lợn có thị phần lớn việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh, gian lận thương mại; nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, thao túng giá thì thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá kết quả thực hiện trong quý I năm 2020.
- Bộ Tài chính: (i) Chỉ đạo cơ quan thuế các cấp trong quý I năm 2020 thực hiện kiểm tra quyết toán thuế theo quy định của pháp luật để làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt lợn thuộc mọi thành phần kinh tế có thị phần lớn, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá; (ii) Sớm phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị nội dung để Ban chỉ đạo điều hành giá họp với các doanh nghiệp, hộ sản xuất, chăn nuôi lớn, các thương nhân đầu mối nhập khẩu thịt lợn và các đơn vị liên quan nhằm đưa ra giải pháp để bình ổn giá, giảm giá mặt hàng thịt lợn trở về mức bình thường khi hết dịch và như trước khi có dịch; trình Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá phê duyệt thời gian họp cụ thể.
(2) Đối với mặt hàng rau củ (nhất là rau ăn lá) do ảnh hưởng của thời tiết rét nhất là đợt mưa lớn, mưa đá ngày 30, mùng 1 Tết vừa qua gây thiệt hại lớn tại một số địa phương nên giá mặt hàng này đang có xu hướng tăng cao sau Tết. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá mặt hàng này, sớm khôi phục sản xuất và có giải pháp điều hòa cung cầu nhằm bình ổn giá tại các siêu thị, chợ đầu mối, chợ nông thôn...
(3) Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để điều hành giá hợp lý theo tín hiệu thị trường, kết hợp sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức độ phù hợp để bình ổn giá thị trường góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
(4) Đối với các vật tư tiêu dùng phục vụ phòng chống dịch nCoV (khẩu trang, nước sát khuẩn tay,...):
- Bộ Y tế sớm có báo cáo về nguồn cung, năng lực sản xuất, nhu cầu sử dụng và các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, khách du lịch, khách quốc tế và các hỗ trợ cần thiết khác trong phòng chống dịch.
- Lực lượng quản lý thị trường các cấp, cơ quan thanh tra tài chính và cơ quan chức năng khác từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm thực hiện ngay việc kiểm tra trên phạm vi toàn quốc và xử phạt nghiêm các trường hợp không thực hiện niêm yết giá, không thực hiện bán đúng giá niêm yết và các hành vi vi phạm khác theo quy định tại Luật giá, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng chức năng thuộc phạm vi quản lý tổ chức triển khai nhiệm vụ. Lực lượng quản lý thị trường các cấp, cơ quan thanh tra tài chính từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả kiểm tra hàng tháng hoặc đột xuất khi có yêu cầu về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.
- Bộ Y tế cùng các bộ, ngành theo chức năng tăng cường thực hiện hiệu quả công tác truyền thông để tuyên truyền, phổ biến các thông tin chính thống, phản ánh chính xác các vấn đề liên quan đến dịch nCoV để người dân hiểu đúng tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với công tác quản lý, phòng chống dịch của Chính phủ. Các hiệp hội ngành nghề có liên quan như Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội các nhà bán lẻ,...cần tham gia tích cực hỗ trợ các cơ quan nhà nước, các đoàn thể, tổ chức trong công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, phổ biến phòng chống dịch.
(5) Dịch vụ công (y tế, giáo dục): Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện nghiêm túc Thông báo số 03/TB-VPCP ngày 04 tháng 01 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình vào thời điểm phù hợp trong năm.
(6) Các địa phương chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, nắm bắt tình hình giá cả thị trường để dự báo, đề xuất biện pháp điều hành giá phù hợp, thận trọng điều hành giá các dịch vụ y tế, giáo dục... thuộc thẩm quyền quản lý, nhất là trong quý I và quý II năm 2020.
(7) Đối với thuốc và vật tư y tế: Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh công tác đấu thầu tập trung, đàm phán giá để đảm bảo giá thuốc và vật tư y tế ở mức hợp lý góp phần kiểm soát lạm phát.
(8) Đối với sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo chương trình mới: Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công tác liên quan theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật giá để sớm đưa chương trình sách giáo khoa mới phục vụ cho năm học 2020-2021.
(9) Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa để điều hành lạm phát cơ bản phù hợp, gắn kết với việc triển khai thực hiện các kịch bản điều hành giá theo mục tiêu Quốc hội đặt ra.
3. Bộ Thông tin và truyền thông chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện công tác truyền thông, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá nhất là trong việc thực hiện các chính sách lớn của Chính phủ và trong thời điểm bùng phát dịch nCoV. Các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác cho các cơ quan báo chí về công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch nCoV cũng như tăng cường công khai, minh bạch thông tin về các yếu tố chi phí đầu vào nhất là các vật tư quan trọng liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |