Nội dung toàn văn Thông báo 3643/TB-BHXH Nghị quyết chủ trương nhiệm vụ thực hiện công tác cán bộ
BẢO HIỂM XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3643/TB-BHXH | Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 2012 |
THÔNG BÁO
NGHỊ QUYẾT CỦA BAN CÁN SỰ ĐẢNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, NHIỆM VỤ THỰC HIỆN CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ; CÔNG TÁC LUÂN CHUYỂN, ĐIỀU ĐỘNG CÁN BỘ; CÔNG TÁC BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, MIỄN NHIỆM CÁN BỘ
Ngày 10 tháng 8 năm 2012, Ban Cán sự đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-BCS trong đó có nội dung về một số chủ trương, nhiệm vụ thực hiện công tác cán bộ nữ; công tác luân chuyển, điều động cán bộ; công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm cán bộ trong thời gian tới. Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo nội dung Nghị quyết về các vấn đề nêu trên như sau:
I. VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ
1. Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm. Ưu tiên bổ nhiệm cán bộ nữ trong trường hợp có 02 người (nam và nữ) trong quy hoạch mà năng lực và phẩm chất tương đương nhau. Phấn đấu đến năm 2015, cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tổng số cán bộ quản lý của toàn Ngành đạt tỷ lệ từ 30 - 35%.
2. Đối với các đơn vị trong Ngành chưa bố trí đủ số lượng cán bộ lãnh đạo mà có nguồn quy hoạch là cán bộ nữ phù hợp với yêu cầu vị trí công tác, thì xem xét ưu tiên lựa chọn bổ nhiệm cán bộ là nữ. Đối với các đơn vị có đủ số lượng lãnh đạo nhưng chưa có cán bộ nữ thì có thể xem xét bổ nhiệm thêm 01 cán bộ lãnh đạo nữ có đủ năng lực, phẩm chất để tiếp tục quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng. Chú trọng đến cán bộ nữ là cấp trưởng.
3. Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch; ưu tiên phát triển cán bộ nữ để chủ động trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ.
4. Giao Ban Tổ chức cán bộ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn về công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ theo hướng tăng cường cán bộ nữ trong cơ cấu lãnh đạo các cấp, nhất là cán bộ nữ giữ chức vụ người đứng đầu cơ quan, đơn vị trình Bí thư Ban Cán sự đảng xem xét ban hành.
II. VỀ CÔNG TÁC LUÂN CHUYỂN, ĐIỀU ĐỘNG CÁN BỘ
1. Tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ, đưa công tác này trở thành nền nếp, thường xuyên trong công tác cán bộ. Từng bước thực hiện việc bố trí Giám đốc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh và Giám đốc Bảo hiểm xã hội cấp huyện không phải là người địa phương.
2. Thực hiện thí điểm bổ nhiệm đối với cán bộ trẻ (nam không quá 45 tuổi, nữ không quá 40 tuổi) trong quy hoạch có đủ tiêu chuẩn và triển vọng phát triển giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý để luân chuyển giữa các đơn vị trực thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam; luân chuyển từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam về Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố (gọi chung là Bảo hiểm xã hội tỉnh) và ngược lại; giữa các Phòng nghiệp vụ thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh; từ Bảo hiểm xã hội tỉnh về Bảo hiểm xã hội cấp huyện và ngược lại; từ Bảo hiểm xã hội tỉnh này sang Bảo hiểm xã hội tỉnh khác.
3. Lựa chọn một số Trưởng Phòng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong quy hoạch và đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm, điều động luân chuyển giữ chức vụ Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh.
4. Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giữ chức vụ lãnh đạo 2 nhiệm kỳ mà có biểu hiện trì trệ, gia trưởng, thiếu năng động, sáng tạo trong lãnh đạo điều hành, nếu không khắc phục, sửa chữa hoặc không đủ sức khỏe thì cần phải điều động thay đổi sang nơi mới hoặc miễn nhiệm.
Các chức danh cấp phó thuộc diện Ban Cán sự đảng quản lý, nếu đã giữ chức vụ quá 02 nhiệm kỳ, có biểu hiện trì trệ, thiếu tích cực trong công tác, nếu không khắc phục, sửa chữa, tùy theo tình hình cụ thể, Ban Cán sự đảng sẽ xem xét chuyển đổi vị trí công tác.
5. Đối với cán bộ trong quy hoạch mà từ chối việc điều động, luân chuyển theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt thì đưa ra khỏi quy hoạch và có thể xem xét miễn nhiệm nếu giữ chức vụ (trừ trường hợp có lý do chính đáng).
6. Giao Ban Tổ chức cán bộ:
a) Tiến hành rà soát, lập kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ các chức danh quy hoạch thuộc diện Ban Cán sự đảng quản lý, trình Ban Cán sự đảng xem xét, phê duyệt.
b) Rà soát, lập danh sách cán bộ thuộc diện Ban Cán sự đảng quản lý đã có thời gian giữ chức vụ từ 02 nhiệm kỳ trở lên tại một đơn vị, trên cơ sở đó lập kế hoạch điều động cán bộ đến giữ chức vụ ở đơn vị, địa phương khác, trước tiên là đối với những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện trì trệ, thiếu năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công hoặc có biểu hiện gây mất đoàn kết nội bộ.
c) Nghiên cứu xây dựng chế độ chính sách đối với cán bộ luân chuyển điều động, tăng cường để thực hiện thống nhất trong toàn Ngành.
III. CÔNG TÁC BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, MIỄN NHIỆM CÁN BỘ
1. Khi bổ nhiệm mới đối với các chức danh do Ban Cán sự đảng quản lý, cán bộ trong quy hoạch dự kiến được đề bạt, bổ nhiệm phải xây dựng và trình bày chương trình công tác (nếu được bổ nhiệm vào chức vụ) trước Ban Cán sự đảng. Ban Cán sự đảng sẽ tổ chức phỏng vấn, trao đổi với cán bộ dự kiến bổ nhiệm trước khi thảo luận tập thể xem xét bổ nhiệm.
Đối với các chức danh cán bộ quản lý cấp phòng và cấp huyện, từng bước tiến tới tổ chức kiểm tra hiểu biết về pháp luật, chuyên môn, quy chế làm việc, công tác quản lý đơn vị trước khi xem xét quyết định bổ nhiệm.
2. Khi xem xét bổ nhiệm lại cán bộ do Ban Cán sự đảng quản lý, cần có nhận xét đánh giá của các Ban chuyên môn nghiệp vụ về các lĩnh vực chủ yếu mà cán bộ được phân công phụ trách (chính sách xã hội; chính sách y tế; thu; cấp sổ, thẻ; chi, tài chính...). Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm nhận xét, đánh giá theo lĩnh vực phụ trách và chịu trách nhiệm trước Ban Cán sự đảng về nhận xét, đánh giá đó.
3. Không bổ nhiệm lại những cán bộ, lãnh đạo quản lý thuộc các trường hợp sau:
a) Không hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
b) Không đạt tiêu chuẩn của chức vụ công chức lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm tại thời điểm xem xét bổ nhiệm lại;
c) Không đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao;
d) Thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện việc xem xét miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với những cán bộ sau đây:
a) Cán bộ lãnh đạo, quản lý (bổ nhiệm lần đầu và bổ nhiệm lại) có biểu hiện trì trệ, gia trưởng, thiếu tích cực trong lãnh đạo, điều hành hoặc không đủ sức khỏe;
b) Cán bộ 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có tín nhiệm thấp (dưới 50%) trong nhiệm kỳ giữ chức vụ;
c) Cán bộ vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, nhưng chưa đến mức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức mà yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế;
d) Không đủ năng lực, uy tín để làm việc, trong các trường hợp: Trong một nhiệm kỳ hoặc hai nhiệm kỳ giữ chức vụ liên tiếp, bị hai lần xử lý kỷ luật liên quan đến chức trách được giao; để đơn vị mất đoàn kết hoặc làm đơn vị mất đoàn kết theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về vi phạm tư cách đạo đức của người cán bộ; bị cơ quan kiểm tra, thanh tra có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định về những việc đảng viên, cán bộ, công chức không được làm.
e) Vi phạm quy định của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ chính trị nội bộ.
Trên đây là nội dung Nghị quyết của Ban Cán sự đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam về một số chủ trương, nhiệm vụ thực hiện công tác cán bộ nữ; công tác luân chuyển, điều động cán bộ; công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm cán bộ trong thời gian tới. Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo để Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. TỔNG GIÁM ĐỐC |