Nội dung toàn văn Thông báo 4116/TB-BNN-ĐMDN kết luận của Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần tại cuộc họp
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4116/TB-BNN-ĐMDN | Hà Nội, ngày 23 tháng 08 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG DIỆP KỈNH TẦN TẠI CUỘC HỌP THẨM ĐỊNH PHƯƠNG ÁN TÁI CƠ CẤU TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN NAM
Thực hiện Văn bản số 5597/VPCP-ĐMDN của Văn phòng Chính phủ, ngày 09/8/2012, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cùng Hội đồng thẩm định Phương án Tái cơ cấu doanh nghiệp Bộ Nông nghiệp và PTNT (Hội đồng thẩm định), chủ trì cuộc họp thẩm định Phương án Tái cơ cấu Tổng công ty Lương thực miền Nam (Tổng công ty).
Tham gia thẩm định có các thành viên Hội đồng thẩm định của Ban Đổi mới và Quản lý DNNN; Đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Nội vụ, Lao động - Thương binh xã hội, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư; các Vụ Tài chính, Kế hoạch; Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối.
Sau khi nghe Tổng công ty báo cáo tóm tắt Phương án Tái cơ cấu, báo cáo thẩm định của Ban Đổi mới và Quản lý DNNN; các ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần kết luận như sau:
1. Phương án Tái cơ cấu của Tổng công ty đã phân tích, đánh giá tương đối đầy đủ, chi tiết thực trạng của Tổng công ty; đã nêu được mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể phù hợp với kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổng công ty cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung bám sát Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/7/2012 về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” và ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định, để Phương án đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển của tổng công ty nhà nước. Các ý kiến cụ thể đã được Hội đồng góp ý, đề nghị chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng
2. Về nội dung Phương án Tái cơ cấu:
Đề nghị kết cấu Phương án lại cho hợp lý, logic hơn. Phần đánh giá thực trạng và sự cần thiết tái cơ cấu cần viết ngắn gọn.
- Về ngành nghề kinh doanh: Tổng công ty cần rà soát lại toàn bộ ngành kinh doanh hiện có, căn cứ vào định hướng chiến lược phát triển của Tổng công ty, các nội dung, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xác định ngành nghề kinh doanh chính, ngành nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành nghề kinh doanh chính.
- Tái cơ cấu tài chính về đầu tư:
+ Bổ sung danh mục các công ty cần thoái vốn, số vốn thoái và lộ trình thoái vốn đối với Tổng công ty.
+ Nên cân nhắc chuyển ngành nghề kinh doanh thủy sản sang nhóm ngành kinh doanh khác có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính vì doanh thu và lợi nhuận của ngành này chỉ chiếm 2,8% tổng doanh thu và lợi nhuận của toàn ngành.
+ Rà soát, tính toán lại hiệu quả các dự án do Công ty mẹ làm chủ đầu tư không thuộc ngành kinh doanh lương thực (07 dự án), nếu không hiệu quả phải mạnh dạn cắt bỏ.
Việc đầu tư phải lựa chọn tập trung vào các đơn vị có hiệu quả (kể cả công ty con, công ty liên kết). Những đơn vị không có tiềm năng, làm ăn không hiệu quả, không đúng ngành nghề kinh doanh thì phải có lộ trình thoái vốn cụ thể.
- Xem xét lại nhiệm vụ của các đơn vị phụ thuộc để sắp xếp lại cho hợp lý.
- Bổ sung thêm các nội dung, giải pháp và các bảng biểu tương ứng với từng nội dung tái cơ cấu.
3. Giao Ban Đổi mới và Quản lý DNNN hướng dẫn Tổng công ty chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Phương án theo góp ý của Hội đồng thẩm định để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để Tổng công ty biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | TL.BỘ TRƯỞNG |