Thông báo 594/TB-BGDĐT

Thông báo 594/TB-BGDĐT tuyển sinh đi đào tạo sau đại học tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước năm 2010 (đợt bổ sung) do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Nội dung toàn văn Thông báo 594/TB-BGDĐT tuyển sinh đi đào tạo sau đại học tại các cơ sở


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 594/TB-BGDĐT

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2010

 

THÔNG BÁO

TUYỂN SINH ĐI ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC TẠI CÁC CƠ SỞ NƯỚC NGOÀI BẰNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2010 (ĐỢT BỔ SUNG)

Thực hiện Đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo tuyển sinh đào tạo sau đại học tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước năm 2010 (đợt bổ sung) như sau:

1. Số lượng học bổng

Thực hiện kế hoạch tuyển sinh năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển bổ sung 400 người đi học tiến sĩ và 50 người đi thực tập tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước.

Học bổng được ưu tiên sử dụng để phát triển nguồn nhân lực cho các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các trung tâm công nghệ cao và dành khoảng 10% cho cán bộ các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

2. Thời gian đi học

Người trúng tuyển và được cơ sở nước ngoài tiếp nhận sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, cử đi học ở nước ngoài theo giấy mời nhập học và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong khoảng thời gian kể từ khi có quyết định trúng tuyển đến hết 31/12/2011.

3. Đối tượng dự tuyển

3.1. Giảng viên, cán bộ trong biên chế, hợp đồng dài hạn hoặc ngắn hạn với tổng thời gian các hợp đồng từ 01 năm trở lên, đang công tác tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, trung tâm công nghệ cao, hoặc các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước;

3.2. Học viên cao học và sinh viên đại học tốt nghiệp năm 2009 – 2010 với kết quả học tập đạt loại giỏi (8.0) và điểm bảo vệ luận văn thạc sĩ/đồ án tốt nghiệp đại học đạt từ 8.0 trở lên (tính theo thang điểm 10), cam kết sau khi tốt nghiệp về nước làm giảng viên tại các trường đại học và cao đẳng theo sự điều động của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi chỉ được đăng ký dự tuyển nếu có văn bản của cơ sở đào tạo nước ngoài đồng ý tiếp nhận đào tạo thẳng theo chương trình tiến sĩ.

4. Ngành đào tạo

Các ngành ưu tiên gửi đi đào tạo ở nước ngoài thuộc các khối ngành: khoa học kỹ thuật – công nghệ; khoa học xã hội; kinh tế - quản lý; nghệ thuật; thể thao; y – dược; nông lâm; lâm nghiệp và thủy sản.

5. Nước và chỉ tiêu dự kiến gửi đào tạo

Nhà nước chủ trương gửi đi đào tạo ở tất cả các nước tiên tiến trên thế giới và có văn bản hợp tác ưu tiên về mức phí đào tạo với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các học bổng tiến sĩ được phân bổ theo nước như sau:

Anh: 30

Đức: 30

Pháp: 30

Canada: 25

Hoa kỳ: 30

Trung Quốc: 60

(bao gồm Đài Loan: 30)

Hàn Quốc: 30

Nhật Bản: 30

Niu Di-lân: 25

Úc: 30

Bỉ: 25

Liên bang Nga: 25

Các nước khác: 30

Ghi chú:

- Không phân bổ chỉ tiêu thực tập sinh theo nước mà xét tuyển theo nhu cầu đăng ký thực tế;

- Chỉ tiêu đi Đài Loan thực hiện theo Chương trình VEST 500 đã ký kết giữa Việt Nam và Đài Loan.

6. Điều kiện và tiêu chuẩn

6.1. Điều kiện và tiêu chuẩn chung đối với người dự tuyển:

+ Đúng đối tượng dự tuyển (theo quy định tại Mục 3).

+ Được cơ quan công tác đồng ý và có công văn cử dự tuyển (đối với cán bộ).

+ Có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn giỏi, đủ sức khỏe để học tập ở nước ngoài, cam kết trở về nước phục vụ tại cơ quan đã cấp văn bản giới thiệu tham gia dự tuyển.

+ Có đủ trình độ ngoại ngữ theo quy định tại Mục 7.

Lưu ý:

+ Không chấp nhận hồ sơ dự tuyển của những trường hợp lưu học sinh đã đi học ở nước ngoài theo các diện học bổng khác hoặc tự túc kinh phí từ trước khi có thông báo tuyển sinh này.

+ Không chấp nhận những trường hợp đã trúng tuyển học bổng ngân sách Nhà nước năm 2009 và 2010.

6.2. Điều kiện và tiêu chuẩn dự tuyển theo bậc học

6.2.1. Tiến sĩ

+ Dưới 40 tuổi (sinh sau năm 1969).

+ Đối tượng dự tuyển là cán bộ, giảng viên có kết quả học tập toàn khóa thạc sĩ đạt khá trở lên với điểm trung bình các môn học từ 7.0 trở lên và điểm bảo vệ luận văn thạc sĩ từ 7.0 trở lên (tính theo thang điểm 10), chưa đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, hoặc đang làm nghiên cứu sinh năm đầu ở trong nước. Đối với người dự tuyển đi học tại Liên bang Nga và các nước Đông Âu, nếu đã có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá với thời gian học từ 5 năm trở lên thì có thể đăng ký dự tuyển đi học tiến sĩ nhưng phải có văn bản đồng ý tiếp nhận đào tạo tiến sĩ của cơ sở đào tạo nước ngoài từ khi đăng ký dự tuyển (ứng viên đăng ký đi Liên bang Nga và các nước SNG được miễn yêu cầu này).

+ Đối tượng dự tuyển là học viên cao học và sinh viên đại học tốt nghiệp năm 2009-2010 có điểm trung bình các môn học từ 8.0 trở lên và điểm bảo vệ luận văn thạc sĩ/đồ án tốt nghiệp đại học đạt từ 8.0 trở lên (tính theo thang điểm 10). Đối với một số ngành đào tạo như khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và Pháp có thể chấp nhận người dự tuyển có bằng đại học chính qui loại giỏi đăng ký học chương trình tiến sĩ. Sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi chỉ được đăng ký dự tuyển nếu có văn bản của cơ sở đào tạo tại các nước này đồng ý tiếp nhận đào tạo thẳng theo chương trình tiến sĩ (ứng viên có thể tham khảo trên trang web: www.vied.vn danh sách các trường đối tác của Cục Đào tạo với nước ngoài đã có thỏa thuận hợp tác để liên hệ).

+ Đăng ký ngành học phù hợp với ngành học đã tốt nghiệp đại học và cao học.

+ Ưu tiên người dự tuyển có thành tích nghiên cứu khoa học (thể hiện qua các bài báo đăng trên tạp chí khoa học, báo cáo tại hội nghị khoa học cấp trường trở lên và được đăng trong kỷ yếu hội nghị hoặc tham gia đề tài nghiên cứu cấp Bộ trở lên đã được nghiệm thu hoặc sử dụng).

6.2.2. Thực tập sinh (TTS)

+ Dưới 50 tuổi (sinh sau năm 1959).

+ Giảng viên các trường đại học, cao đẳng hoặc cán bộ viện nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách nhà nước đang là nghiên cứu sinh trong nước có nhu cầu đi thực tập để xác định, phát triển đề tài nghiên cứu hoặc để hoàn thành, bảo vệ luận án tại nước ngoài.

+ Chưa từng được cấp học bổng ngân sách Nhà nước để đi thực tập ở nước ngoài.

+ Có đủ trình độ ngoại ngữ theo quy định của cơ sở đào tạo ở nước đăng ký đến thực tập.

+ Được cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh có công văn cử đi dự tuyển và cơ quan công tác đồng ý.

+ Thời gian thực tập khoa học tại nước ngoài không quá 6 tháng.

7. Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ

7.1. Trường hợp không yêu cầu về ngoại ngữ

7.1.1. Những người đăng ký đi học bằng tiếng Hán tại Trung Quốc (kể cả Đài Loan, Macao, Hồng Kông) và bằng tiếng Nga tại các nước SNG.

Những người trúng tuyển sẽ được học 01 năm dự bị ngoại ngữ toàn phần hoặc bán phần tại nước ngoài trên cơ sở thỏa thuận đạt được giữa Cục Đào tạo với nước ngoài – Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ sở đào tạo ở các nước này.

7.1.2.  Người dự tuyển có bằng tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ ở nước ngoài nay đăng ký trở lại nước đó học tập hoặc ngôn ngữ đã sử dụng khi học đại học hoặc thạc sĩ ở nước ngoài trùng với ngôn ngữ sẽ sử dụng trong học tập ở nước đăng ký đi học lần này.

7.2. Các trường hợp có yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ

7.2.1. Người đăng ký đi học tại các nước sử dụng tiếng Anh, khi đăng ký dự tuyển phải có chứng chỉ tiếng Anh đạt tối thiểu 500 điểm TOEFL hoặc 5.5 điểm IELTS. (Đề nghị liên hệ với Cục ĐTVNN theo email: [email protected] để được hỗ trợ cung cấp thông tin đăng ký tham dự kỳ thi tiếng Anh gần nhất cho kịp thời hạn nộp hồ sơ dự tuyển).

Khi làm thủ tục ra quyết định cử đi học, người trúng tuyển đi học bằng tiếng Anh tại Hoa Kỳ, Ôxtrâylia, Anh, Niu Di-lân và Canada phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt tối thiểu 550 điểm TOEFL hoặc 6.0 điểm IELTS. Đối với các nước khác có sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy và học tập, người trúng tuyển phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt tối thiểu 500 điểm TOEFL hoặc 5.5 điểm IELTS. Nhiều cơ sở đào tạo của Hoa Kỳ còn yêu cầu ứng viên phải có chứng chỉ GRE.

(Một số trường đại học nước ngoài chấp nhận TOEFL nội bộ do IIE cấp).

Người trúng tuyển có thể đăng ký tham dự bồi dưỡng tiếng Anh do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sau khi có quyết định trúng tuyển.

7.2.2. Người đăng ký đi học tại Đức sử dụng tiếng Anh trong học tập cần đạt yêu cầu về tiếng Anh quy định tại mục 7.2.1 nhưng chưa cần nộp chứng chỉ khi nộp hồ sơ.

Trường hợp người dự tuyển dự định sử dụng tiếng Đức trong học tập sẽ được học tiếng Đức tại Việt Nam và tại Đức.

7.2.3. Người đăng ký đi học tại các nước sử dụng tiếng Pháp trong học tập (Bỉ, Canada, Pháp, Thụy Sĩ, …) phải có chứng chỉ tiếng Pháp TCF 250 điểm trở lên hoặc tương đương. Sau khi trúng tuyển sẽ được tham gia lớp học tiếng Pháp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức để đạt 350 điểm TCF trước khi được cấp quyết định cử đi học trên cơ sở có văn bản tiếp nhận của cơ sở đào tạo nước ngoài.

7.2.4. Người đăng ký đi Pháp học bằng tiếng Anh phải có chứng chỉ tiếng Anh đạt tối thiểu 500 điểm TOEFL hoặc 5.5 điểm IELTS và khi trúng tuyển phải có chứng chỉ tiếng Pháp TCF 200 điểm trở lên mới được cấp quyết định cử đi học (theo quy định của phía Pháp về việc cấp visa cho lưu học sinh).

7.2.5. Người đăng ký đi các nước sử dụng ngoại ngữ khác trong học tập phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ theo quy định của nước đăng ký đến học.

8. Hồ sơ dự tuyển và lệ phí dự tuyển

8.1. Các cơ quan có người đăng ký dự tuyển phải tổ chức sơ tuyển hoặc thành lập Hội đồng xét tuyển theo các điều kiện và tiêu chuẩn quy định ở trên, lập danh sách trích ngang cán bộ dự tuyển theo thứ tự ưu tiên và gửi cùng công văn giới thiệu cán bộ dự tuyển đến Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Đào tạo với nước ngoài). Lưu ý: chỉ chấp nhận công văn giới thiệu của các cơ quan trực thuộc trực tiếp các Bộ/cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh/thành phố. Các cơ quan cấp dưới cần báo cáo để cơ quan trực thuộc các Bộ/cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh/thành phố cấp văn bản cử người dự tuyển gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Công văn và danh sách trích ngang cán bộ (theo mẫu gửi kèm) do các cơ quan cử dự tuyển có thể chuyển trước đến các địa chỉ e-mail: [email protected], [email protected] và bản chính gửi qua đường văn thư.

8.2. Người dự tuyển chỉ được đăng ký dự tuyển đi học ở 01 nước và nộp 01 bộ hồ sơ dự tuyển theo mẫu thông báo trên trang web: http://www.vied.vn. Bộ Giáo dục và Đào tạo không xem xét các trường hợp xin chuyển nước, thay đổi ngành học đăng ký dự tuyển sau khi người dự tuyển đã nộp hồ sơ.

Hồ sơ dự tuyển gồm các loại giấy tờ xếp theo thứ tự quy định dưới đây:

1. Công văn cử người dự tuyển của cơ quan có thẩm quyền và danh sách cán bộ dự tuyển theo thứ tự ưu tiên (xem hướng dẫn tại mục 8.1). Đối với cán bộ đang là nghiên cứu sinh trong nước đăng ký đi thực tập, ngoài công văn quy định này cần phải có ý kiến bằng văn bản của cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh ủng hộ việc đi thực tập tại nước ngoài.

2. Phiếu đăng ký dự tuyển: Người dự tuyển tự lấy mẫu tại www.vied.vn, khai đầy đủ các mục và xin xác nhận của cơ quan (đối với cán bộ đang công tác) hoặc của UBND địa phương (đối với học viên cao học, sinh viên đại học mới tốt nghiệp).

3. Bản cam kết: Người dự tuyển tự lấy mẫu từ www.vied.vn, khai đầy đủ các mục và xin xác nhận của cơ quan (đối với cán bộ đang công tác) hoặc của UBND địa phương (đối với học viên cao học, sinh viên đại học mới tốt nghiệp).

4. Bản sao quyết định tuyển dụng hoặc bản sao hợp đồng lao động từ khi bắt đầu làm việc đến nay.

5. Bản sao sổ bảo hiểm xã hội hoặc bản sao lương trong đó có thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội (đối với cán bộ hợp đồng).

6. Bản sao quyết định công nhận là nghiên cứu sinh trong nước (đối với người dự tuyển đi thực tập sinh).

7. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan đang quản lý cán bộ (đối với cán bộ đang công tác) hoặc xác nhận của UBND địa phương (đối với học viên cao học, sinh viên đại học mới tốt nghiệp).

8. Bản sao hợp lệ bằng và bảng điểm đại học; bằng và bảng điểm thạc sĩ. Nếu bằng và bảng điểm do nước ngoài cấp thì cần cung cấp bản dịch công chứng hợp lệ sang tiếng Việt kèm theo thông tin quy định thang điểm đánh giá của phía nước ngoài. Đối với người học đại học liên thông hoặc đại học chuyên tu cần phải nộp cả bản sao hợp lệ bằng và bảng điểm trung cấp chuyên nghiệp hoặc cao đẳng.

9. Bản sao hợp lệ chứng chỉ ngoại ngữ (theo quy định tại mục 7).

10. Đề cương nghiên cứu (đối với người dự tuyển tiến sĩ).

11. Bản sao hợp lệ văn bản của cơ sở đào tạo nước ngoài đồng ý tiếp nhận đào tạo thẳng theo chương trình tiến sĩ đối với sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

12. Bản kê khai danh mục các công trình khoa học đã công bố được cơ quan công tác hoặc cơ quan phê duyệt, công bố kết quả công trình xác nhận; Nếu là đề tài nghiên cứu khoa học, cần nộp bản sao đăng ký đề tài, biên bản nghiệm thu (nếu có).

Lưu ý: Các trường hợp đã dự tuyển học bổng sau đại học (tiến sĩ và thực tập sinh) bằng NSNN năm 2010 theo thông báo tuyển sinh số 95/TB-BGDĐT ngày 8/3/2010 nhưng chưa trúng tuyển do hồ sơ chưa hoàn chỉnh (xem danh sách kèm theo) chỉ cần bổ sung hồ sơ để được xem xét trong đợt tuyển bổ sung này.

Sau khi hoàn thành hồ sơ dự tuyển, người dự tuyển phải quét (scan) lưu lại toàn bộ hồ sơ sang các files định dạng PDF để thực hiện đăng ký trực tuyến theo địa chỉ http://tuyensinh.vied.vn/ và đồng thời chuyển toàn bộ bản chính hồ sơ dự tuyển bằng thư chuyển phát nhanh bảo đảm hoặc nộp trực tiếp tại Văn phòng một cửa – Cục Đào tạo với nước ngoài – Bộ Giáo dục và Đào tạo, 21 Lê Thánh Tông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hồ sơ cần đựng trong túi hồ sơ kích thước 25cm x 34cm, mặt ngoài túi trình bày theo mẫu quy định đối với hồ sơ dự tuyển học bổng sau đại học bằng NSNN năm 2010 (đợt bổ sung) có ghi đầy đủ các chi tiết về nước, trình độ và ngành học đăng ký dự tuyển, danh mục các loại giấy tờ có trong túi, địa chỉ liên hệ, các số điện thoại cố định, di động và e-mail để liên lạc.

Thời hạn nộp hồ sơ: Trước ngày 20/11/2010 (tính theo dấu bưu điện hoặc sổ theo dõi nhận hồ sơ của Văn phòng một cửa – Cục Đào tạo với nước ngoài).

Lưu ý: Hồ sơ được coi là hợp lệ nếu nộp đầy đủ hồ sơ trực tuyến (online) và hồ sơ giấy.

8.3. Lệ phí dự tuyển: 200.000đ/người cần được chuyển đến Cục Đào tạo với nước ngoài (ĐTVNN) trước ngày 20/11/2010 theo một trong các cách sau đây:

+ Trực tiếp đến nộp hồ sơ và lệ phí dự tuyển tại Cục ĐTVNN.

Địa chỉ: 21 Lê Thánh Tông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

+ Chuyển tiền vào tài khoản của Cục ĐTVNN theo chi tiết sau:

Tên đơn vị: Cục Đào tạo với nước ngoài

Số tài khoản: 94501040

Tại: Kho bạc Nhà nước Đống Đa, TP Hà Nội.

Lưu ý: Khi chuyển tiền vào tài khoản của Cục ĐTVNN đề nghị ghi rõ là lệ phí dự tuyển của người nào (có đầy đủ họ tên), bậc học hoặc đăng ký dự tuyển (TS hoặc TTS) theo thông báo tuyển sinh số 594/TB-BGDĐT ngày 01/10/2010.

Hồ sơ nộp muộn, không đúng theo quy định nêu trên và không nộp lệ phí dự tuyển được coi là không hợp lệ và không được xét tuyển. Những người khai hồ sơ dự tuyển không đúng và người xác nhận sai sẽ bị xử lý theo pháp luật. Bộ Giáo dục và Đào tạo không trả lại hồ sơ và lệ phí dự tuyển trong bất kỳ trường hợp nào.

9. Quyền lợi và nghĩa vụ của người trúng tuyển

9.1. Người trúng tuyển phải cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và trở về phục vụ tại các cơ quan cử đi học như đã cam kết, nếu không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc không trở về phục vụ sẽ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo theo quy định của Nhà nước. Cam kết phải được cơ quan cử đi học xác nhận. Người chưa có cơ quan công tác thì cam kết cần có chữ ký của gia đình hoặc người bảo trợ/ bảo lãnh về tài chính và xác nhận của UBND địa phương.

9.2. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quyết định danh sách các cá nhân được tuyển chọn trong tháng 01/2011 và công bố trên các trang web: http://www.moet.gov.vn và http://www.vied.vn. Sau khi có quyết định phê duyệt danh sách tuyển chọn, Cục Đào tạo với nước ngoài – Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức khóa bồi dưỡng ngoại ngữ cho người trúng tuyển và thông báo, hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ, đăng ký cơ sở đào tạo và dự tuyển để được tiếp nhận vào học tại các cơ sở nước ngoài do Cục Đào tạo với nước ngoài lựa chọn. Trường hợp người trúng tuyển đăng ký đi học tại cơ sở giáo dục nước ngoài mà trước đây đã từng học ở đó hoặc cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài có ký kết văn bản thỏa thuận trao đổi hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ với cơ quan công tác của ứng viên thì sẽ được xem xét giải quyết thủ tục đi học tại cơ sở đào tạo đó nếu các điều kiện tiếp nhận phù hợp với quy định về học bổng ngân sách Nhà nước Việt Nam được nêu tại thông báo tuyển sinh này.

9.3. Trong quá trình dự tuyển và kể cả khi trúng tuyển học bổng bằng ngân sách Nhà nước, nếu nước người trúng tuyển đăng ký đi học có chương trình học bổng Hiệp định Chính phủ dành cho Việt Nam thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ưu tiên chuyển người trúng tuyển sang dự tuyển chương trình học bổng Hiệp định để tiết kiệm kinh phí đào tạo cho Nhà nước. Nếu không thể đàm phán chuyển sang học bổng Hiệp định được thì Bộ Giáo dục và Đào tạo xét cấp học bổng ngân sách Nhà nước Việt Nam.

9.4. Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên gửi đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo và các nước đã ký thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ tài chính với Bộ Giáo dục và Đào tạo (thông tin công bố trên trang web: http://www.vied.vn). Đối với người đi học tại các cơ sở đào tạo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp kinh phí theo các thỏa thuận đã ký.

9.5. Về các nước và cơ sở đào tạo chưa có thỏa thuận với Bộ Giáo dục và Đào tạo về hỗ trợ tài chính và trong một số trường hợp hoặc chuyên ngành đặc biệt (chương trình NCS 4 năm), Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quyết định cấp học bổng trong 3 năm đầu của chương trình NCS (gồm sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, chi phí đi đường, vé máy bay quốc tế một lượt đi và về theo quy định của Nhà nước và học phí với mức không quá 15.000 USD/năm) và xem xét từng trường hợp cụ thể để tiếp tục cấp học bổng cho năm thứ 4, bảo lưu vé máy bay lượt về nước nếu quá trình học tập và nghiên cứu của NCS trong 3 năm trước đạt kết quả tốt.

9.6. Người đi thực tập sẽ được cấp học bổng trong thời gian tối đa 06 tháng, trong đó mức học phí không quá 7.500 USD/6 tháng thực tập.

9.7. Trường hợp người trúng tuyển học bổng ngân sách Nhà nước nhận được học bổng khác của nước ngoài cấp với chế độ kinh phí cao hơn học bổng ngân sách Nhà nước Việt Nam thì việc trúng tuyển học bổng ngân sách Nhà nước sẽ bị hủy bỏ và người trúng tuyển chỉ được hưởng 01 học bổng do nước ngoài cấp. Nếu học bổng nước ngoài cấp ở mức thấp hơn chế độ hiện hành của học bổng ngân sách Nhà nước Việt Nam thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cấp bù để đạt mức quy định.

9.8. Người trúng tuyển phải làm thủ tục để nhận được quyết định cử đi học nước ngoài trước ngày quyết định trúng tuyển học bổng ngân sách Nhà nước hết hiệu lực. Căn cứ thời hạn thực hiện Đề án 322, Bộ Giáo dục và Đào tạo không chấp nhận các đề nghị lùi thời gian làm thủ tục đi học sau ngày quyết định trúng tuyển hết hiệu lực.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các trung tâm công nghệ cao, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố phổ biến thông báo này tới các đối tượng có liên quan và tạo điều kiện thuận lợi cho các giảng viên, cán bộ, học viên cao học và sinh viên đại học mới tốt nghiệp năm 2009-2010 có đủ điều kiện cần thiết được đăng ký dự tuyển theo đúng thời hạn và quy định dự tuyển nêu trên.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Ban Tuyên giáo TW (để báo cáo);
- Các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành phố;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đại học, học viện, trường ĐH, CĐ;
- Các Viện NC, Phòng TN trọng điểm QG, Trung tâm công nghệ cao;
- Các Vụ, Cục thuộc Bộ GDĐT
- Các website: www.vied.vn; www.moet.gov.vn; Báo GD&TĐ;
- Lưu: VT, ĐTVNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Văn Ga

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 594/TB-BGDĐT

Loại văn bảnThông báo
Số hiệu594/TB-BGDĐT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành01/10/2010
Ngày hiệu lực01/10/2010
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcGiáo dục
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật14 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 594/TB-BGDĐT

Lược đồ Thông báo 594/TB-BGDĐT tuyển sinh đi đào tạo sau đại học tại các cơ sở


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Thông báo 594/TB-BGDĐT tuyển sinh đi đào tạo sau đại học tại các cơ sở
                Loại văn bảnThông báo
                Số hiệu594/TB-BGDĐT
                Cơ quan ban hànhBộ Giáo dục và Đào tạo
                Người kýBùi Văn Ga
                Ngày ban hành01/10/2010
                Ngày hiệu lực01/10/2010
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcGiáo dục
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật14 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Thông báo 594/TB-BGDĐT tuyển sinh đi đào tạo sau đại học tại các cơ sở

                            Lịch sử hiệu lực Thông báo 594/TB-BGDĐT tuyển sinh đi đào tạo sau đại học tại các cơ sở

                            • 01/10/2010

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 01/10/2010

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực