Nội dung toàn văn Thông báo 82/TB-VP 2021 kết luận của Phó Chủ tịch về phòng chống Covid-19 Hà Nội
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 82/TB-VP | Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2021 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ CHỬ XUÂN DŨNG, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(tại phiên họp số 94)
15h30 ngày 26/02/2021, tại trụ sở UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo Thành phố) đã tổ chức họp Phiên thứ 94 nghe các đơn vị báo cáo về tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Dự họp tại điểm cầu Thành phố có đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo, các đồng chí Phó Trưởng Ban và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Thành phố. Tại điểm cầu địa phương có các đồng chí lãnh đạo, thành viên Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn; giám đốc các bệnh viện của Thành phố.
Sau khi nghe Sở Y tế báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận chỉ đạo như sau:
I. Nhận định tình hình dịch bệnh và dự báo trong thời gian tới
1. Trên Thế giới
- Tình hình dịch bệnh tại nhiều nước trên Thế giới đang có dấu hiệu tích cực, có hơn 100 quốc gia báo cáo có số ca mắc mới giảm. Tuy nhiên vẫn ghi nhận thêm các ca mắc mới và tử vong. Cộng dồn đến nay, Thế giới ghi nhận tổng số 113.502.094 ca mắc, 2.517.553 ca tử vong.
2. Tại Việt Nam
- Từ ngày 22-26/02, Việt Nam ghi nhận thêm 38 ca mắc trong đó có 35 ca mắc ngoài cộng đồng tại tỉnh Hải Dương (32), Hải Phòng (3).
- Cộng dồn đến nay nước ta ghi nhận 2.421 ca mắc, 35 ca tử vong.
3. Tại Hà Nội
- Từ 16/02/2021 - 26/02/2021 (11 ngày), Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới.
- Cộng dồn giai đoạn 4 (từ ngày 27/01/2021 đến nay), ghi nhận 35 ca mắc ngoài cộng đồng, trong đó: 01 ca liên quan đến ổ dịch tại Quảng Ninh; 31 ca liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương và chùm 03 ca bệnh liên quan đến BN 2229, quốc tịch Nhật Bản (BN2229, BN2234, BN2240).
- Về ca bệnh số 2229 (bệnh nhân người Nhật tử vong tại KS Somerset West Point), Theo thông báo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 24/02/2021, chủng vi rút này thuộc nhóm 20C, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Srilanka, Đài Loan, Ấn Độ.... Như vậy nguồn lây nhiễm là do xâm nhập lần đầu, không phải nguồn bệnh sẵn có trong cộng đồng.
- Các đơn vị của ngành Y tế Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức điều tra, thần tốc truy vết, khoanh vùng xử lý dịch, phong tỏa 18 địa điểm liên quan tới các ca mắc tại Hà Nội. Hiện còn phong tỏa 02 địa điểm (Khách sạn Somerset và 05 hộ gia đình tại thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, Mê Linh) các khu vực này dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 28/02/2021.
4. Dự báo trong thời gian tới
- Thế giới: dịch bệnh đã có dấu hiệu giảm rõ rệt, đặc biệt ở các nước triển khai tiêm chủng với tỷ lệ cao hoặc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch như đeo khẩu trang và hạn chế tập trung đông người.
- Tại Việt Nam, trong khi dịch bệnh tại các tỉnh thành khác đã cơ bản được kiểm soát thì tại Hải Dương vẫn tiếp tục xuất hiện các ca mắc và ổ dịch mới ngoài cộng đồng.
- Tại Hà Nội: tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đã 11 ngày thành phố không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Tuy nhiên với đặc thù là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và là đầu mối giao thông của cả nước, đặc biệt là trong thời gian tới khi các trường Đại học, cao đẳng mở cửa trở lại thì sinh viên các tỉnh sẽ trở lại Thành phố học tập nhiều hơn trong đó có thể có những trường hợp đến từ các tỉnh thành có dịch. Cùng với việc các chuyên gia tiếp tục được nhập cảnh mặc dù đã được cách ly 14 ngày nhưng vẫn có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các chuyên gia này như trường hợp ca bệnh số 2229.
Vì vậy trong thời gian tới Hà Nội vẫn có thể ghi nhận thêm các ca mắc mới.
II. Nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới
Hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh các địa phương khác, trong đó tại Hải Dương còn phức tạp, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các nguồn tại các ổ dịch ngoài Thành phố, các trường hợp nhập cảnh vẫn còn cao, khả năng có thể xuất hiện ca bệnh mới. Thành phố tiếp tục duy trì trạng thái phòng chống dịch ở mức độ cao, kiên quyết kiểm soát tình hình dịch bệnh. Trong thời gian tới, UBND Thành phố chỉ đạo một số nội dung cụ thể như sau:
1. Tiếp tục chủ động thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bô Y tế, Thành ủy, UBND Thành phố để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
2. Giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng:
- Tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn khi làm việc, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Chỉ đạo việc thực hiện khai báo y tế bắt buộc dùng QR code (theo hướng dẫn của ngành Y tế) tại các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người, nhà máy, cơ quan, xí nghiệp, địa điểm kinh doanh, cơ sở khám chữa bệnh,... tuyên truyền cài đặt ứng dụng “Bluezone, Ncovi”, hoàn thành vào ngày 05/3/2021.
- Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, tình huống có thể xảy ra để chủ động, xử lý nhanh chóng, kịp thời với chiến lược truy vết triệt để, thần tốc thực hiện khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp; yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly, giám sát y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị theo phương châm 04 tại chỗ.
- Yêu cầu những người đi về từ khu vực có dịch phải thực hiện khai báo y tế trung thực, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế theo đúng quy định; xử lý nghiêm những người không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực.
- Phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, có phương án triển khai trước mọi tình huống, thường xuyên nắm bắt lịch trình, nhân khẩu tại địa bàn, giám sát, chặt chẽ những người có triệu chứng viêm đường hô hấp tại các cơ sở y tế và cộng đồng để thực hiện tốt nhất giám sát tại địa bàn.
- Chuẩn bị điều kiện, sẵn sàng truy vết thần tốc, triệt để, khoanh vùng nhanh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng và thực hiện nghiêm việc cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiểm tra chặt chẽ việc tổ chức, quy trình cách ly y tế tại tất cả các khu cách ly tập trung, tuyệt đối không để lây chéo trong khu cách ly và lây nhiễm ra ngoài cộng đồng.
- Thực hiện sẵn sàng “4 tại chỗ”: đảm bảo sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho công Tác phòng, chống dịch; xây dựng kịch bản tình huống dịch bệnh lan rộng để không bị động.
- Rà soát các địa điểm khu vực có nguy lây nhiễm cơ cao, phối hợp ngành Y tế để sàng lọc, xét nghiệm ngẫu nhiên, chủ động xây dựng phương pháp giám sát trọng điểm để phát hiện nguy cơ trong cộng đồng.
3. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Y tế hướng dẫn việc cập nhật, khai báo y tế, quản lý học sinh đặc biệt các đối tượng từ các tỉnh thành phố khác trở lại Hà Nội theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo công tác phòng chống dịch tại trường học.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật, hướng dẫn cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố thực hiện khai báo y tế bắt buộc QRcode (theo hướng dẫn của ngành Y tế), thông báo cài đặt ứng dụng “Bluezone, Ncovi” để nắm rõ lộ trình di chuyển của các học sinh, sinh viên trong đó có những người từ các vùng dịch trở lại Hà Nội học tập.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường mầm non, trường phổ thông tổ chức khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, chuẩn bị máy đo thân nhiệt, dung dịch khử khuẩn, kịch bản trong việc tổ chức đón, các hoạt động trong nhà trước và khi học sinh tan trường trước khi mở cửa đón học sinh trở lại học tập. Tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp rà soát toàn bộ lịch trình của học sinh, sinh viên và gia đình, đặc biệt người về từ các vùng có dịch trên cả nước, trước khi các nhà trường mở cửa, đón học sinh trở lại nhập học.
4. Giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng chủ động hướng dẫn cụ thể các địa phương tổ chức các hoạt động giải cứu nông sản, thực phẩm từ các vùng dịch theo đúng quy định, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn phòng, chống dịch bệnh.
5. Giao Sở Y tế tham mưu UBND Thành phố, báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND Thành phố xây dựng cơ chế, bố trí ngân sách, triển khai tiêm chủng cho các đối tượng quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
6. Giao các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát các điều kiện để tham mưu, báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố theo dõi, đôn đốc, báo cáo Ban Chỉ đạo Thành phố kết quả thực hiện các nội dung kết luận nêu trên./.
| KT. CHÁNH VĂN PHÒNG |