Nội dung toàn văn Thông báo 835/TB-BYT năm 2013 kết luận kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 835/TB-BYT | Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG NGUYỄN THỊ KIM TIẾN TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC AN TOÀN TIÊM CHỦNG NĂM 2013
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân về việc nâng cao chất lượng công tác tiêm chủng, ngày 27/9/2013, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng do PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bộ Y tế và 63 điểm cầu tại 63 Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể Trung ương, Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm y tế quận, huyện, Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Sản, Nhi tỉnh, Bệnh viện Trung ương, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, cơ sở sản xuất vắc xin.
Sau khi nghe báo cáo tình hình triển khai Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, Hướng dẫn tiêm chủng an toàn cũng như các ý kiến tham luận của Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh, Sở Y tế các tỉnh Cần Thơ, Phú Thọ, Đắk Lắk, Ninh Bình, Cà Mau và ý kiến của các đại biểu tham dự, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có ý kiến kết luận như sau:
1. Đánh giá chung công tác tiêm chủng
- Sau hơn 25 năm triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng, hơn 65 triệu trẻ em đã được tiêm chủng 11 loại vắc xin phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, kết quả Việt Nam đã thanh toán Bại liệt, loại trừ Uốn ván sơ sinh, giảm số mắc, tử vong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, góp phần nâng cao sức khỏe, bảo đảm an sinh và phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, Việt Nam đã chủ động triển khai sản xuất được 10/11 loại vắc xin tiêm phòng cho trẻ em.
- Tiêm chủng mở rộng được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là chương trình hiệu quả nhất trong phòng bệnh truyền nhiễm và Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục triển khai bền vững chương trình này để phòng bệnh cho trẻ em Việt Nam.
- Luật Phòng, chốnh bệnh truyền nhiễm đã quy định về nguyên tắc, trách nhiệm trong sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ những văn bản hướng dẫn, quản lý theo quy định.
- Thời gian vừa qua đã xảy ra một số phản ứng sau tiêm chủng gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng của người dân khi đưa trẻ đi tiêm chủng, tuy nhiên tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm chủng đều không cao hơn so với thống kê của Tổ chức Y tế thế giới. Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về sử dụng vắc xin, nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, đánh giá các trường hợp tai biến sau tiêm chủng một cách rõ ràng, minh bạch.
- Để tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, giám sát phản ứng sau tiêm, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng. Đây là kế hoạch được triển khai từ trung ương đến địa phương trong đó bao gồm các hoạt động cụ thể về xây dựng văn bản về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế; các hoạt động về đảm bảo chất lượng vắc xin; củng cố, nâng cao kiến thức về an toàn tiêm chủng, hoạt động về tăng cường giám sát công tác tiêm chủng và nâng cao năng lực đánh giá phản ứng sau tiêm chủng và các hoạt động truyền thông về an toàn tiêm chủng.
2. Đề nghị các đơn vị triển khai tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, cụ thể như sau:
2.1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
- Chỉ đạo toàn diện việc tổ chức triển khai tiêm chủng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế theo Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng tại Quyết định số 3029/QĐ-BYT ngày 21/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tiêm chủng tại các cơ sở y tế theo các quy định hiện hành.
- Tăng cường chỉ đạo, giám sát việc thanh tra, kiểm tra các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh; quyết định chọn số ngày tiêm chủng mỗi tuần hoặc mỗi tháng tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn để đảm bảo số lượng tiêm không quá 50 trẻ/buổi tiêm.
- Bổ sung nguồn lực và kinh phí để hỗ trợ các điểm tiêm chủng chưa đủ điều kiện khắc phục những tồn tại để đáp ứng các điều kiện theo quy định, đảm bảo thực hiện tiêm chủng an toàn.
2.2. Bộ Y tế:
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về quy định hoạt động tiêm chủng nhằm nâng cao hơn nữa về hiệu quả và tính bền vững của Chương trình tiêm chủng, dự kiến trình trong đầu năm 2014.
- Hướng dẫn các tỉnh triển khai các hoạt động tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, chất lượng và tính bền vững của chương trình; đảm bảo cung cấp đủ vắc xin đảm bảo chất lượng, an toàn cho các điểm tiêm chủng trên toàn quốc; hoàn chỉnh và cung cấp các tài liệu thực hiện an toàn tiêm chủng, tổ chức tập huấn trên phạm vi cả nước.
2.3. Sở Y tế các tỉnh, thành phố:
- Tổ chức, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở tiêm chủng, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, chỉ các cơ sở y tế được Sở Y tế thanh tra, kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện tiêm chủng mới được tổ chức tiêm chủng.
- Căn cứ số lượng các điểm tiêm chủng và số trẻ em trong diện tiêm chủng tại địa phương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về việc lựa chọn số ngày tiêm chủng trong mỗi tuần, tháng tại các địa phương đảm bảo không quá 50 trẻ/điểm tiêm/buổi tiêm.
- Giao nhiệm vụ trực tiếp cho Giám đốc các bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố, bệnh viện huyện có phòng sinh chịu trách nhiệm về tổ chức triển khai thực hiện tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh; bố trí nhân lực, phòng tiêm, trang thiết bị, tập huấn và đảm bảo tiêm chủng an toàn.
- Chỉ đạo và giám sát Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố tổ chức đào tạo, tập huấn cho tất cả các cán bộ tiêm chủng chưa được tập huấn và những cán bộ được cấp Giấy chứng nhận tham dự tập huấn từ 03 năm trở lên và các đối tượng khác về các nội dung theo quy định tại Quyết định số 23/2008/QĐ-BYT ngày 07/7/2008 và Quyết định số 3029/QĐ-BYT ngày 21/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Chỉ đạo các bệnh viện tỉnh, huyện thành lập các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng những nơi không có đủ điều kiện cấp cứu xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng.
- Chỉ đạo các điểm tiêm chủng thực hiện nghiêm túc các quy trình an toàn tiêm chủng trước, trong và sau khi tiêm; thực hiện nghiêm túc việc khám, tư vấn trước khi tiêm và có sự thống nhất của gia đình trước khi tiêm, tuy nhiên không được bắt buộc người dân phải ký cam kết.
Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế, Văn phòng Bộ Y tế xin thông báo kết luận của Bộ trưởng để các đơn vị biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |