Nội dung toàn văn Thông báo hiệu lực của Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Ô-xtrây-lia
BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2014/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2014 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại Khoản 3, Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ô-xtrây-lia, ký tại Can-bơ-rơ ngày 10 tháng 4 năm 2012, có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 4 năm 2014.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ Ô-XTRÂY-LIA VỀ DẪN ĐỘ
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ô-xtrây-lia (sau đây gọi là "các Bên"),
Với mong muốn nâng cao hiệu quả hợp tác chống tội phạm giữa hai nước thông qua việc ký kết một hiệp định về dẫn độ,
Đã thỏa thuận như sau:
ĐIỀU 1
NGHĨA VỤ DẪN ĐỘ
Theo quy định của Hiệp định này, mỗi Bên đồng ý dẫn độ cho Bên kia bất kỳ người nào đang có mặt trên lãnh thổ của mình mà Bên đó yêu cầu để tiến hành truy tố, xét xử, áp dụng hoặc thi hành bản án vì một tội có thể bị dẫn độ.
ĐIỀU 2
CÁC TỘI BỊ DẪN ĐỘ
1. Các tội có thể bị dẫn độ theo quy định của Hiệp định này là các tội, cho dù gọi thế nào đi nữa, có thể bị xử phạt tù với thời hạn từ một năm trở lên hoặc nghiêm khắc hơn theo quy định pháp luật của cả hai Bên.
2. Trong trường hợp yêu cầu dẫn độ liên quan tới một người bị kết án để thi hành hình phạt tù, thì việc dẫn độ chỉ được thực hiện nếu thời hạn chấp hành hình phạt còn lại ít nhất sáu (6) tháng.
3. Phù hợp với quy định của Điều này, một tội phạm bị coi là tội phạm theo pháp luật của cả hai Bên được xác định như sau:
a) Không yêu cầu pháp luật của cả hai Bên quy định hành vi cấu thành tội phạm đó phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh;
b) Tất cả hành vi phạm tội của người bị yêu cầu dẫn độ phải được xem xét một cách toàn diện và không nhất thiết các yếu tố cấu thành của tội phạm đó theo pháp luật của các Bên phải giống nhau.
4. Trong trường hợp yêu cầu dẫn độ một người có liên quan đến một tội về thuế, thuế hải quan, kiểm soát ngoại hối hoặc các vấn đề về thu nhập khác, thì Bên được yêu cầu không được từ chối dẫn độ với lý do là pháp luật của Bên đó không áp dụng cùng loại thuế, thuế hải quan đó hoặc không có quy định về thuế, thuế hải quan hoặc quy chế ngoại hối tương tự như pháp luật của Bên yêu cầu.
5. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện bên ngoài lãnh thổ của Bên yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội theo quy định của Hiệp định này sẽ được tiến hành khi pháp luật của Bên được yêu cầu cũng quy định hình phạt đối với tội phạm đó nếu thực hiện bên ngoài lãnh thổ của mình trong điều kiện tương tự. Trường hợp pháp luật của Bên được yêu cầu không quy định như vậy, thì Bên được yêu cầu có thể chủ động tiến hành việc dẫn độ.
6. Việc dẫn độ có thể được thực hiện theo quy định của Hiệp định này với điều kiện là:
a) Hành vi được yêu cầu dẫn độ đã cấu thành tội phạm ở Bên yêu cầu vào thời điểm hành vi đó xảy ra; và
b) Hành vi đó nếu được thực hiện trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu tại thời điểm nhận được yêu cầu dẫn độ sẽ cấu thành tội phạm ở Bên đó.
ĐIỀU 3
CÁC TRƯỜNG HỢP TỪ CHỐI DẪN ĐỘ
1. Việc dẫn độ sẽ bị từ chối trong các trường hợp sau:
a) Bên được yêu cầu có căn cứ xác đáng để cho rằng yêu cầu dẫn độ đối với một tội phạm thông thường được đưa ra nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trừng phạt một người vì lý do chủng tộc, dân tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hay các tình trạng khác, hoặc làm người đó bị ảnh hưởng bởi các lý do trên;
b) Một người đã được tuyên xử vô tội hoặc được ân xá hoặc đã thi hành hình phạt về tội mà người này bị yêu cầu dẫn độ theo pháp luật của Bên được yêu cầu, hay của Bên thứ ba;
c) Theo pháp luật của Bên yêu cầu, người bị yêu cầu dẫn độ được miễn truy tố, xét xử hoặc miễn hình phạt vì lý do hết thời hiệu;
d) Tội phạm mà người bị yêu cầu dẫn độ bị buộc tội hoặc kết án hay bất kỳ tội nào khác mà vì đó người này bị giam giữ hoặc xét xử theo Hiệp định này, có hình phạt tử hình theo pháp luật của Bên yêu cầu, trừ khi Bên này cam kết sẽ không áp dụng hình phạt tử hình hoặc nếu có áp dụng thì cũng không thi hành hình phạt tử hình đó; hoặc
e) Bên được yêu cầu có căn cứ xác đáng để tin rằng người bị yêu cầu dẫn độ sẽ bị Bên yêu cầu tra tấn.
2. Việc dẫn độ có thể bị từ chối trong các trường hợp sau:
a) Bên được yêu cầu coi tội bị yêu cầu dẫn độ là một tội phạm mang tính chất chính trị. Các Bên sẽ không coi là tội phạm có tính chất chính trị đối với hành vi tước đoạt hoặc phạm tội chưa đạt về tước đoạt tính mạng hoặc tấn công người đứng đầu nhà nước hoặc thành viên gia đình của người đó, hoặc hành vi bị yêu cầu có thể bị trừng phạt như tội phạm theo quy định của điều ước đa phương mà hai Bên là thành viên;
b) Bên được yêu cầu coi tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là một tội theo luật quân sự, mà không phải là tội quy định trong luật hình sự thông thường của Bên được yêu cầu;
c) Khi tội bị yêu cầu dẫn độ được cho là đã được thực hiện toàn bộ hoặc một phần trong phạm vi lãnh thổ của Bên được yêu cầu theo pháp luật của Bên đó;
d) Nếu việc truy tố, xét xử người bị yêu cầu dẫn độ về tội bị yêu cầu dẫn độ đang được chờ tiến hành ở Bên được yêu cầu;
e) Nếu cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu đã quyết định không tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự hoặc chấm dứt thủ tục tố tụng đối với người phạm tội bị yêu cầu dẫn độ;
f) Người bị yêu cầu dẫn độ đã bị kết án hoặc có khả năng bị xét xử hay kết án ở Bên yêu cầu bằng một tòa án hay phiên tòa đặc biệt hoặc chỉ dành riêng cho một người hoặc một nhóm người đặc biệt; hoặc
g) Bên được yêu cầu xét mức độ nghiêm trọng của tội phạm và những lợi ích của Bên yêu cầu cho rằng, việc dẫn độ sẽ không công bằng, sẽ là áp bức hoặc trong các trường hợp ngoại lệ khác, sẽ không phù hợp với các nguyên tắc nhân đạo do hoàn cảnh cá nhân của người bị yêu cầu dẫn độ.
ĐIỀU 4
DẪN ĐỘ CÔNG DÂN
1. Mỗi Bên có quyền từ chối dẫn độ công dân của mình.
2. Khi Bên được yêu cầu từ chối dẫn độ công dân của mình, nếu như Bên kia yêu cầu và pháp luật của Bên được yêu cầu cho phép, Bên được yêu cầu sẽ đưa vụ việc ra cơ quan có thẩm quyền để quyết định việc truy tố, xét xử người này về tất cả hoặc bất kỳ tội phạm bị yêu cầu dẫn độ nào có thể.
ĐIỀU 5
MỐI QUAN HỆ VỚI CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ ĐA PHƯƠNG
Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ nghĩa vụ nào theo các điều ước quốc tế đa phương mà hai Bên là thành viên.
ĐIỀU 6
THỦ TỤC DẪN ĐỘ VÀ CÁC TÀI LIỆU CẦN THIẾT
1. Yêu cầu dẫn độ phải lập bằng văn bản và được gửi thông qua đường ngoại giao. Tất cả các tài liệu kèm theo yêu cầu dẫn độ phải được chứng thực theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Hiệp định này và phải gửi 3 bản yêu cầu dẫn độ cùng các tài liệu kèm theo. Tuy nhiên, các bản sao không cần phải chứng thực.
2. Yêu cầu dẫn độ phải kèm theo:
a) Đối với tất cả các trường hợp, tài liệu phải bao gồm:
(i) Văn bản nêu rõ tội danh bị yêu cầu dẫn độ;
(ii) Văn bản nêu các hành vi của mỗi tội bị yêu cầu dẫn độ được dùng làm căn cứ để buộc tội người đó;
(iii) Đoạn văn bản pháp luật quy định về tội phạm và hình phạt có thể áp dụng;
(iv) Văn bản nêu các hạn chế về thời gian có thể áp dụng;
(v) Các thông tin cần thiết để xác định đặc điểm nhận dạng và quốc tịch của người bị yêu cầu dẫn độ gồm cả ảnh và dấu vân tay nếu có thể; và
(vi) Văn bản về nơi cư trú hiện tại của người đó, nếu đã biết.
b) Trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ là người bị buộc tội về một tội phạm - lệnh bắt người đó hoặc bản sao của lệnh bắt đó;
c) Trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đã bị kết án vắng mặt - một văn bản của tòa án hoặc văn bản khác, hoặc bản sao của văn bản đó, cho phép bắt giữ người đó và văn bản nêu các thủ tục có sẵn để người đó kháng án hoặc hình thức khác để chống lại bản án và hình phạt áp dụng;
d) Trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ bị kết án có mặt và đã bị tuyên án - những tài liệu cung cấp bằng chứng cho việc kết án và hình phạt áp dụng, thông tin về việc hình phạt có thể được thi hành ngay lập tức và phạm vi mà hình phạt chưa được thi hành;
e) Trường hợp người đó bị kết án có mặt nhưng chưa có hình phạt - các văn bản cung cấp bằng chứng buộc tội và văn bản về việc dự kiến áp dụng hình phạt;
3. Tài liệu hỗ trợ một yêu cầu dẫn độ phải được gửi kèm với một bản dịch ra ngôn ngữ chính thức của Bên được yêu cầu.
ĐIỀU 7
DẪN ĐỘ ĐƠN GIẢN
Trong phạm vi pháp luật của Bên được yêu cầu cho phép, việc dẫn độ một người có thể được thực hiện theo các điều khoản của Hiệp định này mặc dù các yêu cầu tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 6 chưa được đáp ứng đầy đủ với điều kiện là người bị yêu cầu dẫn độ đồng ý với việc ra lệnh dẫn độ.
ĐIỀU 8
CHỨNG THỰC CÁC TÀI LIỆU HỖ TRỢ
1. Phù hợp với Điều 6, tài liệu kèm theo một yêu cầu dẫn độ sẽ được chấp nhận là bằng chứng nếu được chứng thực trong bất kỳ quá trình dẫn độ nào ở lãnh thổ của Bên được yêu cầu.
2. Một văn bản được chứng thực theo quy định của Hiệp định này nếu:
a) Được ký hoặc chứng nhận bởi một thẩm phán, quan tòa hoặc một công chức của Bên yêu cầu; và
b) Được chứng thực bằng con dấu chính thức của một cơ quan hoặc công chức có thẩm quyền của Bên yêu cầu.
ĐIỀU 9
THÔNG TIN BỔ SUNG
1. Trường hợp Bên được yêu cầu cho rằng thông tin đã cung cấp kèm theo yêu cầu dẫn độ là không đầy đủ để tiến hành dẫn độ theo Hiệp định này, thì có thể yêu cầu cung cấp thêm thông tin trong thời hạn do Bên được yêu cầu ấn định.
2. Trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đang bị bắt giữ và các thông tin bổ sung đã cung cấp theo Hiệp định này không đầy đủ hoặc không nhận được trong khoảng thời gian đã ấn định, thì người bị bắt giữ có thể được trả tự do. Việc trả tự do cho người bị yêu cầu dẫn độ nói trên không cản trở Bên yêu cầu đưa ra yêu cầu mới về dẫn độ người đó.
3. Trong trường hợp người đó được phóng thích khỏi nơi giam giữ theo khoản 2 Điều này, Bên được yêu cầu sẽ thông báo cho Bên yêu cầu trong thời gian sớm nhất có thể.
ĐIỀU 10
BẮT KHẨN CẤP
1. Trong trường hợp khẩn cấp, một Bên có thể, thông qua Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), qua kênh ngoại giao hoặc trực tiếp giữa các Cơ quan trung ương yêu cầu bắt khẩn cấp người bị yêu cầu để dẫn độ trong khi gửi yêu cầu dẫn độ qua kênh ngoại giao. Yêu cầu sẽ được làm bằng văn bản và được chuyển giao thông qua bất kỳ phương tiện nào kể cả các phương tiện điện tử.
2. Yêu cầu sẽ gồm các nội dung sau:
a) Văn bản về lý do cấp thiết của việc gửi yêu cầu;
b) Mô tả về người bị yêu cầu bắt để dẫn độ, bao gồm cả ảnh và dấu vân tay nếu có thể;
c) Nơi cư trú của người bị yêu cầu, nếu đã biết;
d) Văn bản về tội phạm của người đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc bị kết án về tội đó;
e) Mô tả ngắn gọn về hành vi phạm tội;
f) Văn bản về lệnh bắt hoặc bản luận tội hoặc bản án đối với người đó;
g) Văn bản về hình phạt có thể hoặc đã được áp dụng đối với các tội phạm đó; và,
h) Văn bản khẳng định rõ sẽ gửi yêu cầu dẫn độ đối với người bị bắt.
3. Sau khi nhận được yêu cầu bắt khẩn cấp, Bên được yêu cầu sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để bảo đảm việc bắt giữ người bị yêu cầu bắt giữ và thông báo ngay kết quả cho Bên yêu cầu.
4. Một người bị bắt giữ theo yêu cầu bắt khẩn cấp có thể được trả tự do sau 60 ngày kể từ ngày người đó bị bắt giữ nếu Bên được yêu cầu không nhận được yêu cầu dẫn độ cùng các tài liệu như quy định tại Điều 6.
5. Việc trả tự do cho một người theo khoản 4 của Điều này sẽ không cản trở quá trình tố tụng để dẫn độ người này nếu sau đó lại nhận được yêu cầu dẫn độ.
ĐIỀU 11
CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG
1. Cơ quan trung ương của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bộ Công an; Cơ quan trung ương của Ô-xtrây-lia là Bộ Tổng chưởng lý Chính phủ Ô-xtrây-lia. Bên ký kết có thể thay đổi Cơ quan trung ương của mình nhưng phải thông báo cho Bên kia về sự thay đổi đó thông qua đường ngoại giao.
2. Các cơ quan trung ương có thể liên hệ trực tiếp với nhau khi thực hiện Hiệp định này.
ĐIỀU 12
NHIỀU YÊU CẦU DẪN ĐỘ ĐỐI VỚI MỘT NGƯỜI
1. Trong trường hợp nhận được yêu cầu dẫn độ từ hai hay nhiều quốc gia đối với cùng một người thì Bên được yêu cầu sẽ quyết định dẫn độ người đó cho một trong các quốc gia nói trên và thông báo quyết định của mình cho Bên yêu cầu.
2. Khi quyết định dẫn độ một người cho một quốc gia nào đó, thì Bên được yêu cầu phải xem xét tất cả các yếu tố liên quan và, đặc biệt là:
a) Trường hợp các yêu cầu liên quan đến các tội phạm khác nhau - mức độ nghiêm trọng của các tội phạm;
b) Thời gian và địa điểm thực hiện mỗi tội phạm;
c) Ngày đưa ra yêu cầu dẫn độ;
d) Quốc tịch của người bị yêu cầu dẫn độ;
e) Nơi thường trú của người bị yêu cầu dẫn độ; và
f) Khả năng dẫn độ người này đến quốc gia khác của bất kỳ quốc gia yêu cầu nào.
ĐIỀU 13
CHUYỂN GIAO NGƯỜI BỊ DẪN ĐỘ
1. Ngay sau khi có quyết định về yêu cầu dẫn độ, Bên được yêu cầu sẽ thông báo quyết định đó cho Bên yêu cầu.
2. Khi yêu cầu dẫn độ được chấp thuận, Bên được yêu cầu sẽ chuyển giao người bị dẫn độ ở một địa điểm trên lãnh thổ của mình theo thỏa thuận của hai Bên.
3. Bên yêu cầu sẽ đưa người bị dẫn độ ra khỏi lãnh thổ của Bên được yêu cầu trong một thời hạn hợp lý do Bên được yêu cầu ấn định, nếu hết thời hạn trên mà người đó chưa được chuyển đi thì Bên được yêu cầu có thể từ chối dẫn độ người đó đối với cùng một tội phạm.
4. Nếu có tình huống phát sinh vượt quá khả năng kiểm soát của một Bên, cản trở Bên đó chuyển giao hay di chuyển người bị dẫn độ thì phải thông báo cho Bên kia biết Các Bên sẽ cùng nhau thỏa thuận để đưa ra thời hạn chuyển giao mới, và sẽ áp dụng các quy định tại khoản 3 của Điều này.
ĐIỀU 14
CHUYỂN GIAO TÀI SẢN
1. Trong phạm vi pháp luật của Bên được yêu cầu cho phép và trên cơ sở tôn trọng quyền lợi của các bên thứ ba, tất cả các tài sản do phạm tội mà có hoặc cần để làm vật chứng được tìm thấy trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu sẽ được chuyển giao theo đề nghị của Bên yêu cầu nếu việc dẫn độ được chấp thuận.
2. Theo khoản 1 Điều này, những tài sản nêu trên sẽ được chuyển giao cho Bên yêu cầu nếu Bên yêu cầu đề nghị, kể cả khi việc dẫn độ không thể thực hiện được, bao gồm nhưng không giới hạn bởi những lý do như người bị yêu cầu bị chết, mất tích hoặc trốn thoát.
3. Khi pháp luật của Bên được yêu cầu quy định hoặc vì quyền lợi của các bên thứ ba, bất kỳ tài sản nào bị chuyển giao sẽ được hoàn trả lại miễn phí cho Bên được yêu cầu nếu Bên đó đề nghị.
4. Trường hợp các tài sản nêu trên cần thiết để phục vụ điều tra hoặc truy tố, xét xử người phạm tội ở Bên được yêu cầu, việc chuyển giao tài sản có thể trì hoãn cho đến khi kết thúc việc điều tra hoặc truy tố, xét xử, hoặc có thể chuyển giao với điều kiện sẽ phải trả lại sau khi kết thúc thủ tục tố tụng ở Bên yêu cầu..
ĐIỀU 15
HOÃN DẪN ĐỘ VÀ CHUYỂN GIAO TẠM THỜI
1. Bên được yêu cầu có thể hoãn việc chuyển giao một người để tiến hành các thủ tục tố tụng đối với người đó hoặc để người đó có thể chấp hành hình phạt đối với một tội khác với tội bị yêu cầu dẫn độ. Trong những trường hợp này, Bên được yêu cầu sẽ thông báo cho Bên yêu cầu.
2. Khi cơ quan y tế có thẩm quyền của Bên được yêu cầu cho rằng người bị yêu cầu dẫn độ không thể chuyển giao từ Bên được yêu cầu đến Bên yêu cầu vì có thể nguy hiểm đến tính mạng do bị ốm nặng, việc chuyển giao người này sẽ bị hoãn lại cho đến khi mức độ nguy hiểm đã giảm đáng kể.
3. Khi người bị yêu cầu dẫn độ đang thi hành hình phạt trong lãnh thổ của Bên được yêu cầu về một tội khác với tội bị yêu cầu dẫn độ, Bên được yêu cầu có thể chuyển giao tạm thời người đó cho Bên yêu cầu để truy tố, xét xử về tội bị yêu cầu dẫn độ. Người được chuyển giao đó sẽ được giam giữ trong lãnh thổ của Bên yêu cầu và phải được trao trả lại cho Bên được yêu cầu sau khi kết thúc các thủ tục tố tụng đối với người đó theo các điều kiện mà hai Bên đã thỏa thuận bằng văn bản.
ĐIỀU 16
QUY TẮC ĐẶC BIỆT
1. Theo khoản 2 của Điều này, một người bị dẫn độ theo Hiệp định này sẽ không bị giam giữ, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án trên lãnh thổ của Bên yêu cầu vì bất kỳ tội phạm nào được thực hiện trước khi bị dẫn độ, trừ các trường hợp:
a) Tội phạm đó chính là tội phạm bị yêu cầu dẫn độ;
b) Bất kỳ tội có thể được dẫn độ nào có thể chứng minh dựa trên cùng các sự kiện và có thể bị trừng phạt bởi cùng hình phạt hoặc hình phạt nhẹ hơn hình phạt của tội phạm đã được chấp nhận dẫn độ; hoặc
c) Bất kỳ tội có thể dẫn độ nào mà Bên được yêu cầu chấp thuận. Yêu cầu đề nghị chấp thuận sẽ kèm theo các tài liệu quy định tại Điều 6 theo yêu cầu của Bên được yêu cầu, cũng như tài liệu hoặc văn bản do người bị dẫn độ lập có liên quan tới tội phạm.
2. Khoản 1 của Điều này sẽ không áp dụng trong trường hợp:
a) Người đó đã có cơ hội rời khỏi lãnh thổ của Bên yêu cầu và đã không rời khỏi trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày người đó được miễn truy cứu về tội bị yêu cầu dẫn độ; hoặc
b) Người đó tự nguyện quay trở lại lãnh thổ của Bên yêu cầu sau khi rời khỏi lãnh thổ đó.
ĐIỀU 17
CHUYỂN GIAO CHO NƯỚC THỨ BA
Khi một người đã được Bên được yêu cầu dẫn độ cho Bên yêu cầu, Bên yêu cầu sẽ không được dẫn độ người đó cho bất kỳ nước thứ ba nào vì một tội thực hiện trước khi người đó bị dẫn độ trừ khi:
a) Bên được yêu cầu chấp thuận với việc dẫn độ. Bên được yêu cầu sẽ yêu cầu gửi văn bản đề nghị chấp thuận kèm theo các văn bản quy định tại Điều 6;
b) Người đó đã có cơ hội rời khỏi lãnh thổ của Bên yêu cầu và đã không rời khỏi trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày người đó được miễn truy cứu về tội bị yêu cầu dẫn độ; hoặc
c) Người đó tự nguyện quay trở lại lãnh thổ của Bên yêu cầu sau khi rời khỏi lãnh thổ đó.
ĐIỀU 18
QUẢ CẢNH
1. Khi một người bị dẫn độ tới một Bên từ Nước thứ ba thông qua lãnh thổ của Bên kia, Bên mà người được dẫn độ tới sẽ yêu cầu Bên kia cho phép quá cảnh người này qua lãnh thổ của Bên đó.
2. Không phải xin phép quá cảnh trong trường hợp sử dụng đường hàng không và không dự định hạ cánh trên lãnh thổ của Bên quá cảnh. Nếu tiến hành hạ cánh không dự định trước trên lãnh thổ của Bên quá cảnh thì Bên này có thể yêu cầu Bên kia gửi yêu cầu xin quá cảnh theo quy định tại khoản 1 của Điều này.
3. Trên cơ sở nhận được đề nghị cho phép quá cảnh, Bên được yêu cầu sẽ chấp thuận trừ khi Bên này có những lý do hợp lý để từ chối việc quá cảnh.
4. Việc cho phép quá cảnh một người sẽ tuân theo pháp luật của Bên được yêu cầu, bao gồm cả việc cho phép giam giữ người đó trong thời gian quá cảnh.
5. Khi một người bị giam giữ theo khoản 4 Điều này, Bên mà người này bị giam giữ có thể ra lệnh thả người này nếu việc chuyển giao không được tiếp tục trong thời gian hợp lý.
6. Bên mà người này được dẫn độ tới sẽ bồi hoàn cho Bên kia mọi chi phí phát sinh liên quan đến việc quá cảnh mà Bên kia phải gánh chịu.
ĐIỀU 19
CHI PHÍ
1. Bên được yêu cầu sẽ thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết và sẽ chịu chi phí về các thủ tục phát sinh từ yêu cầu dẫn độ và sẽ là đại diện cho các lợi ích của Bên yêu cầu.
2. Bên được yêu cầu sẽ chịu các chi phí phát sinh trong lãnh thổ của mình liên quan đến việc bắt và giam giữ người bị yêu cầu dẫn độ cho đến khi người này được chuyển giao cho một người được Bên yêu cầu chỉ định.
3. Bên yêu cầu sẽ chịu các chi phí phát sinh trong việc chuyển giao người bị dẫn độ từ lãnh thổ của Bên được yêu cầu.
ĐIỀU 20
HIỆU LỰC VÀ CHẤM DỨT HIỆU LỰC CỦA HIỆP ĐỊNH
1. Mỗi Bên sẽ thông báo cho bên kia thông qua công hàm khi hoàn thành tất cả các thủ tục cần thiết để Hiệp định này có hiệu lực. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 30 kể từ ngày nhận được công hàm sau cùng.
2. Hiệp định này sẽ áp dụng đối với bất kỳ yêu cầu nào được đưa ra sau ngày có hiệu lực, kể cả với những yêu cầu liên quan đến hành vi xảy ra trước ngày có hiệu lực của Hiệp định này.
3. Mỗi Bên có thể chấm dứt Hiệp định này vào bất cứ thời điểm nào bằng việc gửi thông báo bằng văn bản cho Bên kia thông qua kênh ngoại giao. Việc chấm dứt sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 180 sau ngày gửi thông báo đó.
Để làm bằng, những người ký tên dưới đây, được Nhà nước của mình ủy quyền đầy đủ, đã ký Hiệp định này.
Hiệp định này được làm tại Can-bơ-rơ, ngày 10 tháng 4 năm 2012 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh, các văn bản đều có giá trị như nhau.
THAY MẶT | THAY MẶT |