Nội dung toàn văn Thông báo hiệu lực của Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực thú y và kiểm địch động vật giữa Việt Nam và I-xra-en
BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 78/2014/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2014 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhà nước I-xra-en về hợp tác trong lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật, ký tại Ten A-víp ngày 15 tháng 5 năm 2012, có hiệu lực kể từ ngày 23 tháng 11 năm 2014.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NHÀ NƯỚC ISRAEL VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC THÚ Y VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG VẬT
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nhà nước Israel (sau đây được gọi là “Hai Bên ký kết”);
với mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật;
nhằm ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm xâm nhập và/hoặc lây lan qua biên giới;
tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy thương mại động vật và sản phẩm động vật giữa hai nước và bảo vệ sự an toàn của sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, cũng như bảo vệ sức khỏe của con người;
đồng ý thỏa thuận như sau:
Điều 1. Định nghĩa
Trong khuôn khổ Hiệp định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Động vật” là các loài thú, cầm, bò sát, ong; động vật lưỡng cư, cá, giáp xác, nhuyễn thể, động vật có vú sống dưới nước và các loài động vật thủy sinh khác.
2. “Sản phẩm động vật”: là thịt, trứng, sữa, mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, móng và các sản phẩm khác có nguồn gốc động vật.
3. “Chứng nhận kiểm dịch động vật quốc tế”: là chứng nhận được cấp phù hợp với các chứng nhận chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).
Điều 2. Mục đích
Hai Bên ký kết sẽ hợp tác để bảo vệ lãnh thổ mình chống lại sự xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm động vật do quá trình xuất, nhập khẩu hoặc vận chuyển quá cảnh động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển, bao gói và các công-ten-nơ mà có thể là yếu tố lây lan bệnh.
Điều 3. Nguyên tắc
Động vật và sản phẩm động vật được xuất khẩu từ lãnh thổ của Bên ký kết này sang lãnh thổ của Bên ký kết kia phải tuân thủ luật pháp, quy định về Thú y và kiểm dịch động vật của Bên ký kết kia và các Thỏa thuận có liên quan được hai Bên ký kết, đồng thời phải có giấy chứng nhận kiểm dịch quốc tế gốc được cơ quan thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Giấy chứng nhận kiểm dịch này phải được viết bằng tiếng Anh và bằng ngôn ngữ chính thức của nước xuất khẩu.
Hai Bên đồng ý hợp tác trong việc áp dụng các biện pháp SPS theo các nguyên tắc của Hiệp định WTO/SPS và phù hợp với pháp luật và các quy định tương ứng của mỗi Bên.
Điều 4. Biện pháp kiểm dịch
(1) Hai Bên ký kết tiến hành kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật được nhập khẩu từ Bên ký kết kia tuân thủ theo các quy định pháp luật về thú y, các quy định và điều lệ của mỗi nước và các yêu cầu liên quan trong Thỏa thuận đã được hai Bên ký kết. Mỗi Bên có quyền tiến hành các biện pháp cách ly xử lý đối với đối tượng nhiễm bệnh được phát hiện.
(2) Các biện pháp mỗi Bên áp dụng không được gây trở ngại không đáng có cho thương mại hàng động vật và sản phẩm động vật của hai nước.
(3) Trong trường hợp phát hiện bệnh dịch động vật, các yếu tố lây lan bệnh và bất cứ vật phẩm, hàng hóa nào không phù hợp với quy định pháp luật về thú y và kiểm dịch thì mỗi Bên sẽ thông báo cho nhau ngay lập tức.
Điều 5. Phạm vi hợp tác
Hai Bên ký kết sẽ xây dựng quan hệ hợp tác về quản lý, trao đổi thông tin khoa học và kỹ thuật trong lĩnh vực kiểm dịch thông qua;
a) Thông báo lập tức cho Bên ký kết kia chi tiết các sự kiện sau đây xảy ra trên lãnh thổ nước mình: (i) Lần đầu tiên xảy ra hoặc tái phát và/hoặc nhiễm một bệnh trong Danh mục của OIE. (ii) Lần đầu tiên xuất hiện chủng gây bệnh mới của một bệnh trong Danh mục của OIE. (iii) Tăng sự phát tán, tỉ lệ mắc bệnh hoặc chết của một bệnh trong Danh mục của OIE một cách đột ngột và không mong muốn.
b) Thông báo cho mỗi Bên về các biện pháp được áp dụng để phòng chống sự xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm động vật;
c) Hợp tác để trao đổi kinh nghiệm quản lý giữa các cơ quan kiểm dịch, các chuyên gia thú y và đàm phán để đạt được công nhận tương đương trong lĩnh vực kiểm dịch động vật giữa hai nước;
d) Trao đổi kỹ thuật kiểm dịch và các thành tựu thú y thông qua hội thảo hoặc các hoạt động khác;
e) Trên cơ sở Hiệp định, các nhà chức trách kiểm dịch của các Bên ký kết có thể cùng nhau tổ chức và thực hiện kiểm tra kiểm dịch động vật; nước chủ nhà nên tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành các hoạt động kiểm dịch động vật theo quy định của mỗi Bên.
f) Hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện có hiệu quả Hiệp định SPS (Hiệp định WTO/SPS), đặc biệt là thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế cho các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật; Tùy thuộc vào tình hình thực tế, các Bên đồng ý để thảo luận và ký kết thỏa thuận tương đương về việc kiểm tra và hệ thống chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với nguyên tắc tương đương của Hiệp định WTO/SPS.
g) Phụ thuộc vào mức độ cần thiết, cơ quan có thẩm quyền của các Bên ký kết có thể tổ chức cuộc họp để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Hiệp định này. Địa điểm, thời gian và chi phí cần thiết cho cuộc họp sẽ được quyết định trong các cuộc đàm phán của các Bên ký kết.
Điều 6. Cơ quan chịu trách nhiệm
Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện Hiệp định này là:
Phía Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Cục Thú y
Phía Chính phủ nhà nước Israel:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Cơ quan Thú y và Chăn nuôi
Điều 7. Chi phí
Chi phí để thực hiện Hiệp định này được chi từ các nguồn sau: Trên nguyên tắc, đối với các chuyến viếng thăm liên quan đến việc thực hiện hoặc trao đổi kinh nghiệm quản lý giữa các cơ quan kiểm dịch hoặc các chuyên gia thú y, hoặc trong trường hợp một Bên mời các chuyên gia hoặc các chuyên viên nghiên cứu của Bên đối tác tham gia hội thảo, hội nghị kỹ thuật thì chi phí sẽ do Bên cử người chi trả theo quy định hiện hành của hai Bên và căn cứ vào khả năng tài chính của mỗi Bên. Các chi phí này cũng có thể được chi thông qua đàm phán giữa các Bên ký kết.
Điều 8. Giải quyết bất đồng
Những bất đồng nảy sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định sẽ được cơ quan chức năng có thẩm quyền của hai Bên ký kết trực tiếp thảo luận và giải quyết. Nếu bằng cách này không đạt được kết quả mong muốn, những bất đồng này sẽ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Điều 9. Sửa đổi
Hiệp định này có thể được sửa đổi bất kỳ lúc nào khi có sự đồng ý bằng văn bản của cả hai Bên.
Điều 10. Hiệp định khác
Những quy định của Hiệp định này không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của mỗi Bên ký kết được quy định trong các hiệp định song phương, đa phương và Điều ước, quốc tế khác về kiểm dịch động vật mà Việt Nam và Israel là một Bên ký kết.
Điều 11. Hiệu lực
Hiệp định này có hiệu lực sau 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng bằng văn bản trong đó các Bên ký kết thông báo cho nhau về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý của mỗi nước để Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn 5 (năm) năm và sẽ mặc nhiên được kéo dài cho từng giai đoạn 5 năm tiếp theo, trừ khi một trong các Bên ký kết thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết kia ý định của mình về việc chấm dứt hiệu lực Hiệp định này chậm nhất là 3 tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực.
Hiệp định này làm tại Telaviv ngày 16 tháng 5 năm 2012, tương ứng với ngày ……………., 5772 của lịch Do Thái, thành 2 bộ chính, mỗi bộ bao gồm các bản bằng tiếng Việt, tiếng Do Thái và tiếng Anh, tất cả các bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau giữa các bên ký kết thì văn bản tiếng Anh là quyết định.
THỪA ỦY QUYỀN | THỪA ỦY QUYỀN |