Nội dung toàn văn Thông báo hiệu lựcThỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước giữa Việt Nam và Hung-ga-ri
BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 87/2014/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2014 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hung-ga-ri về Hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước, ký tại Bu-đa-pét ngày 16 tháng 9 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 11 năm 2014.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Thỏa thuận theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
BẢN THỎA THUẬN
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC HUNG-GA-RI VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NƯỚC
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Hung-ga-ri (sau đây gọi tắt là “các Bên”);
nhận thức được vai trò quan trọng của hoạt động hợp tác dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau trong lĩnh vực quản lý nước, thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ giữa các Bên và mang lại kết quả tốt trong các dự án quản lý nước;
công nhận rằng các Bên dự định phát triển hoạt động hợp tác về quản lý nước phù hợp với các chuẩn mực của luật pháp quốc tế;
xem xét đến tầm quan trọng của việc tăng cường hoạt động hợp tác giữa các cơ quan và tổ chức của hai nước liên quan đến lĩnh vực quản lý nước;
thừa nhận rằng các Bên dự định phát triển hoạt động hợp tác về kinh tế, khoa học và công nghệ giữa hai nước trong lĩnh vực quản lý nước, cũng như bất kỳ lĩnh vực nào liên quan đến quản lý nước trên cơ sở lợi ích chung của hai Bên,
đã thỏa thuận như sau:
ĐIỀU 1
Mục tiêu của Thỏa thuận
Các Bên sẽ xem xét và giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến lợi ích của cả hai Bên trong lĩnh vực quản lý nước và đại diện cho một Bên để cho phép thực hiện đầu tư với sự tham gia của Bên còn lại.
ĐIỀU 2
Lĩnh vực hợp tác
Các Bên đồng ý hợp tác trong các lĩnh vực sau đây:
1. Tăng cường hợp tác giữa các tổ chức quản lý các hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý nước của hai nước;
2. Trao đổi về các thông tin khoa học, các ấn phẩm, các giáo sư, sinh viên và chuyên gia;
3. Trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong các lĩnh vực:
- xây dựng và thực hiện các chiến lược quản lý nước tổng hợp, các kế hoạch quản lý lưu vực; các quy định pháp lý và kinh tế, các ưu đãi;
- bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nước, bao gồm cả việc khai thác và sử dụng nguồn nước nóng và thủy lợi;
- giám sát về số lượng và chất lượng của nguồn nước;
- giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu;
- quản lý lũ lụt;
- giáo dục đại học và đào tạo kỹ thuật.
4. Xây dựng và thực hiện các chương trình hành động và các dự án chung trong các lĩnh vực:
- ứng dụng công nghệ thủy lợi hiện đại;
- cung cấp nguồn nước sạch/nước uống; xử lý nước thải, quản lý nước mưa cho cả hai khu vực đô thị và nông thôn;
- nghiên cứu, thiết kế và xây dựng các công trình được sử dụng trong lĩnh vực quản lý nước có liên quan đặc biệt đến các khu dân cư thành thị và nông thôn;
- nghiên cứu, ứng dụng các vật tư, thiết bị, các dự án đầu tư chống thất thoát, thất thu nước sạch;
- tái sử dụng nước thải đã qua xử lý.
5. Khuyến khích các doanh nghiệp hai nước tham gia vào các chương trình/dự án hợp tác thuộc các lĩnh vực hai Bên cùng quan tâm.
ĐIỀU 3
Chi phí
1. Mỗi Bên tự chịu chi phí riêng của mình phát sinh trong quá trình thực hiện Thỏa thuận này.
2. Các chi phí phát sinh từ việc xây dựng, bảo trì và hoạt động của các công trình và thiết bị, cũng như các chi phí liên quan đến những quy định và hoạt động được thực hiện trên lãnh thổ của một Bên, và chi phục vụ lợi ích của một Bên, sẽ do Bên liên quan chịu toàn bộ.
ĐIỀU 4
Việc thực hiện Thỏa thuận
1. Việc đàm phán bất kỳ vấn đề nào phát sinh từ Thỏa thuận này, cũng như việc thực hiện các quy định của Thỏa thuận này sẽ được xem xét và tham vấn trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam - Hung-ga-ri (sau đây gọi tắt là JEC).
2. Nếu cần thiết, JEC sẽ thành lập những nhóm công tác để hỗ trợ cho việc thực hiện Thỏa thuận này.
ĐIỀU 5
Giải quyết tranh chấp
Bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Thỏa thuận này sẽ được giải quyết thông qua tham vấn trực tiếp giữa các Bên hoặc thông qua Q&Q kênh ngoại giao.
ĐIỀU 6
Sửa đổi
Thỏa thuận này có thể được sửa đổi thông qua văn bản đồng ý của cả hai Bên. Sửa đổi sẽ có hiệu lực theo khoản 1, Điều 7.
ĐIỀU 7
Những điều khoản cuối cùng
1. Thỏa thuận có giá trị vô thời hạn và sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày thứ 30 kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng của hai Bên qua đường ngoại giao về việc đã hoàn thành các thủ tục nội bộ cần thiết để Thỏa thuận có hiệu lực.
2. Mỗi Bên có thể chấm dứt Thỏa thuận này thông qua các kênh ngoại giao vào bất cứ lúc nào. Trong trường hợp đó, Thỏa thuận này sẽ chấm dứt sau 06 tháng kể từ ngày nhận được thông báo chấm dứt của Bên còn lại.
3. Việc chấm dứt Thỏa thuận này sẽ không ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án/ chương trình đang thực hiện và được thỏa thuận trước ngày chấm dứt Thỏa thuận này.
Ký tại Bu-đa-pét vào ngày 16 tháng 9 năm 2013 thành hai bản bằng tiếng Việt, tiếng Hung-ga-ri và tiếng Anh, tất cả các văn bản đều có giá trị ngang nhau. Nếu có bất kỳ khác biệt và mâu thuẫn nào nảy sinh từ việc giải thích, bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở.
THAY MẶT | THAY MẶT |