Nội dung toàn văn Thông tư 01/1999/TT-TCHQ thủ tục hải quan để hướng dẫn thủ tục hải quan quy định tại Nghị định 16/1999/NĐ-CP
TỔNG CỤC HẢI QUAN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/1999/NĐ-CP">01/1999/TT-TCHQ |
Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 1999 |
THÔNG TƯ
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 16/1999/NĐ-CP">01/1999/TT-TCHQ NGÀY 10 THÁNG 05 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 16/1999/NĐ-CP NGÀY 27/03/1999 CỦA CHÍNH PHỦ
Ngày 27/03/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/1999/NĐ-CP về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan. Nghị định đã quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể thủ tục hải quan và giám sát hải quan.
Để Hải quan các địa phương hiểu và thực hiện thống nhất các quy định trong Nghị định, thi hành Điều 39 của Nghị định, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thêm việc thực hiện một số quy định tại các Chương I, II về thủ tục hải quan (trừ Điều 10, Điều 21 sẽ có hướng dẫn riêng) như sau:
I. VỀ ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN, ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA HẢI QUAN VÀ THỜI HẠN LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN:
1. Địa điểm làm thủ tục hải quan và địa điểm kiểm tra hải quan quy định tại Điều 4:
1.1. Ngoài các địa điểm được phép làm thủ tục hải quan đã quy định cụ thể trong Nghị định, còn có các địa điểm làm thủ tục hải quan khác ngoài cửa khẩu do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Các địa điểm này có tổ chức, bộ máy hải quan hoạt động như một đơn vị Hải quan cửa khẩu và được phép làm thủ tục hải quan cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi có yêu cầu của người làm thủ tục hải quan (kể cả các loại hàng hóa nhập khẩu có thuế nhập khẩu quy định tại Điều 3 Nghị định số 94/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu);
1.2. Địa điểm kiểm tra hải quan ngoài cửa khẩu là các địa điểm kiểm tra hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định thành lập theo vùng. Các địa điểm kiểm tra hải quan ngoài cửa khẩu thuộc loại này cũng có tổ chức bộ máy hải quan hoạt động như một đơn vị Hải quan cửa khẩu và được phép làm thủ tục hải quan đối với tất cả các loại hàng hóa xuất nhập khẩu, trừ hàng hóa kinh doanh nhập khẩu có thuế nhập khẩu quy định tại Điều 3, Nghị định số 94/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ;
1.3. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển tiếp về các địa điểm nói tại điểm 1.1. và điểm 1.2. cũng như các hoạt động tại các địa điểm này thực hiện theo đúng quy chế về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu và hàng hóa xuất nhập khẩu chuyển tiếp do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành;
2. Thời hạn làm thủ tục hải quan quy định tại Điều 5:
2.1. Đối với hàng nhập khẩu:
- Hàng nhập khẩu bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu dỡ hàng ghi trên vận tải đơn , người làm thủ tục hải quan phải đến cơ quan Hải quan làm thủ tục. Ngày hàng hóa đến cửa khẩu dỡ hàng là ngày Hải quan cửa khẩu dỡ hàng (Hải quan cảng biển, Hải quan sân bay, Hải quan ga liên vận biên giới) đóng dấu xác nhận hàng đến cửa khẩu lên lược khai hàng hóa (Manifest);
- Hàng nhập khẩu bằng đường bộ, đường sông: Ngày hàng đến cửa khẩu nhập đầu tiên là ngày Hải quan cửa khẩu tiếp nhận và đăng ký hồ sơ do người làm thủ tục hải quan nộp và xuất trình.
2.2. Đối với hàng xuất khẩu:
Người làm thủ tục hải quan phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu xuất hàng trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh, chậm nhất là:
- 08 giờ đối với hàng vận chuyển bằng đường biển;
- 04 giờ đối với hàng vận chuyển bằng đường sông;
- 04 giờ (tại ga gửi hàng) đối với hàng vận chuyển bằng đường sắt;
- 04 giờ đối với hàng vận chuyển bằng đường bộ;
- 02 giờ đối với hàng vận chuyển bằng đường hàng không.
Thời hạn làm thủ tục hải quan quy định như nêu trên là quy định chung, nhưng với những trường hợp cụ thể, Trưởng Hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương căn cứ vào thực tế lô hàng xuất khẩu để quyết định thời hạn làm thủ tục hải quan thích hợp, nhưng thủ tục hải quan phải được hoàn thành trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh 01 giờ;
2.3. Máy bay quá cảnh dừng kỹ thuật được hiểu là máy bay quá cảnh dừng ở sân bay để tiếp nhiên liệu, sửa chữa hoặc vì lý do bất khả kháng khác. Máy bay quá cảnh dừng kỹ thuật không lấy khách, lấy hàng và cũng không trả khách, trả hàng tại sân bay tạm dừng.
II. MỘT SỐ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
1. Khai báo, tiếp nhận hồ sơ hải quan quy định tại Điều 6 :
1.1. Người ký tên trên tờ khai hải quan:
- Người đại diện hợp pháp (Giám đốc, phó giám đốc hoặc người được giám đốc ủy quyền bằng văn bản) cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu;
- Người đại diện hợp pháp (Giám đốc, phó giám đốc hoặc người được giám đốc ủy quyền bằng văn bản) cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu ủy thác;
- Người đại diện hợp pháp (Giám đốc, phó giám đốc hoặc người được giám đốc ủy quyền bằng văn bản) cho doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan;
Người ký tên trên tờ khai hải quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung khai báo trong tờ khai hải quan do mình ký tên.
1.2. Trách nhiệm của người khai báo hải quan:
- Chuẩn bị các loại chứng từ hợp lệ, hợp pháp của lô hàng theo đúng quy định và các điều kiện có liên quan khác để hoàn chỉnh việc khai báo hải quan trước khi đến cơ quan Hải quan làm thủ tục xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa;
- Tự khai báo đầy đủ, chính xác hàng hóa thực tế theo các nội dung quy định tại phần dành cho người khai báo trong tờ khai hải quan;
- Tự xác định mã số hàng hóa, thuế suất, giá tính thuế của từng mặt hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu, tự tính số thuế phải nộp của từng loại thuế trên tờ khai hải quan;
- Tự xếp hồ sơ vào nơi Hải quan quy định phân luồng hàng hóa theo tiêu chí; đăng ký thời gian xuất trình hàng hóa để Hải quan kiểm tra khi đăng ký hồ sơ hải quan;
- Việc khai báo trên tờ khai hải quan có thể được thực hiện bằng đánh máy chữ, máy vi tính, hoặc viết tay nhưng phải bảo đảm cùng một loại mực (không dùng mực đỏ), cùng một kiểu chữ. Các chứng từ nộp cho Hải quan nếu quy định là bản sao thì người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp phải ký và đóng dấu xác nhận lên chứng từ đó;
- Ký tên, đóng dấu vào tờ khai sau khi khai báo đầy đủ các tiêu chí trên tờ khai; nộp tờ khai cùng các chứng từ khác theo quy định trong Nghị định 16/1999/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn này cho Hải quan nơi làm thủ tục;
- Phát hiện, phản ánh kịp thời, trung thực những việc làm không đúng quy định, những tiêu cực của cán bộ, nhân viên hải quan.
1.3 Hồ sơ hải quan nộp và xuất trình khi làm thủ tục hải quan:
a) Đối với hàng xuất khẩu:
- Giấy tờ phải xuất trình (chỉ đối với hàng xuất khẩu có điều kiện):
+ Văn bản cho phép xuất khẩu của Bộ Thương mại hoặc Bộ quản lý chuyên ngành: 01 bản chính để đối chiếu với bản sao phải nộp;
- Giấy tờ phải nộp:
+ Tờ khai hải quan hàng xuất khẩu: 03 bản chính;
+ Hợp đồng mua bán ngoại thương hoặc giấy tờ có giá trị tương đương như hợp đồng: 01 bản sao;
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký mã số doanh nghiệp (chỉ nộp một lần khi đăng ký làm thủ tục cho lô hàng đầu tiên tại mỗi điểm làm thủ tục hải quan): 01 bản sao;
- Đối với các trường hợp sau đây thì phải nộp thêm:
+ Hàng không đồng nhất: 03 bản chính Bản kê chi tiết hàng hóa;
+ Hàng xuất khẩu ủy thác: 01 bản sao Hợp đồng ủy thác xuất khẩu;
+ Hàng xuất khẩu có điều kiện: 01 bản sao Văn bản cho phép của Bộ Thương mại hoặc Bộ quản lý chuyên ngành;
b) Đối với hàng nhập khẩu:
- Giấy tờ phải xuất trình (chỉ đối với hàng nhập khẩu có điều kiện):
+ Văn bản cho phép nhập khẩu của Bộ Thương mại hoặc Bộ quản lý chuyên ngành: 01 bản chính để đối chiếu với bản sao phải nộp;
- Giấy tờ phải nộp:
+ Tờ khai hải quan hàng nhập khẩu: 03 bản chính;
+ Hợp đồng mua bán ngoại thương hoặc giấy tờ có giá trị tương đương như hợp đồng: 01 bản sao;
+ Vận tải đơn: 01bản sao;
+ Hóa đơn thương mại: 01 bản chính và 02 bản sao;
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký mã số doanh nghiệp (chỉ nộp một lần khi đăng ký làm thủ tục cho lô hàng đầu tiên tại mỗi điểm làm thủ tục hải quan): 01 bản sao;
- Đối với các trường hợp sau đây thì phải nộp thêm:
+ Hàng nhập khẩu ủy thác: 01 bản sao Hợp đồng ủy thác nhập khẩu;
+ Hàng nhập khẩu có điều kiện: 01 bản sao Văn bản cho phép của Bộ Thương mại hoặc Bộ quản lý chuyên ngành;
+ Hàng không đồng nhất: 01 bản chính và 02 bản sao Bản kê chi tiết hàng hóa;
+ Đối với hàng hóa của nước được Việt Nam cho hưởng ưu đãi theo xuất xứ: 01 bản chính Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O);
+ Hàng hóa Nhà nước quy định kiểm tra về chất lượng: 01 bản chính Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng;
+ Hàng hóa cần phải kiểm dịch: 01 bản chính Giấy đăng ký kiểm dịch;
+ Hàng phải kiểm tra an toàn lao động (nếu có quy định): 01 bản chính Giấy chứng nhận về an toàn lao động;
1.4. Trách nhiệm của Hải quan tiếp nhận hồ sơ:
- Tiếp nhận hồ sơ do người làm thủ tục hải quan nộp và xuất trình;
- Kiểm tra tính hợp lệ và sự đồng bộ của hồ sơ theo từng loại hình xuất khẩu, nhập khẩu;
- Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn người làm thủ tục hải quan bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
- Nếu bộ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì :
+ Phân luồng hàng hóa (theo các tiêu chí "luồng xanh", "luồng vàng", "luồng đỏ" ) trên cơ sở đối chiếu hàng hóa theo hồ sơ với các tiêu chí phân luồng hàng hóa do Tổng cục Hải quan quy định;
+ Chuyển bộ hồ sơ sang luồng khác khi phát hiện người làm thủ tục hải quan xác định tiêu chí phân luồng hàng hóa không đúng;
+ Ghi số đăng ký tờ khai; ngày, tháng, năm đăng ký tờ khai và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ vào tất cả các tờ khai và các chứng từ kèm theo trong hồ sơ hải quan;
+ Vào sổ đăng ký tờ khai hải quan theo mẫu do Tổng cục Hải quan quy định;
- Kiểm tra tự áp mã thuế, áp giá và tự tính thuế của người khai báo hải quan:
+ Nếu đúng thì ra thông báo thuế và thu thuế (đối với hàng hóa phải nộp thuế ngay) hoặc viết thông báo thuế (đối với hàng thuộc diện được ân hạn thuế);
+ Nếu việc tự áp mã, áp giá, tính thuế của người khai báo hải quan sai thì báo cáo lãnh đạo Hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương giải quyết;
- Thực hiện việc nhập số liệu trên tờ khai vào máy hoặc vào sổ để phục vụ cho công tác thống kê và chuyển bộ hồ sơ đã đăng ký sang bộ phận kiểm tra hàng hóa;
1.5. Thời điểm đăng ký tờ khai:
- Hàng xuất khẩu:
Người làm thủ tục hải quan chỉ được đăng ký tờ khai hải quan khi đã tập kết đủ hàng, trừ những lô hàng có khối lượng lớn, số lượng lớn hoặc trường hợp đặc biệt không thể tập kết một lúc tại một địa điểm để làm thủ tục;
- Đối với hàng nhập khẩu thuộc diện được miễn thuế, hàng không có thuế, hàng có thuế suất bằng không theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:
Doanh nghiệp được phép khai báo, đăng ký tờ khai hải quan trước khi hàng đến cửa khẩu bẩy (07) ngày, với điều kiện khi có thay đổi về chính sách mặt hàng, chính sách thuế thì doanh nghiệp phải đăng ký lại tờ khai hải quan mới và thực hiện theo quy định đó kể từ ngày Hải quan làm thủ tục cho phương tiện vận tải chuyên chở hàng hóa đó nhập cảnh và đóng dấu xác nhận lên lược khai hàng hóa;
- Hàng nhập khẩu có thuế:
Doanh nghiệp được đăng ký tờ khai khi hàng đã về đến cửa khẩu dỡ hàng.
1.6. Tại khoản 3 Điều 6 quy định hồ sơ hải quan sau khi đã đăng ký, không được bổ sung, sửa chữa, tẩy xóa. Trường hợp trước khi kiểm tra hàng hóa và sau khi tiếp nhận hồ sơ, người làm thủ tục hải quan muốn sửa đổi, bổ sung thì phải có công văn gửi Hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương nơi làm thủ tục trình bày rõ lý do. Nếu xét thấy lý do bổ sung, sửa chữa chính đáng, lãnh đạo Hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương quyết định việc bổ sung, sửa chữa. Người khai báo hải quan phải ký xác nhận và chịu trách nhiệm về việc bổ sung, sửa chữa của mình, và ngay sau khi bổ sung, sữa chữa xong phải tiến hành kiểm tra hàng hóa ngay. Trường hợp Hải quan nhận được thông tin buôn lậu, gian lận thương mại trước, thì Hải quan không chấp nhận cho người khai báo hải quan sửa chữa, bổ sung tờ khai hải quan và các giấy tờ có liên quan, trong trường hợp này người khai báo hải quan phải xuất trình hàng hóa để Hải quan tiến hành kiểm tra ngay.
2. Kiểm tra hàng hóa quy định tại Điều 7:
2.1. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa phải đảm bảo nguyên tắc:
- Chỉ tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa sau khi tờ khai đã được đăng ký;
- Việc kiểm tra thực tế hàng hóa phải được tiến hành tại các địa điểm kiểm tra hải quan theo đúng hướng dẫn tại Điểm 1, Mục I Thông tư này; Người làm thủ tục hải quan hoặc người đại diện hợp pháp phải xuất trình và mở các con-ten-nơ/kiện hàng hóa để Hải quan kiểm tra.
- Quá trình kiểm tra mỗi con-ten-nơ/kiện hàng hóa của một lô hàng xuất nhập khẩu phải do ít nhất 02 kiểm tra viên hải quan trở lên thực hiện kiểm tra cùng với sự chứng kiến của người làm thủ tục hải quan;
- Cán bộ hải quan căn cứ kết quả kiểm tra của các bộ phận làm thủ tục trước, tính chất và đặc điểm của từng lô hàng để lựa chọn phương pháp kiểm tra phù hợp; Nếu có căn cứ xác định phân luồng hàng hóa chưa đúng của bộ phận tiếp nhận hồ sơ hải quan thì xác định phân luồng lại và lựa chọn phương pháp kiểm tra hàng hóa cho phù hợp với việc phân luồng đó;
- Sau khi cùng với người làm thủ tục hải quan hoặc người đại diện hợp pháp thực hiện xong việc kiểm tra thực tế hàng hóa, việc ghi kết quả kiểm tra vào tờ khai hải quan phải được tiến hành ghi ngay tại địa điểm kiểm tra hàng hóa;
- Kiểm tra viên hải quan kiểm tra hàng hóa sau khi đã ghi rõ phương pháp kiểm tra, kết quả kiểm tra về tên hàng, mã số hàng hóa, số lượng, trọng lượng, chất lượng, xuất xứ, chủng loại hàng hóa, phải ký và ghi rõ họ tên vào tờ khai hải quan;
- Sau khi ghi xác nhận kết quả kiểm tra hàng hóa vào tờ khai hải quan, nếu kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa đúng với khai báo thì kiểm tra viên hải quan kiểm tra hàng hóa chuyển hồ sơ cho lãnh đạo Hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương ký, đóng dấu và quyết định cho giải phóng hàng;
- Nếu kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa không phù hợp với tự khai báo của người khai báo hải quan thì tùy theo từng trường hợp cụ thể, kiểm tra viên hải quan tiến hành lập biên bản vi phạm hoặc biên bản chứng nhận, yêu cầu người làm thủ tục hải quan ký xác nhận vào biên bản và hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
2.2 Về giám định hàng hóa:
Những trường hợp đã có kết quả giám định nhưng lãnh đạo Hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương xét thấy kết quả giám định này vẫn không phù hợp với thực tế hàng hóa hoặc trường hợp một mặt hàng có nhiều kết quả giám định khác nhau của các tổ chức giám định khác nhau thì giải quyết như sau:
- Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu không thuộc sự quản lý của cơ quan chuyên ngành, Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan để Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường giải quyết;
- Đối với hàng hoá xuất nhập khẩu thuộc danh mục hàng hoá phải quản lý chuyên ngành thì Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan để Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ quản lý chuyên ngành giải quyết;
- Khi có kết luận của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoặc Bộ quản lý chuyên ngành, Hải quan sẽ căn cứ vào kết luận của những Bộ này để thực hiện.
3. Ra thông báo thu thuế bổ sung hoặc ra quyết định điều chỉnh thu bổ sung quy định tại khoản 2, Điều 8:
Khi nhận được hồ sơ hải quan do bộ phận kiểm tra hải quan chuyển đến, bộ phận thuế hải quan giải quyết như sau:
- Căn cứ kết quả kiểm tra hải quan và các quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để kiểm tra việc tự tính thuế của người khai báo;
- Nếu sai lệch về thuế do khai không chính xác về số lượng của từng loại hàng hóa hoặc do áp mã thuế cho các mặt hàng không chính xác thì bộ phận thuế hải quan sẽ điều chỉnh lại thuế (thu thuế bổ sung hoặc ra thông báo thuế bổ sung). Trường hợp xét thấy hành vi vi phạm về thuế đến mức phải xử lý như: khai báo sai chủng loại hàng hoặc có nhiều chủng loại hàng không khai báo... thì báo cáo lãnh đạo Hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương giải quyết theo thẩm quyền của cấp cửa khẩu quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan hiện hành;
- Nếu sai lệch về thuế do vi phạm chính sách mặt hàng, vi phạm pháp luật hải quan, thể hiện rõ hành vi gian lận thương mại, buôn lậu thì ngay sau đó lãnh đạo Hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương chỉ đạo lập biên bản vi phạm và hoàn chỉnh hồ sơ chuyển cho bộ phận xử lý của Hải quan tỉnh, thành phố để xử lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
4. Giải phóng hàng quy định tại Điều 9:
4.1. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có thuế, hàng được miễn thuế, hàng có thuế suất bằng không theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, hàng gia công, hàng hóa đặc biệt khác, sau khi kiểm tra hồ sơ hải quan đã đăng ký, nếu đảm bảo đầy đủ các điều kiện, tiêu chí về phân luồng "xanh" theo quy định của Tổng cục Hải quan thì hàng sẽ được phân vào luồng "xanh" và được chuyển ngay cho bộ phận kiểm tra hải quan. Nếu bộ phận kiểm tra hàng hóa cũng xác định luồng "xanh" và thực tế hàng đúng với khai báo thì cán bộ hải quan thuộc bộ phận kiểm tra hàng hóa chuyển hồ sơ cho lãnh đạo Hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương ký, đóng dấu và cho giải phóng hàng ngay;
4.2. Đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc loại có thuế và loại phải nộp thuế ngay, sau khi đã nộp đủ thuế hoặc có bảo lãnh được Hải quan chấp nhận và có kết luận của Hải quan kiểm tra về thực tế hàng hóa là đúng với khai báo thì chuyển hồ sơ cho lãnh đạo Hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương ký, đóng dấu và cho giải phóng hàng;
4.3. Đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu có thời gian ân hạn thuế, sau khi nhận thông báo thuế và có kết luận của Hải quan kiểm tra là thực tế hàng hóa đúng với khai báo thì chuyển hồ sơ cho lãnh đạo Hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương ký, đóng dấu và cho giải phóng hàng;
5. Trách nhiệm của Hải quan trong các khâu làm thủ tục hải quan:
5.1. Việc chuyển giao hồ sơ hải quan giữa các bộ phận Hải quan phải đảm bảo nhanh chóng, chặt chẽ, xác định rõ được trách nhiệm của từng người, từng bộ phận đối với bộ hồ sơ và các việc khác liên quan;
5.2. Trong quá trình làm thủ tục, bộ phận làm thủ tục sau không được tự động sửa chữa kết quả của bộ phận làm thủ tục trước. Nếu bộ phận làm thủ tục sau phát hiện thấy bộ phận làm thủ tục trước có sai sót cần sửa chữa thì phải trao đổi với bộ phận làm thủ tục trước để thống nhất cách giải quyết;
5.3. Cán bộ, nhân viên hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra việc tính thuế, kiểm tra phúc tập hồ sơ tuyệt đối không được tiếp xúc với người làm thủ tục hải quan để thảo luận việc áp mã, áp giá và tính thuế của chủ hàng và không được yêu cầu lấy mẫu hàng;
5.4. Bộ phận điều tra chống buôn lậu trên cơ sở phương án, kế hoạch điều tra theo ổ nhóm, đường dây buôn lậu và tình hình cụ thể từng vụ việc có liên quan để phối kết hợp chặt chẽ với các bộ phận làm thủ tục kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu và các địa điểm kiểm tra. Trường hợp cần kiểm tra trọng điểm, kiểm tra xác suất, kiểm tra khẩn cấp phải thống nhất với lãnh đạo Hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương;
5.5. Bộ phận xử lý hải quan các cấp căn cứ mức độ vi phạm của từng trường hợp cụ thể để xử lý đúng thẩm quyền và thời hạn quy định.
III. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI CÁC HÌNH THỨC XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU KHÁC
1. Thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh quy định tại Điều 11:
1.1 Hồ sơ nộp cho Hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng quá cảnh:
a) Đối với hàng quá cảnh đi thẳng:
- Tờ khai hải quan: 02 bản chính;
- Văn bản cho phép quá cảnh hàng hoá của Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền (trừ quá cảnh đi thẳng bằng đường hàng không): 01 bản chính;
- Bản lược khai hàng hoá: 01 bản chính và 02 bản sao;
- Nếu hàng quá cảnh là ô tô tự hành phải thêm giấy phép lưu hành tạm thời do Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có cửa khẩu nhập hàng quá cảnh cấp: 01 bản sao có công chứng;
b) Đối với hàng quá cảnh phải tạm lưu kho để chờ vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc thay đổi phương tiện vận chuyển:
- Tờ khai hải quan: 02 bản chính;
- Văn bản cho phép quá cảnh của Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền: 01 bản chính.
- Vận tải đơn: 01 bản sao hoặc 01 bản chính phiếu vận chuyển hàng hóa;
1.2. Thời gian hàng hóa quá cảnh lưu chuyển trên lãnh thổ Việt Nam tối đa là 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trừ trường hợp có lưu kho, lưu bãi hoặc có sự cố.
1.3. Hàng hóa quá cảnh có sự cố, hoặc bị đổ vỡ dọc đường thì doanh nghiệp phải cùng nhân viên hải quan áp tải kết hợp với tổ chức Hải quan nơi xảy ra sự cố (nơi không có tổ chức Hải quan thì đề nghị chính quyền từ cấp xã trở lên) tiến hành lập biên bản xác nhận tình trạng hàng hóa. Trường hợp không có hải quan áp tải thì báo với tổ chức Hải quan nơi gần nhất hoặc chính quyền từ cấp xã trở lên (nơi không có tổ chức Hải quan). Việc xử lý hàng hóa quá cảnh có sự cố, bị đổ vỡ, mất mát...theo đúng quy định hiện hành;
1.4. Nếu hàng quá cảnh thuộc loại Việt Nam cấm xuất khẩu, nhập khẩu phải có thêm văn bản cho phép của Thủ tướng Chính phủ;
1.5. Riêng các trường hợp cụ thể về hàng hóa quá cảnh khác giữa Việt Nam và các nước hữu quan thì thực hiện theo Hiệp định ký kết giữa hai nước và quy định tại các văn bản hướng dẫn của Nhà nước và Bộ Thương mại ban hành;
2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm thương mại quy định tại Điều 12:
Hải quan tỉnh, thành phố căn cứ kế hoạch tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại đã được Bộ Thương mại hoặc Sở Thương mại phê duyệt để đăng ký tờ khai hải quan và làm thủ tục đối với hàng dự hội chợ, triển lãm thương mại;
- Đối với hàng tạm nhập khẩu dự hội chợ, bộ hồ sơ hải quan gồm:
+ Tờ khai hải quan: 03 bản chính;
+ Vận đơn: 01 bản sao;
+ Bản kê chi tiết hàng hóa (Packing List): 01 bản chính và 02 bản sao;
+ Hóa đơn (Invoice): 01 bản chính và 02 bản sao;
+ Bản chính danh mục hàng hóa dự hội chợ đã được Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Bộ Thương mại ủy quyền duyệt mặt hàng và số lượng (đối với Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hội chợ và triển lãm thương mại);
- Đối với hàng tạm nhập khẩu dự triển lãm, bộ hồ sơ hải quan gồm:
+ Tờ khai hải quan: 03 bản chính;
+ Vận đơn: 01 bản sao;
+ Bản kê chi tiết hàng hóa (Packing List): 01 bản chính và 02 bản sao;
Hàng dự triển lãm không cần phải có văn bản cho phép của Bộ Thương mại.
3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đường bưu điện quy định tại Điều 15:
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đường bưu điện (gửi qua dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh) được quản lý theo chính sách đối với từng loại mặt hàng và áp dụng thủ tục hải quan theo từng loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu có liên quan;
Trị giá hàng hóa trong bưu phẩm, bưu kiện: phải xác định chính xác thực tế về mức trị giá vượt so với trị giá quy định được miễn thuế để báo cáo Trưởng Hải quan cửa khẩu Bưu điện hoặc cấp tương đương xem xét miễn thuế và thu thuế theo quy định tại Nghị định 16/1999/NĐ-CP ngày 27/03/1999 của Chính phủ;
Các quy định cụ thể về thủ tục hải quan đối với hàng hóa, vật phẩm trong các bưu phẩm, bưu kiện gửi qua đường bưu điện được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch giữa Tổng cục Hải quan và Tổng cục Bưu điện.
4. Hàng hóa mua bán từ phương tiện vận tải xuất nhập cảnh tại khu vực cảng biển, cảng sông của Việt Nam quy định tại Điều 16:
Chỉ những doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép làm dịch vụ cung ứng, mua bán hàng hóa với phương tiện vận tải nước ngoài xuất nhập cảnh mới được mua bán hàng hóa với phương tiện vận tải nước ngoài tại khu vực cảng biển, cảng sông của Việt Nam.
Hồ sơ để làm thủ tục hải quan gồm:
- Tờ khai hải quan: 03 bản chính;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký mã số doanh nghiệp: 01 bản sao;
- Văn bản cho phép làm dịch vụ cung ứng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp: 01 bản sao;
- Công văn đề nghị cung ứng dịch vụ của chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được ủy quyền;
Hải quan cửa khẩu sẽ căn cứ vào các quy định hiện hành để làm thủ tục cho hàng hóa mua bán với phương tiện vận tải nước ngoài theo đúng quy định.
IV. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH
1. Quy định đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh tại Điều 26:
1.1. Hồ sơ phải nộp cho cơ quan Hải quan gồm:
- Lược khai hàng hóa chuyên chở trên tàu: 03 bản chính;
- Tờ khai tàu đến, đi: 01 bản chính;
- Bản khai nguyên, nhiên, vật liệu, lương thực, thực phẩm của tàu: 01 bản chính;
- Bản khai chất nổ, chất cháy, thuốc mê, thuốc độc, vũ khí có trên tàu: 01 bản chính;
- Danh sách thuyền viên: 01 bản chính;
- Danh sách hành khách (nếu có): 01 bản chính;
- Tờ khai hàng hóa, hành lý của thuyền viên (đối với tàu thuyền Việt Nam): 01 bản chính;
1.2. Các giấy tờ phải xuất trình:
- Nhật ký hành trình tàu, thuyền (đối với nhập cảnh).
- Sơ đồ xếp hàng trên tàu: 01 bản chính;
2. Quy định về ô tô, thuyền, bè xuất cảnh nhập cảnh:
2.1. Khi phương tiện vận tải là ôtô, thuyền, bè đến cửa khẩu thì người điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện phải xuất trình bộ hồ sơ quy định tại điểm 2.2. dưới đây cho Hải quan cửa khẩu. Hải quan cửa khẩu căn cứ thực tế hàng hóa và phương tiện để quyết định phương pháp kiểm tra thích hợp. Chỉ khi hoàn thành thủ tục hải quan và được phép của nhân viên hải quan thì người điều khiển phương tiện vận tải mới được phép điều khiển phương tiện vận tải qua cửa khẩu. Trường hợp hồ sơ hàng hóa và phương tiện vận tải không đầy đủ theo quy định thì nhân viên hải quan báo cáo lãnh đạo Hải quan cửa khẩu quyết định.
2.2. Hồ sơ hải quan để làm thủ tục gồm:
- Tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có): 03 bản chính;
- Tờ khai hành lý hoặc Sổ hành lý xuất khẩu, nhập khẩu của lái xe (đối với lái xe Việt Nam thường xuyên qua lại biên giới do Hải quan tỉnh cấp);
- Phiếu vận chuyển hàng hóa: 01 bản chính ;
- Danh mục hàng hóa (nếu có): 02 bản chính;
Sau khi Hải quan tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra đối chiếu thực tế nếu phù hợp thì Hải quan cửa khẩu làm thủ tục ký, đóng dấu xác nhận lên tờ khai cho xuất nhập cảnh.
2.3. Trong trường hợp khi kiểm tra phương tiện vận tải phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về Hải quan thì Hải quan cửa khẩu lập biên bản vi phạm đối với người điều khiển phương tiện vận tải và xử lý đúng thẩm quyền quy định.
V. XỬ LÝ VI PHẠM:
Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định số 16/1999/NĐ-CP ngày 27/03/1999 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn này sẽ bị xử lý theo các quy định của luật pháp hiện hành.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Thông tư này thay thế Thông tư số: 968/TCHQ-PC ngày 15/10/1991 của Tổng cục Hải quan. Các văn bản hướng dẫn khác trước đây của Tổng cục Hải quan trái với Thông tư này đều bãi bỏ;
2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký;
3. Thủ trưởng các Cục, Vụ thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư hướng dẫn này.
|
Phan Văn Dĩnh (Đã ký) |