Thông tư 01/2004/TT-TANDTC

Thông tư 01/2004/TT-TANDTC hướng dẫn thực hiện chia tách, thành lập các tòa án nhân dân địa phương do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Nội dung toàn văn Thông tư 01/2004/TT-TANDTC hướng dẫn thực hiện chia tách, thành lập tòa án nhân dân địa phương


TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2004/TT-TANDTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2004 

 

THÔNG TƯ

SỐ 01/2004/TT-TANDTC NGÀY 16-01-2004 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VIỆC CHIA TÁCH, THÀNH LẬP CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG

Để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, các Nghị định của Chính phủ về việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, đồng thời, để thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 22-12-2003 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 30/2003/CT-TTg ngày 26-12-2003 của Thủ tướng Chính phủ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chia tách tỉnh, điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh Lai Châu, Đắc Lắc, Cần Thơ và Lào Cai, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc chia tách, thành lập các Tòa án nhân dân địa phương như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Khi có Nghị quyết của Quốc hội hoặc Nghị định của Chính phủ về việtc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh hoặc cấp huyện thì việc chia tách, thành lập các Tòa án nhân dân cấp tương ứng có liên quan phải được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tòa án nhân dân; do đó, cần phải được tập trung tiến hành khẩn trương, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

2. Việc chia tách, thành lập mới các Tòa án nhân dân địa phương phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ về việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh hoặc cấp huyện có liên quan;

b) Bảo đảm tuân thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị của chính quyền địa phương về việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính có liên quan;

c) Bảo đảm nhanh chóng ổn định về tổ chức bộ máy, cán bộ, trụ sở và điều kiện, phương tiện hoạt động của Tòa án nhân dân được chia tách và Tòa án nhân dân mới được thành lập;

d) Bảo đảm cho Tòa án nhân dân được chia tách và Tòa án nhân dân mới được thành lập sớm ổn định và hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật;

đ) Bảo đảm sự đoàn kết và tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa Tòa án nhân dân được chia tách và Tòa án nhân dân mới được thành lập; chống mọi biểu hiện tiêu cực, cục bộ địa phương trong việc chia tách về tổ chức cán bộ và nhiệm vụ công tác giữa các Tòa án nhân dân.

3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có địa giới hành chính cấp tỉnh hoặc cấp huyện được chia tách, điều chỉnh chịu trách nhiệm tiến hành các nội dung chia tách, đề nghị thành lập mới các Tòa án nhân dân cấp tương ứng theo các hướng dẫn cụ thể được quy định tại Thông tư này.

II. NỘI DUNG CÁC CÔNG VIỆC BÀN GIAO KHI CHIA TÁCH, THÀNH LẬP MỚI CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG

1. Khi có Nghị quyết của Quốc hội hoặc Nghị định của Chính phủ về việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh hoặc cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có địa giới hành chính được chia tách, điều chỉnh phải chủ động xây dựng đề án chia tách, thành lập các Tòa án nhân dân có liên quan với nội dung bao gồm chia tách, bàn giao về tổ chức, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, kinh phí hoạt động và chia tách, bàn giao về công tác xét xử, thi hành án hình sự, lưu trữ hồ sơ và công tác báo cáo, thống kê; dự kiến phân công, điều động cán bộ, công chức, Hội thẩm nhân dân và đề nghị thành lập các Tòa án nhân dân cấp tương ứng với đơn vị hành chính mới.

2. Việc dự kiến chia tách về tổ chức, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện hoạt động và chia tách về công tác xét xử, thi hành án hình sự, lưu trữ hồ sơ, phân công, điều động cán bộ, công chức, Hội thẩm nhân dân phải xuất phát từ thực tiễn và nhu cầu công tác của từng Tòa án nhân dân sau khi chia tách và thành lập. Do đó, trước khi tiến hành xây dựng đề án chia tách, thành lập Tòa án nhân dân có liên quan, cần rà soát số lượng, chất lượng cán bộ công chức và Hội thẩm nhân dân, phân loại các loại các vụ án và các việc thi hành án… để có phương án chia tách phù hợp đối với từng nội dung, cụ thể như sau:

2.1. Đối với việc bàn giao về công tác xét xử

a) Về việc phân chia hồ sơ các loại vụ án để xét xử

Về nguyên tắc, việc phân chia hồ sơ các loại vụ án để xét xử giữa các Tòa án nhân dân phải bảo đảm theo quy định của pháp luật tố tụng về thẩm quyền xét xử của Tòa án và phải căn cứ vào tình hình, điều kiện làm việc củc các Tòa án, do đó:

+ Đối với các hồ sơ vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động và hành chính kể cả sơ thẩm và phúc thẩm đã thụ lý và có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến trước ngày bàn giao tách tỉnh hoặc tách huyện thì do Tòa án nhân dân cũ giải quyết, xét xử toàn bộ, không máy móc vụ án thuộc địa bàn địa phương nào thì bàn giao ngay cho Tòa án nhân dân địa phương đó, vì làm như vậy sẽ dẫn đến tồn đọng án do khi chia tách thì các Tòa án nhân dân mới chưa có phòng xét xử ngay và cần phải có thời gian nhất định để ổn định nơi làm việc, nơi ăn ở cho cán bộ, công chức;

+ Trong trường hợp các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động và hành chính đã thụ lý nhưng tính đến ngày bàn giao tách tỉnh hoặc tách huyện còn đang trong giai đoạn lập hồ sơ, thu thập chứng cứ thì bàn giao cho Tòa án nhân dân mới được tách hoặc thành lập để giải quyết tiếp theo quy định của pháp luật tố tụng về thẩm quyền xét xử.

+ Đối với trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện của tỉnh này do có sự điều chỉnh về địa giới hành chính cấp tỉnh nên được điều chỉnh chuyển sang tỉnh khác, ví dụ: Tòa án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B nay được điều chỉnh chuyển sang tỉnh C, thì các hồ sơ vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết, xét xử của Tòa án này vẫn được tiến hành bình thường; những hồ sơ đã xét xử sơ thẩm của Tòa án này có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm mà đã được Tòa án nhân dân tỉnh cũ (tỉnh B) thụ lý trước thời điểm bàn giao thì do Tòa án nhân dân tỉnh cũ (tỉnh B) xét xử phúc thẩm; nếu các hồ sơ vụ án này chưa được Tòa án nhân dân tỉnh cũ (tỉnh B) thụ lý thì được bàn giao cho Tòa án nhân dân tỉnh mới (tỉnh C) thụ lý, xét xử.

b) Về việc phân chia hồ sơ thi hành án hình sự

Các bản án, quyết định về hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu tính đến ngày có quyết định thành lập Tòa án nhân dân mới mà chưa có quyết định thi hành án hình sự thì được phân chia, bàn giao theo nguyên tắc thuộc địa bàn lãnh thổ của Tòa án nhân dân nào do Tòa án nhân dân đó giải quyết. Đối với các bị cáo bị kết án tù giam nhưng chưa bị bắt thi hành án thì mọi trường hợp phải được rà soát, thống kê chi tiết và bàn giao theo nguyên tắc thuộc địa bàn lãnh thổ của Tòa án nhân dân nào thì do Tòa án nhân dân đó chịu trách nhiệm theo dõi, ra quyết định thi hành án hoặc đôn đốc việc bắt thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với vật chứng trong các vụ án hình sự, về nguyên tắc, hồ sơ ở đâu thì vật chứng được quản lý ở đó. Vì vậy, cùng với việc chuyển giao hồ sơ vụ án, các Tòa án cần lưu ý rà soát, kiểm kê vật chứng để xử lý, chuyển giao cho chính xác, đúng quy định của pháp luật, nhất là đối với vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ và các tài sản có giá trị khác.

c) Về công tác báo cáo thống kê và lưu trữ hồ sơ: Đơn vị tại chỗ chịu trách nhiệm thực hiện việc báo cáo, thống kê và quản lý các loại hồ sơ cho đến khi có quyết định thành lập Tòa án nhân dân mới. Đơn vị mới thực hiện công tác này và quản lý các loại hồ sơ được bàn giao hoặc phát sinh mới kể từ khi có quyết định thành lập.

2.2. Đối với việc phân công, điều động cán bộ, công chức và Hội thẩm nhân dân

a) Về việc phân công, điều động cán bộ, công chức

Về nguyên tắc, việc phân công, điều động cán bộ, công chức Tòa án nhân dân phải nhằm đảm bảo cơ cấu bộ máy và cán bộ lãnh đạo Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật và phải căn cứ vào nhu cầu công tác của từng Tòa án và hoàn cảnh sinh hoạt, công tác của cán bộ, công chức nhưng không nhất thiết người quê ở đâu thì đưa về nơi đó. Trong trường hợp thiếu cán bộ để hình thành đầy đủ cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân theo luật định, thì trước mắt cần ưu tiên phân công và điều động cán bộ để hình thành ngay Tòa hình sự, Tòa dân sự, Văn phòng, phòng tổ chức – Cán bộ ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh mới. Đối với các Tòa chuyên trách và các đơn vị giúp việc khác có thể tạm thời phân công cán bộ kiêm nhiệm, sau đó từng bước kiện toàn. Đối với Tòa án nhân dân cấp huyện mới cần bố trí ít nhất có một lãnh đạo Tòa án có thể là Chánh án hoặc Phó Chánh án được giao quyền Chánh án và có thể thành lập được ít nhất là từ 1 đến 2 Hội đồng xét xử.

b) Về việc phân chia biên chế

Trường hợp tại thời điểm tiến hành chia tách mà đơn vị Tòa án nhân dân hiện tại chưa thực hiện đủ số lượng biên chế được phân bổ thì số biên chế còn lại cần ưu tiên phân chia cho Tòa án nhân dân mới.

c) Về việc phân công Hội thẩm nhân dân

Về nguyên tắc, Hội thẩm nhân dân cư trú, công tác thuộc địa bàn lãnh thổ của Tòa án nhân dân nào được phân công về làm nhiệm vụ xét xử tại Tòa án nhân dân đó. Trường hợp đơn vị nào chưa đủ Hội thẩm nhân dân để tổ chức công tác xét xử theo yêu cầu thì cần báo cáo ngay cấp ủy và Hội đồng nhân dân địa phương cấp tương ứng để bầu bổ sung.

2.3. Đối với việc phân chia, bàn giao về cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí hoạt động

a) Về việc phân chia cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động

Trên tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau, ưu tiên đối với đơn vị mới được chia tách, thành lập, đồng thời, căn cứ vào tính chất của từng loại tài sản; việc phân chia, bàn giao được xử lý theo hướng:

+ Nhà cửa, trang thiết bị, đồ gỗ dùng hco cho hội họp, xét xử… được để lại cho đơn vị tại chỗ, đơn vị mới sẽ được đầu tư xây dựng mới trụ sở và cấp mới trang thiết bị xét xử;

+ Phương tiện đi lại (xe ô tô, xe máy, xuồng máy) nơi nào có hai xe ô tô thì mỗi đơn vị một chiếc; nếu có một chiếc thì để lại đơn vị tại chỗ sử dụng, đơn vị mới sẽ được cấp mới. Riêng đối với xe máy hoặc xuồng máy, nếu chỉ có một chiếc thì ưu tiên cho đơn vị mới;

+ Bàn ghế, tủ đựng hồ sơ mà cán bộ, công chức đang sử dụng thì được đem theo đến đơn vị mới khi cán bộ, công chức được điều động đến đơn vị mới để có phương tiện làm việc ngay;

+ Các tài sản khác như máy photocopy, máy chữ, điện thoại, két sắt… để lại cho đơn vị tại chỗ sử dụng, đơn vị mới sẽ được cấp mới. Tuy nhiên, tùy điều kiện cụ thể có thể ưu tiên cho đơn vị mới để có phương tiện làm việc ngay.

b) Về việc quyết toán, thanh toán kinh phí

Đơn vị tại chỗ chịu trách nhiệm quyết toán kinh phí được cấp cho đến thời điểm có quyết định thành lập đơn vị mới, đồng thời, thanh toán đầy đủ các khoản về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chi trả đầy đủ tiền lương, tiền bồi dưỡng phiên tòa và các khoản tiền khác (nếu có) đối với cán bộ, công chức được điều động về đơn vị mới.

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHIA TÁCH, THÀNH LẬP VÀ BÀN GIAO CÔNG TÁC GIỮA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG

Việc xây dựng đề án chia tách, đề nghị thành lập, phân công, điều động cán bộ, công chức, Hội thẩm nhân dân, phân chia cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động và bàn giao công tác giữa các Tòa án nhân dân địa phương được thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội hoặc Nghị định của Chính phủ về việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh hoặc cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính chủ động thành lập Ban chỉ đạo hoặc giao cho một đồng chí lãnh đạo chịu trách nhiệm xây dựng đề án chia tách, thành lập Tòa án nhân dân có liên quan; tiến hành việc rà soát về tổ chức cán bộ, Hội thẩm nhân dân, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc; phân loại, thống kê các loại vụ án, các loại công việc chuyên môn khác để có phương án phân chia cụ thể theo các nguyên tắc được hướng dẫn tại Phần I và Phần II của Thông tư này.

Bước 2: Tổ chức quán triệt các vấn đề có liên quan đến việc chia tách, thành lập Tòa án nhân dân theo địa giới hành chính mới đến toàn thể cán bộ, công chức của đơn vị được chia tách.

Bước 3: Tập thể lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh thảo luận và thông qua đề án chia tách, thành lập Tòa án nhân dân mới. Đối với các vấn đề quan trọng như về nhân sự cán bộ lãnh đạo và Thẩm phán được điều động thì cần báo cáo Tòa án nhân dân tối cao để xin ý kiến chỉ đạo trước khi có phương án phân chia cụ thể.

Bước 4: Trên cơ sở đề án chia tách, thành lập Tòa án nhân dân đã được tập thể lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh thông qua, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh làm văn bản báo cáo (đối với trường hợp tách tỉnh) hoặc trao đổi (đối với trường hợp tách huyện) với cấp ủy và Hội đồng nhân dân địa phương nơi có địa giới hành chính được chia tách, điều chỉnh về việc thành lập Tòa án nhân dân cấp tương ứng và danh sách điều động Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán cho Tòa án nhân dân mới;

Sau khi có ý kiến của cấp ủy và Hội đồng nhân dân địa phương, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh làm tờ trình kèm theo đề án chia tách, văn bản của cấp ủy và Hội đồng nhân dân địa phương về điều động cán bộ lãnh đạo, Thẩm phán để đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định thành lập Tòa án nhân dân, điều động cán bộ lãnh đạo, Thẩm phán cho Tòa án nhân dân mới được thành lập, đồng thời, có tờ trình đề nghị Hội đồng nhân dân địa phương ra Nghị quyết về việc điều động Hội thẩm nhân dân.

Bước 5: Sau khi có quyết định thành lập Tòa án nhân dân và quyết định điều động cán bộ lãnh đạo và Thẩm phán cho Tòa án mới được thành lập, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào đề án chia tách Tòa án và biên chế được phân bổ cho Tòa án mới thành lập ra quyết định điều động Thư ký và các công chức khác thuộc thẩm quyền của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định phân cấp quản lý cán bộ Tòa án nhân dân địa phương, đồng thời, tiến hành tổ chức hội nghị cán bộ công chức để công bố các quyết định này; sau đó, tiến hành bàn giao công tác cho Tòa án nhân dân mới theo đúng các nội dung công việc bàn giao cụ thể được hướng dẫn tại Phần II của Thông tư này và được thể hiện trong đề án chia tách, thành lập Tòa án nhân dân có liên quan đã được thông qua.

Việc bàn giao giữa các Tòa án nhân dân phải được lập thành biên bản theo từng nội dung bàn giao cụ thể; biên bản bàn giao được lưu tại mỗi đơn vị một bản, một bản gửi Hội đồng nhân dân và một bản gửi Tòa án nhân dân tối cao để theo dõi, quản lý.

IV. MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC

1. Trong quá trình chuẩn bị công tác chia tách, thành lập Tòa án nhân dân mới, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại trong công tác xét xử, thi hành án hình sự, tổ chức cán bộ và các công tác khác, tránh để dở dang khi bàn giao sang đơn vị mới. Đặc biệt, đối với cán bộ có vi phạm cần xử lý kỷ luật, các hồ sơ cán bộ chưa được bổ sung, hoàn thiện hoặc chưa có sổ bảo hiểm xã hội theo quy định thì phải giải quyết xong trước khi được bàn giao cho đơn vị mới.

2. Các trường hợp cán bộ, công chức khi được điều động về đơn vị mới phải có bản kiểm điểm của cá nhân và nhận xét của Chánh án Tòa án nơi điều đi về quá trình công tác ở đơn vị cũ để bổ sung vào hồ sơ cán bộ khi được bàn giao.

3. Sau khi có quyết định thành lập Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân mới được thành lập phải tiến hành ngay các thủ tục xin cấp con dấu, mở tài khoản của đơn vị theo đúng quy định; tập trung chuẩn bị nơi làm việc và phòng xét xử, đồng thời, lập dự trù kinh phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở, mua sắm một số phương tiện thiết yếu ban đầu để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết. Trường hợp địa phương nào đã có quy hoạch và bố trí địa điểm xây dựng trụ sở cho Tòa án thì Chánh án Tòa án nơi đó cần tiến hành ngay việc xây dựng luận chứng kinh tế xây dựng trụ sở mới để báo cáo Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Công tác chia tách, thành lập Tòa án nhân dân địa phương khi có Nghị quyết của Quốc hội hoặc Nghị định của Chính phủ về việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tòa án nhân dân; do đó, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải quán triệt, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện từng khâu, từng việc đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân địa phương. Các đơn vị chức năng của Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ, hướng dẫn nhằm bảo đảm cho các Tòa án nhân dân mới được chia tách, thành lập nhanh chóng ổn định tổ chức đi vào hoạt động đồng bộ theo địa giới hành chính mới.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị báo cáo về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Tổ chức – Cán bộ) để kịp thời hướng dẫn, giải quyết.

 

Nguyễn Văn Hiện

(Đã ký)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 01/2004/TT-TANDTC

Loại văn bảnThông tư
Số hiệu01/2004/TT-TANDTC
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành16/01/2004
Ngày hiệu lực25/02/2004
Ngày công báo10/02/2004
Số công báoSố 8
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Thủ tục Tố tụng
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 01/2004/TT-TANDTC

Lược đồ Thông tư 01/2004/TT-TANDTC hướng dẫn thực hiện chia tách, thành lập tòa án nhân dân địa phương


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Thông tư 01/2004/TT-TANDTC hướng dẫn thực hiện chia tách, thành lập tòa án nhân dân địa phương
                Loại văn bảnThông tư
                Số hiệu01/2004/TT-TANDTC
                Cơ quan ban hànhTòa án nhân dân tối cao
                Người kýNguyễn Văn Hiện
                Ngày ban hành16/01/2004
                Ngày hiệu lực25/02/2004
                Ngày công báo10/02/2004
                Số công báoSố 8
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Thủ tục Tố tụng
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật16 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Thông tư 01/2004/TT-TANDTC hướng dẫn thực hiện chia tách, thành lập tòa án nhân dân địa phương

                        Lịch sử hiệu lực Thông tư 01/2004/TT-TANDTC hướng dẫn thực hiện chia tách, thành lập tòa án nhân dân địa phương

                        • 16/01/2004

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 10/02/2004

                          Văn bản được đăng công báo

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 25/02/2004

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực