Thông tư 01/2012/TT-BNV

Thông tư 01/2012/TT-BNV hướng dẫn Quyết định 51/2010/QĐ-TTg về Quy chế quản lý tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp do Bộ Nội vụ ban hành

Nội dung toàn văn Thông tư 01/2012/TT-BNV hướng dẫn Quyết định 51/2010/QĐ-TTg


BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/2010/QĐ-TTg">01/2012/TT-BNV

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2012

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 51/2010/QĐ-TTG NGÀY 28 THÁNG 7 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ QUY CHẾ QUẢN LÝ TỔ CHỨC XÉT, TÔN VINH DANH HIỆU VÀ TRAO GIẢI THƯỞNG CHO DOANH NHÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp;

Theo đề nghị của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp, ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg).

2. Việc trao giải thưởng chất lượng quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và không thực hiện theo Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, đơn vị được tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg.

2. Đối tượng được xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg.

Trong một năm một doanh nhân hoặc một doanh nghiệp chỉ tham dự một danh hiệu, giải thưởng cấp toàn quốc. Danh hiệu, giải thưởng này không làm căn cứ để tính vào thành tích trong việc xét các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước.

Điều 3. Các hành vi bị cấm

Các hành vi bị nghiêm cấm việc tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng thực hiện theo Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg. Đơn vị tổ chức giải hoặc đơn vị liên quan thực hiện nội dung sau:

1. Các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không được ủy quyền hoặc giao cho đơn vị không đủ thẩm quyền, không có chức năng, nhiệm vụ (đơn vị trực thuộc, tạp chí, báo ngành hoặc đơn vị tổ chức sự kiện …) để tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu, trao giải thưởng.

2. Trong lễ tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp khi công bố kết quả cho tập thể, cá nhân được giải thưởng không kết hợp thông báo các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước khi chưa đủ căn cứ pháp lý.

3. Các cơ quan phát thanh, truyền hình, cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương không được thực hiện các hình thức tuyên truyền việc tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng khi đơn vị tổ chức tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Điều 4. Điều kiện tham dự của doanh nhân, doanh nghiệp

Các doanh nhân và doanh nghiệp được tham gia bình chọn danh hiệu, giải thưởng phải thực hiện quy định tại Điều 7 của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg và đảm bảo các điều kiện sau:

- Có thời gian hoạt động kể từ khi được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập doanh nghiệp và cấp đăng ký kinh doanh từ 05 năm trở lên.

- Có doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; thực hiện tốt các chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động.

- Thực hiện tốt công tác trật tự an ninh, an toàn xã hội, tham gia đầy đủ các phong trào do địa phương nơi doanh nghiệp đóng trên địa bàn phát động.

Điều 5. Hồ sơ, thủ tục đăng ký tổ chức phạm vi toàn quốc

1. Hồ sơ, thủ tục đăng ký tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng phạm vi toàn quốc gồm có:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương: tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (02 bản).

b) Đề án tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp của Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (02 bản). Nội dung của Đề án thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg và thực hiện các nội dung cụ thể sau:

- Nội dung và tên của danh hiệu, giải thưởng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tổ chức giải được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg.

- Nội dung và tên danh hiệu, giải thưởng không trùng với các danh hiệu, giải thưởng khác đã được phê duyệt.

- Quy chế xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng của các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quy định cụ thể về đối tượng tham dự, ngành nghề tham dự, nội dung hệ thống các tiêu chí và phải phù hợp với tên gọi của danh hiệu, giải thưởng.

- Quy định cụ thể về số lượng, cơ cấu, thành phần của Ban Tổ chức và Hội đồng xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức (quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg) quyết định thành lập Hội đồng và Ban Tổ chức.

- Quy định cụ thể về số lượng, cơ cấu giải thưởng, danh hiệu.

- Phương án tài chính nêu rõ: Nguồn thu, nguyên tắc thu, nguyên tắc chi, nội dung chi; trách nhiệm quản lý tài chính và tổ chức thực hiện.

- Cam kết của đơn vị tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và giải thưởng về việc không thu kinh phí của các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia bình chọn danh hiệu, giải thưởng dưới bất cứ hình thức nào.

- Ghi rõ thời gian, địa điểm tổ chức.

2. Tuyến trình:

a) Hồ sơ đăng ký xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng của Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương;

b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tính theo dấu bưu điện) Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho phép hoặc không cho phép cơ quan, đơn vị đăng ký tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng.

Điều 6. Hồ sơ, thủ tục tổ chức phạm vi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Hồ sơ đề nghị tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm có:

a) Văn bản đề nghị của Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng.

b) Đề án tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp (02 bản). Nội dung của đề án thực hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg và thực hiện các nội dung sau:

- Nội dung và tên của danh hiệu, giải thưởng không trùng với các danh hiệu, giải thưởng khác đã được phê duyệt;

- Quy chế xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng phải bảo đảm quy định cụ thể về hệ thống các tiêu chí. Nội dung và tính chất của các tiêu chí phải phù hợp với danh hiệu, giải thưởng đã quy định.

- Quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần của Ban Tổ chức và Hội đồng xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng.

- Quy định cụ thể về số lượng, cơ cấu giải thưởng, danh hiệu.

- Phương án tài chính nêu rõ: Nguồn thu, nguyên tắc thu, nguyên tắc chi, nội dung chi; trách nhiệm quản lý tài chính và tổ chức thực hiện.

- Ghi rõ thời gian, địa điểm tổ chức.

2. Tuyến trình:

a) Hồ sơ đề nghị tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng của Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua Sở Nội vụ.

b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (tính theo dấu bưu điện), Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định tổ chức và chịu trách nhiệm về việc tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp.

4. Quyết định tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương 01 bản để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 7. Tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng

1. Tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng thực hiện theo quy định tại Điều 13 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg.

2. Việc mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự lễ tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg. Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất danh sách mời với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trước khi tổ chức giải cấp toàn quốc.

Điều 8. Xử lý vi phạm

1. Cơ quan, đơn vị vi phạm Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg và Khoản 1, Khoản 3 Điều 3 của Thông tư này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Các hình thức xử lý vi phạm

Tùy theo mức độ vi phạm của cơ quan, đơn vị tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng, để xử lý theo hình thức:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền và thu hồi các khoản kinh phí mà đơn vị tổ chức đã huy động của doanh nhân, doanh nghiệp;

- Hủy kết quả xét danh hiệu, giải thưởng và thực hiện các quy định khác của pháp luật.

3. Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) thực hiện việc xử lý vi phạm.

Điều 9. Quản lý nhà nước về xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng

1. Quản lý nhà nước về xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg.

2. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, hàng năm các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch tổ chức danh hiệu, giải thưởng của cấp mình (nếu có). Căn cứ kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) có trách nhiệm rà soát, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các quy định của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phản ánh về Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) để nghiên cứu, bổ sung, cho phù hợp.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP Ban Chỉ đạo  TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước;
- ĐHQG Hà Nội, ĐHQG thành phố HCM;
- Bộ Nội vụ: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, Cổng TTĐT, Công báo, các đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, Ban TĐKTTW.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Thị Hà

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 01/2012/TT-BNV

Loại văn bản Thông tư
Số hiệu 01/2012/TT-BNV
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 16/01/2012
Ngày hiệu lực 01/03/2012
Ngày công báo 29/01/2012
Số công báo Từ số 137 đến số 138
Lĩnh vực Doanh nghiệp, Văn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 13 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 01/2012/TT-BNV

Lược đồ Thông tư 01/2012/TT-BNV hướng dẫn Quyết định 51/2010/QĐ-TTg


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Thông tư 01/2012/TT-BNV hướng dẫn Quyết định 51/2010/QĐ-TTg
Loại văn bản Thông tư
Số hiệu 01/2012/TT-BNV
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Trần Thị Hà
Ngày ban hành 16/01/2012
Ngày hiệu lực 01/03/2012
Ngày công báo 29/01/2012
Số công báo Từ số 137 đến số 138
Lĩnh vực Doanh nghiệp, Văn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 13 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản được dẫn chiếu

Văn bản hướng dẫn

Văn bản được hợp nhất

Văn bản gốc Thông tư 01/2012/TT-BNV hướng dẫn Quyết định 51/2010/QĐ-TTg

Lịch sử hiệu lực Thông tư 01/2012/TT-BNV hướng dẫn Quyết định 51/2010/QĐ-TTg

  • 16/01/2012

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 29/01/2012

    Văn bản được đăng công báo

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 01/03/2012

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực