Nội dung toàn văn Thông tư 02/2006/TT-BLĐTBXH chế độ người nhiễm HIV/AIDS người trực tiếp quản lý, đều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS hướng dẫn 313/2005/QĐ-TTg
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2006/TT-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2006 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 313/2005/QĐ-TTG NGÀY 02 THÁNG 12 NĂM 2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS VÀ NHỮNG NGƯỜI TRỰC TIẾP QUẢN LÝ, ĐIỀU TRỊ, CHĂM SÓC NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS TRONG CÁC CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI CỦA NHÀ NƯỚC
Căn cứ Quyết định số 313/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người nhiễm HIV/AIDS và những người trực tiếp quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Quyết định này như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp và phụ cấp quy định tại Điều 1 Quyết định số 313/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi chung là Quyết định số 313/2005/QĐ-TTg) bao gồm:
1- Người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập, không nơi nương tựa, tự nguyện vào sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước. Người hiện đang sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước phát hiện bị nhiễm HIV/AIDS.
2- Trẻ em nhiễm HIV/AIDS đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.
3- Người nhiễm HIV/AIDS sống tại cộng đồng, do xã, phường quản lý, không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập, thuộc hộ gia đình nghèo theo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010.
4- Cán bộ viên chức làm việc trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS bị phơi nhiễm HIV hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
5- Cán bộ, viên chức y tế làm các công việc trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.
II- CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP VÀ PHỤ CẤP
1- Trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước thấp nhất là 140.000 đồng/người/tháng và các khoản trợ cấp, hỗ trợ theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 2 của Quyết định 313/2005/QĐ-TTg
2- Trợ cấp sinh hoạt phí đối với trẻ em đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước thấp nhất bằng 210.000 đồng/trẻ em/tháng và các khoản trợ cấp, hỗ trợ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 2 của Quyết định 313/2005/QĐ-TTg
3- Trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên đối với đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS do xã, phường, thị trấn quản lý thấp nhất là 65.000 đồng/người/tháng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể điều chỉnh các mức trợ cấp quy định tại điểm 1, 2, 3 nêu trên nhưng không được thấp hơn mức quy định tại Thông tư này.
4- Cách tính phụ cấp đối với các đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 1 của Quyết định 313/2005/QĐ-TTg như sau:
Mức phụ cấp | = | Mức lương tối thiểu chung | x | Hệ số lương ngạch, bậc hiện hưởng + Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % phụ cấp thâm niên vượt khung tính theo lương tối thiểu (nếu có) | x | 50% |
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A, trưởng phòng Cơ sở xã hội B có hệ số lương 4,98 bậc 9 ngạch viên chức loại A1 (theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ), hưởng 8% phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,30. Mức phụ cấp tính cho 1 tháng của Ông A như sau:
Mức phụ cấp = 350.000 x [4,98 + 0,30 + (4,98 x 8%) x 50% = 993.720 đ
+ Phụ cấp này được tính và chi trả cùng với tiền lương hàng tháng.
+ Phụ cấp này không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
+ Khoản phụ cấp này chỉ được hưởng khi đang làm các công việc trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước và không được tính hưởng phụ cấp trong thời gian sau:
- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4, Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS liên tục từ 3 tháng trở lên.
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên.
- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định tại Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành cua Nhà nước.
- Thời gian bị đình chỉ công tác hoặc đình chỉ làm chuyên môn y tế.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Những đối tượng quy định tại các điểm 1, 2, 3 mục I của Thông tư này phải có văn bản phải có văn bản kết luận nhiễm HIV của cơ quan y tế có thẩm quyền (quy định tại Quyết định số 3052/2000/QĐ-BYT ngày 29 tháng 8 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tiêu chuẩn phòng xét nghiệm được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính).
Riêng đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập, không nơi nương tựa, tự nguyện vào sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước thì bản thân hoặc người thân thích làm đơn tự nguyện vào sống trong cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.
Quy trình xét duyệt hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên đối với đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng do xã phường quản lý và tiếp nhận vào các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước thực hiện theo Thông tư số 18/2000/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 7 năm 2000 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội và Thông tư số 16/2004/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2004 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 168/2004/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 07/2000/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội.
2- Cán bộ, viên chức làm việc trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, điều chỉnh, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS bị phơi nhiễm HIV hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp quy định tại điểm 4 mục I Thông tư này làm đơn đề nghị hưởng chế độ đối với người bị phơi nhiễm với HIV hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp gửi Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội.
Điều kiện xác định và hồ sơ, thủ tục thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm HIV hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thực hiện theo mục II và III của Thông tư số 09/2005/TT-BYT ngày 28 tháng 3 năm 2005 về hướng dẫn điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
3- Hàng năm Giám đốc các cơ sở bảo trợ xã hội lập danh sách cán bộ, viên chức làm các công việc được quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 1 của Quyết định nêu trên trình cơ quan quản lý trực tiếp duyệt thực hiện về chế độ trợ cấp và phụ cấp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 2 của Quyết định số 313/2005/QĐ-TTg
IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1- Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2- Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ảnh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Phụ lục 1:
MẪU BIÊN BẢN TAI NẠN RỦI RO NGHỀ NGHIỆP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
BIÊN BẢN TAI NẠN RỦI RO NGHỀ NGHIỆP
1- Họ và tên ……………………… Tuổi………………… Giới tính................................................
2- Nghề nghiệp..................................................................................................................................
3- Nơi công tác..................................................................................................................................
4- Hoàn cảnh xảy ra tai nạn: (Tường trình chi tiết)
5- Thông tin về vết thương, tình trạng phơi nhiễm:
6- Thông tin về nguồn lây nhiễm:
7- Đã xử lý như thế nào:
8- Tình trạng sức khỏe của người bị tai nạn:
Người bị tai nạn | Người chứng kiến | Thủ trưởng đơn vị (Ký tên, đóng dấu) |
Phụ lục 2 :
MẪU 1
GIẤY CHỨNG NHẬN BỊ PHƠI NHIỄM VỚI HIV DO TAI NẠN RỦI RO NGHỀ NGHIỆP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
GIẤY CHỨNG NHẬN BỊ PHƠI NHIỄM VỚI HIV DO TAI NẠN RỦI RO NGHỀ NGHIỆP
Bộ Y tế/Sở Y tế tỉnh…… chứng nhận:
Ông/Bà: …………………………………………………Tuổi .........................................................
Nghề nghiệp:......................................................................................................................................
Nơi công tác:......................................................................................................................................
bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
………, ngày …… tháng …… năm …………
CỤC TRƯỞNG CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG VÀ PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
hoặc
GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ
(Ký tên, đóng dấu)
MẪU 2
GIẤY CHỨNG NHẬN BỊ NHIỄM HIV DO TAI NẠN RỦI RO NGHỀ NGHIỆP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
GIẤY CHỨNG NHẬN BỊ NHIỄM HIV DO TAI NẠN RỦI RO NGHỀ NGHIỆP
Bộ Y tế/Sở Y tế tỉnh…… chứng nhận:
Ông/Bà: …………………………………………………Tuổi .........................................................
Nghề nghiệp:......................................................................................................................................
Nơi công tác:......................................................................................................................................
bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
………, ngày …… tháng …… năm …………
CỤC TRƯỞNG CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG VÀ PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
hoặc
GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ
(Ký tên, đóng dấu)