Thông tư 03-TC-NN

Thông tư 03-TC-NN-1964 hướng dẫn thi hành Thông tư 120-TTg-1963 về chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp trong ba năm 1963, 1964, 1965 do Bộ Tài chính ban hành

Nội dung toàn văn Thông tư 03-TC-NN hướng dẫn Thông tư 120-TTg chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp trong ba năm 1963, 1964, 1965


BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03-TC-NN

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 1964

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ 120-TTG NGÀY 30-12-1963 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHỦ TRƯƠNG ỔN ĐỊNH NGHĨA VỤ THUẾ NÔNG NGHIỆP TRONG BA NĂM 1963, 1964, 1965

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Thông tư số 120-TTg ngày 30 tháng 12 năm 1963 về chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp trong 3 năm 1963, 1964, 1965.

Dưới đây, Bộ Tài chính giải thích cụ thể một số điểm trong thông tư nói trên và hướng dẫn một số biện pháp thi hành.

I. Ý NGHĨA CHỦ TRƯƠNG ỔN ĐỊNH NGHĨA VỤ THUẾ NÔNG NGHIỆP

Chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp cùng với chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực trong kế hoạch năm năm lần thứ nhất, được đề ra trước hết là xuất phát từ lợi ích của nông dân, của sản xuất nông nghiệp, của việc củng cố hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời bảo đảm nhu cầu của Nhà nước về tài chính và lương thực.

Mấy năm trước đây, sản xuất tăng, đời sống nông dân tăng, nhưng thuế nông nghiệp không tăng. Vài năm trước mắt, sản xuất có điều kiện phát triển hơn, đời sống nông dân có điều kiện tăng hơn, nhưng với chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp này, thuế cũng vẫn không tăng, trong khi Nhà nước phải tập trung vốn để bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Điều đó thể hiện sự chiếu cố thích đáng của Nhà nước đối với nông dân.

Chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp cùng với chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực sẽ làm cho nông dân yên tâm phấn khởi sản xuất, cố gắng tăng thêm diện tích, cố gắng tăng năng suất và sản lượng lương thực, trên cơ sở đó mà có điều kiện cải thiện thêm đời sống của mình và góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và cải thiện đời sống của toàn dân.

II. NỘI DUNG CỤ THỂ

1. Tiếp tục dùng sản lượng ruộng đất đã định năm 1958 để tính thuế cho đến hết năm 1965:

Sản lượng tính thuế hiện nay là sản lượng thường niên đã được tuyên bố ổn định từ năm 1958.

Mấy năm qua, thu hoạch thực tế của các hợp tác xã và nông hộ cá thể đã vượt xa mức sản lượng ổn định năm 1958.

Theo quy định, thì đáng lẽ năm 1961, cần phải điều chỉnh lại sản lượng cho sát với thực tế. Nhưng với chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp này thì từ nay đến hết năm 1965, vẫn giữ nguyên sản lượng đã ổn định trong năm 1958 để tính thuế. Đối với những trường hợp ruộng đất trước đây cùng hạng sản lượng với nhau, nhưng nay do điều kiện tăng năng suất không giống nhau hoặc chuyển hướng trồng trọt, nên thu hoạch thực tế có chênh lệch nhau, cũng không đặt vấn đề điều chỉnh lại sản lượng thường niên tính thuế.

Từ nay đến hết năm 1965, chỉ định sản lượng lại đối với các loại ruộng đất tăng vụ do có công trình thuỷ lợi, đã hết hạn miễn thuế. Ở miền núi, các loại ruộng đất tăng vụ vẫn được miễn thuế theo như quy định trong mười chính sách khuyến khích sản xuất ở miền núi.

2. Tiếp tục tính thuế theo thuế suất năm 1961 của các hợp tác xã và các nông hộ cá thể cho đến hết năm 1965:

Từ nay đến hết năm 1965, mặc dù hàng năm, các hợp tác xã cũng như các nông hộ cá thể có sự chuyển dịch, thêm bớt ruộng đất hoặc tăng giảm nhân khẩu, đều không thay đổi thuế suất. Do đó, đối với những hợp tác xã hoặc nông hộ cá thể hàng năm không có thay đổi gì về diện tích, sản lượng tính thuế thì không phải tính thuế lại. Nếu có tăng, giảm diện tích, sản lượng sẽ căn cứ vào thuế suất đã ổn định mà tính lại thuế.

Cách áp dụng thuế suất có mấy trường hợp cụ thể như sau:

a) Đối với những hợp tác xã có thêm hộ mới vào thì cộng số sản lượng tính thuế của các nông hộ mới gia nhập vào tổng sản lượng tính thuế của hợp tác xã, rồi căn cứ vào thuế suất bình quân đã ổn định của hợp tác xã mà tính thành thuế.

b) Đối với những nông hộ xã viên xin ra làm ăn riêng lẻ, thì nói chung là tính thuế làm theo thuế suất của họ trước khi vào hợp tác xã, mặc dù có thay đổi ruộng đất. Riêng những nông hộ mà thuế suất trước đây thấp hơn thuế suất bình quân của hợp tác xã hoặc chưa đến khởi điểm chịu thuế, thì nay phải chịu thuế theo suất bình quân của hợp tác xã.

Sở dĩ có chủ trương khác nhau đối với người vào và người ra hợp tác xã như vậy là để thể hiện chính sách ưu đãi hợp tác xã, khuyến khích lối làm ăn tập thể.

c) Đối với những hợp tác xã phân chia thành nhiều hợp tác xã nhỏ thì lấy thuế suất bình quân của hợp tác xã lớn mà tính thuế cho các hợp tác xã nhỏ. Đặc biệt đối với trường hợp sau khi nhận phân chia, kinh tế của các hợp tác xã nhỏ chênh lệch nhau nhiều, áp dụng thống nhất một thuế suất của hợp tác xã lớn trước đây không hợp lý, thì Ủy ban hành chính huyện có thể cho phép tính lại thuế suất cho từng hợp tác xã nhỏ, nhưng phải đảm bảo không sụt mức thuế chung của hợp tác xã trước khi chia nhỏ. Cách tính thuế suất là lấy số thuế ghi thu chia cho tổng sản lượng của năm 1961.

d) Đối với những hợp tác xã mới hợp nhất thì lấy sản lượng, diện tích và thuế ghi thu của các hợp tác xã nhỏ cộng lại thành diện tích, sản lượng và thuế ghi thu của hợp tác xã lớn. Căn cứ vào tổng số thuế ghi thu và tổng sản lượng tính thuế của hợp tác xã mới, mà tính ra thuế suất để áp dụng từ nay về sau (thuế ghi thu chia cho tổng sản lượng tính thuế).

e) Đối với nông hộ cá thể cũng vậy, nói chung, không tính lại thuế suất trong thời gian ổn định. Nếu có những nông hộ trước đây sống chính bằng nghề khác nay mới chuyển sang sản xuất nông nghiệp, thì lấy thuế suất của hợp tác xã gần nhất (nơi cư trú) để tính thuế, chứ không tính toán thuế suất cho nông hộ theo biểu thuế luỹ tiến như trước. Tại những vùng áp dụng điều lệ thuế nông nghiệp miền núi, thì không căn cứ vào thuế suất sau khi đã trừ miễn trưng của hợp tác xã, mà căn cứ vào tỷ lệ số thuế ghi thu so với tổng sản lượng thường niên (chưa trừ miễn trưng) của hợp tác xã gần nhất để tính thuế cho những nông hộ mới thành lập. Nếu có sự phân chia hộ trong một gia đình, thì lấy thuế suất của hộ gốc để tính thuế cho các hộ mới thành lập.

3. Về diện tích thuế:

Thi hành điểm 3 Thông tư 120-TTg nói trên, và theo điểm 4 điều lệ thuế nông nghiệp sau cải cách ruộng đất, thì chỉ những trường hợp sau đây mới được miễn thuế.

- Ruộng đất chưa khai khẩn, ruộng đất bỏ hoang có lý do chính đáng; vườn ươm giống, trại thí nghiệm về nông nghiệp và lâm nghiệp của Nhà nước, bãi cát, đồi trọc trồng cây gây rừng để ngăn gió, ngăn nước v.v… Riêng đối với ruộng đất dùng để gieo mạ, đào giếng, đào mương để chống hạn (tiểu thuỷ nông) làm gạch, làm ngói, làm đồ gốm, đúc khuôn, sân thể dục thể thao v.v… thì những diện tích đã được miễn thuế từ năm 1963 trở về trước sẽ được tiếp tục miễn thuế đến năm 1965.

Như vậy, những diện tích được miễn thuế không đúng chính sách trước đây phải được đưa vào diện tích tính thuế. Ví dụ: nếu là ruộng đất chuyên để gieo mạ thường xuyên không trồng cấy thì được miễn thuế, nhưng nay xác định lại ruộng đất này thực sự có cấy trồng được thì không thuộc diện tích miễn thuế hoặc là ruộng đất gieo mạ định miễn thuế hai vụ, nhưng có cấy trồng được một vụ thì chỉ miễn thuế một vụ.

- Ruộng đất đào giếng, mương phai, đầm hồ hết sử dụng, bị đất bồi lấp đã cấy trồng lại… thì phần diện tích cấy trồng lại được phải đưa vào tính thuế.

Số diện tích này phải được xác định cụ thể để từ nay đến hết 1965, dù hợp tác xã hay nông dân gắng sức cấy trồng lại để sử dụng hợp lý ruộng đất đó, hoa lợi có tăng hơn, hoặc hợp tác xã hay nông dân thay đổi phương hướng sử dụng, mở rộng thêm diện tích dùng vào việc chuyển hướng sử dụng đó thì Nhà nước vẫn không tăng hoặc không giảm diện tích tính thuế. Quy định như vậy là nhằm khuyến khích hợp tác xã và nông dân sử dụng ruộng đất của mình một cách hợp lý và có lợi nhất.

Trong việc miễn thuế, cần lưu ý:

1. Ruộng đất khai hoang, phục hồi hoang hoá và tăng vụ thành tập quán, đã đến hạn chịu thuế, thì vẫn áp dụng những quy định đang thi hành từ trước tới nay, nghĩa là miền núi vẫn áp dụng Nghị định số 410-TTg ngày 06-09-1957 về mười chính sách khuyến khích sản xuất; ở miền xuôi thì tiếp tục tính thuế như từ trước tới nay.

2. Ruộng đất do Nhà nước lấy để làm các công trình kiến thiết chung của Nhà nước hay để làm những công trình trung, đại thuỷ nông, hoặc hợp tác xã lấy dùng làm sân phơi, nhà kho, thì được miễn thuế trên diện tích thực sự xây dựng cơ bản không còn trồng trọt được và phải được cơ quan sử dụng chứng thực số diện tích đã bị sử dụng. Trường hợp cơ quan hay đơn vị nào sử dụng ít mà chiếm ruộng đất nhiều, hoặc choán đất mà chưa xây dựng trong phạm vi thời hạn ấn định làm ảnh hưởng không tốt đến sản xuất, thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm nộp phần thuế trên diện tích đã sử dụng sai trái đó. Còn diện tích do hợp tác xã làm sân phơi, nhà kho, phải được Ủy ban hành chính xã xác nhận thực và có ghi vào kế hoạch xây dựng cơ bản của hợp tác xã.

4. Ổn định mức thuế nông nghiệp phải nộp bằng lương thực:

Về việc ổn định mức thuế nông nghiệp phải nộp bằng lương thực, cần phân biệt như sau:

- Đối với những hợp tác xã và nông hộ cá thể trồng cây lương thực là chủ yếu thì nộp thuế nông nghiệp hoàn toàn bằng lương thực. Số thuế nông nghiệp phải nộp bằng lương thực sẽ được tuyên bố ổn định theo số lượng tuyệt đối, dựa vào số thuế ghi thu năm 1963, sau khi trừ phần thuế trích lại để cho quỹ hợp tác xã (hợp tác xã cấp thấp: miên xuôi 3%, miền núi 4%; hợp tác xã cấp cao: miền xuôi 5%, miền núi 6%). Đối với nông hộ cá thể, thì số thuế nông nghiệp phải nộp bằng lương thực được ổn định là toàn bộ số thuế ghi thu năm 1963.

- Đối với những hợp tác xã và nông hộ cá thể vừa trồng cây lương thực, vừa trồng cây công nghiệp, rau, hoa…những năm qua vẫn nộp thuế nông nghiệp bằng lương thực, thì mức ổn định giao căn cứ vào số thuế đã nộp bằng lương thực trong mấy năm gần đây, nhất là năm 1962. Trường hợp năm 1962, mức thuế nông nghiệp nộp bằng lương thực giao chưa sát thì phải điều chỉnh lại cho hợp lý.

- Đối với những hợp tác xã và nông hộ cá thể trồng cây công nghiệp, rau, hoa… là chủ yếu, thu hoạch về lương thực quá ít, hàng năm Nhà nước vẫn phải phân phối lương thực thêm theo kế hoạch, thì không phải nộp thuế nông nghiệp bằng lương thực, mà có thể nộp thuế nông nghiệp bằng nông sản mà Nhà nước có thu mua, và một phần bằng tiền.

Sau khi mức thuế nông nghiệp nộp bằng lương thực được tuyên bố ổn định, thì chỉ trong trường hợp những hợp tác xã nông nghiệp, những hộ nông dân cá thể mà tình hình sản xuất lương thực có thay đổi lớn hoặc bị mất mùa nặng được miễn giảm thuế nông nghiệp, mới xét cụ thể và điều chỉnh mức nghĩa vụ nộp bằng lương thực cho sát với tình hình thực tế. Trường hợp do khai hoang, phục hồi, tăng vụ đến hạn chịu thuế, hay phát hiện man khai diện tích v.v… thuế có tăng, thì nguyên tắc là căn cứ vào lúc ổn định mức thuế nông nghiệp, các hợp tác xã hoặc nông hộ thuộc diện nộp thuế theo cách nào thì nay vẫn nộp thuế theo cách ấy; thí dụ: hợp tác xã A thuộc diện sản xuất lương thực là chủ yếu, nay phải nộp thêm 50kg thuế về năm sào đất trồng màu mới phục hồi đến hạn chịu thuế, thì 50kg thuế mới thêm này phải nộp hoàn toàn bằng lương thực.

Mức thuế nông nghiệp nộp bằng lương thực ổn định theo lượng tuyệt đối, và chung cho cả năm. Các Ủy ban hành chính sẽ tuỳ theo tỷ lệ mùa màng của từng địa phương, từng hợp tác xã, và nông hộ, mà phân phối hợp lý mức phải nộp trong vụ chiêm và vụ mùa.

III. VỀ CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để thực hiện tốt chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp, Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh cần chú trọng những điểm sau đây:

1. Cần coi trọng đặc biệt việc giáo dục cho cán bộ và nhân dân, trước hết là cán bộ xã, Ban quản trị hợp tác xã, xã viên hợp tác xã thấm nhuần chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp, quán triệt cả hai mặt yêu cầu của nông dân và của Nhà nước, nhận rõ sự quan tâm chiếu cố của Đảng và Nhà nước đối với nông dân, đồng thời nhận rõ đầy đủ nghĩa vụ đóng góp của nông dân đối với Nhà nước. Cần gắn liền chủ trương ổn định nghịa vụ thuế nông nghiệp với chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực, với cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nêu rõ sự nhất trí giữa lợi ích (trước mắt và lâu dài) của Nhà nước và lợi ích của hợp tác xã và nông dân, động viên mọi người phấn khởi đẩy mạnh sản xuất vì đời sống của mình, của toàn dân và vì yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Cần bàn bạc cặn kẽ, có tình có lý, thuyết phục cán bộ và xã viên hết sức tránh hiện tượng dấu diện tích để hạ thấp mức nghĩa vụ nộp thuế nông nghiệp.

Trong các cấp lãnh đạo và các ngành có liên quan, nhất là ngành tài chính, cần đề phòng tư tưởng cho rằng ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp là việc làm đơn giản, không thấy hết các khó khăn và phức tạp của vấn đề, không thấy đúng mức tình trạng khai man diện tích tính thuế ở nhiều nơi từ trước đến nay đã làm cho việc đóng góp không được công bằng, hợp lý và đã gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, do đó mà thiếu quyết tâm trong việc phát hiện và sửa chữa sai sót trước đây để làm cơ sở đúng đắn cho việc ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp này.

2. Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh cần lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp, có kế hoạch kết hợp chu đáo với những công tác quan trọng ở nông thôn hiện nay: sản xuất vụ đông xuân, tiến hành thu mua lương thực, và các loại nông sản khác v.v… nhất là cần kết hợp với cuộc vận động đẩy mạnh sản xuất, cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật. Cần chú ý thông qua việc ổn định nghĩa vụ nộp thuế này mà củng cố thêm một bước tài vụ của các hợp tác xã. Sự chỉ đạo phải thật cụ thể, tích cực, nghiêm chỉnh, kịp thời. Cần hết sức coi trọng việc kiểm tra, giúp đỡ xã, hợp tác xã để kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt, phổ biến kinh nghiệm, uốn nắn lệch lạc. Mặt khác, cần thường xuyên báo cáo thỉnh thị để giúp Bộ nắm vững tình hình và chỉ đạo kịp thời công tác ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp này.

Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh cần vận dụng các tổ chức chính quyền, các đoàn thể nhân dân, cùng với Ủy ban hành chính huyện, tập trung lực lượng cán bộ cần thiết xuống tận cơ sở để bàn bạc với Ủy ban hành chính và cán bộ xã, các hợp tác xã và nông dân, giúp cho nông dân thông suốt chính sách, chủ trương, chỉ đạo công tác này cho chặt chẽ và sát đúng với tình hình cụ thể của từng nơi.

Ở mỗi tỉnh, cần tổ chức làm thí điểm trước một xã để rút kinh nghiệm, và vạch kế hoạch cụ thể tiến hành ở địa phương. Mặt khác, trong khi thực hiện toàn diện, cần chú ý tổ chức chỉ đạo trọng điểm để rút kinh nghiệm cho lãnh đạo chung, đồng thời quan tâm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra cho chặt chẽ.

3. Việc lập sổ thuế nông nghiệp năm 1963 rất quan trọng, vì đó là chỗ dựa để tiến hành thu thuế nông nghiệp trong các năm 1964, 1965. Làm tốt việc này thì khối lượng công tác thuế nông nghiệp ở nông thôn trong các năm 1964, 1965 giảm được nhiều, chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp, ổn định nghĩa vụ lương thực sẽ càng phát huy tác dụng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

Khâu quan trọng nhất trong toàn bộ công tác lập sổ thuế, ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp, là việc xác định đúng đắn diện tích thuế. Do đó, cần tập trung lãnh đạo, tập trung cán bộ ở khâu này.

Việc lập sổ thuế nông nghiệp năm 1963 theo các quy định trong thông tư của Thủ tướng Chính phủ, phải làm xong về căn bản trước Tết âm lịch; nếu nơi nào đã lập xong sổ thuế năm 1963, chưa theo đúng thông tư nói trên, thì phải thẩm tra và chỉnh lý lại. Song song với việc hoàn thành việc thu và thanh toán thuế nông nghiệp vụ đông năm 1963, các nơi cần thống kê nắm vững số thuế năm 1963, nắm vững tình hình từng hợp tác xã, nơi nào làm tốt, nơi nào chưa tốt, nơi nào có man khai hoặc sai sót về diện tích, nhiều hay ít, để có sự chỉ đạo trong việc kiểm tra diện tích tính thuế sắp được tốt. Mặt khác, cần nắm vững số hợp tác xã nộp thuế nông nghiệp hoàn toàn bằng lương thực, số hợp tác nộp một phần lương thực,một phần bằng tiền, và số hợp tác xã hoàn toàn nộp bằng tiền, để chuẩn bị cho việc tuyên bố ổn định sắp tới.

4. Cách tiến hành có thể chia làm mấy bước như sau:

Bước thứ nhất: Tổ chức phổ biến chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp nhằm làm cho cán bộ lãnh đạo các cấp cũng như Ban quản trị hợp tác xã, xã viên và nông dân, thông suốt ý nghĩa và tầm quan trọng của chủ trương này, và động viên hợp tác xã và nông dân tích cực kê khai đúng diện tích tính thuế và giúp đỡ cán bộ trong việc kiểm tra, lập sổ thuế được kết quả tốt, để làm cơ sở đảm bảo cho việc động viên đóng góp được công bằng, hợp lý.

Bước thứ hai: Xác định thuế suất, sản lượng tính thuế cho từng hợp tác xã và nông hộ cá thể, đi đôi với việc kiểm tra diện tích tính thuế.

- Xác định thuế suất là nhằm kiểm tra lại việc tính thuế suất của hợp tác xã và nông hộ cá thể trong năm 1963 xem có đúng với thuế suất đã tính thuế năm 1961 không và có đúng với những quy định trong thông tư hướng dẫn này của Bộ không. Nếu thấy thuế suất tính thuế hiện nay không đảm bảo thuế suất năm 1961 và năm 1962 thì phải kiên quyết sửa lại cho đúng, không làm qua loa đại khái. Trong việc tính thuế suất, cần tính đến một số lẻ.

- Xác định sản lượng tính thuế, chủ yếu là soát lại sản lượng bình quân một éc-ta tính thuế hiện nay xem có đúng sản lượng bình quân một éc-ta đã tuyên bố ổn định năm 1958 hay không. Nếu có sự chênh lệch, phải nghiên cứu kỹ, tìm nguyên nhân. Trường hợp sụt sản lượng tính thuế không có lý do chính đáng, phải kiên quyết sửa lại.

- Về kiểm tra diện tích tính thuế phải làm hai việc:

a) Kiểm tra diện tích tính thuế, phát hiện và sửa lại các trường hợp man khai diện tích, hoặc bỏ sót diện tích tính thuế như: ruộng đất xâm, phụ canh, phục hồi hoang hoá, tăng vụ thành tập quán đã đến hạn chịu thuế. Những nơi đã đo đạc xong phải tính thuế theo diện tích mới.

b) Xác định và công bố rõ ràng số diện tích được miễn thuế từ năm 1963 về trước theo điều 4 của điều lệ thuế nông nghiệp sau cải cách ruộng đất. Các trường hợp miễn thuế sai phải sửa lại.

Bước thứ ba: Sau khi kiểm tra diện tích, xác định thuế suất và sản lượng tính thuế xong, Ủy ban hành chính tỉnh ra quyết định công bố cho từng hợp tác xã hoặc nông dân cá thể: thuế suất và sản lượng tính thuế bình quân một éc-ta được ổn định từ nay đến năm 1965 và ghi rõ số diện tích ruộng đất gieo mạ, đào giếng, đào mương hai v.v… được tiếp tục miễn thuế từ nay đến năm 1965.

Trên cơ sở thuế suất, sản lượng tính thuế được xác định và diện tích tính thuế đã kiểm tra xong, tiến hành lập sổ thuế năm 1964, và điều chỉnh lại mức thuế bằng lương thực, nếu có sự thay đổi.

5. Thời gian tiến hành ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp:

Sau khi Bộ phổ biến thông tư hướng dẫn này, các tỉnh tổ chức ngay việc làm thí điểm và bố trí kế hoạch tiến hành phổ biến chủ trương ổn định này ở địa phương, đi đôi với việc đôn đốc hoàn thành công tác thu thuế nông nghiệp vụ đông năm 1963. Ở những nơi đã kết thúc thu thuế nông nghiệp vụ đông 1963, có thể tiến hành phổ biến chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp và tổ chức kiểm tra diện tích tính thuế và xác định thuế suất, sản lượng tính thuế, lập sổ thuế năm 1964. Chậm nhất là đến đầu tháng 5-1964, các địa phương phải hoàn thành công tác tuyên bố ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp, kể cả việc lập sổ thuế năm 1964, để kịp chuẩn bị tạm thu vụ hạ 1964.

Bộ mong Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh nghiên cứu kỹ thông tư này, và tổ chức thực hiện cho có kết quả tốt.

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
 


 

Nguyễn Thanh Sơn

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 03-TC-NN

Loại văn bảnThông tư
Số hiệu03-TC-NN
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành23/01/1964
Ngày hiệu lực07/04/1964
Ngày công báo06/05/1964
Số công báoSố 11
Lĩnh vựcThuế - Phí - Lệ Phí
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật15 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 03-TC-NN

Lược đồ Thông tư 03-TC-NN hướng dẫn Thông tư 120-TTg chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp trong ba năm 1963, 1964, 1965


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản đính chính

            Văn bản bị thay thế

              Văn bản hiện thời

              Thông tư 03-TC-NN hướng dẫn Thông tư 120-TTg chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp trong ba năm 1963, 1964, 1965
              Loại văn bảnThông tư
              Số hiệu03-TC-NN
              Cơ quan ban hànhBộ Tài chính
              Người kýNguyễn Thanh Sơn
              Ngày ban hành23/01/1964
              Ngày hiệu lực07/04/1964
              Ngày công báo06/05/1964
              Số công báoSố 11
              Lĩnh vựcThuế - Phí - Lệ Phí
              Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
              Cập nhật15 năm trước

              Văn bản thay thế

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Thông tư 03-TC-NN hướng dẫn Thông tư 120-TTg chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp trong ba năm 1963, 1964, 1965

                          Lịch sử hiệu lực Thông tư 03-TC-NN hướng dẫn Thông tư 120-TTg chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp trong ba năm 1963, 1964, 1965

                          • 23/01/1964

                            Văn bản được ban hành

                            Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                          • 06/05/1964

                            Văn bản được đăng công báo

                            Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                          • 07/04/1964

                            Văn bản có hiệu lực

                            Trạng thái: Có hiệu lực