Nội dung toàn văn Thông tư 05-LB cải tiến tổ chức bưu điện xã chế độ đãi ngộ trưởng trạm bưu tá viên xã
BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 05-LB | Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 1962 |
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC CẢI TIẾN TỔ CHỨC BƯU ĐIỆN XÃ VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI TRƯỞNG TRẠM, BƯU TÁ VIÊN XÃ
Kính gửi: Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh, khu vực Vĩnh Linh.
Trong những năm gần đây, công tác bưu điện ở nông thôn nói chung có tiến bộ, việc chuyển phát công văn, thư từ, báo chí từ trung ương đến xã đã được kịp thời hơn trước. Trưởng trạm, giao thông viên xã đã có những cố gắng đáng kể trong việc phục vụ chỉ đạo sản xuất và phục vụ nhân dân.
Nhiều cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo tổ chức bưu điện xã và đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bưu điện xã hoạt động.
Tuy vậy, trước tình hình nông thôn đổi mới, chất lượng phục vụ của bưu điện xã đang còn thấp; việc chuyển, phát công văn, thư từ, báo chí còn hiện tượng mất mát, chậm trễ, một số nơi để xảy ra việc vi phạm đến quyền tự do thư tín của nhân dân; báo chí phát hành ở xã chưa được sâu rộng; thư ghi số, bưu kiện, thư chuyển tiền chưa thể chuyển giao thẳng về xã, nhân dân phải đến các ty, phòng bưu điện để nhận, gửi, mất nhiều thời giờ sản xuất.
Về mặt tổ chức, bưu điện xã hiện nay chưa thực sự ổn định, trưởng trạm, giao thông viên xã hoạt động thất thường, công việc thiếu người chuyên trách, nên việc theo dõi, kiểm soát về mặt nghiệp vụ không được chặt chẽ. Ngoài ra vấn đề đãi ngộ có chỗ chưa được thích hợp, nên trưởng trạm, giao thông viên xã chưa thực an tâm công tác.
Để khắc phục những nhược điểm trên đây và để đẩy mạnh hoạt động của ngành bưu điện tiến lên làm tròn nhiệm vụ của mình, và cũng để thay thế cho thông tư liên Bộ Giao thông Bưu điện - Nội vụ - số 04-TT/LB ngày 04-02-1958, Liên bộ quy định một số nguyên tắc chung về việc cải tiến tổ chức bưu điện xã và các chế độ như sau:
A. NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CẢI TIẾN TỔ CHỨC BƯU ĐIỆN XÃ.
I. Nhiệm vụ bưu điện xã:
Để đáp ứng cho yêu cầu của các cơ quan Nhà nước và của nhân dân trong xã trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nông thôn, nhiệm vụ của bưu điện xã được quy định như sau:
1. Ra sức xây dựng và củng cố mạng lưới thông tin liên lạc ở trong xã để thường xuyên và sẵn sàng phục vụ đắc lực cho các cơ quan và nhân dân trong xã.
2. Giữ vững thông tin liên lạc với phòng bưu điện huyện và các tổ chức ở trong xã trong mọi điều kiện.
3. Bảo đảm việc chuyển phát công văn, tài liệu, thư tín, báo chí, điện báo và các loại bưu phẩm khác đến tận các tổ chức và đến tận người nhận được nhanh chóng, chính xác và an toàn.
4. Phụ trách công tác phát hành báo chí ở trong xã.
5. Bảo vệ và hướng dẫn nhân dân giữ gìn đường dây điện thoại, điện báo đi qua xã; đôn đốc và kiểm tra việc bảo quản máy điện thoại đặt ở các tổ chức trong xã.
6. Đối với những công, nông, lâm trường, vv… và các tổ chức khai hoang trong địa phận xã mà phòng bưu điện huyện chưa đặt cơ sở bưu điện riêng, bưu điện xã có nhiệm vụ phục vụ như các tổ chức khác của xã.
II. Cải tiến tổ chức bưu điện xã:
Để bảo đảm hoàn thành tốt những nhiệm vụ mới đã được quy định ở trên, tổ chức bưu điện xã cần được cải tiến lại như sau:
1. Tổ chức trạm bưu điện:
- Mỗi xã có một trạm bưu điện. Trạm bưu điện xã là tổ chức chuyên môn của chính quyền xã đồng thời là đơn vị sản xuất cuối cùng của bưu điện, nằm trong hệ thống tổ chưc của ngành bưu điện, chịu sự lãnh đạo hai chiều: của Ủy ban hành chính xã và phòng bưu điện huyện, châu.
- Ở đồng bằng, trung du và vùng rẻo thấp có trưởng trạm phụ trách công việc chung. Vùng cao do văn phòng Ủy ban hành chính xã kiêm nhiệm, không có trưởng trạm, chỉ có bưu tá viên xã.
- Mọi công việc của bưu điện trong xã do trưởng trạm đảm nhiệm theo chế độ chuyên nghiệp, dành đại bộ phận thời giờ vào công việc của bưu điện nhưng không hoàn toàn thoát ly sản xuất. Hàng ngày trưởng trạm phải thường trực trong một số thời giờ nhất định để đón nhận chuyến thư ở huyện xuống; đóng mở túi thư; xử lý bưu phẩm; chia, chọn và vào sổ công văn, tài liệu, thư từ, báo chí; thống kê kế toán nghiệp vụ; điều khiển và kiểm điểm công việc làm của bưu tá viên. Làm xong các công việc trên, trưởng trạm làm nhiệm vụ chuyển phát đến các tổ chức và đến tận người nhận.
- Trường hợp đặc biệt ở những xã địa dư rộng, dân cư ở thưa thớt, khối lượng công việc nhiều, trưởng trạm không thể đảm nhiệm hết với mức phấn đấu của mình thì có thể tổ chức thêm bưu tá viên chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp tùy theo yêu cầu của mỗi xã. Việc tổ chức bưu tá viên do Ủy ban hành chính huyện quyết định, theo đề nghị của phòng bưu điện và Ủy ban hành chính xã.
- Công việc chuyển phát công văn, tài liệu trong các tổ chức xã, đều thống nhất tập trung vào một mối, do trạm bưu điện xã trực tiếp phục vụ, không nên tổ chức lực lượng nào khác.
Ngoài ra đối với những xã khối lượng công tác bưu điện phát triển nhiều, hình thức tổ chức trạm bưu điện xã nêu trên không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, thì Tổng cục Bưu điện sẽ trao đổi với Bộ Nội vụ để nghiên cứu quy định tổ chức ở những nơi đó cho thích hợp.
2. Tiêu chuẩn lựa chọn trưởng trạm, bưu tá viên:
- Trưởng trạm bưu điện và bưu tá viên phải là những người trung thành với cách mạng, có nhiệt tình với công tác, lý lịch trong sạch, tin cẩn, có tín nhiệm trong nhân dân.
- Trình độ văn hóa: Trưởng trạm ở đồng bằng trung du tối thiểu lớp ba, miền núi rẻo thấp tối thiểu phải đọc thông viết thạo. Bưu tá viên xã ở đồng bằng trung du, tối thiểu tương đương lớp ba, miền núi rẻo thấp tối thiểu phải đọc viết được. Riêng vùng cao tạm thời chưa bắt buộc phải đọc được viết được, tuy vậy cũng phải cố gắng chọn người có điều kiện học văn hóa để trong thời gian ngắn có thể đọc được, đảm bảo việc đi phát công văn, thư từ, báo chí được chính xác.
- Tuổi nói chung từ 18 tuổi trở lên, có sức khỏe đủ đảm bảo công tác.
3. Quản lý cán bộ trạm bưu điện xã:
- Trưởng trạm, bưu tá viên do Ủy ban hành chính huyện, châu quản lý. Ủy ban hành chính xã giúp Ủy ban hành chính huyện, châu quản lý về mặt tư tưởng, chính trị, văn hóa; phòng bưu điện giúp quản lý về mặt nghiệp vụ chuyên môn.
- Việc tuyển dụng trưởng trạm, bưu tá viên do Ủy ban hành chính xã chọn người, phòng bưu điện lập hồ sơ, đề nghị Ủy ban hành chính huyện, châu quyết định bổ nhiệm.
Trường hợp vì nhu cầu của xã, trưởng trạm, bưu tá viên phải thuyên chuyển sang công tác khác, hoặc vì điều kiện sức khỏe, phạm kỷ luật nặng phải cho thôi việc, thì Ủy ban hành chính xã bàn bạc với phòng bưu điện để đề nghị Ủy ban hành chính huyện, châu ra quyết định.
- Trưởng trạm, bưu tá viên ốm đau hoặc đi học các lớp ngắn hạn, thì Ủy ban hành chính xã tạm cử người thay thế để việc liên lạc khỏi bị gián đoạn. Nếu ốm đau lâu ngày hoặc được cử đi dự các lớp huấn luyện dài hạn thì tùy từng trường hợp cụ thể mà phòng bưu điện thảo luận với Ủy ban hành chính xã, đề nghị Ủy ban huyện, châu cử người khác, hoặc cử người tạm thay.
4. Lãnh đạo trạm bưu điện xã:
Để việc phối hợp lãnh đạo trạm bưu điện xã giữa chuyên môn và chính quyền xã được chặt chẽ, nay quy định rõ trách nhiệm như sau:
- Ủy ban hành chính xã lãnh đạo về phương diện chính trị, giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng học tập văn hóa, chính trị cho trưởng trạm, bưu tá viên; đôn đốc, theo dõi, lãnh đạo trạm bưu điện xã xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác chuyên môn; giúp đỡ phương tiện làm việc và chấp hành đầy đủ chế độ chung đã quy định cho trạm bưu điện xã.
- Ngành bưu điện hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra công việc của trạm bưu điện xã về việc thi hành chế độ, thể lệ chuyên môn; tổ chức thi đua, huấn luyện nghiệp vụ và cung cấp tài liệu chuyên môn, phương tiện, sổ sách, ấn phẩm khai thác nghiệp vụ cho trạm bưu điện xã.
5. Chế độ làm việc của trạm bưu điện xã:
- Phải bố trí thời gian làm việc hợp lý giữa trưởng trạm và bưu tá viên để bảo đảm tốt việc thường trực, đi phát công văn, thư từ, báo chí… và để tranh thủ tham gia được sản xuất.
- Phải giữ vững sinh hoạt đều đặn, mỗi tháng ít nhất hai kỳ. Nơi có trưởng trạm và bưu tá viên thì tổ chức sinh hoạt riêng, nơi chỉ có một mình trưởng trạm thì sinh hoạt với văn phòng Ủy ban hành chính xã. Ngoài ra còn phải giữ vững nề nếp hội ý thường xuyên, kiểm tra lẫn nhau, giúp nhau giải quyết những khó khăn trong công việc hàng ngày.
- Trong công tác phải nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của trên, báo cáo chỉ thị kịp thời, làm việc có chương trình kế hoạch, có sổ sách ghi chép đầy đủ, rành mạch.
- Phải có tác phong làm việc đúng giờ. Chủ nhật, ngày lễ phải phân công người chịu trách nhiệm việc chuyển phát công văn, báo chí. Thời gian trưởng trạm có mặt tại trụ sở phải được niêm yết trước trạm để nhân dân biết.
B. CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI TRƯỞNG TRẠM VÀ BƯU TÁ XÃ VIÊN
Song song với việc cải tiến tổ chức, cải tiến chế độ công tác, các chế độ đãi ngộ trưởng trạm, bưu tá viên xã cũng cần được quy định thích hợp để tạo điều kiện cho trưởng trạm, bưu tá viên an tâm, phấn khởi và công tác tốt. Cụ thể như sau:
a) Chế độ trợ cấp:
Đối với trưởng trạm bưu điện xã:
- Trưởng trạm bưu điện xã mỗi tháng được trợ cấp từ 16đ đến 18đ. Mức 18đ là mức cao nhất để áp dụng cho những trưởng trạm có khả năng, tinh thần phục vụ tốt và ở những nơi khối lượng công việc nhiều.
- Văn phòng Ủy ban hành chính xã kiêm trưởng trạm ở vùng cao hưởng chế độ trợ cấp theo quy định chung của cán bộ xã, không trợ cấp thêm phần công tác bưu điện.
Đối với bưu tá viên xã:
- Bưu tá viên nếu làm việc theo chế độ chuyên nghiệp được trợ cấp mỗi tháng từ 14đ đến 15đ (riêng vùng cao không quá 18đ). Mức 15đ và 18đ (vùng cao) là mức cao nhất để áp dụng cho những bưu tá viên xã phải dành đại bộ phận thời gian vào việc đảm nhiệm công tác.
- Nếu làm việc theo chế độ bán chuyên nghiệp, thì tùy khối lượng công tác của từng người mà trợ cấp bằng hoặc 2/3 số mức quy định cho bưu tá viên chuyên nghiệp.
Căn cứ quy định trên, phòng bưu điện nghiên cứu từng trường hợp cụ thể, bàn bạc với Ủy ban hành chính xã, để đề nghị Ủy ban huyện, châu xét duyệt mức trợ cấp cho từng người.
Trợ cấp cho trưởng trạm và bưu tá viên do ngành bưu điện trả và trực tiếp thanh toán hàng tháng.
Trường hợp trưởng trạm, bưu tá viên xã ốm đau, đi học các lớp ngắn hạn, Ủy ban xã phải tạm cử người thay, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà phòng bưu điện cùng Ủy ban hành chính xã bàn bạc, giải quyết bằng cách vận động tương trợ, hoặc trích bớt một phần trợ cấp của trưởng trạm, bưu tá viên để thù lao cho người thay thế.
b. Các chế độ khác:
Trưởng trạm, bưu tá viên xã đều được miễn đi dân công. Được dự các cuộc họp bàn các công việc chung trong xã, hoặc các cuộc họp có quan hệ đến công tác do trạm bưu điện xã phụ trách. Được dự các lớp huấn luyện và hội nghị chuyên môn do Sở, Ty, phòng bưu điện tổ chức và do bưu điện chi về tiền ăn, tiền công tác phí theo mức quy định chung cho cán bộ xã. Trong công tác, trưởng trạm, bưu tá viên, nếu có thành tích sẽ được khen thưởng, nếu có sai lầm, tùy mức độ nặng nhẹ mà bị thi hành kỷ luật thích đáng.
Ngoài các chế độ trên, trưởng trạm bưu điện và bưu tá viên được hưởng mọi quyền lợi khác như cán bộ tương đương ở xã.
C. CƯỚC PHÍ
Từ nay bãi bỏ chế độ thu cước khoán 30c mỗi xã quy định tại thông tư số 4117-TC/TDT/P2 ngày 26-12-1956 của Bộ Tài chính. Thực hiện chế độ thu cước công văn, tài liệu của các cơ quan, đoàn thể huyện, châu gửi về xã, xã gửi cho huyện, châu và gửi trong nội bộ xã. Cước phí thu theo quy định chung. Cụ thể:
- Huyện xuống xã, xã lên huyện thu theo cước gửi đi ngoài huyện, ngoài tỉnh.
- Trong nội bộ xã thu theo cước gửi trong nội thị.
Thi hành chế độ thu cước, Tổng cục Bưu điện nghiên cứu quy định hình thức thu đơn giản, tránh những lạm dụng có thể xảy ra ở xã, đồng thời cải tiến tốt mạng lưới đường thư nội huyện, tổ chức giao thông viên huyện hợp lý, thực hiện việc chuyển dần giao thông viên bán chuyên nghiệp vào chuyên nghiệp, nhằm đảm bảo tốt việc vận chuyển bao, túi thư nhanh chóng, đều đặn đến tận tất cả các xã.
Thông tư này Liên bộ chỉ quy định những điểm chính về việc cải tiến tổ chức bưu điện xã và chế độ đãi ngộ cho trưởng trạm, bưu tá viên. Trong khi thi hành gặp mắc mứu, khó khăn, đề nghị Ủy ban hành chính các cấp phản ảnh để Tổng cục Bưu điện nghiên cứu góp ý kiến giải quyết.
Tổng cục bưu điện và Bộ Tài chính hướng dẫn các vấn đề chi tiết và vạch kế hoạch từng bước để thực hiện.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |