Nội dung toàn văn Thông tư 06-BYT-TT nhiệm vụ lãnh đạo công tác dược Sở, Ty, Y tế khu, thành, tỉnh Phòng y tế huyện, Thị xã
BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 06-BYT-TT | Hà Nội, ngày 23 tháng 03 năm 1963 |
THÔNG TƯ
VỀ NHIỆM VỤ LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC DƯỢC CỦA CÁC SỞ, TY, Y TẾ KHU, THÀNH, TỈNH VÀ PHÒNG Y TẾ HUYỆN, THỊ XÃ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Kính gửi : Các ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh, các sở, ty y tế.
Sau khi hệ thống phân phối duợc phẩm được chuyển từ Bộ Nội thương sang Bộ Y tế, Bộ đã ra Quyết định số 306-BYT-QĐ ngày 31-3-1961 trong đó quy định nhiệm vụ của quốc doanh duợc phẩm khu, thành, tỉnh và Thông tư số 013-BYT-TT ngày 04-08-1961 trong đó có quy định nhiệm vụ của Sở, Ty Y tế và Phòng Y tế huyện, thị xã, khu phố đối với công tác dược, tổ chức dược chính của Sở, Ty Y tế và Phòng Y tế huyện để giúp Ty lãnh đạo công tác dược.
Tới nay, các Sở, Ty đã bắt đầu lãnh đạo công tác dược, nhưng chỉ có một số ít tương đối tốt, đa số lãnh đạo chưa toàn diện, mới chú ý phần nào về mặt chuyên môn, còn rất nhẹ về mặt kế hoạch tài vụ. Quan hệ giữa Sở, Ty với quốc doanh dược phẩm tỉnh ở nhiều tỉnh chưa được chặt chẽ, làm cho việc phục vụ yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh có lúc, có nơi không tốt, một số trường hợp lãng phí tham ô đã xảy ra.
Để làm cho việc lãnh đạo các Sở, Ty, Y tế , các phòng Y tế huyện, thị xã, khu phố đối với công tác dược được chặt chẽ, Bộ hướng dẫn thêm một số điểm về nhiệm vụ lãnh đạo công tác Dược của Sở, Ty, Y tế và Phòng Y tế huyện, thị xã, khu phố, quan hệ giữa Sở, Ty với Quốc doanh dược phẩm tỉnh, giữa Phòng Y tế huyện, thị xã, khu phố với cửa hàng dược phẩm.
I. NHIỆM VỤ LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC DƯỢC CỦA SỞ, TY Y TẾ.
Theo sự ủy nhiệm của Bộ và Ủy ban hành chính tỉnh, Sở, Ty, Y tế chịu trách nhiệm trước Bộ và Ủy ban hành chính tỉnh về lãnh đạo toàn diện công tác dược trong tỉnh thực hiện đường lối, phương châm, chính sách, kế hoạch công tác dược nhằm phục vụ cho việc phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân và cán bộ trong tỉnh, quản lý kinh doanh xã hội chủ nghĩa trong các cơ sở kinh doanh ngành dược trong tỉnh để góp phần tích lũy cho Nhà nước.
Cụ thể là:
1. Quản lý việc xây dựng, thực hiện kế hoạch sản xuất, phân phối thuốc men, y cụ, kế hoạch thu mua, trồng trọt dược liệu trong tỉnh.
2. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chính sách và các quy chế về dược, các vấn đề chuyên môn kỹ thuật và nghiên cứu khoa học, kỹ thuật về dược.
3. Quản lý việc kinh doanh hạch toán kinh tế của Quốc doanh dược phẩm (gồm cả Xưởng sản xuất của Quốc doanh theo kế hoạch của Bộ đã giao cho các Quốc doanh. Theo sự ủy nhiệm của Ủy ban hành chính tỉnh, trực tiếp quản lý các xí nghiệp dược phẩm đã phân cấp cho địa phương theo kế hoạch của Ủy ban hành chính tỉnh. Theo dõi kiểm tra việc quản lý thuốc men y cụ trong các đơn vị phòng bệnh và chữa bệnh.
4. Đặt kế hoạch xây dựng tổ chức Dược, kế hoạch đào tạo, bổ túc cán bộ dược trong tỉnh.
5. Tham gia thực hiện công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa về Y và Dược, quản lý thị trường, tuyên truyền hướng dẫn sử dụng thuốc.
6. Giúp Ủy ban hành chính tỉnh, trong việc quản lý cán bộ dược theo sự ủy nhiệm của Ủy ban hành chính .
Như vậy mọi kế hoạch chủ trương công tác của Quốc doanh dược phẩm tỉnh, của xí nghiệp dược phẩm tỉnh và các cơ sở Dược khác trong tỉnh đều do Sở, Ty, Y tế thông qua, quyết định và theo dõi dựa theo các chi tiêu kế hoạch đã được Bộ phân bổ. Khi quan hệ với Ủy ban hành chính tỉnh hoặc với Bộ về những chủ trương kế hoạch quan trọng cần phải có ý kiến của Sở, Ty, Y tế. Nhưng các Sở, Ty cũng cần thấy Quốc doanh dược phẩm và xí nghiệp dược phẩm là những đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, cần phải tôn trọng những quyền hạn đã được Nhà nước quy định cho các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập.
Để giúp Sở, Ty lãnh đạo công tác dược, Thông tư số 013-BYT-TT ngày 04-08-1961 đã quy định phải thành lập Phòng dược chính: nếu tỉnh nhỏ chưa đủ diều kiện thành lập Phòng thì tổ chức một bộ phận dược chính trực thuộc Trưởng ty.
Để đảm bảo chất lượng công tác của Phòng (hoặc bộ phận) dược chính, phải có một duợc sĩ có khả năng về tổ chức lãnh đạo làm trưởng phòng hoặc phụ trách bộ phận, và một dược sĩ theo dõi chuyên môn, quy chế. Trong phòng (hoặc bộ phận) nhất thiết phải bố trí một cán bộ kế toán tài vụ có trình độ kế toán trung cấp để giúp cho Ty lãnh đạo các cơ sở kinh doanh về mặt kế toán tài vụ. Cán bộ trong phòng cần liên hệ với Ty Thương Nghiệp và Ty công nghiệp để được giúp đỡ, hướng dẫn về công tác quản lý thương nghiệp và công nghiệp.
Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương chưa ý thức củng cố tổ chức dược chính, của Sở, Ty vì thế đã hạn chế tác dụng lãnh đạo của Sở, Ty đối với công tác dược. Bộ lưu ý các Ủy ban hành chính và Sở, Ty, Y tế xúc tiến khẩn trương và tích cực hơn nữa việc củng cố tổ chức dược chính Sở, Ty và tăng cường cán bộ cho tổ chức đó đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
II. NHIỆM VỤ CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC DƯỢC CỦA PHÒNG Y TẾ HUYỆN, THỊ XÃ KHU PHỐ.
Phòng Y tế huyện, thị xã khu phố chịu trách nhiệm trước Sở, Ty và Ủy ban hành chính huyện, thị xã, khu phố về việc chỉ đạo công tác dược với nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Phối hợp với cửa hàng dược phẩm trong việc nắm lực lượng thuốc men y cụ trong huyện, thị xã, khu phố trong trong việc làm dự trù và kế hoạch phân phối, điều hòa thuốc men, y cụ. Xét duyệt dự trù của bệnh xá, trạm y tế hộ sinh xã và các đơn vị phòng bệnh chữa bệnh khác trong huyện, thị xã, khu phố .
2. Theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc chấp hành các quy chế chuyên môn về dược trong tất cả các đơn vị y dược trong huyện, thị xã, khu phố ( kể cả cửa hàng dược phẩm).
3. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc quản lý thuốc men y cụ trong bệnh xá, trạm y tế hộ sinh xã và các đơn vị phòng bệnh chữa bệnh khác trong huyện, thị xã, khu phố nhằm chống lãng phí, tham ô.
4. Thống kê sử dụng thuốc trong toàn huyện, thị xã, khu phố để báo cáo Sở, Ty, Y tế theo quy định của Sở, Ty .
5. Thực hiện công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa về y dược theo kế hoạch của Sở, Ty, Y tế và Ủy ban hành chính huyện, thị xã, khu phố.
6. Phối hợp với cửa hàng dược phẩm trong việc đặt kế hoạch thu mua, trồng trọt dược liệu, hướng dẫn đôn đốc cửa hàng trong việc thực hiện.
7. Phối hợp với cửa hàng trong việc tuyên truyền hướng dẫn sử dụng thuốc.
Cửa hàng dược phẩm là đơn vị trực thuộc Quốc doanh dược phẩm tính về mọi mặt. Nhưng theo chức năng của phòng y tế thì cửa hàng chịu sự chỉ đạo của Trưởng phòng Y tế về chuyên môn, và để phục vụ tốt công tác phòng bệnh chữa bệnh cho nhân dân trong huyện, cần có sự phối hợp chặt chẽ và sự đóng góp ý kiến cụ thể của Phòng Y tế trong công tác kế hoạch, dự trù, phân phối thuốc.
Nhiệm vụ chỉ đạo công tác dược của Phòng y tế huyện, thị xã, khu phố rất nặng nề phức tạp, hơn nữa với việc giao cho trạm y tế xã bán thuốc cho nhân dân, khối lượng bán ra ở xã càng ngày càng tăng lên, đòi hỏi phòng y tế phải tăng cường chỉ đạo công tác dược xuống xã.
Muốn hoàn thành nhiệm vụ đó. Phòng y tế phải có cán bộ phụ trách công tác dược.
Ở những huyện khu phố công tác dược đã phát triển nhiều, cần có một dược sĩ trung cấp phụ trách công tác dược chính huyện, khu phố. Nếu biên chế Phòng y tế quá ít thì dược sĩ sẽ vào biên chế của bệnh viện hoặc bệnh xá huyện, nhưng làm hai nhiệm vụ: phụ trách công tác dược của Bệnh viện (hoặc bệnh xá) kiêm phụ trách công tác dược chính của Phòng y tế. Đối với bệnh xá, dược sĩ sẽ phụ trách chung công tác dược, quản lý thuốc độc của bệnh viện, bệnh xá trực tiếp pha chế thuốc tiêm và các loại thuốc khô: ở những nơi có bệnh xá lớn thì giúp việc cho dược sĩ trong bệnh xá có thêm một dược tá pha chế thuốc thường, cấp phát thuốc men y cụ hàng ngày trong bệnh xá, nếu bệnh xá nhỏ, dược tá không sử dụng hết thời gian thì có thể cử một y tá giúp việc dược sĩ đồng thời kiêm thêm công tác y; nếu là bệnh viện thì tùy theo khối lượng công tác mà quy định một số dược tá và công nhân giúp việc dược sĩ. Đối với công tác dược chính huyện, khu phố, dược sĩ sẽ dành thời gian cần thiết để làm bảy nhiệm vụ về Dược của Phòng Y tế đã nói trên. Dược sĩ phải bố trí thời gian cho thật khoa học để vừa đảm bảo công tác của bệnh viện, bệnh xá, vừa có thể đi kiểm tra công tác dược chính ở các xã, cửa hàng dược phẩm và các đơn vị y tế khác trong huyện, khu phố, thị xã.
Ở những huyện, thị xã chưa có bệnh xá thì trong số cán bộ của Phòng Y tế phải chỉ định một người phụ trách công tác dược chính. Cán bộ làm công tác dược chính không nên thay đổi nhiều quá vì sẽ không đi sâu được vào công tác này, cán bộ này cũng phải được Phòng Dược chính Sở, Ty hướng dẫn chu đáo về quản lý công tác dược, phải đề cao trách nhiệm của mình đối với công tác dược, tránh tư tưởng cho công tác dược là một công tác phụ của mình. Trưởng phòng y tế phải dành thời gian đầy đủ cho cán bộ đó làm công tác dược chính, phải hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra cán bộ đó hoàn thành công tác dược chính.
Công tác dược đang phát triển rất nhanh, nếu tổ chức dược chính không được tăng cường và củng cố đúng mức, nếu quan hệ công tác giữa Sở, Ty, Y tế với Quốc doanh dược phẩm và các đơn vị Dược không chặt chẽ, sẽ phát sinh mất cân đối giữa sản xuất và phân phối, giữa cung và cầu, ảnh hưởng không tốt đến việc phục vụ công tác phòng bệnh đồng thời sẽ có tình trạng kinh doanh không tốt, đẻ ra lãng phí và tham ô.
Bộ đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh lưu ý đến việc tăng cường sự chỉ đạo của Sở, Ty, Y tế, các phòng y tế đối với công tác dược, làm cho tổ chức Dược chính các cấp được củng cố và làm cho quan hệ chỉ đạo của Sở, Ty, Y tế và Phòng Y tế với quốc doanh dược phẩm và các đơn vị dược khác theo đúng tinh thần nói trên. Các Sở, Ty và Phòng y tế cần trình bày để ủy ban hành chính tỉnh, huyện hết sức giúp đỡ giải quyết tốt công tác dược.
Thông tư này thi hành kể từ ngày ký. Trong khi thực hiện, nếu gặp khó khăn trở ngại gì thì báo cáo Bộ giải quyết.
| BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |