Nội dung toàn văn Thông tư 09-TTg quan hệ công tác Viện Kiểm sát nhân dân các cấp với cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ cơ quan Nhà nước địa phương
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 09-TTg | Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 1963 |
THÔNG TƯ
VỀ QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC CẤP VỚI CÁC CƠ QUAN THUỘC HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC ĐỊA PHƯƠNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Trong hoạt động của bộ máy Nhà nước xã hội chủ nghĩa có một nguyên tắc rất quan trọng là tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải thực hiện chức năng của mình trong khuôn khổ của pháp luật, phải tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người công dân.
Hiến pháp của nước ta đã công nhận nguyên tắc ấy và đặt ra Viện Kiểm sát nhân dân để phụ trách “kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân”.
Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 15-07-1960 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan kiểm sát các cấp.
Thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn ấy với mục đích “làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững”, Viện Kiểm sát nhân dân có nhiều quan hệ công tác trực tiếp với các cơ quan Nhà nước từ các Bộ, cơ quan trung ương đến các cơ quan Nhà nước địa phương, các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường…
Thủ tướng Chính phủ, sau khi trao đổi ý kiến với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, quy định những điều sau đây về trách nhiệm của cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan Nhà nước địa phương.
I
Theo điều 3 của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, thì Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ “kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị và biện pháp của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan Nhà nước địa phương”.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, trong từng trường hợp nhất định, Viện Kiểm sát nhân dân có thể yêu cầu các cơ quan có liên quan gửi đến cho mình các loại văn bản do các cơ quan ấy ban hành, và cần thiết cho việc kiểm sát.
Các cơ quan có liên quan có nhiệm vụ thoả mãn những yêu cầu ấy một cách nghiêm chỉnh.
II
Điều 10 của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân quy định: “Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong khi làm nhiệm vụ kiểm sát của mình, có quyền xem các tài liệu, hồ sơ cần thiết, tham dự hội nghị có liên quan của cơ quan hữu quan, kiểm sát tại chỗ việc tuân theo pháp luật, hoặc yêu cầu cơ quan hữu quan tự kiểm tra việc tuân theo pháp luật trong cơ quan đó. Cơ quan hữu quan có nhiệm vụ cung cấp những tài liệu cần thiết và làm theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân một cách nghiêm chỉnh”.
Theo điều khoản ấy của luật thì Viện Kiểm sát nhân dân có thể đề ra bốn loại yêu cầu cần được thỏa mãn như sau:
1. Yêu cầu cung cấp tài liệu:
Mỗi khi phát hiện những hiện tượng trái pháp luật trong một văn bản, trong một biện pháp của một cơ quan hoặc trong hành vi của một cán bộ, công nhân, viên chức, Viện Kiểm sát nhân dân có thể yêu cầu cơ quan có trách nhiệm hoặc có liên quan cung cấp tài liệu và giải thích các điều cần thiết.
Đối với yêu cầu ấy, cơ quan nói trên có nhiệm vụ thỏa mãn đầy đủ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
2. Yêu cầu tham dự hội nghị:
Mỗi khi một cơ quan mở hội nghị bàn về những việc vi phạm pháp luật do Viện Kiểm sát nhân dân phát hiện, thì phải báo cho Viện Kiểm sát nhân dân biết, để Viện Kiểm sát cử đại diện đến tham dự hội nghị nếu xét thấy cần thiết.
Ngoài trường hợp nói trên, các Ủy ban hành chính từ cấp huyện, thị xã trở lên, nên mời Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp tham dự hội nghị của Ủy ban để tranh thủ ý kiến của ngành kiểm sát trong những trường hợp sau đây:
- Ủy ban hành chính họp để thảo luận và thông qua những quyết định có tính chất pháp quy;
- Ủy ban hành chính họp để chuẩn bị hội nghị Hội đồng nhân dân.
3. Yêu cầu về việc kiểm sát tại chỗ:
Khi trực tiếp đến kiểm sát việc chấp hành pháp luật ỏ một cơ quan, đại diện của Viện Kiểm sát nhân dân có thể đề ra những yêu cầu như sau:
- Xem các tài liệu, hồ sơ cần thiết;
- Tiếp chuyện riêng cán bộ, công nhân, viên chức;
- Họp toàn thể hoặc bộ phận cán bộ, công nhân, viên chức;
- Yêu cầu cán bộ phụ trách giải thích những điều cần thiết;
- Cùng cán bộ phụ trách cơ quan nhận xét tình hình chấp hành pháp luật trong cơ quan, bàn bạc các việc cần làm để sửa chữa những sai sót đã xảy ra và ngăn ngừa những sai sót về sau.
Đối với các yêu cầu trên, cán bộ phụ trách cơ quan có trách nhiệm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện cần thiết để việc kiểm sát tiến hành được thuận tiện cho cả hai bên và mang lại tác dụng tốt cho cơ quan được kiểm sát.
Khi đến kiểm sát tại chỗ, Viện Kiểm sát nhân dân có thể mời cơ quan thanh tra hoặc cơ quan cấp trên của cơ quan được kiểm sát gửi người đến tham dự.
4. Yêu cầu cơ quan hữu quan tự kiểm tra:
Khi Viện Kiểm sát nhân dân thấy có hiện tượng phạm pháp ở một cơ quan,ở hành vi của một cán bộ, công nhân, viên chức, và yêu cầu cơ quan hữu quan tự kiểm tra hoặc yêu cầu cơ quan hữu quan cấp trên của cơ quan ấy kiểm tra, thì cơ quan nhận được yêu cầu có nhiệm vụ tiến hành việc kiểm tra một cách nghiêm chỉnh và báo cáo kết quả cho Viện Kiểm sát nhân dân trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
III
Điều 9 của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân quy định: “Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị đối với những nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị hoặc biện pháp không hợp pháp của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và của cơ quan Nhà nước địa phương.
Viện Kiểm sát nhân dân địa phương, khi thấy nghị quyết, quyết định, chỉ thị hoặc biện pháp của cơ quan Nhà nước cung cấp không hợp pháp thì có quyền yêu cầu sửa chữa. Nếu cơ quan đó không chịu sửa thì Viện Kiểm sát nhân dân địa phương báo cáo lên Viện Kiểm sát nhân dân trên một cấp để kháng nghị”.
Đối với những kháng nghị hoặc yêu cầu sửa chữa nói trên, cơ quan hữu quan có nhiệm vụ nghiên cứu cẩn thận và trả lời rõ ràng, nghĩa là nếu đồng ý thì nói rõ những việc đã làm, đang làm hoặc sẽ làm để sửa chữa những sai sót đã xảy ra và ngăn ngừa những sai sót về sau, nếu không đồng ý thì nói rõ lý do.
Việc nghiên cứu và trả lời cho Viện Kiểm sát nhân dân không được kéo dài quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được “kháng nghị” hoặc “yêu cầu sửa chữa”.
Trong trường hợp một cơ quan cấp trên nhận được “kháng nghị” của Viện Kiểm sát nhân dân đối với cơ quan cấp dưới của mình, thì thời hạn trả lời là 30 ngày kể từ ngày nhận được “kháng nghị”.
IV
Điều 12 của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân quy định: “khi Viện Kiểm sát nhân dân thấy nhân viên cơ quan Nhà nước có hành vi phạm pháp, thì tuỳ tính chất việc phạm pháp mà hoặc báo cáo cho cơ quan hữu quan biết để xử lý về hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm về hình sự”.
Theo tinh thần của điều luật ấy, thì cần phân biệt trường hợp “truy cứu trách nhiệm về hình sự” với trường hợp “báo cho cơ quan biết để xử lý hành chính”.
Trong trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân truy cứu trách nhiệm hình sự thì khi nhận được báo tin, cơ quan hữu quan có nhiệm vụ giúp đỡ mọi điều cần thiết để việc truy cứu tiến hành được thuận tiện.
Trong trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân báo cho cơ quan biết để xử lý, thì cơ quan có nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu và xử lý hoặc đề nghị xử lý về mặt kỷ luật, ngoài ra nếu xét cần, thì còn có thể báo cho cơ quan có thẩm quyền để xét phạt theo các thể lệ hành chính hiện hành (như báo cho cơ quan hải quan để xét phạt về việc xuất nhập hàng trái phép).
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu xử lý, cơ quan có liên quan phải báo cho Viện Kiểm sát nhân dân biết biện pháp xử lý đã được áp dụng.
V
Theo điều 11 của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân thì “Viện Kiểm sát nhân dân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết các việc khiếu nại và tố cáo của nhân dân về việc vi phạm pháp luật, và trả lời người khiếu nại hoặc tố cáo”.
Trong khi làm nhiệm vụ trên, Viện Kiểm sát nhân dân có thể gặp những trường hợp cần chuyển đơn khiếu tố đến các cơ quan hữu quan để giải quyết. Cơ quan nhận được đơn có nhiệm vụ nghiên cứu, giải quyết theo đúng tinh thần của điều 29 của Hiến pháp và thông tư số 436-TTg ngày 13-09-1958 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan hữu quan phải báo cho Viện Kiểm sát nhân dân biết đã giải quyết đến đâu và khi giải quyết xong, phải báo cho Viện Kiểm sát nhân dân biết kết quả.
Trên đây là một số công việc của Viện Kiểm sát nhân dân có liên quan đến các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, và trách nhiệm của các cơ quan và tổ chức của Nhà nước đối với những công việc ấy.
Các cơ quan và các tổ chức của Nhà nước, các cán bộ, công nhân, viên chức phải gương mẫu trong việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Các cơ quan và các tổ chức của Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân để kịp thời phát hiện mọi hiện tượng phạm pháp, nhanh chóng sửa chữa những sai sót đã xảy ra, tích cực ngăn ngừa những sai sót về sau, giữ vững pháp chế dân chủ nhân dân.
Những thời hạn quy định trên đây cho các cơ quan để giải quyết những yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân là căn cứ vào kinh nghiệm một năm thực hiện quan hệ công tác giữa Viện Kiểm sát các cấp với các cơ quan, các ngành. Thời hạn 15 ngày và 30 ngày đều là những thời hạn tối đa, các cơ quan cần hết sức cố gắng giải quyết những yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân càng sớm càng tốt. Gặp trường hợp đặc biệt cần có thời hạn dài hơn thì cơ quan hữu quan sẽ cùng Viện Kiểm sát nhân dân bàn bạc thoả thuận.
Tiếp được thông tư này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh cần phải nghiên cứu kỹ để thực hiện tốt trong cơ quan mình và chỉ thị cho các cơ quan và tổ chức thuộc quyền mình nghiêm chỉnh chấp hành.
Trong khi nghiên cứu thông tư này, cần tham khảo luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (công báo năm 1960 số 32 trang 555) để hiểu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân.
| THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |