Thông tư 09-TTLB

Thông tư 09-TTLB năm 1958 quy định phụ cấp khu vực do Bộ Nội Vụ- Bộ Lao Động ban hành

Thông tư 09-TTLB quy định phụ cấp khu vực đã được thay thế bởi Thông tư 16-LB/TT phụ cấp khu vực và được áp dụng kể từ ngày 01/05/1960.

Nội dung toàn văn Thông tư 09-TTLB quy định phụ cấp khu vực


BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-TTLB

Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH PHỤ CẤP KHU VỰC

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

Các Ông Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh.
Các vị Bộ trưởng các Bộ.

 

Nghị định số 182-TTg ngày 07 tháng 04 năm 1958 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định các điều khoản về việc cải tiến chế độ tiền lương cho cán bộ, công nhân, nhân viên các xí nghiệp Nhà nước. Điều 7 của nghị định đã quy định nguyên tắc về phân định khu vực và giao quyền hạn cho Liên bộ Nội vụ - Lao động quy định cụ thể việc thi hành.

Liên bộ ra thông tư này nhằm giải thích và quy định cụ thể các địa phương và các cơ sở sản xuất vào các khu vực được hưởng định xuất phụ cấp và cách tính hưởng phụ cấp.

I. – Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH VIỆC BAN HÀNH CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP KHU VỰC

Hiên nay, phụ cấp khu vực có 3 tỷ lệ 6%, 13% và 20% cho một số địa phương miền rừng núi, cùng với việc tăng lương theo tỷ lệ 5%, 8% và 12% có phân biệt và chiếu cố một số thành thị và khu công nghiệp tập trung, đã hình thành 10 khu vực lương khác nhau, chênh lệch chưa hợp lý; một số vùng rừng núi hẻo lánh có nhiều khó khăn như biên phòng, hải đảo và một số khu vực công nghiệp tập trung được chiếu cố thích đáng.

Việc quy định phụ cấp khu vực lần này nhằm cải tiến thêm một bước chế độ phụ cấp khu vực cần thiết, nâng thêm tỷ lệ cho một số vùng biên giới thật khó khăn và một số khu vực cần thiết, nâng thêm tỷ lệ cho một số vùng biên giới thật khó khăn và một số khu vực công nghiệp tập trung giảm bớt một phần những bất hợp lý hiện tại và tạo điều kiện chuẩn bị tiến tới xây dựng các khu vực lương sau này được hợp lý hơn.

Chủ trương cải tiến chế độ phụ cấp khu vực trên đây không ngoài mục đích thực hiện dần nguyên tắc “phân phối theo lao động”. Tiền lương của công nhân viên ở các vùng có hoàn cảnh sinh hoạt khó khăn được chiếu cố nhiều hơn, giúp thêm điều kiện để giải quyết khó khăn trong sinh hoạt và công tác của công nhân viên ở một số nơi cần thiết. Vì vậy, chế độ phụ cấp khu vực có tác dụng nhất định trong việc ổn định tư tưởng, đoàn kết nội bộ công nhân viên, khuyến khích công nhân viên hăng hái đến công tác tại những nơi khó khăn và những vùng công nghiệp quan trọng.

Trong lần cải tiến này, nhiều chỗ bất hợp lý của chế độ phụ cấp khu vực cũ đã được giải quyết một phần, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn của ta hiện nay, cũng còn một số vấn đề tồn tại, sau này sẽ tiếp tục nghiên cứu giải quyết dần để ngày một hợp lý hơn.

II. – NGUYÊN TẮC QUY ĐỊNH KHU VỰC

Nghị định của Thủ tướng phủ đã quy định rõ việc phân chia và điều chỉnh khu vực dựa vào 3 yếu tố sau đây sẽ quyết định: điều kiện công tác khó khăn, xa xôi, khí hậu xấu; điều kiện sinh hoạt khó khăn, vật giá đắt đỏ có tính chất thường xuyên sự cần thiết khuyến khích nhiều người vào làm việc tại các khu vực công nghiệp quan trọng.

Điều kiện công tác khó khăn, xa xôi, khí hậu xấu ở đây là những điều kiện thiên nhiên như địa lý rộng, rừng núi hiểm trở, những vùng hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn, khí hậu độc, hoặc rét lạnh nhiều,v.v… cán bộ, công nhân viên đến đây công tác thường gặp nhiều khó khăn.

Điều kiện sinh hoạt khó khăn, vật giá đắt đỏ có tính chất thường xuyên là những nơi có những nhu cầu về sinh hoạt xã hội (ăn mặc, ở và một số chi tiêu khác) như nhà ở khó khăn, điện nước, tiền vệ sinh, phương tiện đi lại, v.v… ở các thành phố lớn đặc biệt khó khăn hơn ở các nơi khác; vật giá đắt đỏ do hoàn cảnh sản xuất của địa phương không đủ cung cấp phải vận tải ở nơi xa đến nên đắt đỏ có tính chất thường xuyên, cần phân biệt khác với tình trạng vật giá đắt đỏ có tính chất đột xuất trong một thời gian do ảnh hưởng của công tác quản lý thị trường chưa được chặt chẽ.

Khu vực công nghiệp quan    trọng, cần khuyến khích nhiều người làm việc là những vùng có nhiều xí nghiệp tập trung, những vùng khai thác lớn hoặc những vùng mới khai thác cần thu hút nhiều công nhân viên ở nơi khác đến đó làm việc.

Khi cân nhắc sắp xếp các địa phương và các xí nghiệp vào các khu vực phải nhìn chung cả 3 yếu tố kể trên, cân nhắc những điều kiện thuận lợi và điều kiện khó khăn không nên chỉ nhìn khó khăn mà quên thuận lợi hoặc chỉ nhìn thấy khó khăn của địa phương mình mà không thấy khó khăn của địa phương khác. Yếu tố chủ yếu cần chiếu cố là những nơi điều kiện công tác khó khăn, những vùng xa xôi, hẻo lánh nhiều. Căn cứ vào 3 yếu tố trên đồng thời có chiếu cố đến tình hình phụ cấp khu vực hiện tại để giải quyết tương đối thỏa đáng trong lần cải tiến tiền lương này.

III. – QUY ĐỊNH CỤ THỂ CÁC ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP KHU VỰC

Căn cứ vào các yếu tố và nguyên tắc kể trên, căn cứ vào ý kiến tham góp của Ủy ban Hành chính các địa phương và các Bộ, sau khi xét quan hệ và lợi ích chung, Liên Bộ quy định danh sách các địa phương và các cơ sở sản xuất sau đây được hưởng phụ cấp khu vực:

1. Khu vực đặc biệt: được hưởng định xuất phụ cấp bằng 35% lương cấp bậc gồm có:

- Đảo Bạch long vĩ, Đảo Long châu (Hải phòng).

- Một số vùng biên giới hẻo lánh và một số đồn trạm biên phòng ở các vùng cao thuộc các châu Mường tè, Sinh hồ, Phong thổ, thuộc Khu Tự trị Thái Mèo v.v…

2. Khu vực 1: được hưởng định xuất phụ cấp bằng 25% lương cấp bậc gồm có:

- Đảo Cô tô (Hải Ninh).

- Các châu Mường Tẻ, Sinh hồ, Tửa chùa, Mu-cang-chai (Khu Tự trị Thái Mèo)

- Huyện Hoàng su phi và Đồng văn (Hà giang)

- Huyện Tương Dương (Nghệ An)

- Một số vùng cao và biên giới của các châu khác thuộc Khu Tự trị Thái Mèo, Lào – Hà – Yên v.v…

- Mỏ Apatie (Lào Kay) Mỏ chì Bản thi (Bắc Kạn).

- Nhà máy Thủy điện Tà-Xa Na-Ngàn, Mỏ Pia oắc

- Công trường Đèo Lê-A, Trại Chăn nuôi Phe-đén (Cao Bằng).

- Mỏ sắt Khe-Iếch (Lào Kay)

- Mỏ kẽm Lang-hít (Thái Nguyên).

3. Khu vực 2: được hưởng định xuất phụ cấp bằng 20% lương cấp bậc gồm có:

- Toàn tỉnh Lào Kay.

- Huyện Văn Bàn và Lục Yên (Yên Báy)

- Huyện Quan Hóa, Thường Xuân (Thanh Hóa)

- Huyện Bảo Lạc (Cao Bằng)

- Huyện Na Hang (Tuyên Quang)

- Huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang, Thị xã Hà Giang (Hà Giang)

- Các châu: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sóng Mã, Mường La, Phong Thổ, Thuận Châu, Phù Yên, Văn Chấn, Than Uyên, Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Lay, Quỳnh Nhai, (Khu Tự trị Thái Mèo)

- Huyện Ba Chẽ (Hải Ninh)

- Đảo Hòn Dâu, Đảo Cát Bà (Hải Phòng)

- Huyện Quỳ Châu (Nghệ An)

- Huyện Mai Đà (Hòa Bình)

- Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng)

- Khu rừng Khe-Nà, Khe-Choang, Bu-Chè, Nam Phố, (Cầu Đất) Bên-Khét, (Chi nhánh Lâm Khẩn Nghệ An)

- Khu rừng Ngã Đội (Chi nhánh Lâm khẩu Bắc Giang)

- Mỏ phốt-phát Vĩnh Thịnh (Lạng Sơn)

- Công trường Đá Trái hút (Yên Báy)

4. Khu vực 3: được hưởng định xuất phụ cấp bằng 12 % lương cấp bậc gồm có:

- Huyện Thanh Sơn (Phú Thọ)

- Huyện Cát Hải (Hải Phòng)

- Huyện Bình Liêu, Đình Lập, Tiên Yên, Sơn khu huyện Moncay, Sơn khu Huyện Hà Cối (Hải Ninh)

- Huyện Công Cuông (Nghệ An)

- Huyện Lang Chánh, Ba Thước (Thanh Hóa)

- Toàn tỉnh Bắc Cạn

- Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng)

- Thượng huyện Trấn Yên (Yên Báy)

- Huyện Võ Nhai (Thái Nguyên)

- Huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Thượng huyện Yên Sơn, Thượng huyện Sơn Dương (Tuyên Quang)

- Huyện Bắc Sơn, Binh Gia, Hữu Lũng, Bằng Mạc (Lạng Sơn)

- Nội thành Hà Nội

- Miền Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Tường, Vĩnh Hà, Hưởng Lập (Khu vực Vĩnh Linh).

- Miền rừng núi ở biên giới Lào - Việt tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa, Lệ Hoa, Hòa Thanh, Hương Hóa, Thượng Hóa, Phú Hóa (Huyện Tuyên Hóa) Tân Trạch, Hương Trạch (Huyện Bố Trạch) Trường Sơn (Huyện Quảng Ninh) Hàm Nghi, Phan Đình Phùng (Huyện Lệ Thủy).

- Khu vực sản xuất than Hà Lầm, Hà Tu (thuộc khu mỏ Hồng Gai).

- Khu vực Vực Ròng (nông trường Sông Con) khu vực Bà Triệu (nông trường Tây Hiếu).

- Kho K.1, Z.63, Z. 62, công trường 19.B

- Khu rừng Cột Côi, Đồn Vàng, Bắc Lệ (Bắc Giang).

- Hỏa xa Tàn ấp (Quảng Bình)

- Công trường 12 (Yên Bái);

- Mỏ than Làng Cẩm (Thái Nguyên).

- Khu vực đốt than ở rừng Đa Cặp (Huyện Hương Khê Hà Tĩnh).

5. Khu vực 4: được hưởng định xuất phụ cấp bằng 10% lương cấp bậc gồm có:

- Huyện Ôn Châu, Văn Uyên, Diêm He (Lạng Sơn).

- Huyện Hà Quang, Hà Lang (Cao Bằng).

- Huyện Định Hóa (Thái Nguyên)

- Huyện Sơn Đông, Thượng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

- Huyện Yên Lập (Phú Thọ)

- Huyện Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Yên Bái (Yên Bái)

- Huyện Lạc Sơn, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Thủy và thị xã Hòa Bình (Hòa Bình)

- Thành phố Hải Phòng

- Thị xã Hồng Gai và khu mỏ Hồng Gai, Cẩm Phả

- Ngoại thành Hà Nội và Gia Lâm.

- Công trường Đèo Bụt, Mỏ đá Tràng Kênh (Hồng Quảng).

- Nông trường Đông Hiếu, Tây Hiếu, Sông Con (Nghệ An).

- Nông trường Đồng Giao, công trường Đá Chùa Rồng (Ninh Bình).

- Trại chăn nuôi Sông Sơn (Hà Trung Thanh Hóa)

- Nông trường Sông Bôi (Hòa Bình).

6. Khu vực 5. được hưởng định xuất phụ cấp bằng 6% lương cấp bậc gồm có:

- Thị xã Nam Định, Thị xã Vinh Bến Thủy.

- Huyện Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ và thị xã Thái Nguyên (Thái Nguyên).

- Huyện Lục Ngạn và thượng huyện Yên Thế (Bắc Giang).

- Huyện Yên Sơn, Sơn Dương và thị xã Tuyên Quang (Tuyên Quang)

- Huyện Ngọc Lạc, huyện Như Xuân, huyện Cẩm Thủy (từ Cẩm Vân trở lên) Huyện Thạch Thành (từ Thạch Yến trở lên) (Thanh Hóa).

- Huyện Trấn Biên, Thạch An, Phục Hòa, Trùng Khánh, Quang Uyên, Hòa An và thị xã Cao Bằng.

- Huyện Thoát Lãng, Tràng Định, Lộc Bình, Cao Lộc và thị xã Lạng Sơn (Lạng Sơn).

- Huyện Hoành Bố, Huyện Cẩm Phả (Hồng Quảng).

- Huyện Mống Cáy, Đầm Hà, Hà Cối (Hải Ninh).

- K.478 và Z.65

- Mỏ than Mạo Khê, Quán Triều

- Nông trường Bố Hạ (Bắc Giang)

- Công trường Đá Đầm Lỗ (Hà Đông).

- Nông trường Sông Lô, công trường 11 (Tuyên Quang)

- Nông trường Thạch Ngọc (Hà Tĩnh)

- Nông trường Yên Mỹ, nông trường Phúc Do, nông trường Vân Đường, nông trường Yên Giang (Thanh Hóa)

- Nông trường Phú Quý (Quảng Bình)

- Đoạn đường từ chợ Ghềnh đến Bím Sơn (Ninh Bình)

- Đoạn đường Đèo Ngang từ Đèo Con đến Đèo Cả (Hà Tĩnh)

- Mỏ Chromite Cổ Định, mỏ Phốt Phát Nam Phát (Thanh Hóa) công trường Đá Khe nước lạnh.

IV. - MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Việc quy định các đồn trạm biên phòng, trạm thủy văn v.v… ở các vùng biên giới hẻo lánh vào các khu vực; việc phân định ranh giới các thị xã, ranh giới nội ngoại thành Hà Nội; việc quy định cụ thể các vùng rẻo cao ở các Khu Tự trị Thái Mèo, Lào Hà Yên, Việt Bắc, sẽ do các Bộ sở quan và Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội quy định sau khi được sự đồng ý của Bộ Lao động và Bộ Nội vụ.

2. Các xí nghiệp, doanh nghiệp, công trường nói chung nếu trong thông tư không quy định thành khu vực riêng thì sẽ hưởng theo tỷ lệ phụ cấp khu vực đã quy định cho địa phương đó (nếu có). Ví dụ: các xí nghiệp, công trường ở nội thành Hà Nội sẽ hưởng phụ cấp khu vực 12%, ở ngoại thành Hà Nội 10%, các xí nghiệp ở Hải Phòng hưởng phụ cấp khu vực 10% v.v… Riêng một số công trường của ngành Giao thông vận tải chạy dài qua nhiều địa phương thì ngành Giao thông bưu điện sẽ đề nghị những trường hợp riêng để tránh chênh lệch không hợp lý trong một đơn vị sản xuất.

3. Khoản phụ cấp khu vực này sẽ thi hành cùng một lúc với thời gian thi hành lương mới quy định cho từng khu vực sản xuất hay khu vực hành chính, sự nghiệp.

V. – CÁCH THỨC TÍNH PHỤ CẤP KHU VỰC

1.Từ nơi không có phụ cấp khu vực đến nơi có phụ cấp khu vực và nơi có phụ cấp khu vực thấp đến nơi có phụ cấp khu vực cao:

- Được tính hưởng theo phụ cấp khu vực ở nơi đến công tác từ ngày đầu, nghiã là đến công tác ngày nào được hưởng thêm định xuất phụ cấp khu vực ngày đó.

2. Từ nơi có phụ cấp khu vực cao đến nơi có phụ cấp khu vực thấp và từ nơi có phụ cấp khu vực đến nơi không có phụ cấp khu vực:

a. – Trường hợp đi công tác có tính chất tạm thời thì được hưởng phụ cấp khu vực ở nơi cao đến hết ngày 30 hay 31 trong tháng đó. Từ ngày mồng 1 tháng sau sẽ căn cứ vào số ngày lưu lại công tác ở từng khu vực để tính hưởng theo phụ cấp khu vực ở nơi thấp hoặc thôi không được hưởng phụ cấp khu vực (nếu đến nơi không có phụ cấp khu vực).

b. – Trường hợp điều động công tác đến hẳn nơi phụ cấp khu vực thấp hơn hoặc nơi không có phụ cấp khu vực thì kể từ ngày cán bộ, công nhân viên đến nhận công tác ở địa điểm mới sẽ hưởng theo định xuất phụ cấp khu vực nơi địa điểm mới nếu có, k d giữ lại định xuất phụ cấp khu vực cũ.

Nhưng nếu cán bộ, công nhân viên đã lĩnh khoản phụ cấp khu vực trong cả tháng rồi thì không phải truy hoàn.

3. Cách tính phụ cấp khu vực đối với các loại công nhân viên hưởng lương khác nhau:

a) Đối với công nhân viên hưởng lương tháng (kể cả học viên hay thực tập) lấy mức lương chính bản thân nhân với định xuất phụ cấp khu vực nếu có.

b) Đối với công nhân thuộc khu vực sản xuất hưởng theo chế độ lương ngày thì lấy số lương cấp bậc hàng ngày nhân với định xuất phụ cấp khu vực nếu có.

c) Đối với công nhân hưởng lương tính theo sản phẩm (lương khoán) thì khi tính đơn gía công khoán lấy lương cấp bậc cộng thêm phụ cấp khu vực để tính.

d) Đối với công nhân viên hưởng nguyên lương nếu đã sắp xếp cấp bậc thì lấy mức lương cấp bậc mới được xếp nhân với định xuất phụ cấp khu vực nếu có, đem số tiền lương và định xuất phụ cấp khu vực đó đối chiếu với tiền lương hiện lĩnh nếu cao hơn lương hiện lĩnh thì sẽ lĩnh theo lương mới, ngược lại nếu thấp hơn lương hiện lĩnh thì vẫn được giữ nguyên mức lương cũ.

4. – Những nhân viên lưu dụng hưởng nguyên lương, bộ đội chuyển ngành nếu chưa sắp xếp cấp bậc; công nhân viên hưởng theo mức lương hợp đồng riêng, cán bộ đi học hưởng chế độ sinh hoạt phí, thì đều không áp dụng khoản phụ cấp khu vực này.

5. – Đối với công nhân viên ốm đi nằm điều trị hoặc điều dưỡng tại khu vực khác nếu đã xếp lương mới thì cách tính phụ cấp khu vực cũng như cách tính phụ cấp đã nói ở trên điểm 1 và 2 nói ở mục V về cách thức tính phụ cấp khu vực.

6. – Trường hợp đi công tác ngắn ngày đã lĩnh tiền chênh lệch theo định xuất phụ cấp khu vực cũ và trên cơ sở mức lương cũ thì nay không đặt vấn đề truy lĩnh hay truy hoàn.

7. – Các đoàn thăm dò địa chất, các đoàn khảo sát cầu đường, các đội điều tra rừng đều áp dụng theo định xuất phụ cấp khu vực và cách tính phụ cấp khu vực định trong thông tư này, kể từ ngày được hưởng chế độ lương mới và không hưởng theo tỷ lệ phụ cấp đặc biệt 20% đã quy định trong nghị định 58-LB ngày 30-04-1956 nữa.

Trong khi thi hành nếu gặp khó khăn trở ngại gì cần kịp thời báo cáo cho Liên bộ biết để nghiên cứu giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG



 
 
Tô Quang Đẩu

BỘ TRƯỞNG 
BỘ LAO ĐỘNG



 
 
Nguyễn Văn Tạo

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 09-TTLB

Loại văn bảnThông tư
Số hiệu09-TTLB
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành...
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báoSố 14
Lĩnh vựcLao động - Tiền lương
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 01/05/1960
Cập nhật5 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Thông tư 09-TTLB quy định phụ cấp khu vực


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản bị đính chính

        Văn bản đính chính

          Văn bản bị thay thế

            Văn bản hiện thời

            Thông tư 09-TTLB quy định phụ cấp khu vực
            Loại văn bảnThông tư
            Số hiệu09-TTLB
            Cơ quan ban hànhBộ Nội vụ, Bộ Lao động
            Người kýTô Quang Đẩu, Nguyễn Văn Tạo
            Ngày ban hành...
            Ngày hiệu lực...
            Ngày công báo...
            Số công báoSố 14
            Lĩnh vựcLao động - Tiền lương
            Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 01/05/1960
            Cập nhật5 năm trước

            Văn bản được căn cứ

              Văn bản hợp nhất

                Văn bản gốc Thông tư 09-TTLB quy định phụ cấp khu vực

                Lịch sử hiệu lực Thông tư 09-TTLB quy định phụ cấp khu vực