Nội dung toàn văn Thông tư 10-BYT-DC cho phép người làm nghề tư về y tế được dự trữ thuốc men đồ băng bó
BỘ Y TẾ Số: 10-BYT-DC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ ******* Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 1959 |
THÔNG TƯ
GIẢI THÍCH QUYẾT ĐỊNH SỐ 311 NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 1959 VỀ VIỆC CHO PHÉP NHỮNG NGƯỜI LÀM NGHỀ TƯ VỀ Y TẾ ĐƯỢC DỰ TRỮ MỘT SỐ THUỐC MEN VÀ ĐỒ BĂNG BÓ
Kính gửi: | Uỷ ban Hành chính các khu, thành phố, tỉnh, |
Thủ tướng phủ đã ban hành điều lệ cho phép làm các nghề chữa bệnh, hộ sinh, chữa răng, bào chế thuốc và bán thuốc (Nghị định số 965-TTg ngày 11-7-1956) trong đó đã có những điều khoản nói rõ phạm vi trách nhiệm về từng nghề.
Xét ra trong thời gian qua, một số tư nhân chưa chấp hành đúng điều lệ nói trên, hơn nữa lại có những người vừa chữa bệnh vừa mua nhiều loại thuốc về bán lại cho bệnh nhân và nhân dân quá giá quy định, trong đó khá phổ biến là các y tá làm tư ở nông thôn.
Tình trạng nói trên đã gây ra tác hại:
- Nhân dân và người bệnh phải mua thuốc đắt, có khi bệnh không khỏi hoặc còn bị tai nạn.
- Gây khó khăn cho việc quản lý thị trường thuốc men.
I. Ý NGHĨA MỤC ĐÍCH
Bộ ban hành Quyết định số 311 ngày 28 tháng 4 năm 1959 nhằm mục đích:
- Chấm dứt tình trạng làm nghề trái phép nói trên.
- Cho phép những người làm các nghề tư này được dự trữ một số thuốc và đồ băng bó với số lượng nhất định để dùng vào việc chữa bệnh và cấp cứu.
- Góp phần ổn định giá thuốc đến tận tay người tiêu thụ.
- Tạo điều kiện thêm cho việc cải tạo ngành Y, Dược tư nhân được dễ dàng.
II. NỘI DUNG
Sau đây, Bộ nói rõ thêm một số vấn đề thuộc nội dung quy định để đề nghị các Uỷ ban và Khu, Sở, Ty lưu ý khi công bố và thi hành Quyết định này:
a) Những người làm nghề tư về chữa bệnh, đỡ đẻ, chữa răng chỉ được làm trong phạm vi nghề nghiệp và khả năng của mình, khi bệnh nhân cần những thuốc gì, nếu không có trong quy định thì tuỳ theo quyền hạn mà kê đơn cho bệnh nhân đi mua ở ngoài, nhất thiết họ không được lợi dụng việc chữa bệnh để buôn bán thuốc cho bệnh nhân và không được dự trự thuốc men trái với bản quy định.
b) Trong lúc làm nghề, họ đã tính tiền thù lao với bệnh nhân nên việc cho phép họ mua dự trữ sẵn một số thuốc là để dùng vào việc chữa bệnh hoặc cấp cứu nhằm phục vụ kịp thời cho nghề nghiệp của mình cũng như đối với bệnh nhân nên các thuốc đó lúc dùng cho bệnh nhân họ cần tính tiền đúng theo giá thuốc bán lẻ của nhà nước, chứ không được lấy thêm tiền lãi vào thuốc.
c) Nội dung dự trữ thuốc men và đồ băng bó tuỳ theo phạm vi nghề nghiệp và trình độ chuyên môn mà có sự quy định khác nhau nhằm mục đích đảm bảo phục vụ tốt và kịp thời cho bệnh nhân hợp với hoàn cảnh các địa phương:
1. Các bác sĩ, y sĩ làm tư được dự trữ nhiều thuốc và đồ băng bó hơn các y tá và hộ sinh, về loại thuốc cũng như về số lượng.
2. Các y tá làm tư tại các địa phương việc mua bán thuốc tây và chữa bệnh cấp cứu được thuận tiện, các y tá làm tư không được dự trữ thuốc men và đồ băng bó là cốt để tránh những lợi dụng có thể xảy ra như trước đây.
Ở những địa phương việc mua bán thuốc tây và chữa bệnh cấp cứu chưa thuận tiện, y tá được chữa một số bệnh dễ chữa như nhức đầu, cảm sốt, đi rửa, ghẻ lở, v.v… (điều 3, chương II, điều lệ tạm thời về việc làm các nghề chữa bệnh, hộ sinh, chữa răng, bào chế thuốc và bán thuốc kèm theo Nghị định số 965-TTg ngày 11-7-1956 của Thủ tướng phủ) mới được phép dự trữ một số thuốc và đồ băng bó như đã quy định nhằm để đối phó với một số trường hợp bệnh tật cấp cứu và hợp với hoàn cảnh nông thôn.
3. Các hộ sinh làm tư chỉ được dự trữ một số thuốc và đồ băng bó dùng cho việc đỡ đẻ và cấp cứu trong khi đỡ đẻ chứ không được dự trữ thêm các thuốc khác để chữa bệnh như hiện nay một số hộ sinh vẫn làm.
d) Tất cả những thuốc men và đồ băng bó được dự trữ phải bảo quản đúng luật lệ chuyên môn như sắp xếp theo các bảng thuốc độc A, B, C, v.v… và bỏ vào tủ có khoá.
e) Những người làm các nghề tư có chuyên khoa: các bác sĩ, y sĩ chuyên khoa như: điện quang X, nhi khoa, phụ khoa, v.v… được dự trữ các thuốc và đồ băng bó thường dùng như trong bản quy định, còn các thuốc dùng riêng cho khoa mình cũng như thuốc và nguyên liệu chuyên dùng cho các nha sĩ và thợ chữa răng vì nhu cầu có nhiều chi tiết hơn nên Bộ sẽ quy định sau.
III. PHƯƠNG PHÁP VÀ THỜI GIAN TIẾN HÀNH
Trong việc thi hành Quyết định này những địa phương có nhiều bác sĩ, y sĩ làm tư tập trung ở thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, v.v… thì các Khu, Sở, Ty sẽ trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện, còn các địa phương khác có thể uỷ quyền cho cấp huyện.
Kế hoạch tiến hành có thể chia ra làm 3 bước ngắn như sau:
Bước 1: Tổ chức học tập
Các địa phương sẽ tổ chức cho các đương sự học các bản Quyết định và quy định để liên hệ kiểm điểm, giải quyết thắc mắc để họ thấy rõ lợi hại và tự giác chấp hành.
Phổ biến mẫu sổ sách và bản kê khai thuốc tồn kho (mẫu số 1 và số 2 định theo đây) cho họ áp dụng.
Bước 2: Kê khai thuốc tồn kho
Sau khi học xong, họ cần kê khai thuốc hiện dự trữ. Nếu những thứ nào có trong bản quy định thì được tiếp tục dùng và tính tiền theo giá thuốc bán lẻ của Nhà nước.
Trường hợp có những thứ thuốc mà số lượng quá mức quy định thì vẫn được phép dùng và sau khi dùng hết số thuốc quá mức đó thì chỉ được dự trữ theo mức đã quy định.
Trường hợp những thứ chưa có giá chỉ đạo, những thứ này cũng không nhiều nên Khu, Sở, Ty sẽ cùng với cơ quan thương nghiệp và hiệu thuốc tây tỉnh định giá; thứ nào không thể định giá được thì sẽ báo cáo lên Bộ Nội thương và Bộ Y tế Quyết định. Sau khi đã định giá, lúc dùng cho bệnh nhân, họ cần tuân theo giá quy định.
Kể từ ngày ký Quyết định hạn trong một tháng, việc kê khai thuốc tồn kho của họ cần làm xong từ khu, thành phố tỉnh đến xã, khu phố; địa phương nào có hoàn cảnh thuận tiện hoàn thành việc kê khai được sớm hơn càng hay.
Sau khi kê khai xong, những thuốc không có trong bản quy định được gia hạn thêm 4 tháng để tiêu thụ nốt, nếu quá hạn mà không dùng hết thì họ sẽ ủng hộ hoặc thương lượng bán lại cho bệnh viện dùng.
Họ phải niêm yết các giá thuốc (theo giá bán lẻ của Nhà nước hoặc giá mới được địa phương duyệt y) của tất cả những thuốc được dự trữ theo quy định và thuốc không có trong bản quy định được gia hạn để tiêu thụ nốt tại chỗ khám bệnh và tiếp bệnh nhân những thuốc không có trong bản quy định phải yết thành một bản riêng.
Bước 3: Tiếp tục việc quản lý.
Để giúp đỡ họ chấp hành tốt Quyết định này, ngoài việc kiểm tra trực tiếp của cơ quan y tế, cứ 3 tháng một lần, nếu là bác sĩ, y sĩ, hộ sinh Đông Dương làm tư thì tự bản thân họ cần đem sổ khám bệnh và xuất thuốc đến trình phòng y tế huyện, quận và khu phố (đơn vị do Y sĩ phụ trách), nếu là y tá, hộ sinh sơ cấp có làm tư cần trình với Ban y tế xã hoặc phố để cho cơ quan y tế theo dõi được sát hơn.
Ngoài ra, các cấp xã và khu phố cần phổ biến rộng rãi trong nhân dân, những phần nội dung cần thiết như những người làm nghề tư về y tế không được dự trữ thuốc trái với những thuốc đã quy định và lúc dùng cho bệnh nhân phải tính tiền theo giá thuốc bán lẻ của Nhà nước, v.v… để nhân dân cùng góp phần giám sát việc chấp hành của họ.
IV. MẤY VẤN ĐỀ CẦN CHÚ Ý
Trong việc tiến hành, các địa phương cần chú ý một số vấn đề sau đây:
a) Cần giải thích và đề phòng họ tăng giá tiền thù lao đối với bệnh nhân sau khi thi hành Quyết định hoặc nhân dịp này tìm cách gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc chữa bệnh hoặc cấp cứu.
b) Các túi thuốc xã, xóm, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do cán bộ y tế xã, xóm quản lý không được bán tăng giá để bù vào thuốc hao hụt hoặc lấy lãi đó làm thù lao cho cán bộ y tế xã xóm, mà cũng phải bán đúng theo giá bán lẻ của Nhà nước (công văn số 8306-BYT/DC ngày 3-11-1958 của Bộ đã nhắc lại việc này), vì khi mua thuốc ở các cửa hàng thuốc tây Quốc doanh hay Hợp tác xã đã được trừ thêm 5% trên giá bán lẻ (chỉ thị số 120-KD ngày 4-10-1958 của Bộ Nội thương) nhằm giúp đỡ các túi thuốc đó duy trì hoặc phát triển thêm.
c) Đối với một số cán bộ Y tế có làm tư: một số vẫn còn đi chữa bệnh tư và có khi còn bán thuốc cho nhân dân quá giá trong đó đáng kể là có cả một số cán bộ y tế xã, Bộ đề nghị các Khu, Sở, Ty tăng cường việc giáo dục để chấm dứt tình trạng vừa làm công vừa làm tư để cho số anh chị em đó toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân hơn nữa.
V. TỔNG KẾT
Bộ đề nghị các địa phương chú ý theo dõi những điểm đã nêu ở mẫu báo cáo đính theo để việc tổng kết được đầy đủ và hạn đến 30-6-1959 các Khu, Sở, Ty đã có báo cáo tổng kết ở Bộ.
Trong lúc thi hành Quyết định này, nếu có chỗ nào chưa đầy đủ hoặc gặp khó khăn gì Bộ đề nghị các Uỷ ban và Khu, Sở, Ty báo cáo cho Bộ biết để bổ sung hoặc góp thêm ý kiến.
| BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
Mẫu số 1 SỔ KHÁM BỆNH VÀ XUẤT THUỐC
Số thứ tự | Ngày tháng | Họ và tên người bệnh | Tuổi | Nghề nghiệp | Địa chỉ | Bệnh trạng | Tên thuốc và nguyên liệu đã dùng | Tiền thuốc và nguyên liệu | Tiền thù lao chữa bệnh | Cộng số tiền | Bệnh nhân ký tên |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
CƯỚC CHÚ:
- Nếu là bác sĩ, y sĩ, nha sĩ, nữ hộ sinh Đông dương, hộ sinh trung cấp thì do Trưởng phòng Y tế huyện, khu phố, quận ký tên ở trang đầu, ghi rõ tổng số trang và đóng dấu ở mỗi trang và 3 tháng một lần bản thân mỗi người làm nghề phải đem sổ đến trình với Trưởng phòng Y tế khu phố, quận, huyện.
- Nếu là y tá hoặc hộ sinh sơ cấp thì do Ủy ban Hành chính xã, phố ký tên và đóng dấu như trên, và 3 tháng một lần những người này phải tự mình đem sổ đến trình với Trưởng ban Y tế xã hoặc phố.
- Sổ này sẽ áp dụng cho cả các nha sĩ hay thợ chữa răng.
Mẫu số 2
BẢN KÊ KHAI THUỐC HIỆN CÓ ĐẾN NGÀY ………
Họ và tên:....................................................................
Chức vụ:......................................................................
Địa chỉ:........................................................................
Số thứ tự | TÊN THUỐC | Đơn vị | Số lượng | Chất lượng | Giá tiền do chủ nhân đề nghị | Giá bán lẻ của Nhà nước hoặc giá đã được duyệt y | CƯỚC CHÚ |
| A) Thuốc có trong bản quy định 2677BYT/DC B) Thuốc không có trong bản quy định 2677BYT/DC |
|
|
|
|
|
|
Ý kiến của cơ quan Y tế ................................................................. ................................................................. ................................................................. | Tổng cộng: ……………. đồng……… Ngày…… tháng…… năm……195…… Người khai ký tên |
CƯỚC CHÚ: Bản kê khai này làm thành 3 bản để:
- Trình cơ quan Y tế địa phương 2 bản.
Sau khi cơ quan Y tế và thương nghiệp duyệt y giá thuốc sẽ trả lại chủ nhân một bản.
- Chủ nhân giữ một bản.
BÁO CÁO TỔNG KẾT
Công tác quản lý thuốc dự trữ của các tư nhân làm nghề Y tế ở …………
A. Tình hình:
a) Số lượng các tư nhân:
- Bác sĩ.
- Y sĩ.
- Hộ sinh các cấp (nữ hộ sinh Đông Dương, hộ sinh trung cấp, sơ cấp)
- Y tá (chia ra Y tá tiêm theo đơn và Y tá có chữa bệnh).
b) Số lượng cán bộ trong biên chế hoặc bán thoát ly có làm tư: Bác sĩ, Y sĩ, Y tá, Hộ sinh các cấp, Cán bộ Y tế xã, Hộ sinh xã.
c) Sau khi tiến hành công tác quản lý này số lượng nói trên có gì thay đổi không…… lý do……
B. Kết quả việc quản lý thuốc dự trữ:
a) Thuốc có trong quy định: số lượng viên, ống, gram, lít, v.v… (không cần kể tên thuốc) chất lượng các thuốc này.
b) Thuốc không có trong bản quy định: có bao nhiêu thứ, số lượng viên, ống, gram, lít, v.v… chất lượng.
c) Tổng giá trị thành tiền của hai loại thuốc này. Các mục trên có thể nêu dẫn chứng một số trường hợp cá biệt như dự trữ nhiều, dự trữ có tính chất phổ biến là ở lớp người có nghề nào?
d) Sau khi tiến hành, có những thắc mắc gì còn lại cần giải quyết.
e) Góp ý kiến về bản quy định thuốc dự trữ của Bộ; các loại thuốc và số lượng như vậy có cần bổ sung gì không?
C. Các kinh nghiệm và đề nghị khác.
D. Nhận xét về sự hướng dẫn của Bộ.
CƯỚC CHÚ:
Báo cáo này dài nhất là 2 trang và gửi về Bộ trước ngày 30-6-1959 làm 2 bản (Văn phòng Bộ và Vụ Dược chính)