Nội dung toàn văn Thông tư 1049-VH/TC chuyển Phòng chiếu bóng thành Quốc doanh chiếu bóng địa phương quy định tổ chức nhiệm vụ, quan hệ Quốc doanh địa phương
BỘ VĂN HOÁ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 1049-VH/TC | Hà Nội, ngày 16 tháng 07 năm 1960 |
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC CHUYỂN CÁC PHÒNG CHIẾU BÓNG THÀNH QUỐC DOANH CHIẾU BÓNG ĐỊA PHƯƠNG VÀ QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC NHIỆM VỤ, QUAN HỆ CÁC QUỐC DOANH CHIẾU BÓNG ĐỊA PHƯƠNG
Thi hành nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc phân cấp quản lý kinh tế và văn hóa cho địa phương.
Từ ngày Bộ tôi ra nghị định số 238-VH/NĐ về việc bàn giao công tác chiếu bóng về các địa phương quản lý về mọi mặt, các Phòng chiếu bóng được thành lập dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các Sở, Ty văn hóa đã giúp cho Sở, Ty và các Ủy ban hành chính địa phương lãnh đạo và quản lý công tác chiếu bóng trong địa phương ngày càng thu được kết quả tốt.
Do tình hình ngày càng phát triển, sự nghiệp chiếu bóng cũng ngày càng được xây dựng rộng lớn để đáp ứng yêu cầu phục vụ chính trị và nhu cầu văn hóa đối với quần chúng, nhất là đi vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất tới đây. Để phát huy hơn nữa tác dụng của cơ quan quản lý chiếu bóng địa phương, đề cao trách nhiệm quản lý xí nghiệp theo chế độ hạch toán kinh tế, Bộ tôi ra thông tư quy định về việc chuyển các Phòng chiếu bóng thành Quốc doanh chiếu bóng địa phương và quy định về tổ chức nhiệm vụ, quan hệ các Quốc doanh chiếu bóng địa phương (tỉnh, thành phố, khu tự trị) dưới đây:
I. TỔ CHỨC NHIỆM VỤ CÁC QUỐC DOANH CHIẾU BÓNG ĐỊA PHƯƠNG(tỉnh, thành, khu tự trị)
1. Tên gọi:
Các Phòng chiếu bóng tỉnh, thành, khu tự trị nằm trong các Sở, Ty Văn hóa nay thống nhất đều chuyển và đổi tên thành Quốc doanh chiếu bóng tỉnh, thành, khu tự trị. Nếu địa phương nào chưa có đủ điều kiện chuyển thì cần xây dựng chuẩn bị điều kiện để tiến tới thực hiện.
2. Nhiệm vụ:
Quốc doanh chiếu bóng tỉnh, thành, khu tự trị vừa là cơ quan phục vụ văn hóa, vừa là đơn vị doanh nghiệp của địa phương, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Sở, Ty Văn hóa. Nhiệm vụ cụ thể của Quốc doanh chiếu bóng địa phương là:
a) Giúp các Sở, Ty Văn hóa và Ủy ban hành chính các địa phương lãnh đạo và quản lý công tác chiếu bóng trong địa phương, bao gồm việc xây dựng và phát triển sự nghiệp chiếu bóng, quản lý hoạt động chiếu bóng theo đường lối phương châm của Bộ và địa phương đã đề ra, nâng cao chất lượng và nghiệp vụ công tác chiếu bóng, nhằm phục vụ chính trị giáo dục tư tưởng, nâng cao kiến thức và đáp ứng yêu cầu văn hóa của nhân dân địa phương.
b) Thực hiện tốt nhiệm vụ của một doanh nghiệp Nhà nước ở một địa phương: lãnh đạo các đơn vị phục vụ chính trị là chủ yếu, đồng thời phải đảm bảo kinh doanh tốt việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sự nghiệp, kế hoạch tài vụ, quản lý tài sản, vốn được cấp theo chế độ hạch toán kinh tế, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách kinh doanh của Chính phủ và của Bộ Văn hóa ban hành.
3. Tổ chức:
Mỗi Quốc doanh chiếu bóng tỉnh, thành, khu tự trị có một chủ nhiệm phụ trách và nếu cần có một phó chủ nhiệm giúp việc; chủ nhiệm và phó chủ nhiệm do Sở, Ty Văn hóa đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh, thành hay khu tự trị xét và quyết định bổ nhiệm.
Dưới chủ nhiệm thì tùy theo: tính chất phức tạp của công tác, quy mô tổ chức và phạm vi hoạt động, doanh số, để quy định số biên chế và tổ chức giúp việc. Bước đầu có thể tổ chức thành 2 tổ hay bộ phận (sau này nếu địa phương nào quy mô tổ chức lớn hơn nữa thì có thể tổ chức thành 2 phòng):
a) Kế hoạch, tài vụ, thống kê:
- Có nhiệm vụ giúp chủ nhiệm lãnh đạo công tác kế hoạch thống kê, công tác quản lý kinh doanh, công tác hành chính gồm có các cán bộ và nhân viên nghiệp vụ như quản trị, kế toán, kế hoạch, thống kê, văn thư và đánh máy nếu có.
b) Nghiệp vụ:
- Có nhiệm vụ giúp chủ nhiệm lãnh đạo công tác nghiệp vụ như: tuyên truyền, phân phối luân chuyển phim, thuyết minh, kiểm tra củng cố các đơn vị, xây dựng bồi dưỡng lực lượng cơ sở chiếu bóng, huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ nếu có.
Ngoài 2 tổ hay bộ phận trên đây, đối với một số địa phương có tổ chức thêm đơn vị sửa chữa máy thì có thể thành lập thêm bộ phận này coi như một bộ phận riêng nằm trong Quốc doanh địa phương.
Chú ý: Đối với các Quốc doanh chiếu bóng có điều kiện thành lập phòng, thì có thể có một trưởng phòng phụ trách hoặc do chủ nhiệm, có thể thêm một phó phòng giúp việc. Việc đề bạt trưởng, phó phòng do Sở, Ty Văn hóa xét đề nghị, Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu quyết định.
- Đối với những nơi chưa có đủ điều kiện thành lập phòng thì việc phân công các trưởng bộ phận là do chủ nhiệm phân công, thông qua ý kiến của Sở, Ty Văn hóa.
- Biên chế của các Quốc doanh chiếu bóng địa phương dựa vào những điểm quy định trên sẽ kiện toàn dần từng bước trên tinh thần hết sức gọn, nhẹ, tinh giản tổ chức.
- Những quy định về tổ chức trên đây chủ yếu thi hành ở các tỉnh, thành phố miền xuôi. Còn đối với các khu tự trị và các tỉnh trong khu tự trị thì tùy tình hình và điều kiện mà nghiên cứu để tổ chức các Quốc doanh chiếu bóng địa phương cho thích hợp.
II. QUAN HỆ LÃNH ĐẠO CÁC QUỐC DOANH CHIẾU BÓNG ĐỊA PHƯƠNG
1. Quan hệ lãnh đạo giữa Sở, Ty, Văn hóa với Quốc doanh chiếu bóng địa phương:
- Quốc doanh chiếu bóng địa phương là một đơn vị doanh nghiệp của địa phương (tỉnh, thành, khu tự trị) do Sở, Ty Văn hóa chịu trách nhiệm trước Ủy ban hành chính địa phương trực tiếp chỉ đạo về mọi mặt.
- Quốc doanh chiếu bóng địa phương chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Sở, Ty Văn hóa về đường lối phương châm công tác văn hóa trong địa phương; cho nên kế hoạch hàng năm, hàng tháng, hàng quý khi xây dựng phải đưa vào nhiệm vụ, đường lối, phương châm công tác của Bộ và Sở, Ty Văn hóa đề ra. Kế hoạch sau khi xây dựng phải do Sở, Ty Văn hóa thông qua và Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu xét duyệt (đối với các kế hoạch tài vụ, thu chi, v.v... cũng phải báo cáo cho Sở, Ty Văn hóa xét và có sự tham gia ý kiến của cơ quan Tài chính, Ngân hàng địa phương trước khi đưa lên Ủy ban hành chính xét duyệt).
- Mỗi khi nhận được chủ trương về nghiệp vụ của ngành dọc, trước khi thi hành phải xin ý kiến của Sở, Ty Văn hóa.
- Là một doanh nghiệp của địa phương kinh doanh về văn hóa, Quốc doanh chiếu bóng địa phương chịu sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Sở, Ty; nhưng Quốc doanh chiếu bóng địa phương lại là một đơn vị kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế độc lập được Nhà nước cấp vốn, có tư cách pháp nhân trong việc quản lý vốn, quản lý các tài sản được Nhà nước cấp, giao dịch ký hợp đồng kinh tế trực tiếp với các đơn vị kinh doanh khác, được tổ chức kinh doanh theo kế hoạch và chế độ chung do Nhà nước và Bộ Văn hóa ban hành, được hưởng tiền thưởng xí nghiệp khi hoàn thành kế hoạch. Vì vậy, các Sở, Ty Văn hóa phải đề cao và tôn trọng các chế độ và nguyên tắc quản lý xí nghiệp của một doanh nghiệp độc lập trong địa phương.
2. Quan hệ giữa Sở, Ty Tài chính và Ngân hàng địa phương đối với Quốc doanh chiếu bóng địa phương:
Các cơ quan tài chính, Ngân hàng địa phương có nhiệm vụ tham gia góp ý kiến xét duyệt kế hoạch tài vụ và giám đốc tình hình thực hiện kế hoạch kinh doanh của Quốc doanh chiếu bóng địa phương. Các Sở, Ty Tài chính và Ngân hàng địa phương cho các Quốc doanh chiếu bóng địa phương về việc tổ chức quản lý kinh doanh, phát hiện tình hình kinh doanh, tình hình tham ô lãng phí, nâng cao công tác quản lý xí nghiệp. Các báo cáo hoạt động kinh doanh tài vụ gửi cho cấp trên, Quốc doanh chiếu bóng địa phương đồng gửi cho cơ quan Tài chính, Ngân hàng địa phương theo dõi giúp đỡ.
3. Quan hệ giữa Quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng trung ương với các Quốc doanh chiếu bóng địa phương:
Nhiệm vụ của Quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng trung ương như thông tư “Giải thích những điểm cụ thể trong nghị định số 238-VH/TT ngày 7-3-1959 của Bộ Văn hóa” đã nói rõ. Nay trong quan hệ với các Quốc doanh chiếu bóng địa phương Bộ quy định cụ thể:
- Quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng trung ương được sự ủy nhiệm của Bộ Văn hóa chỉ đạo, hướng dẫn các Quốc doanh chiếu bóng địa phương về nghiệp vụ công tác chiếu bóng về mọi mặt; và hướng dẫn xây dựng các kế hoạch phát triển sự nghiệp về chiếu bóng; theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch của các Quốc doanh chiếu bóng địa phương, tổng hợp tình hình báo cáo cho Bộ. Trong tình hình các địa phương chưa tự đảm nhiệm được việc đào tạo cán bộ nghiệp vụ các loại, Quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng trung ương giúp các địa phương đào tạo các loại cán bộ nghiệp vụ và công nhân chuyên nghiệp theo yêu cầu và trên nguyên tắc các địa phương phải đảm nhiệm việc tự tuyển lựa học sinh theo đúng tiêu chuẩn đã đề ra, và phải tự túc đài thọ kinh phí và học phí trong thời gian đào tạo… Quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng trung ương tạm thời đảm nhiệm việc cung ứng các thiết bị về chiếu bóng theo yêu cầu và đơn đặt hàng của các Quốc doanh chiếu bóng địa phương. Những thứ gì và mặt hàng nào trong nước có sản xuất được thì Quốc doanh chiếu bóng trung ương không chịu trách nhiệm cung ứng.
- Hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, 1 năm Quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng trung ương giúp Bộ sơ kết, tổng kết công tác, đồng thời dựa vào đường lối, nhiệm vụ, phương châm, công tác văn hóa do Bộ đề ra, đề xuất nhiệm vụ, phương châm, đường lối chỉ đạo công tác chiếu bóng và hướng dẫn các địa phương thi hành các nhiệm vụ, đường lối, phương châm đó; đúc kết kinh nghiệm nghiệp vụ phổ biến cho các địa phương để nâng cao chất lượng công tác.
- Quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng trung ương giúp Bộ nghiên cứu các chính sách, chế độ, thể lệ về công tác chiếu bóng và phát hành phim thi hành chung cho toàn ngành.
- Quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng trung ương phối hợp với Ty Tài chính và Ngân hàng để giúp đỡ các địa phương về mặt kinh doanh.
- Các chi nhánh phát hành phim (cơ quan đại diện của Quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng trung ương ở các khu vực) có nhiệm vụ cho các Quốc doanh chiếu bóng địa phương thuê phim theo chế độ hợp đồng kinh tế của Chính phủ quy định; từng thời gian và tùy theo yêu cầu, các chi nhánh có thể triệu tập các Quốc doanh chiếu bóng địa phương hội nghị để trao đổi nghiệp vụ công tác.
- Quốc doanh chiếu bóng địa phương phải chấp hành đúng đường lối chỉ đạo công tác chiếu bóng và phát hành phim; các chủ trương, chế độ thể lệ và nguyên tắc nghiệp vụ do Bộ ban hành không được tự tiện sửa đổi. Theo hợp đồng kinh tế các báo cáo thống kế hàng tháng, hàng quý, hàng năm và bất thường, các báo cáo sử dụng phim đều phải gửi cho Quốc doanh phát hành phim trung ương và các chi nhánh đúng mẫu mực và thời gian (báo cáo gửi cho trên đều phải gửi cho Sở, Ty Văn hóa).
III. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH
Việc chuyển các Phòng chiếu bóng thành Quốc doanh chiếu bóng địa phương xuất phát từ tình hình công tác của ngành chiếu bóng ngày càng mở rộng và phát triển, đòi hỏi phải củng cố và tăng cường quản lý lãnh đạo tốt công tác chiếu bóng về mọi mặt; đòi hỏi phải đề cao trách nhiệm của tất cả cán bộ và nhân viên công tác chiếu bóng. Vì vậy, việc chuyển Phòng chiếu bóng thành Quốc doanh chiếu bóng địa phương có một ý nghĩa thực tiễn về chính trị và tổ chức. Nên trong khi thi hành cần phải làm cho cán bộ và công nhân viên công tác chiếu bóng thấy rõ ý nghĩa mục đích, đề cao tinh thần làm chủ, ý thức tổ chức, kỷ luật và tích cực tham gia xây dựng Quốc doanh chiếu bóng địa phương, làm cho tổ chức được vững mạnh. Cần làm cho anh chị em phấn khởi hăng hái đẩy mạnh thi đua hoàn thành nhiệm vụ, cụ thể trước mắt là hoàn thành tốt kế hoạch năm 1960 và chuẩn bị xây dựng thực hiện kế hoạch 5 năm.
Nhận được thông tư này, Bộ tôi yêu cầu các Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu tự trị cùng với các Sở, Ty Văn hóa nghiên cứu để có kế hoạch tiến hành trong từng địa phương. Trong khi thi hành có gì khó khăn trở ngại đề nghị cho Bộ tôi được biết và sau khi thi hành cho Bộ tôi biết kết quả (báo cáo đồng gửi cho Quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng trung ương để theo dõi).
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA |