Nội dung toàn văn Thông tư 112-CT hướng dẫn khen thưởng việt kiều có thành tích ủng hộ tham gia kháng chiến chống mỹ cứu nước
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 112-CT | Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 1986 |
THÔNG TƯ
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 112-CT NGÀY 26-4-1986 HƯỚNG DẪN VIỆC KHEN THƯỞNG VIỆT KIỀU CÓ THÀNH TÍCH ỦNG HỘ, THAM GIA KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC.
Căn cứ vào điều 7 của Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ do Hội đồng Nhà nước ban hành kèm theo Nghị quyết số 47-HĐBT ngày 29 - 9 - 1981, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quy định và hướng dẫn một số điểm về việc khen thưởng Việt Kiều như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG
Các Việt kiều (kể cả Việt kiều đã về nước) có thành tích tham gia hoặc ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong thời gian ở nước ngoài đều được xét thưởng thành tích tham gia hoặc ủng hộ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nếu thành tích là chung của gia đình thì xét khen thưởng cho gia đình.
Những người có công, nhưng đã từ trần thì xét khen truy tặng.
II. HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG, VẬN DỤNG TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG,ĐIỀU KIỆN XÉT KHEN THƯỞNG.
1. Về hình thức khen thưởng.
Các hình thức khen thưởng đối với Việt Kiều gồm có bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, huy chương Kháng chiến, Huân chương Kháng chiến các hạng.
2. Vận dụng tiêu chuẩn khen thưởng.
a) Những Việt kiều có tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân ta ở nước ngoài (được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận), khi về nước tiếp tục công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, thì được cộng thời gian công tác ở nước ngoài với thời gian công tác ở trong nước xét khen thưởng theo tiêu chuẩn chung như Điều lệ quy định.
b) Những Việt kiều có thành tích ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta thì việc xét khen thưởng theo những tiêu chuẩn trong Thông tư số 39-BT ngày 21-4-1982 của Bộ trưởng Tổng thư ký (phần B) và theo sự hướng dẫn của Viện Huân chương.
c) Khi Vận dụng tiêu chuẩn khen thưởng, cần xem xét hoàn cảnh lập thành tích ở từng nước, trong từng thời kỳ, có thuận lợi hay khó khăn để định mức khen cho thoả đáng và tương xứng với khen cán bộ, nhân dân trong nước.
3. Điều kiện xét khen thưởng.
a) Việt kiều được xét khen thưởng theo tiêu chuẩn nói ở điểm 2.a phải là người không phạm khuyết điểm nghiêm trọng khi hoạt động ở nước ngoài hoặc công tác ở trong nước.
b) Việt kiều được xét khen thưởng theo thành tích nói ở điểm 2.b phải là người không vi phạm pháp luật Nhà nước.
c) Điều kiện để xét khen thưởng tổng kết cho gia đình áp dụng như các điều kiện khen thưởng gia đình quân nhân ở miền Bắc, hoặc gia đình có người thân thoát lý ở miền Nam.
d) Những Việt kiều đã có kết luận rõ ràng là có những hành động phản bội, làm tay sai cho địch hoặc trong thời gian về nước đã có án tù, bị tước quyền bầu cử, ứng cử, bị quản chế thì không được xét khen thưởng.
III. TỔ CHỨC VIỆC XÉT DUYỆT VÀ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG.
Do việc thẩm tra, xác minh thành tích có nhiều khó khăn, nên việc xét khen thưởng Việt kiều cần được tiến hành thận trọng, nhằm khen đúng đối tượng, đúng thành tích.
1. Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương xét và đề nghị khen thưởng những Việt kiều đã về nước hiện nay thuộc phạm vi mình quản lý, có tham khảo ý kiến của Ban Việt kiều Trung ương, và làm thủ tục trình Hội đồng Bộ trưởng (qua Viện Huân chương).
2. Ban Việt kiều Trung ương có nhiệm vụ:
a) Thẩm tra, xác minh thành tích của những Việt kiều còn ở nước ngoài được xét khen thưởng thuộc đối tượng và tiêu chuẩn quy định ở các phần I và II trên đây, có tham khảo ý kiến của các ngành và các cơ quan đại diện nước ta ở các nước có liên quan và làm các thủ tục trình Hội đồng Bộ trưởng (qua Viện Huân chương).
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng trường hợp từng địa bàn, đề nghị Hội đồng Bộ trưởng quyết định việc công bố và trao tặng khen thưởng cho thích hợp.
c) Cùng với Viện Huân chương hướng dẫn cách thức vận dụng tiêu chuẩn khen thưởng.
3. Bộ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, Ban Việt kiều Trung ương phải gửi đầy đủ hồ sơ đề nghị khen thưởng lên Hội đồng Bộ trưởng, đồng giử Viện Huân chương. Trong hồ sơ phải có bản thành tích ghi rõ thành tích cụ thể, địa điểm, thời gian lập thành tích được một cán bộ có thẩm quyền như cán bộ các cơ quan ngoại giao, Hội Việt kiều yêu nước của ta ở nước ngoài hoặc hai Việt kiều hoạt động cùng thời gian xác nhận.
4. Các cơ quan xét khen thưởng cần bảo đảm giữ bí mật các thành tích hoạt động không công khai của Việt kiều trong thời gian ở nước ngoài.
Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Việt kiều Trung ương và Viện trưởng Viện Huân chương có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
| Tố Hữu (Đã ký) |