Nội dung toàn văn Thông tư 122/1999/TT-BTC kê khai đăng ký trụ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 122/1999/TT-BTC | Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 1999 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 122 /1999/TT-BTC NGÀY 13THÁNG 10 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VIỆC KÊ KHAI ĐĂNG KÝ TRỤ SỞ LÀM VIỆC THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP
Căn cứ Quyết định số 20/1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về phạm vi, đối tượng, trình tự, thủ tục kê khai đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp như sau:
I- PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG KÊ KHAI ĐĂNG KÝ TRỤ SỞ LÀM VIỆC:
1- Cơ quan Nhà nước các cấp, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ( gọi chung là cơ quan hành chính sự nghiệp) đều phải kê khai, đăng ký trụ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước với cơ quan tài chính để quản lý tài sản theo hướng dẫn tại Thông tư này.
2- Đối tượng kê khai đăng ký trụ sở làm việc gồm: nhà dùng vào mục đích làm việc, tiếp khách, hội họp, nhà kho, nhà bảo vệ, nhà để xe, khu công trình phụ và các công trình kiến trúc khác gắn liền với nhà, đất nằm trong khuôn viên đất thuộc trụ sở làm việc quy định tại Điều 1 Quy chế quản lý, sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan HCSN ban hành kèm theo Quyết định số 20/1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Các đối tượng dưới đây không áp dụng kê khai đăng ký theo hướng dẫn tại Thông tư này:
- Nhà, đất trong khuôn viên của các cơ sở: bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, cơ sở điều dưỡng; Trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, trường trung học phổ thông, trường trung học cơ sở, trường tiểu học, trường mẫu giáo, nhà trẻ ;
- Nhà, đất thuộc các trạm, trại, trung tâm nghiên cứu khoa học, bảo tồn, bảo tàng, sân tập thể thao, nhà biểu diễn nghệ thuật, sân vận động;
- Nhà, đất thuộc các kho tàng dự trữ quốc gia, công trình quốc phòng, an ninh và các cơ sở đặc thù thuộc các ngành quốc phòng, an ninh bao gồm cả trại giam, trại cải tạo.
3- Một số nguyên tắc cần lưu ý khi kê khai đăng ký:
a) Cơ quan nào được Nhà nước giao trực tiếp quản lý trụ sở làm việc thì cơ quan đó có trách nhiệm kê khai đăng ký.
b) Đối với những trụ sở làm việc có nhiều cơ quan, đơn vị HCSN cùng quản lý, sử dụng thì thủ trưởng từng cơ quan thực hiện kê khai đăng ký phần diện tích được sử dụng của cơ quan mình theo các Quyết định của cơ quan Nhà nước khi giao quyền sử dụng; hoặc theo đúng biên bản phân chia nhà đất mà các bên đã thống nhất trong trường hợp chưa được phân chia rõ diện tích sử dụng trong các Quyết định nêu trên.
c) Việc kê khai đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, cơ quan ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn riêng của các Bộ, ngành sau khi đã thống nhất với Bộ Tài chính.
d) Đối với diện tích nhà đất thuộc trụ sở làm việc của các cơ quan HCSN đang sử dụng có nguồn gốc sở hữu nhà nước nhưng còn đang thuê của cơ quan nhà đất địa phương thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyết định chuyển quỹ nhà, đất là trụ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước cho các cơ quan HCSN quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 20 Quy chế quản lý sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan HCSN ban hành kèm theo Quyết định số 20/1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, sau đó tiến hành kê khai đăng ký với cơ quan tài chính.
e) Đối với trụ sở làm việc mà các cơ quan HCSN đang dùng làm nhà ở tập thể cho cán bộ, công chức; cho thuê; sản xuất kinh doanh dịch vụ thì cơ quan HCSN trực tiếp quản lý, sử dụng trụ sở làm việc có trách nhiệm xử lý theo hướng dẫn tại Thông tư số 69/1999/TT-BTC ngày 9/6/1999 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xử lý đối với tài sản nhà nước tại khu vực HCSN sau tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định của Nhà nước tại khu vực HCSN. Sau khi xử lý trụ sở làm việc đó đúng mục đích sử dụng thì cơ quan HCSN trực tiếp quản lý phải thực hiện kê khai, đăng ký theo Thông tư này.
g) Đối với trụ sở làm việc bố trí xen kẽ phòng nghỉ cho khách, nhà ở với nhà làm việc thì cơ quan HCSN trực tiếp quản lý, sử dụng trụ sở làm việc phải thực hiện kê khai đăng ký theo Thông tư này; Đồng thời có trách nhiệm xử lý phòng nghỉ cho khách, nhà ở ra khỏi trụ sở làm việc theo đúng quy định.
II- HỒ SƠ KÊ KHAI ĐĂNG KÝ NHÀ ĐẤT THUỘC TRỤ SỞ LÀM VIỆC TẠI CÁC CƠ QUAN HCSN :
1- Đối với trường hợp đề nghị cấp mới giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc :
Hồ sơ kê khai đăng ký gồm có:
- Công văn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc, trong đó nêu rõ quá trình quản lý, sử dụng trụ sở làm việc hiện có;
- Tờ khai đăng ký quyền quản lý, sử dụng trụ sở làm việc theo mẫu số 01 đính kèm Quy chế quản lý, sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan HCSN ban hành kèm theo Quyết định số 20/1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
- Các giấy tờ có liên quan về nhà, về đất; Sơ đồ mặt bằng từng ngôi nhà và khuôn viên đất ( nếu có).
2- Đối với trường hợp đề nghị thay đổi giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc:
Các trường hợp trụ sở làm việc biến động do : thay đổi cơ quan quản lý, sử dụng (chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi); tiếp nhận; chuyển giao; thanh lý trụ sở làm việc và cải tạo nâng cấp, mở rộng làm thay đổi về diện tích nhà, đất thuộc trụ sở làm việc so với kê khai đăng ký hoặc giấy chứng nhận đã được cấp bị hư hỏng cũ nát cần phải thay đổi giấy chứng nhận mới thì cơ quan HCSN trực tiếp quản lý, sử dụng trụ sở làm việc phải lập hồ sơ đề nghị thay đổi giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc. Hồ sơ gồm có:
- Công văn đề nghị, trong đó nêu rõ lý do thay đổi giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc;
- Tờ khai đăng ký quyền quản lý, sử dụng trụ sở làm việc theo mẫu số 01 đính kèm Quy chế quản lý, sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan HCSN ban hành kèm theo Quyết định số 20/1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
- Các giấy tờ có liên quan về nhà, về đất; Sơ đồ mặt bằng từng ngôi nhà và khuôn viên đất ( nếu có);
- Giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc đã được cấp trước đây.
3- Đối với trường hợp đề nghị cấp lại giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc:
Trong trường hợp bị mất giấy chứng nhận, cơ quan HCSN trực tiếp quản lý, sử dụng trụ sở làm việc đề nghị cấp lại giấy chứng nhận. Hồ sơ gồm:
- Công văn đề nghị, trong đó nêu rõ lý do cấp lại giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc;
- Tờ khai đăng ký quyền quản lý, sử dụng trụ sở làm việc theo mẫu số 01 đính kèm Quy chế quản lý, sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan HCSN ban hành kèm theo Quyết định số 20/1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
III- TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KÊ KHAI ĐĂNG KÝ VÀ THẨM QUYỀNCẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NHÀ ĐẤT THUỘC TRỤ SỞ LÀM VIỆC:
1/ Trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký :
Các cơ quan HCSN trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc lập 02 bộ hồ sơ kê khai đăng ký của cơ quan mình theo hướng dẫn tại Phần II của Thông tư này, trong đó:
- Lưu 01 bộ hồ sơ để theo dõi quản lý tại đơn vị.
- Gửi 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận được quy định tại điểm 2, phần III của Thông tư này.
2- Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận :
- Đối với nhà đất thuộc trụ sở làm việc của các cơ quan HCSN trung ương là các Bộ, ngành, cơ quan trung ương của các đoàn thể, tổ chức: Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận.
- Đối với nhà đất thuộc trụ sở làm việc của các cơ quan HCSN cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bao gồm tất cả đơn vị thuộc các cơ quan này, là đơn vị dự toán các cấp của ngân sách tỉnh); cơ quan HCSN trung ương đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố (là đơn vị thuộc các Bộ, ngành, cơ quan trung ương của đoàn thể, tổ chức): Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp cấp hoặc uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc cấp giấy chứng nhận.
- Đối với nhà đất thuộc trụ sở làm việc của cơ quan HCSN cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (là đơn vị dự toán các cấp của ngân sách huyện): Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp cấp hoặc uỷ quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh cấp giấy chứng nhận.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1- Các cơ quan, đơn vị HCSN trong cả nước có trách nhiệm thực hiện kê khai đăng ký để được cấp giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc hiện đang quản lý, sử dụng theo hướng dẫn tại Thông tư này.
2- Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) có trách nhiệm phát hành tờ kê khai đăng ký và giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc đồng thời cùng Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện.
3- Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ cho phép bố trí dự toán chi ngân sách Nhà nước về cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, xây dựng trụ sở làm việc đối với các cơ quan HCSN đã kê khai đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc.
4- Cuối năm (ngày 31/12), Sở Tài chính-Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình kê khai đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc do địa phương cấp gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) để tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5- Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) để xem xét giải quyết.
| Nguyễn Thị Kim Ngân (Đã ký) |