Nội dung toàn văn Thông tư 14-NV hướng dẫn Thông tư 51-TTg/NC tăng cường chấp hành chính sách chế độ thương bệnh binh gia đình liệt sĩ
BỘ NỘI VỤ ***** | VIỆT DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 14-NV | Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 1965 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 51-TTG/NC NGÀY 17/05/1965 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHẤP HÀNH CÁC CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ
Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Để thi hành thông tư số 51-TTg/NC ngày 17/05/1965 của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành các chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, Bộ Nội vụ giải thích và hướng dẫn cụ thể những điểm sau đây:
I. VIỆC SẤP XẾP VIỆC LÀM, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG CHO THƯƠNG BINH VÀ BỆNH BINH CÒN TẠI NGŨ.
Việc giải quyết công việc làm và đời sống đối với thương binh, bệnh binh sẽ xuất ngũ từ nay về sau phải quán triệt yêu cầu là phải giải quyết tốt ngay từ đầu, tạo điều kiện cho anh em nhanh chóng ổn định đời sống, không để một anh em nào không có công việc làm ổn định hoặc đời sống khó khăn.
Hội đồng Chính phủ đã đề ra các hướng giải quyết công việc làm, ổn định đời sống cho thương binh, bệnh binh như sau:
A. Đối với những thương binh có thương tật nặng, không còn khả năng lao động, Nhà nước đảm bảo việc nuôi dưỡng lâu dài.
Nếu anh em có gia đình ở địa phương và tự nguyện xin về, thì sẽ tạo điều kiện cho anh em về địa phương an dưỡng ở gia đình. Vì vậy, ngoài việc Nhà nước trợ cấp thương tật, Ủy ban hành chính địa phương cần giúp đỡ anh em làm thêm những công việc thích hợp với khả năng lao động còn lại của anh em, giúp đỡ gia đình anh em trong công việc làm ăn, để ít nhất anh em cũng có được mức sống như mức sống trung bình của nhân dân địa phương.
Nếu anh em không có điều kiện về địa phương (không có gia đình hoặc tuy có gia đình nhưng gia đình không có điều kiện săn sóc anh em chu đáo...) thì sẽ đưa về trại thương binh.
B. Đối với những thương binh và những bệnh binh miền còn khả năng lao động.
Phải sắp xếp công việc làm thích hợp với thương tật, khả năng và hoàn cảnh của từng người, hết sức sử dụng một cách hợp lý nhất khả năng lao động còn lại của anh em. Hướng sắp xếp công việc làm cho thương binh, bệnh binh như sau:
1. Những anh em có gia đình ở địa phương sẽ được chuyển về Ủy ban hành chính nơi quê quán hoặc nơi anh em cư trú trước khi nhập ngũ đề tạo điều kiện cho anh em về địa phương tham gia sản xuất và công tác.
Ở nông thôn, chỉ nên đưa về những anh em còn sản xuất nông nghiệp được, hoặc tuy khả năng sản xuất nông nghiệp bị hạn chế, nhưng Ủy ban hành chính xã, hợp tác xã đảm bảo có công việc thích hợp giao cho anh em làm; những thương binh còn ít khả năng sản xuất nông nghiệp (như thương binh cụt chân...) thì không nên đưa về nông thôn, trừ trường hợp anh em tự nguyện xin về. Khi anh em đã về xã, các hợp tác xã cần tích cực giúp đỡ anh em trong công việc làm ăn theo chỉ thị số 455-TTg ngày 14/12/1959 về chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, để sau một thời gian tương đối ngắn, anh em ổn định được đời sống. Chú ý cho anh em đi học các trường đào tạo cán bộ kỹ thuật cho xã, hoặc hợp tác xã.
Ở thành phố, thị xã, nhất thiết phải đảm bảo cho thương binh, bệnh binh có nghề nghiệp ổn định, và chỉ nên đưa về sản xuất “tự túc” những anh em có thể sắp xếp công việc làm ổn định trong các hợp tác xã thủ công nghiệp, còn thì nên giải quyết theo các hướng khác.
Trước khi đưa thương binh về địa phương, cần phải trao đồi cụ thể và dứt khoát với Ủy ban hành chính xã, khu phố, với hợp tác xã về công việc làm của anh em, và cần giải thích cho anh em thông suốt để vui vẻ về địa phương tham gia sản xuất và công tác, tránh tình trạng về địa phương một thời gian rồi lại xin đi công tác thoát ly.
Đối với thương binh miền , bệnh binh miền thì không đưa về địa phương sản xuất.
2. Những thương binh, bệnh binh là người dân tộc thiểu số, nếu quê ở miền Nam, thì Bộ Quốc phòng sẽ chuyển sang Ủy ban dân tộc để đào tạo thành cán bộ người dân tộc; nếu quê ở miền Bắc thì được chuyển về Ủy ban hành chính tỉnh nơi quê quán để tạo điều kiện cho anh em tham gia sản xuất, công tác hoặc để đào tạo thành cán bộ người dân tộc.
3. Những thương binh, bệnh binh không có điều kiện về địa phương, tùy theo khả năng của từng người, có thể được sắp xếp vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước, theo tỷ lệ 5% biên chế:
- Hoặc chuyển ngành thẳng, nếu anh em có thể làm việc được ngay;
- Hoặc qua một thời gian đào tạo nghề nghiệp rồi mới chuyển vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp. Nếu trình độ văn hóa thấp, anh em được bổ túc văn hóa đến một trình độ cần thiết rồi mới học tập nghề nghiệp. Đặc biệt đối với thương binh miền , bệnh binh miền , tuổi còn trẻ, cần chú ý bồi dưỡng, đào tạo thành cán bộ cho miền sau này. Để bổ túc văn hóa và đào tạo nghề nghiệp cho thương binh, bệnh binh chủ yếu là đưa anh em vào học ở các trường văn hóa và chuyên nghiệp do các ngành, các địa phương mở (theo quy định của Hội đồng Chính phủ, các trường bổ túc văn hóa, trường nghiệp vụ, trường chuyên nghiệp phải dành mỗi khoá một số chỗ để nhận anh em vào học), đối với một số nghề không có ngành nào phụ trách đào tạo thì Bộ Nội vụ sẽ tổ chức trường, lớp để đào tạo anh em.
Hội đồng Chính phủ đã quy định chính sách tuyển dụng thương binh và bệnh binh vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước. Bộ sẽ cùng với Bộ lao động có văn bản hướng dẫn cụ thể sau.
4. Cùng với việc sắp xếp cho thương binh, bệnh binh vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước, cần phải tổ chức các cơ sở sản xuất để thu nhận những thương binh, bệnh binh không thể sắp xếp công việc làm theo các hướng trên được.
Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể về tổ chức cũng như về các chế độ ưu đãi mà Hội đồng Chính phủ đã quy định cho các cơ sở sản xuất nói trên.
Căn cứ vào các hướng trên đây, cần phải nắm vững khả năng, hoàng cảnh, nguyện vọng của từng thương binh, bệnh binh để phân loại cho thích hợp, đảm bảo giải quyết tốt công tác làm, tạo điều kiện cho anh em nhanh chóng ổn định đời sống và phát huy khả năng của mình trên cương vị công tác mới.
Để quân đội tập trung vào huấn luyệt và sẵn sàng chiến đấu, Hội đồng Chính phủ đã quy định là sau khi thương binh đã chữa lành vết thương, bệnh binh đã chữa khỏi bệnh nhưng không đủ điều kiện sức khỏe để tiếp tục phục vụ trong quân đội, Bộ Quốc phòng sẽ cho xuất ngũ và chuyển sang cho Bộ Nội vụ quản lý để có kế hoạch sắp xếp công việc làm, ổn định đời sống cho anh em, Việc tiếp nhận thương binh, bệnh binh ấn dịnh như sau:
1. Nếu là thương binh không còn khả năng lao động thì Bộ sẽ phân phối về các trại thương binh;
2. Nếu là thương binh, bệnh binh còn khả năng lao động, cần phải sắp xếp công việc làm, thì Bộ sẽ giao cho Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố tiếp nhận, quản lý và sắp xếp công việc làm, theo sự phân công như sau:
- Thương binh miền Bắc, quê quán ở tỉnh nào hoặc trước khi nhập ngũ cư trú ở tỉnh nào, thì tỉnh đó chịu trách nhiệm tiếp nhận;
- Thương binh miền thì sẽ phân phối về các tỉnh tùy theo khả năng sắp xếp công tác hoặc khả năng thu nhận vào học các trường bổ túc văn hóa, trường chuyên nghiệp của từng địa phương.
Sau khi tiếp nhận thương binh, bệnh binh các tỉnh phải sắp xếp công việc làm cho anh em trong một thời gian ngắn (một, hai tháng trở lại), không nên để anh em chờ đợi lâu.
Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố cần tổ chức các trạm đón tiếp thương binh để tiếp nhận và quản lý những thương binh, bệnh binh do quân đội chuyển về hoặc do Bộ phân phối về. Trong lúc đầu, số thương binh phải quản lý còn ít, thì không cần thiết có một bộ máy riêng, mà nên sử dụng bộ máy sẵn có của Ủy ban để quản lý anh em, khi số thương binh phải quản lý lên đến 10 người trở lên, thì phải tổ chức bộ máy phục vụ, Bộ sẽ có hướng dẫn riêng về tổ chức bộ máy của các trạm đón tiếp thương binh, về dự trù kinh phí và cấp phát lương hoặc sinh hoạt phí cho thương binh, bệnh binh.
Thương binh, bệnh binh về trạm đón tiếp là để chờ sấp xếp công việc làm, thời gian anh em ở trạm nói chung là ngắn, nên nội dung công tác của trạm là đảm bảo sinh hoạt bình thường và có nền nếp (ăn, ở, giải trí...), phổ biến và giải thích chính sách, giúp Ủy ban hành chính tỉnh nắm lý lịch, khả năng, hoàn cảnh, nguyện vọng của anh em, để sắp xếp công việc làm.
Bộ cũng sẽ tổ chức trạm đón tiếp thương binh hoặc trại thương binh để thu nhận một số thương binh do quân đội chuyển về mà vì lý do nào đó không thể giao thẳng ngay về Ủy ban hành chính tỉnh hoặc do các tỉnh chuyển về vì không thể sắp xếp công việc làm cho anh em ở địa phương được.
II. VIỆC ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG CHO THƯƠNG BINH, BỆNH BINH ĐÃ VỀ ĐỊA PHƯƠNG VÀ SĂN SÓC, GIÚP ĐỠ CÁC GIA ĐÌNH LIỆT SĨ
Đối với thương binh, bệnh binh đã về địa phương mà đời sống hiện nay đang gặp khó khăn, Ủy ban hành chính địa phương phải tìm mọi biện pháp, chủ yếu là sắp xếp công việc làm, để giúp đỡ anh em ổn định đời sống. Nói chung, phải ổn định đời sống, sắp xếp công việc làm cho thương binh, bệnh binh tại chỗ là chính, nếu còn một số anh em không thể giải quyết theo hướng đó được, thì tùy tình hình cụ thể có thể sắp xếp vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước (nếu cần thiết có thể cho anh em học nghề rồi mới sắp xếp làm), theo tỷ lệ 5% biên chế, hoặc sắp xếp vào các cơ sở sản xuất tổ chức riêng cho thương binh, bệnh binh. Tỉnh nào cần tổ chức cơ sở sản xuất thì báo cáo cụ thể cho Bộ biết để hướng dẫn, giúp đỡ việc tổ chức.
Đối với các gia đình liệt sĩ mà đời sống đã ổn định rồi, thì chủ yếu là săn sóc, giúp đỡ về mặt tinh thần, nếu còn gặp khó khăn về đời sống (như cha mẹ của liệt sĩ già yếu mất sức lao động, vợ liệt sĩ ốm đau thường xuyên...) thì Ủy ban hành chính địa phương phải hết sức giúp đỡ để gia đình này có mức sống bình thường, nếu địa phương đã giúp đỡ rồi mà gia đình liệt sĩ còn gặp khó khăn thì Nhà nước trợ cấp giúp đỡ thêm, theo Nghị định số 14-CP ngày 02/02/1962 của Hội đồng Chính phủ. Chú ý đào tạo, bồi dưỡng vợ của các liệt sĩ tham gia công tác ở địa phương.
Đối với con liệt sĩ, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải tạo điều kiện cho các cháu được ăn học chu đáo, chú trọng đào tạo các cháu trở thành những cán bộ hoặc công dân tốt. Vì vậy, Ủy ban hành chính các cấp phải quản lý chặt chẽ số con liệt sĩ ở địa phương mình, phải nắm chắc tình hình đời sống và sự học tập của từng cháu, để có kế hoạch săn sóc, giúp đỡ cho thích hợp và cần vận động các đoàn thể nhân dân tham gia việc trông nom, săn sóc các cháu. Về mặt đời sống, nếu các cháu đã có người thân thuộc trong nom, thì thường xuyên nhắc nhở gia đình nuôi dạy các cháu cho chu đáo, nếu còn có cháu nào không có người trông nom, thì vận động bà con, thân thuộc trông nom chu đáo, không để một cháu nào không có nơi nương tựa chắc chắn; ngoài việc bà con, thân thuộc nuôi dưỡng các cháu theo khả năng của mình, cần vận động các hợp tác xã giúp đỡ thêm tùy theo hoàn cảnh của từng cháu (nuôi hoàn toàn, hoặc giúp đủ thóc ăn...), nếu còn thiếu, thì Nhà nước trợ cấp thêm theo Nghị định số 14-CP ngày 02/02/1962 của Hội đồng Chính phủ, có thể trợ cấp thường xuyên mỗi năm cả 12 tháng cho đến khi các cháu trưởng thành. Khi các cháu vào học các trường chuyên nghiệp hoặc đại học, thì các trường ưu tiên cấp học bổng cho các cháu, ngoài ra cần vận động các hợp tác xã tiếp tục giúp đỡ các cháu như khi còn ở địa phương, nếu vẫn còn thiếu, thì Nhà nước trợ cấp thêm. Về mặt học tập thì cần giúp đỡ các cháu học tập chu đáo, nói chung là phải đảm bảo cho các cháu học hết cấp II, và tích cực tạo điều kiện cho các cháu có khiếu thông minh vào học các trường chuyên nghiệp hoặc đại học trên tinh thần ưu tiên đối với con liệt sĩ. Khi các cháu đã đến tuổi trường thành, cần giúp đỡ cho các cháu có công việc làm ổn định, cháu nào có khả năng thì đưa vào làm việc trong các cơ quan xí nghiệp của Nhà nước.
III. VỀ VIỆC BỔ SUNG MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ
A. Chế độ được trợ cấp khó khăn cho thương binh, bệnh binh.
Để ổn định đời sống của thương binh, bệnh binh, vấn đề chủ yếu là sắp xếp công việc làm thích hợp với khả năng và hoàn cảnh của thương binh, bệnh binh, nếu còn gặp khó khăn, thì Ủy ban hành chính ở cấp cơ sở phải tìm mọi biện pháp giúp đỡ. Sau khi chính quyền và nhân dân địa phương đã tận tình giúp đỡ mà đời sống của anh em vẫn còn khó khăn, thì đề nghị lên Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét trợ cấp thêm, để anh em giữ được mức sinh hoạt bình thường.
a) Đối tượng được xét trợ cấp là thương binh (kể cả dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương trong thời kỳ kháng chiến, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương từ khi hòa bình lập lại) và bệnh binh. Bệnh binh nói ở đây là những quân nhân giải ngũ trong thời kỳ kháng chiến, phục viên từ khi hòa bình được lập lại vì mắc bệnh đến nay bệnh vẫn còn đau luôn và bị mất sức lao động (không phân biệt có được trợ cấp mất sức lao động hay không) – Quân nhân giải ngũ, quân nhân phục viên nêu không phải là bệnh binh mà đời sống gặp nhiều khó khăn thì được xét trợ cấp theo công văn số 908-LĐ/CT-XH của Bộ Lao động.
b) Tiêu chuẩn để xét trợ cấp là: nếu so với mức sống trung bình của nhân dân địa phương trong hoàn cảnh bình thường, mà mức sống của thương binh, bệnh binh thấp hơn rõ rệt, thì xét trợ cấp để anh em giữ được mức sinh hoạt bình thường.
Những anh em gặp hoàn cảnh sau đây mà đời sống gặp khó khăn thì được xét trợ cấp:
- Vì thiếu sức lao động, làm được ít, thu nhập thấp, hoặc vì bản thân thiếu sức lao động, gia đình lại khó khăn (vợ yếu, tàn tật, con đông v.v...);
- Vì không có công việc làm, hoặc tuy có công việc làm nhưng không ổn định, thu nhập quá thấp, vì không có cơ sở sản xuất, hoặc cơ sở sản xuất quá kém;
- Vì tai nạn bất thường (cháy nhà, bão lụt, hoặc tai nạn bị tàn phá vì địch họa...).
c) Việc xét trợ cấp phải thích đáng, tránh nhỏ giọt, không những giải quyết khó khăn trước mắt (thiếu ăn, chữa bệnh...), mà còn nhằm tạo điều kiện ổn định đời sống lâu dài (giúp xây dựng cơ sở sản xuất, giúp phương tiện sản xuất...).
Mức trợ cấp cho mỗi người, mỗi lần không quá 60 đồng, một năm không quá hai lần. Gặp trường hợp đặc biệt, nếu đã trợ cấp đến hai lần rồi, mà đời sống của thương binh, bệnh binh còn gặp khó khăn, thì có thế xét trợ cấp lần thứ ba. Thông thường, thì xét trợ cấp vào hai vụ, sau khi đã nắm được thu nhập của anh em (bao gồm cả sự giúp đỡ của hợp tác xã). Nếu trợ cấp để tạo cơ sở sản xuất mà một lần với mức tối đa 60 đồng không đủ thì có thế trợ cấp hai lần liên nhau.
Mỗi khi xét trợ cấp cho thương binh, bệnh binh, Ủy ban hành chính tỉnh cần ra quyết định trợ cấp, có sổ sách theo dõi (sẽ có mẫu gửi về), và cần thông báo cho Ủy ban hành chính huyện và xã biết để theo dõi, hướng dẫn việc sử dụng trợ cấp cho đúng.
B. Chế độ cung cấp lương thực, vải, đường.
Tổng cục Lương thực và Bộ Nội thương sẽ có văn bản hướng dẫn riêng.
C. Các chế độ ưu đãi khác đối với thương binh.
Đề tiến tới thống nhất chính sách đối với thương binh, Hội đồng Chính phủ đã quyết định trừ chế độ trợ cấp thương tật (bao gồm cả trợ cấp vì cần người phục vụ, trợ cấp vì có hành động dũng cảm), các chế độ ưu đãi khác đều được áp dụng chung đối với thương binh trong thời kỳ kháng chiến cũng như từ khi hòa bình lập lại.
Như vậy là:
1. Hiện nay thi hành song song hai chế độ trợ cấp thương tật:
a) Chế độ “trợ cấp thương tật” gồm 8 hạng thi hành cho thương binh bị thương từ ngày 01/01/1961 trở về sau, và thương binh bị thương vì làm nhiệm vụ từ khi hòa bình được lập lại mà chưa hưởng chế độ phụ cấp thương tật cũ (6 hạng). Chế độ trợ cấp thương tật gồm:
- Trợ cấp thương tật, quy định trong điều 9 của Điều lệ về các chế độ đãi ngộ quân nhân trong khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết...;
- Trợ cấp vì cần người phục vụ quy định trong điểm 3, điều 14 của Điều lệ;
- Trợ cấp vì có hành động dũng cảm quy định trong điều 15 của Điều lệ.
b) Chế độ “phụ cấp thương tật” gồm 6 hạng thi hành cho thương binh bị thương trong kháng chiến, và thương binh bị thương từ khi hòa bình được lập lại, không phải là đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp thương tật 8 hạng nói trên.
2. Những chế độ ưu đãi đã được quy định trong các điều 16, 17, 18 của Điều lệ, có sự hướng dẫn thi hành cụ thể trong Thông tư số 104-LB/QP ngày 12/04/1965 của Liên bộ Quốc phòng – Công an – Nội vụ sẽ được áp dụng đối với thương binh hưởng theo chế độ phụ cấp thương tật cũ, Cụ thể là:
a) Thương binh khi xuất ngũ vào nhà an dưỡng, trại thương binh hoặc về gia đình, nếu đang hưởng trợ cấp con thì vẫn được lĩnh trợ cấp của những đứa con đó theo chế độ hiện hành.
Khi ốm đau được khám và chữa bệnh tại cơ sở y tế nơi cư trú, được hưởng chế độ thuốc men, bồi dưỡng như công nhân, viên chức Nhà nước đi điều trị; nếu chết ở bệnh viện, thì được trợ cấp tiền chôn cất như công nhân viên chức Nhà nước chết; nếu do vết thương hoặc bệnh cũ tái phát, thì được hưởng theo thông tư số 19-TT/LB ngày 19/03/1962 của Liên bộ Nội vụ - Y tế - Tài chính đã quy định (áp dụng điều 16 của Điều lệ).
b) Thương binh đã ra ngoài quân đội chết do vết thương cũ tái phát và thương binh được xếp hạng thương tật hạng 1, hạng đặc biệt chết vì ốm đau thì được trợ cấp tiền chôn cất theo quy định ở điều 43 của Điều lệ (áp dụng điều 17 của Điều lệ).
c) Thương binh đã ra ngoài quân đội khi chết, thân nhân được xét trợ cấp tiến tuất:
- Thương binh bị thương vì chiến đấu với địch, vì anh dũng làm nhiệm vụ, xứng đáng được nêu gương cho đơn vị học tập được xác định là liệt sĩ (phải xét duyệt cụ thể trường hợp bị thương trước đây), thì thân nhân được hưởng tiền tất theo quy định ở điểm a điều 45 của Điều lệ.
- Thương binh bị thương vì làm nhiệm vụ do vết thương cũ tái phát, và thương binh bị thương vì chiến đấu với địch, vì làm nhiệm vụ, thương tật hạng 1, hạng đặc biệt, chết vì ốm đau, thì thân nhân được hưởng tiền tuất theo quy định ở điểm b, điều 45 của Điều lệ.
Trường hợp không đủ điều kiện hưởng tiền tuất hàng tháng, nếu gia đình gặp khó khăn, thì được xét trợ cấp theo Nghị định số 14-CP ngày 02 tháng 02 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ (áp dụng điều 18 của Điều lệ).
3. Những chế độ ưu đãi thương binh như huy hiệu thương binh, miễn đi dân công, miễn lao động nghĩa vụ, ưu đãi về mặt văn hóa, nghệ thuật, ưu đãi thương binh đi xe lửa, xe điện, miễn bưu phí, chính sách giúp đỡ thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, đã ban hành trước khi ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân trong khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết... cũng sẽ áp dụng đối với thương binh hướng theo các chế độ đãi ngộ quy định trong Điều lệ. Đối với những điều khoản ưu đãi theo hạng thương tật, thì sẽ căn cứ vào tương quan giữa các hạng thương tật sau đây mà thi hành:
- Hạng 1, hạng đặc biệt cũ tương đương với hạng 6, hạng 7, hạng 8 mới;
- Hạng 3, hạng 2 cũ tương đương với hạng 2, hạng 3, hạng 4, hạng 5 mới;
- Hạng 5, hạng 4 cũ tương đương với hạng 1 mới.
Các Bộ có liên quan sẽ ra văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể các chế độ nói trên.
D. Về chế độ ưu đãi đối với dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương vì chiến đấu với địch trong thời kỳ kháng chiến, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương vì chiến đấu với địch từ khi hòa bình lập lại.
Theo quyết định của Hội đồng Chính phủ, trừ chế độ trợ cấp thương tật đã quy định và các chế độ ưu đãi dành riêng cho thương binh (như huy hiệu thương binh, miễn bưu phí...) còn các chế độ ưu đãi khác đối với thương binh đều được áp dụng đối với dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương vì chiến đấu với địch trong thời kỳ kháng chiến và quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương vì chiến đấu với địch từ khi hòa bình lập lại.
Cụ thể như sau:
1. Về chế độ trợ cấp thương tật, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương vì chiến đấu với địch trong thời kỳ kháng chiến vẫn hưởng phụ cấp thương tật theo quy định trong nghị định số 13-CP ngày 02/02/1962 của Hội đồng Chính phủ; quân dân dự bị, dân quân tự vệ bị thương vì chiến đấu với địch từ khi hòa bình lập lại hưởng phụ cấp thương tật như thương binh loại A (bao gồm cả trợ cấp vì cần người phục vụ và trợ cấp vì có hành động dũng cảm).
2. Về các chế độ ưu đãi khác, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương vì chiến đấu với địch trong thời kỳ kháng chiến (đã được cấp sở phụ cấp thương tật và giấy chứng nhận), quân nhân dự bị; dân quân tự vệ bị thương vì chiến đấu với địch từ khi hòa bình được lập lại, được hưởng những chế độ ưu đãi sau đây như thương binh:
a) Chế độ ưu đãi quy định trong Điều lệ tạm thời:
- Chế độ chữa bệnh khi ốm đau, khi bị vết thương tái phát (áp dụng điều 16 của Điều lệ);
- Chế độ trợ cấp tiền chôn cất (áp dụng điều 17 của Điều lệ) cho dân quân, du kích, thanh niên xung phong, quân nhân dự bị, du kích, dân quân tự vệ bị thương vì chiến đấu với địch; chết vì vết thương tái phát, và cho dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương hạng 1, hạng đặc biệt, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương tật từ hạng 6 đến hạng 8, chết vì ốm đau.
- Chế độ trợ cấp tiền tuất (áp dụng điều 18 của Điều lệ) cho thân nhân của dân quân, du kích, thanh niên xung phong, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương vì chiến đấu với địch chết vì vết thương tái phát được xác định là liệt sĩ và dân quân, du kích, thanh niên xung phong thương tật hạng 1, hạng đặc biệt, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ thương tật từ hạng 6 đến hạng 8, chết vì ốm đau.
- Chế độ cấp chân tay giả, mắt giả, kính, máy điếc...(áp dụng điều 19 Điều lệ) cho quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương vì chiến đấu với địch. Đối với dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương vì chiến đấu với địch trong thời kỳ kháng chiến, việc cấp phát các phương tiện trên đây thi hành theo thông tư số 89-TT/LB ngày 23/04/1959 của Bộ thương binh.
b) Chế độ ưu đãi ban hành trước ngày ban hành Điều lệ tạm thời:
- Chế độ miễn đi dân công, miễn lao động nghĩ vụ;
- Chế độ ưu đãi về mặt văn hóa, nghệ thuật;
- Chế độ ưu đãi đi xe lửa, xe điện;
- Chính sách giúp đỡ thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.
c) Các chế độ ưu đãi mới được quy định trong thông tư số 51-TTg/NC ngày 17/05/1965:
- Chế độ trợ cấp khó khăn;
- Chế độ cung cấp lương thực, vải, đường;
- Chế độ miễn viện phí cho gia đình của dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương vào loại tàn phế.
Các Bộ có liên quan sẽ ra văn bản hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các chế độ ưu đãi trên đây đối với dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương.
E. Về chế độ chữa bệnh cho thương binh, bệnh binh.
Bộ Y tế sẽ hướng dẫn cụ thể về việc ưu tiên thu nhận thương binh, bệnh binh vào chữa bệnh ở bệnh viện.
Về chế độ chữa bệnh cho thương binh, bệnh binh, quân dân phục viên bị bệnh cũ trong thời gian tái ngũ tái phát quy định trong thông tư số 19-TT/LB ngày 19/03/1962, nay Bộ giải thích thêm về việc bồi dưỡng cho thương binh được vào nằm điều trị ở bệnh viện như sau: tiền bồi dưỡng nói ở điểm 1, “chữa bệnh ở bệnh viện” bao gồm: tiền bồi thường khi điều trị và sau khi ra viện (nếu được bệnh viện đề nghị).
G. Một số chế độ ưu đãi đối với gia đình liệt sĩ và gia đình của thương binh tàn phế.
Theo thông tư số 51-TTg/NC ngày 17/05/1965 của Hội đồng Chính phủ, những thân nhân của liệt sĩ thuộc diện được trợ cấp tiền tuất hàng tháng (theo điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân trong khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết) hoặc phải có sự giúp đỡ thường xuyên của nhân dân và của Nhà nước (theo Nghị định số 14-CP ngày 02/02/1962 của Hội đồng Chính phủ) khi chết sẽ được Nhà nước giúp đỡ chôn cất chu đáo.
Ủy ban hành chính cấp cơ sở vận động nhân dân giúp đỡ việc chôn cất, nếu địa phương không tự đảm bảo được phí tổn về chôn cất, thì đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh xét trợ cấp thêm. Tiền trợ cấp cho mỗi người nhiều hay ít tùy theo sự giúp đỡ của địa phương, nhưng nhiều nhất không quá 80 đồng.
Để thi hành Thông tư số 51-TTg/NC ngày 17/05/1965 của Hội đồng Chính phủ, đề nghị Ủy ban bàn bạc cụ thể với các đoàn thể nhân dân về trách nhiệm tham gia thực hiện chính sách thương binh liệt sĩ, đưa vần đề ra bàn bạc ở Hội đồng nhân dân, phổ biến sâu rộng Thông tư nói trên tới các ngành các cấp, tới cán bộ và nhân dân, tới thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, làm cho mọi người thấu suốt tinh thần chính sách của Đảng và Chính phủ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ để hết sức góp phần vào việc thực hiện chính sách đó.
Đối với một số vấn đề cần phải có sự hướng dẫn cụ thể của các ngành, thì phải chờ có văn bản hướng dẫn của các ngành sẽ thi hành.
| BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |