Thông tư 151/2007/TT-BTC

Thông tư 151/2007/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và giải ngân đối với dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên do Bộ Tài chính ban hành

Nội dung toàn văn Thông tư 151/2007/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính giải ngân dự án phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên


BỘ TÀI CHÍNH
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 151/2007/TT-BTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ GIẢI NGÂN ĐỐI VỚI DỰ ÁN PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP ĐỂ CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG VÙNG TÂY NGUYÊN

Căn cứ:
- Hiệp định Vay 2269-VIE(SF) ký ngày 7/12/2006 giữa nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ cho dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (Dự án);
- Hiệp định Tài chính số 4859-VIE(SF) ký ngày 6/6/2007 giữa nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và ADB về khoản đồng tài trợ của Quỹ Ủy thác ngành lâm nghiệp – (TFF) cho Dự án;
- Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
- Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
- Quyết định số 813/QĐ-TTg ngày 7/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1052/QĐ-BNN-LN ngày 16/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án;
- Quyết định số 166/2007/QĐ-TTg ngày 30/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ v/v ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư và hưởng lợi đối với hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn và các tổ chức tham gia dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên”,
Sau khi thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và giải ngân cho Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên như sau:

I. NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng: Thông tư này hướng dẫn về quản lý tài chính nhà nước đối với dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên được tài trợ bằng nguồn vốn vay ADB, vốn viện trợ không hoàn lại từ Quỹ ủy thác cho ngành Lâm nghiệp (TFF) và vốn đối ứng.

2. Nguyên tắc quản lý

- Nguồn vốn vay và viện trợ không hoàn lại đầu tư cho Dự án là nguồn vốn của ngân sách nhà nước, được quản lý theo các qui định quản lý vốn ngân sách nhà nước và các qui định của nhà tài trợ.

- Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên là dự án đầu tư cho lĩnh vực lâm nghiệp kết hợp hạ tầng cơ sở, được quản lý theo chế độ quản lý ngân sách hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản và đầu tư lâm sinh. Cơ chế tài chính trong nước đối với việc sử dụng nguồn vốn vay ADB và nguồn vốn viện trợ của Quỹ ủy thác cho ngành Lâm nghiệp (TFF) cho Dự án được thực hiện dưới hình thức ngân sách nhà nước cấp phát, trong đó phần vốn ODA thực hiện Dự án ở địa phương được ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Ngân sách trung ương đảm bảo bố trí vốn đối ứng cho các hoạt động Dự án thuộc trách nhiệm chi của ngân sách trung ương, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông qua Ban quản lý dự án trung ương, trực tiếp quản lý và thực hiện. Ngân sách địa phương chịu trách nhiệm đảm bảo bố trí vốn đối ứng cho các hoạt động Dự án thuộc trách nhiệm chi của ngân sách địa phương do địa phương chủ trì thực hiện. Đối với các địa phương không có khả năng cân đối đủ vốn đối ứng sẽ được ngân sách trung ương xem xét hỗ trợ theo qui định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước. Người hưởng lợi chịu trách nhiệm đóng góp bằng công lao động và hiện vật theo thiết kế Dự án.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh tham gia Dự án (Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Phú Yên) có trách nhiệm chỉ đạo sử dụng vốn đúng mục đích và nội dung Dự án đã được phê duyệt, phù hợp với các điều kiện đã cam kết trong Hiệp định và các quy định hiện hành của Việt Nam.

- Việc quản lý tài chính đối với Dự án thực hiện theo qui định tại Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

- Ban quản lý dự án trung ương chịu trách nhiệm thống nhất quản lý việc rút vốn ngoài nước, thanh toán chi tiêu cho các hoạt động của Ban quản lý dự án trung ương và chuyển vốn cho các tỉnh tham gia Dự án theo thiết kế Dự án và Đơn đề nghị rút vốn của các Ban quản lý dự án tỉnh. Các Ban quản lý dự án tỉnh, Ban quản lý dự án huyện, Ban phát triển xã chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ và kịp thời các tài liệu, chứng từ liên quan đến chi tiêu nguồn vốn nước ngoài của Dự án thuộc phạm vi tỉnh, huyện, xã mình để Ban quản lý dự án trung ương làm thủ tục rút vốn.

- Cơ quan kiểm soát chi của Dự án là Kho bạc nhà nước (Sở Giao dịch) và Kho bạc nhà nước các tỉnh tham gia Dự án thực hiện kiểm soát chi, kiểm tra, xác nhận giá trị vốn đủ điều kiện thanh toán/ tạm ứng để các đơn vị thực hiện Dự án rút vốn nước ngoài, đồng thời cấp phát phần vốn đối ứng cho Dự án.

- Ngân hàng phục vụ Dự án là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện chức năng ngân hàng phục vụ Dự án theo qui định tại Thông tư 108/2007/TT-BTC Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam được hưởng phí theo quy định hiện hành về thu phí dịch vụ đối với các dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp cho Dự án. Các khoản phí dịch vụ trên được tính trong tổng mức đầu tư của Dự án.

II. CÁC QUI ĐỊNH CỤ THỂ

1. Lập kế hoạch tài chính của Dự án

- Ủy ban nhân dân các tỉnh tham gia Dự án chịu trách nhiệm lập và trình duyệt kế hoạch tài chính đối với hoạt động Dự án thực hiện ở tỉnh gồm kế hoạch vốn vay ADB, vốn viện trợ từ Quỹ ủy thác cho ngành Lâm nghiệp (TFF) và vốn đối ứng thuộc trách nhiệm ngân sách địa phương bố trí.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm: (i) lập và trình phê duyệt kế hoạch tài chính của Dự án đối với các hoạt động thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và các hoạt động chung của Dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp thực hiện bao gồm kế hoạch vốn vay ADB, vốn viện trợ từ Quỹ ủy thác cho ngành Lâm nghiệp (TFF) và vốn đối ứng thuộc trách nhiệm ngân sách trung ương bố trí; (ii) tổng hợp kế hoạch vốn ngoài nước của toàn Dự án; (iii) trình phê duyệt kế hoạch tài chính tổng thể của Dự án bao gồm các nội dung (i) và (ii) theo qui định hiện hành.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn các tỉnh về nội dung và mẫu biểu lập kế hoạch để thống nhất áp dụng trong tất cả các tỉnh Dự án.

- Ban quản lý dự án trung ương có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch tài chính của các tỉnh tham gia Dự án vào kế hoạch tài chính tổng thể của Dự án.

- Kế hoạch vốn đầu tư lâm sinh chưa thực hiện hết và chưa giải ngân hết được tiếp tục thực hiện và giải ngân trong năm tiếp theo theo qui định hiện hành.

2. Mở tài khoản

2.1. Ban quản lý dự án trung ương mở các tài khoản sau

- Một tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam để tiếp nhận vốn tạm ứng từ nguồn vốn vay của ADB (Tài khoản tạm ứng  cấp 1) bằng tiền USD với hạn mức trần là 2.500.000 USD (Hai triệu năm trăm nghìn Đô la Mỹ).

- Một tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tiếp nhận vốn tạm ứng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Quỹ ủy thác cho ngành Lâm nghiệp (TFF) để chi tiêu cho các hoạt động của Dự án với hạn mức trần là 500.000 USD (Năm trăm nghìn Đô la Mỹ).

- Một tài khoản cấp phát vốn tại Kho bạc nhà nước (Sở Giao dịch) để tiếp nhận và thanh toán vốn đối ứng cấp phát cho Ban quản lý dự án trung ương.

2.2. Các Ban quản lý dự án tỉnh mở các tài khoản sau

- Một tài khoản tạm ứng tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để tiếp nhận vốn tạm ứng do Ban quản lý dự án trung ương chuyển về từ nguồn vốn vay của ADB (tài khoản tạm ứng cấp 2) bằng tiền USD với hạn mức trần 250.000 USD (Hai trăm năm mươi nghìn Đô la Mỹ).

- Một tài khoản tạm ứng tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để tiếp nhận vốn tạm ứng từ nguồn vốn Quỹ ủy thác cho ngành Lâm nghiệp (TFF) do Ban quản lý dự án trung ương chuyển về bằng tiền USD với hạn mức trần là 60.000 USD (Sáu mươi nghìn Đô la Mỹ).

- Một tài khoản cấp phát vốn tại Kho bạc nhà nước tỉnh để tiếp nhận và thanh toán vốn đối ứng cấp phát cho Ban quản lý dự án tỉnh và cho các hoạt động Dự án tại địa phương.

2.3. Các Ban quản lý dự án huyện mở các tài khoản sau

- Một tài khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để tiếp nhận vốn tạm ứng và vốn thanh toán từ nguồn vốn do Ban quản lý dự án tỉnh chuyển về.

2.4. Các Ban Phát triển xã mở các tài khoản sau

- Một tài khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để tiếp nhận vốn tạm ứng và vốn thanh toán do Ban quản lý dự án tỉnh chuyển về;

- Hai tài khoản bằng tiền đồng Việt Nam tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trong khuôn khổ Quỹ Phát triển xã: (i) một tài khoản tiếp nhận vốn từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Quỹ ủy thác cho ngành Lâm nghiệp (TFF) để thực hiện hợp phần cải thiện sinh kế do Ban quản lý dự án tỉnh trực tiếp chuyển về, (ii) một tài khoản để tiếp nhận các khoản đóng góp của nhân dân, cá nhân và tổ chức cũng như để tiếp nhận khoản thu được thông qua mô hình góp vốn trồng rừng sản xuất do các hộ nông dân và cộng đồng thôn bản nộp theo chính sách hưởng lợi được qui định tại Quyết định số 166/2007/QĐ-TTg ngày 30/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

2.5. Các tài khoản tiền gửi của các hộ gia đình và cộng đồng thôn

Khuyến khích các hộ gia đình/ nhóm hộ/ cộng đồng thôn tham gia Dự án mở các tài khoản tiền gửi tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để tiếp nhận tiền tạm ứng và thanh toán cho việc thực hiện các hoạt động Dự án.

Trường hợp các hộ gia đình/nhóm hộ/cộng đồng thôn không có điều kiện thuận lợi để mở tài khoản và thực hiện thanh toán qua tài khoản, thì việc thanh toán sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành trong nước.

3. Định mức và đơn giá thanh toán

- Việc chi tiêu từ nguồn đồng tài trợ viện trợ không hoàn lại từ Quỹ ủy thác cho ngành Lâm nghiệp (TFF) áp dụng các mức chi theo qui định của Quỹ ủy thác cho ngành Lâm nghiệp (TFF) hoặc theo thỏa thuận tài trợ (Hiệp định Tài chính).

- Định mức chi tiêu bằng nguồn vốn vay ADB và vốn đối ứng thực hiện theo Quyết định số 61/2006/QĐ-BTC ngày 2/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các qui định hiện hành liên quan đến đơn giá mua sắm, định mức chi chuyên ngành và theo quy định của Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Tỷ giá

Tỷ giá thanh toán và hạch toán cho các khoản chi tiêu từ tài khoản tạm ứng các cấp áp dụng tỷ giá mua vào của ngân hàng phục vụ tại thời điểm chuyển/rút tiền.

Trường hợp thanh toán bằng ngoại tệ, tỷ giá áp dụng để hạch toán là tỷ giá hạch toán ngoại tệ do Bộ Tài chính công bố hàng tháng.

5. Kiểm soát chi và thanh toán vốn cho dự án

5.1. Kiểm soát chi và thanh toán vốn đối ứng

Kho bạc nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện kiểm soát chi các hồ sơ đề nghị tạm ứng/ thanh toán của Ban quản lý dự án trung ương và cấp phát phần vốn đối ứng cho Ban quản lý dự án trung ương; Kho bạc nhà nước tỉnh kiểm soát chi các hồ sơ đề nghị tạm ứng/ thanh toán của Ban quản lý dự án tỉnh thực hiện Dự án tại cấp tỉnh, huyện, xã và cấp phát phần vốn đối ứng cho Ban quản lý dự án tinh (bao gồm cả các chi tiêu thực hiện Dự án tại huyện, xã, trừ các khoản chi tiêu từ Quỹ Phát triển xã sẽ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), theo kế hoạch hàng năm được duyệt và theo các quy định hiện hành về quản lý vốn đầu tư.

Tỷ lệ vốn đối ứng và vốn nước ngoài cho từng hạng mục của Dự án sẽ áp dụng theo thỏa thuận với nhà tài trợ và do Bộ Tài chính thông báo.

Trình tự và thủ tục thanh toán cụ thể thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

5.2. Rút vốn và thanh toán vốn vay ADB

Việc rút vốn từ nguồn vốn vay để thanh toán cho các hoạt động của Dự án theo các hình thức thanh toán trực tiếp, hình thức thư cam kết, thủ tục hoàn vốn/hồi tố, tài khoản tạm ứng sẽ do Ban quản lý dự án trung ương thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Ban quản lý dự án trung ương có thể áp dụng các hình thức thanh toán trực tiếp, tài khoản tạm ứng, hoàn vốn, thư cam kết tùy thuộc yêu cầu thanh toán.

Các ban quản lý dự án tỉnh chủ yếu thanh toán từ tài khoản tạm ứng cấp 2, trường hợp có yêu cầu thanh toán trực tiếp hay hoàn vốn, các ban quản lý dự án tỉnh gửi công văn đề nghị Ban quản lý dự án trung ương làm đơn rút vốn gửi ADB, đồng thời cung cấp đầy đủ chứng từ, thông tin liên quan đến nội dung cần thanh toán trực tiếp/ hoàn vốn.

Thanh toán từ tài khoản tạm ứng các cấp áp dụng hình thức kiểm soát chi trước. Khi có yêu cầu thanh toán từ tài khoản tạm ứng, Ban quản lý dự án trung ương/hoặc Ban quản lý dự án tỉnh gửi hồ sơ đề nghị thanh toán theo quy định hiện hành về kiểm soát chi đến Kho bạc nhà nước (Sở Giao dịch)/hoặc Kho bạc nhà nước tỉnh để thực hiện việc kiểm soát chi.

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ thanh toán theo qui định, Kho bạc nhà nước (Sở Giao dịch)/Kho bạc nhà nước tỉnh kiểm tra chứng từ và xác nhận giá trị khối lượng/công việc hoàn thành đủ điều kiện thanh toán trên Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư, ghi rõ tổng giá trị được thanh toán, chi tiết theo nguồn vốn vay và nguồn vốn đối ứng trong nước. Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư đã được Kho bạc nhà nước (Sở Giao dịch)/Kho bạc nhà nước tỉnh xác nhận là cơ sở để Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam/chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh giải ngân phần vốn vay ADB từ tài khoản tạm ứng cấp 1/tài khoản tạm ứng cấp 2 của Dự án để thanh toán theo yêu cầu của Ban quản lý dự án trung ương/Ban quản lý dự án tỉnh.

Đối với việc chuyển tiền từ tài khoản tạm ứng cấp 2 đến các tài khoản tiền gửi của Ban quản lý dự án huyện và Ban Phát triển xã: Ban quản lý dự án tỉnh chuyển tiền cho Ban quản lý dự án huyện và Ban Phát triển xã dựa trên kế hoạch hoạt động và nội dung chi tiêu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chứng từ chi tiêu tại Ban quản lý dự án huyện và Ban Phát triển xã được gửi lên Ban quản lý dự án tỉnh để thực hiện kiểm soát chi tại Kho bạc nhà nước tỉnh.

5.3. Rút vốn và quản lý nguồn đồng tài trợ viện trợ không hoàn lại

Nguồn vốn đồng tài trợ của Quỹ ủy thác cho ngành Lâm nghiệp (TFF) cho Dự án theo Hiệp định Tài chính được quản lý và sử dụng theo qui định hiện hành của Nhà nước về quản lý nguồn viện trợ không hoàn lại và theo qui định của nhà tài trợ.

Thủ tục rút vốn và thanh toán áp dụng như đối với nguồn vốn vay hướng dẫn ở trên. 

6. Quản lý và sử dụng Quỹ phát triển xã

Việc quản lý và sử dụng Quỹ phát triển xã theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở có thỏa thuận trước với Bộ Tài chính.

7. Báo cáo, kiểm tra, kiểm toán, quyết toán, thuế

7.1. Chế độ báo cáo

- Ban quản lý dự án trung ương có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ chi tiêu của Dự án, tình hình sử dụng tài khoản tạm ứng cấp 1, tài khoản tạm ứng cấp 2, số dư cuối tháng của các tài khoản vào ngày cuối cùng của mỗi tháng, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính (Vụ Đầu tư, Kho bạc nhà nước (Sở Giao dịch), Vụ Tài chính Đối ngoại) tình hình thực hiện Dự án, nêu rõ tình hình rút, sử dụng vốn vay ADB, vốn viện trợ không hoàn lại và vốn đối ứng hàng quý, báo cáo kế toán năm và báo cáo quyết toán hoàn thành Dự án.

- Để thực hiện tổng hợp báo cáo và quyết toán, Ban quản lý dự án trung ương có trách nhiệm hướng dẫn các Ban quản lý dự án tỉnh thực hiện theo đúng quy định hiện hành về hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư và các quy định đặc thù về đầu tư lâm sinh.

- Ban quản lý dự án tỉnh lập sổ sách kế toán theo dõi toàn bộ chi tiêu của các hoạt động Dự án tại tỉnh, báo cáo quý, báo cáo năm tình hình thực hiện Dự án chung và của các tiểu dự án, tình hình sử dụng vốn vay ADB, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn đối ứng và làm báo cáo kế toán năm, báo cáo quyết toán hoàn thành dự án gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý dự án trung ương và các cơ quan có liên quan theo qui định hiện hành.

7.2. Kiểm tra

Định kỳ và đột xuất, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ kiểm tra tình hình thực hiện Dự án, việc sử dụng vốn. Nếu phát hiện trường hợp sử dụng vốn không đúng quy định, Bộ Tài chính sẽ đình chỉ chuyển vốn và xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.

7.3. Kiểm toán

Việc kiểm toán Dự án thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007.

7.4. Kế toán và quản lý tài sản

- Ban quản lý dự án trung ương, Ban quản lý dự án tỉnh có trách nhiệm thực hiện công tác kế toán theo quy định của chế độ kế toán đơn vị chủ đầu tư do Bộ Tài chính ban hành và các quy định của nhà tài trợ. Ban quản lý dự án huyện, Ban Phát triển xã là đơn vị hạch toán báo sổ. Riêng đối với Quỹ Phát triển xã, việc hạch toán theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Các ban quản lý dự án có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản, trang thiết bị Dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước. Việc xử lý tài sản của Dự án sau khi Dự án kết thúc hoặc không cần sử dụng trong quá trình thực hiện Dự án được thực hiện theo qui định tại Thông tư số 116/2005/TT-BTC ngày 19/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước khi dự án kết thúc và các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan.

7.5. Quyết toán

Ban quản lý dự án trung ương, Ban quản lý dự án tỉnh lập các báo cáo quyết toán dự án năm, quyết toán dự án hoàn thành theo các hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ quyết toán vốn đầu tư.

Ủy ban nhân dân tỉnh tham gia Dự án tổ chức thẩm định, phê duyệt quyết toán dự án năm, quyết toán công trình, hạng mục công trình hoàn thành và quyết toán dự án hoàn thành phần thực hiện tại tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ quyết toán vốn đầu tư.

Ban quản lý dự án trung ương tổng hợp báo cáo quyết toán của toàn Dự án trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm tra, phê duyệt phần thực hiện vốn đầu tư do Ban quản lý dự án trung ương thực hiện và tổng hợp phê duyệt quyết toán hoàn thành toàn Dự án theo quy định hiện hành về chế độ quyết toán vốn đầu tư. 

7.6. Chính sách thuế

Chính sách thuế áp dụng đối với Dự án theo qui định tại Thông tư số 123/2007/TT-BTC ngày 23/10/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan khác liên quan cần phản ảnh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- BQLDA TW, các BQLDA tỉnh;
- UBND, Sở TC 6 tỉnh dự án;
- NHNN&PTNT; 
- Ngân hàng Nhà nước;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục KTVB (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- KBNN, KBNN 6 tỉnh dự án;
- Vụ ĐT, NSNN, Pháp chế;
- Lưu VT, TCĐN.

KT. BỘ TRUỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 151/2007/TT-BTC

Loại văn bảnThông tư
Số hiệu151/2007/TT-BTC
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành17/12/2007
Ngày hiệu lực12/01/2008
Ngày công báo28/12/2007
Số công báoTừ số 845 đến số 846
Lĩnh vựcTài chính nhà nước, Tiền tệ - Ngân hàng
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 151/2007/TT-BTC

Lược đồ Thông tư 151/2007/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính giải ngân dự án phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị thay thế

          Văn bản hiện thời

          Thông tư 151/2007/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính giải ngân dự án phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên
          Loại văn bảnThông tư
          Số hiệu151/2007/TT-BTC
          Cơ quan ban hànhBộ Tài chính
          Người kýTrần Xuân Hà
          Ngày ban hành17/12/2007
          Ngày hiệu lực12/01/2008
          Ngày công báo28/12/2007
          Số công báoTừ số 845 đến số 846
          Lĩnh vựcTài chính nhà nước, Tiền tệ - Ngân hàng
          Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
          Cập nhật17 năm trước

          Văn bản thay thế

            Văn bản gốc Thông tư 151/2007/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính giải ngân dự án phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên

            Lịch sử hiệu lực Thông tư 151/2007/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính giải ngân dự án phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên

            • 17/12/2007

              Văn bản được ban hành

              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

            • 28/12/2007

              Văn bản được đăng công báo

              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

            • 12/01/2008

              Văn bản có hiệu lực

              Trạng thái: Có hiệu lực