Nội dung toàn văn Thông tư 16-LĐ/TT hướng dẫn thi hành chế độ phụ cấp bốc xếp
BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 16-LĐ/TT | Hà Nội , ngày 28 tháng 11 năm 1974 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP BỐC XẾP
Nghị quyết số 137-CP ngày 06-06-1974 của Hội đồng Chính phủ đã ghi: “Trong kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế văn hoá hai năm 1974-1975, do khả năng kinh tế, tài chính của ta chưa cho phép cải tiến tiền lương một cách toàn diện và cơ bản, mà chỉ có thể cải tiến một bước chế độ tiền lương đối với những bộ phận lao động nặng nhọc nhất và lao động kỹ thuật phức tạp nhất như nghị quyết hội nghị lần thứ 22 của Trung ương Đảng đã đề ra”.
Yêu cầu của việc thực hiện nghị quyết số 137-CP là: trước hết phải chú trọng tăng cường quản lý để sử dụng tốt lao động trên cơ sở xây dựng hoặc điều chỉnh lại định mức lao động hợp lý, chấn chỉnh và mở rộng chế độ tiền lương trả theo sản phẩm nghiên cứu áp dụng các chế độ tiền thưởng thực hiện đầy đủ các chế độ hiện hành, tổ chức tốt hơn đời sống và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, viên chức; động viên mỗi người hăng hái thi đua lao động sản xuất, phấn đấu tăng năng suất lao động, góp phần hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch. Đồng thời, ban hành một số khoản phục cấp nhằm điều chỉnh một bước quan hệ tiền lương cho một số ngành, nghề trọng điểm khuyến khích công nhân nâng cao ngày công, giờ công, tôn trọng kỹ luật lao động, yên tâm với ngành nghề, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý lao động, quản lý kinh tế và không gây khó khăn cho việc cải tiến tiền lương sau này.
Theo tinh thần trên, Bộ Lao động yêu cầu các ngành và các cơ sở kiểm tra lại việc thi hành nghị quyết số 137-CP của Hội đồng Chính phủ. Bộ Lao động hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chế độ phụ cấp đối với công nhân bốc xếp đã ghi ở phần II, mục A, tiết 1, điểm e của nghị quyết số 137-CP như sau:
1. Căn cứ theo từng loại hàng và tính chất công việc; những công việc bốc xếp thủ công và bốc xếp bằng cơ giới ở các bến cảng biển, cảng sông, nhà ga và các kho bãi được tính hưởng phụ cấp theo những mức sau đây:
- Mức phụ cấp 5%: đối với các công việc thu dọn và chuẩn bị ở trong kho, trên bãi như chuyển dời, cân lại, thu dọn, đảo trộn, đóng bao và xếp lại cho bằng phẳng...
- Mức phụ cấp 8%: đối với các công việc bốc xếp trong kho, trên bãi tất cả các loại hàng rời hoặc đóng kiện;
- Mức phụ cấp 10%: đối với các việc bốc xếp các loại hàng rời hoặc đóng kiện trên tàu hoả, xe ô tô, tàu thủy, ca nô, sà lan và thuyền; bốc xếp tất cả các loại hàng rời và đóng kiện trên các tàu nước ngoài.
2. Các mức phụ cấp trên chỉ được tính cho hưởng những ngày làm công việc bốc xếp như trên và được tính vào đơn giá nếu trả lương theo sản phẩm.
3. Tất cả những trường hợp ngừng việc, nghỉ việc vì bất cứ lý do nào hoặc làm công việc khác đều không được hưởng phụ cấp này.
4. Để đảm bảo tương quan tiền lương chung giữa các ngành và giữa các công việc, đồng thời tránh hưởng thụ trùng lắp không hợp lý, những công việc bốc xếp thuộc các ngành đã được hưởng phụ cấp khai thác mỏ, phụ cấp ngành vật liệu xây dựng, phụ cấp công trường, phụ cấp nghề rừng, thì không được áp dụng khoản phụ cấp bốc xếp này nữa.
5. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 1974. Căn cứ quy định, trong Thông tư này, các bộ, các ngành, các địa phương hướng dẫn việc thực hiện ở các đơn vị cơ sở bốc xếp thuộc quyền.
Những cán bộ thi hành sai Thông tư này gây tổn thất cho công quỹ của Nhà nước đều bị xử lý theo tinh thần nghị quyết 228 của Trung ương, và điều 12 của Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa công bố ngày 21 tháng 10 năm 1970.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn mắc mứu, yêu cầu trao đổi thống nhất với Bộ Lao động để giải quyết.
| BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |