Nội dung toàn văn Thông tư 16-LĐTT sửa đổi thì giờ làm việc quy định trong Thông tư 05-LĐ/TT
BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 16-LĐTT | Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 1957 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI VỀ THÌ GIỜ LÀM VIỆC QUY ĐỊNH TRONG THÔNG TƯ SỐ 05-LĐ/TT NGÀY 09/3/1955
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | Các Bộ, các Ngành ở Trung ương. |
Thông tư số 05-LĐ/TT ngày 09/3/1955 của Bộ Lao động, phần thứ II đã đặt những thì giờ dưới đây vào số giờ làm việc 8 tiếng một ngày:
- Lau chùi máy móc, sắp xếp dụng cụ trước khi rời xưởng.
- Rửa tay và thay quần áo, hoặc tắm rửa của một số công nhân phải vận dụng các chất bẩn.
- Nghỉ giải lao giữa thì giờ làm việc.
- Cho con bú.
- Lĩnh lương.
Thi hành thông tư này, một số đơn vị sản xuất đã tùy theo hoàn cảnh cụ thể của đơn vị mà xây dựng vào nội quy; nhưng cũng còn nhiều hiện tượng quy định chưa được hợp lý. Ví dụ: có nơi đặt thì giờ giải lao 10 hay 15 phút sau 2 tiếng làm việc cho toàn đơn vị không phân biệt công việc nặng hay nhẹ. Nhiều nơi cứ cuối ngày bỏ ra 15 phút để sắp xếp dụng cụ, lau chùi máy móc và hội ý công việc trong ngày, có nơi lại kể cả thì giờ đi, về của công nhân vào trong giờ làm việc 8 tiếng một ngày.
Việc quy định thì giờ làm việc như vậy đã làm cho thì giờ thực tế sản xuất giảm bớt không thích hợp với tinh thần cố gắng của toàn thể công nhân, viên chức và với yêu cầu kiến thiết kinh tế hiện nay.
Để đẩy mạnh sản xuất, khuyến khích mở rộng làm khoán, thực hiện tốt chế độ kinh tế hạch toán ở các đơn vị sản xuất, Bộ Lao động ban hành thông tư này nhằm sửa đổi từng điểm của phần II trong Thông tư số 05 về thì giờ làm việc như sau:
1. Thì giờ lau chùi máy móc và sắp xếp dụng cụ trước khi rời xưởng.
Mỗi đơn vị sản xuất sẽ tùy theo điều kiện máy móc và hoàn cảnh công tác của từng nghề mà quy định trong nội quy về thì giờ lau chùi máy móc, sắp xếp dụng cụ trước khi rời xưởng, không nhất thiết phải đặt chung cho tất cả mọi công việc.
Ví dụ: Có những bộ phận máy móc như máy phát động lực hoặc những máy móc lớn hàng tuần phải lau chùi trong giờ sản xuất. Như vậy thì giờ lau chùi sẽ được coi như giờ làm việc.
- Có những bộ phận máy hàng ngày phải lau chùi nhưng có thể làm trong những giờ làm việc hoặc hàng tuần bỏ ra ít phút trong giờ sản xuất để lau chùi như máy tiện, máy phay, máy bào… hoặc những công việc thực tế không phải để một số thì giờ để lau chùi và sắp xếp dụng cụ cho những việc trên đây không cần thiết phải đặt ra mà chỉ nên quy định và chế độ trách nhiệm mà thường người công nhân chỉ ở nán lại ít phút sắp xếp khi đã hết giờ sản xuất.
2. Thì giờ rửa tay, thay quần áo.
Nói chung, thì giờ thay quần áo không tính vào giờ làm việc, trừ một số công việc như thợ lặn, phải mặc quần áo riêng để làm việc thì giờ mặc quần áo được tính vào giờ làm việc.
Thì giờ rửa tay, tắm giặt không tính vào thì giờ làm việc.
3. Thì giờ nghỉ giải lao:
Tùy điều kiện công tác của từng nghề hay từng loại công việc mà quy định nên có thì giờ nghỉ giải lao hay không cho thích hợp nhằm bảo vệ sức khỏe cho công nhân, chứ không phải nhất thiết nơi nào cũng quy định giữa buổi làm việc phải có giờ nghỉ giải lao cho tất cả mọi người làm mọi việc.
Ví dụ:
- Thợ lặn phải tùy theo mực nước nông, sâu khi làm việc để quy định giờ làm, giờ nghỉ.
- Công nhân làm việc thường xuyên ở ngoài trời về mùa nắng như gánh đất, gánh đá thì sau một hay hai giờ làm việc cần phải bố trí dành một ít thì giờ để nghỉ giải lao, nhưng về mùa rét thì có thể không cần phải nghỉ.
- Đối với những công việc có lúc làm, lúc nghỉ để cho sắp xếp hàng thì không cần quy định thì giờ để nghỉ giải lao.
Tóm lại thì giờ nghỉ giải lao có thể tính vào thì giờ làm việc nhưng phải căn cứ vào tính chất của từng loại công việc mà quy định cụ thể vào nội quy xí nghiệp, không thể cho đó là một quyền lợi dĩ nhiên bất cứ làm việc gì cũng phải có nghỉ giải lao.
Khi đã căn cứ vào tính chất công việc mà bố trí nghỉ giải lao thì coi như đã rút bớt thì giờ làm việc chính thức, chứ không phải vừa quy định rút bớt giờ làm rồi mà lại còn nghỉ giải lao nữa.
4. Thì giờ cho con bú:
- Thì giờ cho con bú được coi như thì giờ làm việc.
- Đối với nữ công nhân, nhân viên có con nhỏ dưới một năm nếu nhà gửi trẻ hay nhà riêng ở gần nơi làm việc thì được nghỉ mỗi buổi 30 phút cho con bú (kể cả thì giờ đi và về). Trường hợp công nhân làm cả thông 8 tiếng mà con nhỏ ở xã nơi làm việc, đi về không tiện hoặc phải chờ tàu, xe đã ở lại tiếp tục sản xuất vào số giờ quy định được nghỉ cho con bú, thì giờ đó sẽ được tính trả lương như giờ làm thêm.
5. Thì giờ ăn cơm.
Đối với những đơn vị làm việc một ngày cả 3 ca nhưng có những nghề phải làm việc liên tục không có thể ăn cơm trong giờ làm việc được như thợ dệt ở nhà máy dệt Nam Định, công nhân vận chuyển đất, đá ở nhà máy xi măng Hải Phòng thì đơn vị phải bố trí cho công nhân nghỉ 30 phút để ăn cơm trong 8 tiếng làm việc.
Trường hợp có những nghề tuy cùng làm cả 3 ca trong một ngày nhưng có hoàn cảnh sắp xếp luân phiên nhau để có thì giờ ăn cơm trong giờ làm việc như công nhân đốt lửa nồi hơi, thợ coi đồng hồ điện, coi bơm… thì không nhất thiết phải bố trí thì giờ dành ăn cơm trong số 8 giờ làm việc.
Đối với các trường hợp làm việc một ngày có hai ca thì thì giờ ăn cơm nhất thiết phải bố trí ngoài giờ làm việc để bảo đảm làm việc 8 tiếng một ngày.
6. Thì giờ lĩnh lương:
Giờ lĩnh lương công nhân, nhân viên được tính vào thì giờ làm việc. Các đơn vị cần nghiên cứu tổ chức phát lương cho được gọn gàng, thích hợp để khỏi ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.
Thông tư này thi hành từ ngày ban hành và thay thế phần II của Thông tư số 05-LĐ/TT ngày 09/3/1955 về thì giờ làm việc. Nhận được thông tư này, các ngành, các địa phương cần phổ biến ngay và hướng dẫn các đơn vị sửa đổi những điểm đã quy định không hợp lý đồng thời giải thích cho anh chị em công nhân thấy rõ sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ thì giờ làm việc để đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành kế hoạch Nhà nước.
Chúng tôi tin chắc anh chị em công nhân sẽ tán thành vì quy định như trước đây không lợi cho sản xuất.
| BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |