Nội dung toàn văn Thông tư 16-LN/TT bổ sung đối tượng nữ công nhân lâm nghiệp nghề hưởng ưu đãi khi sinh đẻ, sẩy thai
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 16-LN/TT | Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 1970 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH BỔ SUNG NHỮNG ĐỐI TƯỢNG LÀ NỮ CÔNG NHÂN LÂM NGHIỆP LÀ NHỮNG NGHỀ ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI KHI SINH ĐẺ, SẨY THAI
Để chiếu cố thích đáng đối với nữ công nhân ngành lâm nghiệp làm những nghề đặc biệt, nặng nhọc có hại đến sức khỏe, sau khi có sự thỏa thuận của Tổng công đoàn Việt-nam, Bộ Y tế và Bộ Lao động (công văn số 110-LĐ/BH ngày 31-01-1970 của Bộ Lao động), Tổng cục ra thông tư này quy định bổ sung những đối tượng là nữ công nhân lâm nghiệp làm những nghề được hưởng chế độ ưu đãi khi sinh đẻ, sẩy thai như sau:
I. NHỮNG NỮ CÔNG NHÂN LÀM NHỮNG NGHỀ ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI KHI SINH ĐẺ (NGHỈ ĐẺ 75 NGÀY) VÀ SẨY THAI.
Ngoài những nữ công nhân làm những nghề trong Thông tư số 08-TT/LB ngày 24-3-1962 của Liên bộ Lao động - Nội vụ - Y tế, nay quy định bổ sung những nữ công nhân sau đây trong ngành lâm nghiệp được hưởng chế độ nghỉ đẻ 75 ngày:
1. Nữ công nhân khai thác lâm sản (chú ý không được sử dụng lao động nữ vào công việc khai thác gỗ);
2. Nữ công nhân bốc xếp củi, tre, nứa và các loại lâm sản khác ở các lâm trường, hạt, trạm miền núi;
3. Nữ công nhân vận xuất, chuyển lâm sản bằng các loại xe thô sơ ở các lâm trường, hạt, trạm miền núi;
4. Nữ công nhân chăn trâu, cắt cỏ ở các đội khai thác;
5. Nữ công nhân vệ sinh rừng, luỗng rừng, tu bổ rừng, cải tạo rừng, trồng rừng đồi núi;
6. Nữ công nhân sản xuất lạt pha phải đi lấy nứa trên rừng và nữ công nhân làm việc trong khâu đóng cồn bè máng ở các hạt, trạm miền núi;
7. Nữ công nhân làm đường vận xuất và đường vận chuyển lâm nghiệp (kể cả thủ công và cơ giới);
8. Nữ công nhân xây dựng cơ bản trong các lâm trường, hạt, trạm miền núi;
9. Nữ công nhân chế biến gỗ, than, tinh dầu, keo nấu, ta-nanh, nhựa thông ở các lâm trường, hạt, trạm miền núi.
Về điều kiện địa bàn hoạt động là miền núi để hưởng chế độ ưu đãi nói ở các điểm 2, 3, 6, 8 và 9 trên đây. Tổng cục hướng dẫn thêm như sau:
Những nữ công nhân làm việc ở những nghề kể trên, dù hoạt động ở những địa phương ghi trong danh sách những miền được hưởng phụ cấp di chuyển kèm theo Thông tư số 04-TT/LB ngày 23-03-1962 của Liên Bộ Nội vụ -Lao động hay làm việc ở những lâm trường, hạt, trạm v .v… tuy không nằm trong danh sách các địa phương được hưởng phụ cấp di chuyển nói trên, nhưng thực sự hoạt động ở các vùng rừng, núi, đều được hưởng chế độ ưu đãi khi sinh đẻ, sẩy thai.
II. CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NỮ CÔNG NHÂN LÀM NHỮNG NGHỀ NÓI TRÊN.
Nữ công nhân làm nghề ghi ở phần I trên đây, không kể thời gian làm việc dài hay ngắn, miễn nghề đó là nghề chính của họ, đều được hưởng chế độ ưu đãi khi sinh đẻ và sẩy thai như đã quy định tại điều 15 và điều 17 trong điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 218-CP ngày 27-12-1961 của Hội đồng Chính phủ, cụ thể là:
1. Được nghỉ trước và sau khi đẻ tất cả là 75 ngày (kể cả chủ nhật và ngày lễ). Nếu đẻ sinh đôi thì được nghỉ thêm 10 ngày, đẻ sinh ba được nghỉ thêm 20 ngày.
Về số ngày nghỉ trước và sau khi đẻ, chế độ trợ cấp trong trường hợp nghỉ đẻ quá sớm hoặc quá muộn, sẽ áp dụng theo như hướng dẫn tại điểm 1 trong Thông tư số 15-TT/LB/3a ngày 22-04-1966 của Liên Bộ Y tế - Tổng công đoàn.
Về chế độ bồi dưỡng, tiền tã lót vẫn áp dụng như chế độ hiện hành.
2. Khi sẩy thai thì ngoài số ngày được nghỉ tối đa theo quy định chung (15 ngày đối với trường hợp có thai từ 3 tháng trở xuống và 30 ngày nếu có thai trên 3 tháng), còn được nghỉ thêm từ 3 đến 10 ngày do thầy thuốc đề nghị, tùy theo tình hình sức khỏe của từng người.
3. Nữ công nhân nghỉ đẻ và nghỉ sẩy thai trong thời gian quy định như trên, được hưởng 100% tiền lương kể cả các khoản phụ cấp và trợ cấp con nếu có do quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Trong quá trình thực hiện nếu các đơn vị gặp khó khăn gì thì kịp thời phản ánh về Tổng cục để tiếp tục nghiên cứu giải quyết.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |